Guy Birenbaum và tác phẩm Nos délits d’initiés
Ông Jacques Chirac có tình cảm hết sức đặc biệt với nước Nhật. Do đó đã có những tin đồn hết sức giật gân chung quanh “mối tình” lạ lùng này. Ngoài tin đồn ông Chirac có 45 triệu đô la trong ngân hàng Tokyo Sowa còn có một câu chuyện khác rất riêng tư: ông Chirac có một giọt máu rơi ở Nhật. Nhiều nhà báo Pháp biết chuyện này nhưng không nói ra vì người Pháp không giống người Mỹ.
Ở Mỹ, chuyện đời tư của chính khách nếu có gì không phải đều bị báo chí khui ra. Chuyện ông Bill Clinton lăng nhăng tình ái với nhân viên tập sự Monica Lewinsky là một ví dụ điển hình. Nhưng ở Pháp, các nhà báo rất ngại đụng chạm đến đời tư của các chính khách, đồng thời truyền thống báo chí Pháp cũng rất xa lạ với cách hành xử theo kiểu Mỹ.
Bí mật ai cũng biết
Guy Birenbaum, một cây bút chuyên về chính trị đồng thời là một nhà xuất bản sách, có lẽ là một trong số ít nhà báo đã phá lệ. Trong cuốn Nos délits d’initiés (Tội của chúng ta, những người am hiểu) đã lớn tiếng chê trách các đồng nghiệp của ông là “đạo đức giả mang tính thể chế” vì biết nhiều chuyện thầm kín của các chính khách nhưng lờ đi.
Cuốn sách nói trên xuất bản năm 2003 in 120.000 bản bán cái vèo. Độc giả thích quyển sách này vì nó phô bày những “bí mật ai cũng biết” nhưng các nhà báo, các nhà xuất bản và các chính khách không bao giờ nói ra. Một người phụ trách sách sử của một nhà sách lớn ở Paris giải thích: “Bất cứ quyển sách nào phơi bày những thông tin cá nhân người của công chúng đều được vồ vập. Độc giả có nhu cầu muốn biết khía cạnh con người của những người nổi tiếng”.
Quyển sách đề cập đến nhiều tin đồn thuộc bí mật đời tư của nhiều ông tai to mặt lớn trong chính trường Pháp, trong đó đặc biệt là tin đồn ông Chirac có một giọt máu rơi ở Nhật. Kết quả của một mối tình lãng mạn với một nữ thông dịch viên người Nhật vào những năm 1970 này là một cậu con trai 20 tuổi (vào thời điểm phát hành sách) hiện đang sống ở Thụy Sĩ.
Theo Birenbaum, chuyện ông Chirac có một đứa con ngoài giá thú, các nhà báo Pháp ở Nhật đều nghe biết nhưng không ai chịu nói ra. Birenbaum không trưng ra được một bằng chứng cụ thể nào mà chỉ dựa vào những sự kiện (ví dụ tính đến năm 2003, ông Chirac đã đi Nhật hơn 40 lần với tư cách là chính khách hàng đầu của nước Pháp hoặc cá nhân) và những tin đồn lan truyền khắp chính trường Pháp và cộng đồng người Pháp ở Nhật từ nhiều năm trước. Tuy vậy, ông là nhà báo đầu tiên chính thức đưa tin Tổng thống Jacques Chirac có một đứa con rơi ở Nhật. Nhiều cuốn sách trước đó nói nhiều về những mối tình của ông Chirac, một chính khách nổi tiếng đa tình, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ đề cập tới giọt máu rơi ở Nhật.
Tháng 9-2006, hai nhà báo Christophe Deloire và Christophe Dubois lại đề cập tới bí mật đời tư ông Chirac nói trên trong quyển Sexus Politicus. Cũng không có những bằng chứng cụ thể mà là những phân tích dữ kiện, những sự trùng hợp kỳ lạ.
Ngày 26-3-2005, ông Chirac đến Osaka với một đoàn tùy tùng bao gồm nhiều bộ trưởng. Đây là lần thứ 45 ông đến xứ mặt trời mọc với tư cách là tổng thống Pháp. Nhiệm vụ chính của ông là cổ xúy việc gia tăng sự hợp tác công nghiệp giữa các nhà doanh nghiệp Pháp-Nhật. Ngoài ra, ông phải chủ tọa lễ khánh thành gian hàng Pháp tại hội chợ thế giới Aichi 2005 ở Nagoya.
Mặc dù lịch công tác dày đặc, ông vẫn tranh thủ dự một buổi đấu võ sumo. Ông không đi một mình mà đi cùng với các bộ trưởng. Nhiều vị trong đoàn tỏ vẻ chán ngán. Cả đệ nhất phu nhân Bernadette Chirac cũng không hào hứng gì. Thậm chí ông Nicolas Sarkozy có mặt trong đoàn không ngần ngại phán luôn: “Một môn thể thao không trí thức chút nào”.
Ông Chirac nổi tiếng là một người am hiểu văn hóa Nhật. Đặc biệt ông rất thích xem đấu võ sumo. Ông mê đến nỗi yêu cầu đài truyền hình thể thao Eurosport thường xuyên gửi cho ông các băng hình đấu võ sumo. Trong một tủ nhỏ của ông ở Điện Élysée, ông chất đầy những bản kết quả thi đấu sumo ở Nhật.
Một nhà vô địch Sumo
Điều kỳ lạ là ông không cùng bay đến Osaka và ở cùng một khách sạn với đệ nhất phu nhân Bernadette mà đi riêng đến Osaka lúc nửa đêm. Bà Bernadette nghỉ trong một khách sạn ở trung tâm thành phố Osaka. Ông Chirac đi sau với lý do chính thức là bận dự một cuộc họp quan trọng ở Bruxelles. Ông chỉ nghỉ vài giờ trong một khách sạn nằm gần sân bay rồi đi làm việc luôn.
Người ta tự hỏi đó là một tình huống bất khả kháng hay ông Chirac có lý do riêng. Trong khi chính quyền Osaka có chút ngạc nhiên và lúng túng bởi việc bố trí lực lượng bảo vệ tổng thống và phu nhân ông Chirac trở nên phức tạp và tốn kém thì một quan chức Nhật đưa ra một lời giải thích rất nghiêm túc: “Ông ấy tranh thủ đi thăm con trai”. Trong phái đoàn ông Chirac, không mấy ai lộ vẻ bất ngờ cả. Bởi tin đồn ông Chirac có một giọt máu rơi ở Nhật lan truyền từ lâu ở Paris cũng như Tokyo.
Ở Nhật, một tờ báo từng đề cập đến câu chuyện nói trên vào năm 2002. Thậm chí một nhà báo của Asahi Shimbun, một tờ báo hàng đầu ở Nhật, còn nói: “Người ta còn đồn con trai ông ấy là một nhà vô địch võ sumo rất nổi tiếng ở Nhật vì ông Chirac theo dõi tất cả các trận đấu của cậu ấy”.
Ở Nhật, nếu người ta mỉm cười trước tin đồn nói trên thì ở Pháp trở thành một vấn đề chính trị nghiêm túc vào thời điểm bầu cử tổng thống và lập pháp. Vấn đề đặt ra là, nếu tin đồn ông Chirac có con riêng ở Nhật là đúng, thì liệu công quỹ của Pháp có bị sử dụng không đúng mục đích hay không. Bởi vào tháng 11-2002, một lá thư đăng trên website Intelligence online khẳng định rằng bộ phận chống tội phạm của DGSE từng ghi nhận “những khoản tiền chi trả tiền học ở Nhật cho một cậu thanh niên, được coi là con riêng của tổng thống”.
NGUYỄN CAO
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét