Thứ Bảy, 14 tháng 7, 2007

Tình Dục Trong Thế Giới của Người Hồi Giáo Độc Thân

Sống trong một xã hội cấm quan hệ trước hôn nhân như ở Palestine, ngày càng nhiều đàn ông trẻ tuyệt vọng tìm lối thoát qua những đoạn băng khiêu dâm trên điện thoại di động. Một số thì đi tìm gái làng chơi. Nhưng đa số họ vẫn còn trinh cho tới tận đêm tân hôn.

Bốn người đàn ông chụm đầu vào màn hình một chiếc điện thoại di động. Ánh sáng nhợt nhạt của nó hắt ra nơi cầu thang tối ở một trung tâm mua sắm cũ kĩ tại Ramallah, thành phố được coi là thủ đô của người Palestine . Trong đoạn băng dài 30 giây, một người đàn ông bắt một phụ nữ trẻ phải quan hệ. Cô gái có vẻ như là một người theo đạo Hồi, miễn cưỡng tuân theo. Còn bốn người đàn ông hồi hộp xem đoạn băng, bởi nếu bị bắt quả tang, họ sẽ bị nhìn bằng một ánh mắt khác ngay lập tức.

Tất cả họ đều mới chưa đầy 30 tuổi, tất cả đều được xem là tầng lớp trí thức trung lưu. Mắt họ mở to, và có vẻ như tự thấy mình thật đáng ghê tởm khi xem đoạn băng. Từ trước đến nay đây là lần “tiếp xúc” gần gũi nhất của họ với sex.

Subaib, một nhà nghiên cứu 28 tuổi làm việc trong chính quyền Palestine cho biết: “Lần đầu tiên tôi xem đoạn băng như thế, nó làm tôi càng muốn xem nhiều hơn, nhiều hơn nữa. Tôi cảm thấy xấu hổ vì điều đó, và chỉ xem mỗi đoạn duy nhất một lần”.

Viễn cảnh kết hôn

Một số đoạn phim ngắn khiêu dâm có “nguồn gốc” ở ngay Rammallah và Đông Jerusalem, thường được chuyển qua các máy điện thoại của những người quen biết nhau. Nhưng một số đoạn video lại có xuất xứ từ những nơi xa xôi như .

Không giống như bạn bè mình, Subaib sắp kết hôn. Anh may mắn sẽ được cưới người em họ của mình, mới 14 tuổi. Do là họ hàng nên anh có nhiều lợi thế. “Bởi vì cô ấy là em họ tôi, nên họ cho chúng tôi 4.000 đô la tiền hồi môn. Đó được xem là món hồi môn khá lớn”, anh cho biết.

Song đó vẫn chưa phải là tất cả những gì anh được cho. Theo truyền thống, chú rể phải trả cho các món đồ cưới bằng vàng, sẽ trở thành vật gia truyền của người mẹ sau này, tiệc cưới và các chi phí khác.Gia đình chú rể thường góp tiền để chi trả cho những chi phí trên, nhưng ngày nay rất ít gia đình có đủ lực để giúp đỡ con cái họ. Ở Gaza hầu hết người Palestine có thu nhập dưới 2 đô/ngày và tỉ lệ thất nghiệp lên tới gần 40%. Tình hình ở Bờ Tây cũng không khá khẩm hơn là mấy.

Theo nhà tâm lý hành vi người Palestine Leila Atshan, trước kia mọi người kết hôn ở độ tuổi trẻ hơn, và dưới sự sắp đặt của gia đình.

“Khi người ta chỉ làm nông, mọi việc đơn giản hơn”, cô cho biết. “Họ sống chỉ quanh quẩn trong đại gia đình của họ. Họ chia sẻ cùng một mái nhà và tất cả mọi thứ khác. Nhưng giờ đây xuất hiện quan niệm về đời sống cá nhân, về cuộc sống hiện đại, thành phố và những yêu cầu mới đối với chú rể”.

"Lúc nào cũng bồn chồn"

Shawki, 30 tuổi, là một sinh viên vừa mới tốt nghiệp tại đại học Bir Zeit ở Bờ Tây. Mỗi tháng anh kiếm được 500 đô. Thế là đủ cho anh mua bộ đồ hợp mốt đang mặc, nhưng còn lâu mới đủ cho một đám cưới, của hồi môn hay thậm chí là thuê một căn nhà.

Vào một đêm thứ năm mùa hè ở Ramallah, đêm trước ngày lễ thứ sáu Sabbath của người Hồi giáo, mọi người mở tiệc và ngắm pháo hoa. Nhưng đối với Shawki, âm thanh của buổi lễ chỉ làm cho anh thêm chán nản. Anh thấy mình càng bị kích động hơn.

“Lúc nào tôi cũng bồn chồn. Tôi bắt đầu chán ghét mọi người, ngay cả bạn bè tôi”, anh nói. “Dĩ nhiên tôi không muốn là một người vẫn còn trinh, đơn giản là tôi không thể có đủ tiền để cưới vợ”.

Theo Atshan, cảm giác của Shawki không phải hiếm thấy. “Mọi người ám ảnh bởi những gì đang bị cấm đoán, không biết liệu đó có phải do đói ăn hay do ức chế về tình dục”. Atshan cho biết thêm, tỉ lệ thất nghiệp cao cùng khó khăn về kinh tế “đã khiến rất nhiều người thấy tiếc vì đã sống quá bảo thủ. Thậm chí mối giao tiếp xã hội giữa nam và nữ ở trường học hay quán café cũng bị cấm đoán”.

Còn theo Bassem Ezbidi, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Bir Zeit ở Bờ Tây, thì người Palestine thậm chí còn cởi mở hơn rất nhiều người ở các nước khác tại Trung Đông. “Bế tắc về chính trị với và xung đột nội bộ giữa Hamas và Fatah cũng góp phần” cho những tuyệt vọng trên, chứ không chỉ riêng gì kinh tế.

Người sử dụng điện thoại di động tăng vọt trong 5 năm trở lại đây, ông cho biết. Sinh viên của ông trong tay lúc nào cũng cầm điện thoại di động đời mới, thứ duy nhất mà họ có thể có được.“Đáng buồn là họ dùng điện thoại không phải để liên lạc, mà để xem những đoạn băng khiêu dâm và download những kiểu nhạc chuông chẳng ích lợi gì. Điều đó đang dấy lên lo ngại ở trường học”, nơi những âm thanh đổ dồn của điện thoại, tiếng bíp bíp của tin nhắn trở thành một “nạn dịch”.

Trở lại trung tâm mua sắm ở Ramallah, bốn người đàn ông đã xem xong đoạn video. Họ trở lại nơi được gọi là quán bar dành cho các cặp đôi. Ở đây đàn ông và phụ nữ ngồi trong những góc tối, sát bên nhau, nhưng không bao giờ được chạm vào nhau. Chỉ có ở nơi đây, những người không bị ai “quản lý” mới rụt rè đưa ra những “hành vi xã hội” nằm trong khuôn khổ có thể chấp nhận được.

Còn trinh đến tận 50 tuổi?

Tháng sau Muhammed và Muna sẽ kết hôn. Muhammed là công nhân xây dựng, kiếm được khoảng 700 đô một tháng. Họ chẳng giàu có gì. Họ muốn một đám cưới giản tiện, nhưng truyền thống và cha mẹ bắt họ phải làm điều ngược lại. Đó là một thiệt thòi lớn cho Muna, không giống như những phụ nữ khác ở đây, khi kết hôn vì tình yêu.

Cô cho biết cảm thấy buồn chán khi ở nhà. “Tôi phát ốm trước những sức ép. Họ muốn Muhammed phải gánh chịu tất cả chi phí và muốn mời cả làng tới dự đám cưới”. Mà cả làng có ít nhất 2.000 người, tất cả phải được dự tiệc cưới, cô cho biết.

Một mặt, Muna tự coi mình là một phụ nữ hiện đại. Cô có việc làm và không cảm thấy cần phải có một đám cưới đúng theo truyền thống để đánh dấu ngày trọng đại trong cuộc đời mình. Mặt khác, cô cũng thấy không thể thoái thác được truyền thống và gia đình.

Đó là một nghịch cảnh ở trong một xã hội mà những người yêu nhau nắm tay trên đường phố thì bị coi là sai trái, mà những đoạn băng khiêu dâm được truyền qua điện thoại di động lại đang ngày một tăng.

Sinh viên vừa tốt nghiệp Shawki cho biết tuần nào chiếc điện thoại của anh cũng báo có những đoạn phim XXX mới dài. Anh cho biết anh xem chúng một lần rồi vội vàng xóa ngay.

Suhaib, bạn của Shawki, sắp kết hôn. Nhưng với Shawki thấy thật khó mà cảm thấy hạnh phúc được. “Tôi đảm bảo rằng, với kiểu như thế này, tôi sẽ vẫn còn trinh tới tận năm 50 tuổi mất”.

PV Theo ABC

Nhà Hàng: ĐÀ LẠT

158, Boulevard Masséna
75013 PARIS
Tel.: 01 45 70 72 35

TÌM CHÚT HƯƠNG VỊ ĐÀ LẠT VÀ CHÚT ẤM CÚNG, VĂN NGHỆ BỎ TÚI... ANH CHỦ QUÁN PLAY GUITAR, KHÁCH VĂN NGHỆ CA HÁT.

XIN GHÉ THĂM MỘT LẦN ĐỂ CÒN GHÉ THĂM HOÀI HOÀI, NHỚ NHỚ !

Oan Ơi Ông Địa!

Nguyễn Mạnh San

Người Việt Nam khi đi ăn nhà hàng thường hay gọi mấy món ăn chơi trước nhưng thực ra là ăn thiệt, rồi mới đến món ăn chính. Hoặc đôi khi người ta còn nói là làm chơi mà có tiền nhưng thực ra làm thiệt. Có khi công việc làm chơi còn vất vả hơn công việc làm thiệt rất nhiều.

Rồi đôi khi người ta chỉ nói chơi cho vui chứ không có ý gì, hoặc đôi khi người ta có hành động nhưng trong đầu óc họ không hề có dụng ý gì xấu xa, đen tối. Thế nhưng ở Hoa Kỳ người Việt Nam ta cần phải nên thận trọng từ lời nói chơi cho đến hành động vô tư của mình.

Trong hai câu chuyện mà tôi sắp kể lại sau đây, do một câu nói chơi cho vui đối với một cậu bé Mỹ lên 10 tuổi: “Hãy đi chỗ khác chơi, tao xẻo chim mày bây giờ” và “Một hành động sờ chim con nít” của một ông già, hoàn toàn không có dụng ý tình dục.

Vậy mà cả 2 người Việt Nam đã bị tống giam và lãnh án tù chỉ vì một câu nói đùa cho vui và cũng chỉ vì một hành động sờ chơi theo thói quen khi còn ở quê nhà mà phải ân hận suốt đời. Bởi vì nếu hiểu theo mặt tình cảm thì hai người này hoàn toàn vô tội, nhưng đứng về mặt pháp lý thì hai ông đều phạm trọng tội vì tình thì ngay nhưng lý lại gian như sau:

Trước hết là câu chuyện một ông già tỵ nạn với cậu bé người bản xứ 10 tuổi. Ông A đang cầm cái kéo to dài để tỉa hàng rào cây bao bọc chung quanh nhà của ông ta với người con trai 14 tuổi cũng đang phụ giúp bố để hốt những lá cây, bỏ vào túi rác. Bất chợt một cậu bé Mỹ ở nhà bên cạnh, chạy đến gần để xem ông tỉa cây. Ông bèn giơ cái kéo lên cao, đưa gần vào mặt cậu và nói chơi với cậu bé: “Mày hãy lui ra chỗ khác chơi cho tao nhờ, nếu không tao sẽ xẻo chim mày bây giờ”. Con trai của ông liền dịch sang tiếng Mỹ cho đứa bé nghe. Sợ qúa, nó hốt hoảng chạy về nhà mách mẹ của nó. Nghe xong, mẹ đứa bé liền nhấc điện thoại gọi 911 và chỉ ít phút sau, cảnh sát đến còng hai tay ông ta, đưa ông ta lên xe, đem về trại tạm giam.

Sáu tháng sau, phiên tòa xử ông A có Bồi Thẩm Đoàn. Luật sư bên Công Tố Viện trình bầy tự sự, kèm theo sự biểu diễn lại các động tác bằng tang vật là cái kéo to dài của ông A, và nhắc lại lời nói chơi đe dọa đứa nhỏ của ông A trước phiên Tòa. Mặc dù có sự biện hộ khá tỉ mỉ của vị luật sư đang cố gắng bênh vực cho ông ta được hoàn toàn vô tội, nhưng Bồi Thẩm Đoàn vẫn đồng nhất bỏ phiếu là ông A thực sự có phạm tội đe dọa trẻ con dưới tuổi vị thành niên bằng vũ khí nguy hiểm. Ông A bị Toà tuyên án 5 năm tù ở về tội mưu toan giết người với vũ khí nguy hiểm. Nếu trong thời gian ở tù ông ta có hạnh kiểm tốt thì ông ta chỉ cần ở trong tù 2 năm rưỡi, thời gian còn lại, ông ta sẽ được tại ngoại trở về nhà để thi hành cho xong bản án 5 năm của ông.

Trước ngày ông phải rời bỏ trại tạm giam để lên đường đến một trại tù khác, ông buồn rầu than thở với tôi rằng hồi ông còn ở Việt Nam, ông vẫn thường nói chơi với tụi trẻ con ở bên hàng xóm hay với con cháu trong nhà, câu nói như vậy. Ðôi khi còn nói nặng hơn nhiều, ổng kể lại có lúc ông vừa nói vừa trợn trừng đôi mắt, giả vờ như rất tức giận, hét lên: “Mày mà không đi ngay cho khuất mắt tao, tao bắn bỏ mạng mày bây giờ, hoặc tao hỏi mày không nói hả, tiện có con dao bén đây, tao sẽ mổ họng mày ra hay tao sẽ cắt lưỡi, bẻ răng mày ra từng cái ngay bây giờ.” Vậy mà có sao đâu.

Giờ đây chạy thoát được Cộng Sản, suýt tí nữa bị toi mạng sống trên biển cả để đến được cái xứ Cờ Hoa nổi tiếng là tự do, dân chủ và văn minh nhất thế giới này. Nhưng chỉ vì một câu nói chơi cho vui mà mang họa. Ông luật sư Công Tố Viện lập lại lời nói đe dọa chơi của tôi và cầm cái kéo tỉa cây to dài của tôi, giơ nó lên cao khỏi đầu, dí nó sát vào mặt con búp bê, tượng trưng cho thằng nhỏ, làm cho Bồi Thẩm Đoàn vừa nghe vừa nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng này như họ đang được coi một phim khủng long, thì bố bảo ai coi mà chả phải hồi hộp, toát mồ hôi lạnh. Có khi họ muốn vãi cả nước trong quần ra là đàng khác, nên họ tin ngay là tôi nói thật và sắp làm thật đối với đứa trẻ nhỏ, để hôm nay tôi phải ngồi tù 5 năm. Nếu biết trước được sự thể như thế này thì thà tôi nói chơi nhưng làm thật cho đáng đồng tiền bát gạo đối với những ngày tôi phải ở tù.

Thầy thấy không, thật là quá oan ức cho tôi, chỉ có Chúa mới biết rõ lòng dạ con người và nhất là người Việt Nam đều hiểu câu nói chơi 100% này của tôi. Xin Thầy làm ơn làm phúc, nhớ cầu nguyện ơn trên ban xuống cho tôi được một lòng giữ vững đức tin vào Chúa để tiếp tục vác Thánh Gía theo chân Chúa trong những ngày còn lại của đời tôi ở trên thế gian này.

Còn nói về trường hợp ông B đã khá lớn tuổi, cháu nội gái của ông tên là Cúc ở chung nhà với ông. Ðối diện trông sang nhà ông có cô con gái người Mỹ tên là Linda, học chung một trường với cháu ông. Mỗi buổi chiều tan học về, Linda đều bế em trai út của Linda sang nhà Cúc chơi cho tới 6 giờ 30 chiều khi mẹ cô ta tan sở làm về thì Linda mới bế em bé về nhà.

Rồi một hôm ông B có người bạn rất thân đến nhà thăm ông B, trong khi ông B có vẻ thích thú, đang ôm ấp trong đôi cánh tay ông đứa bé béo tròn, em trai Linda. Đặc biệt đứa bé này có đôi mắt xanh biếc như hai hòn bi ve và có mái tóc nâu óng ánh như những sợi tơ hồng. Trong lúc ông B đang ngồi nói chuyện với người bạn và đôi cánh tay ông vẫn ôm chặt đứa bé trông kháu khỉnh dễ thương này ở trên đùi của ông, thì bất chợt, ông lấy tay vạch cái tã của đứa bé ra để con chim của nó lòi hẳn ra ngoài và ông khoe với người bạn: “Này, anh hãy nhìn cho kỹ xem, sao mà con chim của nó trông đẹp mũm mĩm, đỏ tròn như trái ớt chín tươi nhỉ?”.

Trong khi ông nói như thế thì tay ông lại nâng niu con chim của đứa bé. Linda, chị của đứa bé tình cờ đi qua, nhìn thấy tận mắt một tay ông B đang ôm chặt trên ngực đứa bé, còn tay kia thì đang nâng niu con chim của đứa bé.

Buổi tối hôm đó về nhà, Linda kể lại rõ hành động kỳ lạ của ông B cho mẹ nghe. Ngay sau đó, mẹ Linda gọi điện thoại trình báo cho cảnh sát biết sự việc xẩy ra theo đúng như lời của con gái bà đã thuật lại cho bà nghe.

Thế là tối khuya hôm đó, cảnh sát đến nhà còng hai tay ông B, dẫn lên xe đưa về trại giam và ông B được cảnh sát cho biết ông phạm tội kích thích tình dục trẻ thơ.

Mặc dù ông có luật sư riêng bênh vực ông trong phiên xử, nhưng Bồi Thẩm Đoàn vẫn đồng nhất bỏ phiếu cho ông là hoàn toàn có tội và Tòa tuyên án ông B 3 năm tù ở về tội sờ mó con nít với dụng ý kích thích tình dục.

Sau ngày ông B lãnh án, tôi có đến gặp ông lần chót và nét mặt ông B tỏ ra vừa buồn rầu lẫn bực tức, cho rằng mình hoàn toàn bị oan ức, ông nói: “Chắc Thầy Sáu còn lạ gì ở Việt Nam, vấn đề sờ chim con nít là chuyện thường, vì bố thương con hay ông thương cháu, vẫn thường lấy tay nâng niu chim của con hay của cháu và đôi khi còn lấy miệng hôn nó nữa”.

Tôi đồng ý với ông B, vì chính tôi đã có lần nhìn thấy cảnh tượng này khi tôi còn nhỏ tuổi ở dưới quê nội. Ông B lại kể tiếp: “Đây không phải là lần đầu tiên tôi có hành động đó mà thật ra đã nhiều lần rồi, vì tôi rất thương mến đứa bé Mỹ này, mặt mũi nó trông khôi ngô, sáng sủa, xinh đẹp như con búp bê và con chim nó thì lại trông tròn trĩnh, hồng hào như trái ớt tươi mới hái ở cây đem vào nhà; quen thói ở Việt Nam, tôi mới nâng niu nó. Chứ thú thật với Thầy, cách đây khoảng 2 năm, tôi về Việt Nam liên tục 6 tháng, có biết bao nhiêu cô gái xinh tươi trẻ đẹp, đáng tuổi con cháu của tôi, muốn quyến rũ tôi đi chơi riêng với họ. Thậm chí có cô còn dám ngỏ lời ong bướm, muốn lấy tôi làm chồng để theo tôi về Hoa Kỳ. Nhưng tôi nhất quyết từ chối, không đi chơi mà cũng không lấy ai hết, mặc dù vợ tôi đã qua đời hơn 8 năm nay rồi và bây giờ tôi đã là ông nội ông ngoại cả rồi. Vậy tôi điên khùng gì mà lại đi làm chuyện kỳ quặc, quái gở như thế đối với một đứa con nít, tâm hồn nó còn trong trắng, hồn nhiên như Thiên Thần. Đúng là ngày giờ tôi gặp phải sao quả tạ và tôi nghĩ lại khi còn trẻ, có lẽ tôi phạm tội nhiều nên giờ này tôi bị Chúa phạt”.

Chờ ông nói xong, tôi liền giải thích cho ông hiểu là Chúa luôn luôn nhân từ, thương hết mọi người, Ngài chẳng hề ghét bỏ hay phạt vạ ai bao giờ, dù người đó hung ác hay xấu xa thế mấy đi chăng nữa, nếu có lòng ăn năn sám hối tội lỗi của mình, Ngài vẫn thương yêu và còn tha thứ hết mọi tội lỗi cho họ. Chỉ có người đời khi bị tù tội hoặc gặp hoạn nạn, thường hay âm thầm tự nghĩ, hoặc nói là tại mình tội lỗi qúa nên bị Chúa phạt. Vô tình người ta đã gán cho Chúa một hành động qúa nghiêm khắc mà thực ra Chúa đâu có làm.

Tôi cũng nhắc nhở ông rằng giờ phút này, ông đâu còn sống ở Việt Nam nữa, ông đang sinh sống ở trên xứ lạ quê người, ông cần phải biết tuân giữ luật lệ và tập tục của người ta như câu: “Nhập gia thì phải tùy tục.” Bởi vì mỗi một quốc gia đều có một nền văn hóa riêng và một số tập tục khác biệt hẳn với những quốc gia khác trên thế giới.

Chẳng hạn như ở Việt Nam, nếu lỡ có đi tè bậy nơi công cộng cũng chẳng sao và nếu có tè bậy ở sau vườn nhà của mình thì lại càng được bảo đảm an ninh hơn nữa, vì sẽ không sợ ai đi thưa kiện mình trước pháp luật. Nhưng ở đây nếu làm như vậy và ngay cả làm như vậy ở trong vườn nhà mình, nếu có người hàng xóm vô tình mà nhìn thấy, gọi điện thoại cho cảnh sát biết thì sẽ bị đưa về bót, đóng tiền thế chân tại ngoại để chờ ngày ra Toà xét xử. Nên biết rằng cho dù người hàng xóm nhìn thấy cảnh tượng đó là một bà lão gần đất xa trời hay là một em bé gái dưới tuổi vị tuổi thành niên còn thơ ấu mà nhìn thấy cảnh tượng đó thì tội phạm lại càng nặng hơn nhiều. Ðôi khi có thể bị buộc tội là cố ý khiêu khích tình dục đối với bà lão hay đối với em bé còn thơ ngây.

Lạm dụng tình dục, nhất là đối với trẻ em là tội lớn đối với luật pháp Hoa Kỳ. Mới đây một tòa án ở tiểu bang Texas đã kết tội một người trung niên bản xứ 365 năm tù vì đã có hành động như vậy với sáu em bé vị thành niên.

Thành ra khi kể lại hai trường hợp tình ngay lý gian trên đây chúng tôi chỉ muốn lưu ý đồng hương cẩn thận trong việc giao tế thân mật với người bản xứ.

(*) Ông Nguyễn Mạnh San là Phó Tế tại Oklahoma City-Oklahoma.

Khiêu vũ vừa vui vừa khỏe

Bs Nguyễn Ý-Ðức

Nhẩy múa là một phần của nền văn hóa mỗi quốc gia, xuất hiện từ khi con người có mặt trên trái đất. Người ta nhẩy múa trong lễ nghi tôn giáo, trong liên hoan kỷ niệm, giao tế nhân sự, trong giải trí cá nhân, trước khi lâm trận chiến tranh, săn bắn vả cả trong liên hoan gây quỹ từ thiện, bác ái. Nhiều dân tộc có tục lệ nhẩy múa trong ma chay tử biệt, vừa để biểu lộ niềm tiếc thương đối với người quá cố vừa chúc mừng giải thoát về cõi bình an.

Nhẩy múa gợi ra ít nhất một số yếu tố của nền văn hóa qua quần áo mặc khi biểu diễn, nhạc cụ, điệu nhẩy và thể điệu âm nhạc riêng của từng dân tộc.

Nhẩy múa hoặc khiêu vũ là di chuyển các bước chân theo điệu nhạc một mình, cùng bạn nhảy hoặc trong một nhóm tại nhà, câu lạc bộ, hội quán hoặc vũ trường, nhà hàng...

Các từ “múa đôi”, “nhẩy đầm”, “nhảy nhót”, đi “bum” “đi bal”, khiêu vũ thể thao (DanceSport), khiêu vũ trường sinh… cũng thường được dùng.

Nhẩy múa đã được tạo hóa gắn vào mỗi tế bào của con người kể từ thuở mới mở mắt chào đời, giơ tay, đạp chân, oe oe tiếng khóc. Cho nên tục ngữ châu Phi có nhận xét “Ai biết nói thì cũng hát được. Ai biết đi thì cũng biết nhẩy múa”.

Thánh Kinh có ghi: “Mọi sự ở đời đều có từng mùa và một thời gian cho mỗi mục đích. Có thời gian để sinh, thời gian để chết, thời gian để thu lượm hoa trái. Có thời gian để chém giết lẫn nhau, thời gian để lành bệnh, thời gian để tan vỡ, để hàn gắn, để khóc, để cười, để thương tiếc và thời gian để nhẩy múa”.

Aristotle xếp nhẩy múa ngang hàng với thi ca và cho rằng một số vũ công có thể diễn tả các ứng xử xã hội, tình cảm và hành động qua nhiều điệu bộ nhịp nhàng.

Vũ công danh tiếng Mata Hari (1876-1917) triết lý “nhẩy múa là một bài thơ mà mỗi cử động là một lời nói”.

Theo Albert Einstein, “Vũ công là các lực sĩ của Thượng Ðế”.

Voltaire khuyên “Hãy đọc sách và khiêu vũ vì đó là hai thú vui không bao giờ làm hại ai”.

Vì, theo Shirly Maclaine: “Khi nhẩy, tôi không thể phán xét, ghen ghét, tự tách xa đời sống. Tôi chỉ có thể hoàn toàn vui vẻ. Ðó là lý do tại sao tôi khiêu vũ”.

Nữ văn sĩ Vicki Baum (1888-1960) lại nói “Có nhiều đường tắt để đi tới hạnh phúc và khiêu vũ là một trong những con đường đó”.

Còn thi sĩ người Pháp Paul Valery (1871-1945) thì coi nhẩy múa như “một hành động biến đổi hình dáng hoặc bản chất”.

Các nhà chuyên môn y khoa học ngày nay đã chứng minh nhẩy múa, khiêu vũ còn có nhiều ích lợi cho sức khỏe con người.

Ích lợi tim mạch

Bác sĩ Rita Beckford, Giám đốc Trung tâm Cấp Cứu Twinsburg tại tiểu bang Ohio, Hoa Kỳ cho biết khiêu vũ với nhạc điệu tiện lợi hơn là tới vận động tại câu lạc bộ thể dục vì nó giản dị và vui thú. Theo vị thầy thuốc này: “Vận động chỉ hữu ích khi thực hiện đều đặn và chỉ đều đặn khi ta cảm thấy thích thú. Do đó, dù với bất cứ thể điệu nào, khiêu vũ giúp con người thu lượm được nhiều ích lợi như sự dẻo dai, cưòng tráng, tiêu hao mỡ”

Theo bác sĩ chuyên môn tim mạch Hermes Ilarraza của Viện Tim Quốc gia, New Mexico, “Ích lợi của sự vận động với bệnh nhân tim mạch đã được xác định. Tuy nhiên, gắn bó với thể dục thường không kéo dài vì người bệnh cảm thấy nhàm chán. Nhưng, bản tính con người là thích nhẩy múa, vì thế khiêu vũ có thể là sinh hoạt hấp dẫn”.

Bộ Canh Nông Hoa Kỳ cho khiêu vũ là một hoạt động vừa phải, tương tự như đi bộ nhanh, vừa đi vừa đánh golf hoặc đạp xe đạp muời dặm một giờ. Cơ quan này cũng khuyên nên khiêu vũ khoảng 30 phút mỗi ngày.

Viện National Heart, Lung and Blood Hoa Kỳ xác định khiêu vũ giảm rủi ro bệnh động mạch vành, giảm huyết áp, giữ sức nặng cơ thể trung bình và tăng sức mạnh của xương chân, xương hông.

Kết quả nghiên cứu của Mayo Clinic cho hay khiêu vũ xã giao giúp nâng cao sức khỏe, giảm căng thẳng, tăng sự phối hợp và sức chịu đựng của cơ thể.

Trong hội thảo khoa học của Hội Tim Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2006 tại Anaheim, tiểu bang California, Giáo sư Romualdo Belardinelli, Ðại học Y Politecnica delle Marche, Italy, đã tường trình kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của khiêu vũ đối với bệnh tim. Theo ông, “khiêu vũ là một lựa chọn mới về vận động cơ thể đối với bệnh nhân bị suy tim”.

Trong một nghiên cứu trước đây, bác sĩ Belardinelli và đồng nghiệp nhận thấy rằng khiêu vũ, đặc biệt là vũ điệu valse chậm và nhanh, đều an toàn và nâng cao khả năng cũng như phẩm chất đời sống của người đang có bệnh tim hoặc đã có cơn suy tim.

Nhóm khoa học gia này tái thực hiện nghiên cứu ở những người đang bị bệnh tim mãn tính và thấy có cùng kết quả. Theo ông, sự làm việc của cơ thể trong khi khiêu vũ tương tự như sau khi tập luyện thể hình (aerobic exercise).

Suy tim xẩy ra khi sức bơm máu của cơ quan này yếu giảm, đưa đến tích tụ chất lỏng ờ phổi và các tế bào. Người bị suy tim có thể đi bộ chậm rãi, nhưng đi nhanh hơn một chút hoặc bước lên mấy bực cầu thang là họ hụt hơi, khó thở. Họ cũng không vận động được như người bình thường.

Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Belardinelli theo dõi 110 bệnh nhân tuổi trung bình là 59 (89 người nam, 11 nữ) đang có bệnh suy tim mãn tính nhưng ổn định.

Một nhóm 44 bệnh nhân được tình cờ lựa chọn để tập đi xe đạp và đi bộ, ba lần một tuần, trong tám tuần lễ dưới sự hướng dẫn.

Nhóm thứ hai, 44 người, tham dự khiêu vũ theo điệu valse thay đổi với nhịp điệu chậm 5 phút và nhanh 3 phút trong 21 phút tại phòng thể thao của bệnh viện.
Nhóm thứ ba 22 người không vận động.

Trong thời gian vận động và khiêu vũ, tham dự viên được theo dõi nhịp tim, thử nghiệm chức năng trao đổi không khí hô hấp và tình trạng mạch máu.

Họ cũng trả lời bản trắc nghiệm về phẩm chất đời sống, coi xem suy tim ảnh hưởng như thế nào tới giấc ngủ, khi tham dự các giải trí, làm công việc vặt trong nhà, đời sống tình dục, tình trạng tâm thần như lo âu, trầm cảm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy khiêu vũ tăng khả năng và phẩm chất của đời sống, đặc biệt về cảm xúc. Ở nhóm không tập luyện không có gì thay đổi.

So sánh với nhóm tập luyện cơ thể, nhóm khiêu vũ có khả năng tiêu thụ oxygen cao hơn (18/ 16), ngưỡng chịu đựng của cơ bắp khi bị mệt cao hơn (21/ 20). Ðộng mạch của bệnh nhân nhóm khiêu vũ đàn hồi tốt hơn so với nhóm không vận động, do đó họ tránh được vữa xơ động mạch.

Nói chung, đời sống của nhóm khiêu vũ tốt hơn so với nhóm tập luyện cơ thể.

Bệnh nhân cho hay sau các lần khiêu vũ, họ có giấc ngủ ngon, tâm trạng yêu đời, thích thú tham gia các sinh hoạt giải trí, làm việc nhẹ trong nhà cũng như quan hệ tình dục tốt. Ngoài ra, khi khiêu vũ, họ cảm thấy vui vẻ với bạn nhẩy hơn là buồn tẻ đi bộ trên máy móc cơ khí một mình.

Ðiểm đáng lưu ý là mọi người đều tham dự nghiên cứu tới cùng, không ai bỏ cuộc.

Giáo sư Belardinell kết luận: “Ở người bị suy tim mãn tính, khiêu vũ có khả năng tạo ra những ích lợi sinh lý giống như với vận động thể hình”.

Và các nhà nghiên cứu này đề nghị là nên có những nghiên cứu khác để tìm hiểu thêm vế ảnh hưởng tốt của khiêu vũ đối với số đông quần chúng.

Vận động cơ thể rất cần thiết sau khi bị bệnh tim. Họ sẽ sống lâu hơn và đời sống có nhiều bình an hơn. Nhưng làm sao để bệnh nhân gắn bó với vận động là chuyện khó khăn. Thường thường, 70% bệnh bỏ dở chương trình vận động vì nhiều lý do khác nhau. Cho nên, thay thế khiêu vũ với tập luyện có thể là sáng kiến hay.

Theo bác sĩ Belardinelli, sở dĩ nhóm nghiên cứu lựa điệu valse vì đây là điệu nhẩy rất phổ thông và tác động nhịp nhẩy lướt qua lướt lại cũng tương tự như thể dục thể hình. Các điệu nhẩy khác cũng có ích lợi như vậy.

Kết quả nghiên cứu này đã được nhiều chuyên gia bệnh tim mạch đón nhận một cách nồng nhiệt.

Bác sĩ trưởng bộ môn tim Robert Bonow tại Ðại học Y Northwestern Memorial, Chicago, có nhận xét về kết quả nghiên cứu này như sau: “Ðây có thể là phương thức hữu hiệu hơn để lôi cuốn mọi người vào việc tập luyện cơ thể và có lẽ có nhiều hứng thú hơn là đi trên máy tự động”. Bác sĩ Bonow cho hay sẽ áp dụng ở bệnh viện nơi ông ta làm việc.

Theo bác sĩ chuyên khoa tim Elliot M. Antman tại Ðại học Y Harvard, một lực sĩ có huấn luyện đầy đủ sẽ biết cách tiêu thụ dưỡng khí một cách có hiệu quả cho nên cơ bắp của họ không đòi hỏi nhiều dưỡng khí. Vì thế họ có thể vận động mạnh mẽ và lâu hơn người thường.

Khiêu vũ và tập luyện cơ thể đều giúp bệnh nhân suy tim sử dụng oxy một cách hữu hiệu, nhờ đó họ có thể vận động lâu hơn mà không bị hụt hơi. Và nhà phát ngôn viên này của Hội Tim Hoa Kỳ nói thêm ông ta rất khuyến khích vì khiêu vũ dường như hấp dẫn, thích thú hơn với người bị suy tim khiến cho họ dễ dàng vận động.

Bác sĩ Robert Myerburg, Giáo sư Y khoa và Sinh học Ðại học Y Miami: “Với bệnh nhân tim, đây có thể là một phương thức tốt để vận động tới mức chịu đựng của mình và chắc là họ sẽ thích thú. Người bệnh có thể thay đổi hình thức nhẩy sao cho thích hợp với tình trạng sức khỏe của mình”

Theo bác sĩ Louis E. Teichholz, Ðại học Y khoa Hackensach, New Jersy: “Đây là loại thể dục thể hình tốt vì khi nhẩy valse, người ta luôn luôn chuyển động”.


Tốt cho xương khớp

Khiêu vũ cũng tốt cho viêm xương khớp.

Chuyên gia khiêu vũ trị liệu Jane Wilson Cathcart có ý kiến: “Phương thức trị liệu tốt nhất cho viêm xương khớp là cử động vì cử động nuôi dưỡng khớp. Khiêu vũ dìu ta vào những cử động mà ta nghĩ rằng không bao giờ thực hiện được”.

Khớp có một đĩa sụn ở giữa để chịu đựng sức va chạm khi khớp cử động. Sụn không có mạch máu và được nuôi dưỡng bằng thực phẩm trong các mạch máu ở gần chuyển qua khi khớp co duỗi. Trong nhẩy múa, xương khớp luôn luôn được vận dụng, nhờ đó sụn được nuôi dưỡng tốt hơn.


Lợi ích đối với tâm trí

Khiêu vũ không những có ích cho thể chất mà còn tốt cho tâm trí.

Nghiên cứu công bố trên New England Journal of Medicine vào năm 2003 cho hay, người cao tuổi tham gia vào các sinh hoạt như khiêu vũ đều giảm nguy cơ bị sa sút trí tuệ. Nghiên cứu cũng cho hay, bệnh nhân Alzheimer có thể nhớ lại nhiều điều khi họ nhẩy với những điệu nhạc, bài hát quen thuộc. Người khiêu vũ cũng phải động não tập trung với điệu nhạc, bước đi, cho nên trí óc luôn luôn làm việc và là điều rất tốt.

Bác sĩ Joe Verghese, giáo sư Thần kinh tại Đại học Y Albert Einstein ở New York đã theo dõi các sinh hoạt trong đó có khiêu vũ của 469 lão gia trên 75 tuổi không có vấn đề về trí nhớ. Sau 5 năm, 124 vị có dấu hiệu sa sút trí tuệ mà đa số ở nhóm người không bao giờ khiêu vũ.

Theo ông, khiêu vũ là một hoạt động đa hiệu chứ không chỉ thuần túy thể xác. Khiêu vũ tăng lượng máu lưu thông lên não bộ, giảm căng thẳng, cô đơn và luôn luôn động viên trí não nhớ điệu nhạc, bước đi để hòa nhịp với bạn vũ.

Bên Anh quốc, Bộ Văn Hóa và Bộ Sức Khỏe Công Cộng đã khuyến khích việc tổ chức các lớp hướng dẫn khiêu vũ và các trung tâm khiêu vũ để thăng tiến sức khỏe người dân.

Ðôi khi không cần phải ra sàn nhẩy mới thu lượm được lợi ích. Ta có thể đứng hoặc ngồi tại chỗ, thả hồn theo âm thanh, cổ quay qua lại, tay nhúc nhích lên xuống, bàn chân ngón chân chuyển động nhịp nhàng, nhún nhẩy theo điệu nhạc cũng tạm thời coi như là vận động một chút rồi.


Ích lợi chung

Nói chung thì nhẩy múa đều mang lại một số lợi ích cho cơ thể, nếu ta thực hành với mục đích trong sáng là giải trí lành mạnh và vận động cơ thể.

Các ích lợi đó là:

-Trong khi nhẩy múa, các cơ bắp cũng tiêu dùng một số calori, giúp cơ thể khỏi quá ký, mập phì.

Một giờ khiêu vũ chậm nhẹ có thể giảm 250 calori, nhẩy hip hop thì những 400 calo tương đương với một giờ đi bộ nhanh, nhẩy swing là 235 calo; ballroom là 265 calo; nhẩy bốn đôi square dancing là 280 calo; vũ ballet là 300 calo; múa bụng belly là 380 calo, vận động thể hình aerobic là 540 calo.

Một nghệ nhân biểu diễn tranh tài trong một điệu nhạc nào đó có vận động tương đương với một người bơi 800 feet.

-Tốt cho xương khớp, tăng độ đặc của xương, giảm rủi ro xốp xương.
-Tăng chất dinh dưỡng cho sụn khớp, giảm thiểu viêm xương khớp
-Giúp cơ bắp mạnh mẽ, bền bỉ hơn
-Thân thể uyển chuyển, phối hợp nhịp nhàng
-Tăng sự đi đứng vững vàng cho cơ thể
-Tăng sự tự tin nhẩy hay, múa đẹp
-Tăng trí nhớ vì phải nhẩy theo nhịp nhạc và phải nhớ từng bước đi
-Tốt cho trí tuệ, tăng trí nhớ người cao tuổi: phải nhớ nhạc nhớ điệu nhảy, phải ăn nhịp với bạn nhẩy, chứ đâu có ì người ra để người ta đẩy như xe bò...
-Tạo thêm bạn mới, quan hệ mới, giảm thiểu sống cô đơn
Về việc tạo thêm nhiều bạn hữu, tăng sự tin tưởng, hòa khí giữa con người với con người, Ông Trùm nhạc soul James Brown có ý kiến: “Bất cứ mọi xích mích nào cũng dễ dàng được hóa giải bằng khiêu vũ, nhẩy múa. Vì chẳng lẽ lại mặt sưng mày sỉa, hầm hầm ôm nhau mà nhẩy”.
-Nâng cao tinh thần, cảm thấy phấn chấn cả về thể xác lẫn tâm hồn, làm ta như sinh động hơn, không còn ưu tư phiền muộn, hận thù ghen ghét, đố kỵ hơn thua.
-Giảm rủi ro mập phì, cao huyết áp, bệnh tim, tiểu đường, ung thư ruột già
-Nhẩy múa làm ta ăn ngon hơn vì vui và vì đói bụng
-Làm trẻ con người, trì hoãn sự lão hóa. Tục ngữ Nhật Bản có nói “mọi người nữ nhẩy múa đều trẻ như con gái 19 tuổi”

Tham khảo ý kiến bác sĩ

Trước khi áp dụng khiêu vũ như một hình thức vận động cơ thể, nên tham khảo ý kiến bác sĩ coi xem mình có cần giới hạn gì không.

-Có bao giờ bác sĩ nói mình có vấn đề với trái tim và chỉ nên vận động theo hướng dẫn của bác sĩ
-Có bao giờ thấy đau ở ngực khi vận động hoặc khi không làm công việc gì.
-Có bao giờ đi đứng mà mất thăng bằng, không vững hoặc chóng mặt, muốn té xỉu?

Nên bắt đầu với các điệu nhạc nhẹ nhàng. Cao tuổi thì chậm rãi dìu nhau «đi chợ» tại chỗ với slow, tango, boston, rumba. Trẻ trung thì sôi động bao sàn nhẩy với bebop, twist, cha cha, pasodoble.
Và nên luôn luôn coi khiêu vũ như một giải trí lành mạnh, một loại vận động cơ thể hữu ích, chứ đừng điên cuồng thâu đêm suốt sáng dưới ảnh hưởng của thuốc lắc, rượu mạnh.


Kết luận

Nhẩy múa là một sinh hoạt có nhiều phúc lợi. Nó làm người buồn hóa vui. Nó tăng óc sáng tạo, tăng tình bạn, tạo ra tình yêu, phục hồi trí nhớ. Nó duy trì tốt sức khỏe tinh thần và thể chất từ trẻ tới già, nam cũng như nữ.

Ngoài ích lợi sức khỏe cho cá nhân, khiêu vũ cũng có những ích lợi xã hội.

Nhẩy múa không chỉ là những bước đi theo điệu nhạc, mà là một phối hợp độc đáo của hoạt động thể chất, giao tế xã hội và kích thích tinh thần.

Nếu muốn gặp nhiều bạn bè: Hãy tới sàn nhẩy. Nếu muốn có sức khỏe tốt: Hãy khiêu vũ. Muốn quên mọi âu lo: Hãy quay cuồng luân vũ, xua đuổi ưu tư ra ngoài trí óc.

Ngày xưa người ta nhẩy múa theo nghi lễ tôn giáo, nhẩy múa để giao tế nhân sự. Vua Chúa thăm viếng nhau đều có dạ hội, khiêu vũ để tỏ tình thân thiện. Quốc trưởng các quốc gia ngày nay thăm viếng nhau cũng có dạ hội khiêu vũ liên hoan ký kết tương trợ, thương mại, bảo vệ...

Cho nên có ý kiến rằng nếu mỗi buổi sáng trước khi tới sở, đi làm, bà con lối xóm dìu nhau nhẩy một điệu nhạc vui rồi chiều về cũng nắm tay vũ cùng nhau thì cộng đồng hòa hợp, bình an.

Trắng đen, tà nghịch đều cùng nhau hòa mình khiêu vũ thì đâu còn ngăn cách chính kiến, hận thù bom đạn...

Làm được như vậy thì cũng vui đấy nhỉ.

Nghề chơi cũng lắm mưu cao

Các cô gái điếm của thành phố Mombasa thuộc Kenya (Africa) đồng quyết định từ bỏ thường phục hàng ngày để mặc trang phục truyền thống của đạo Hồi khi đi “làm việc”.

Bộ trang phục của phụ nữ đạo Hồi che toàn bộ phần thân và đầu, được người bản xứ gọi là buibubi - Nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza đưa tin của BBC trong ngày 12/07/2007.

Phụ nữ Hồi giáo - Thế này thì làm sao phân biệt ai khác ai.

Cuộc “cách mạng” đổi mới y phục này của các cô gái điếm đang làm những người Hồi giáo nổi giận.

- Tôi cảm thấy dễ chịu hơn trong bộ buibubi vì được nhìn nhận có phẩm giá hơn. Tôi cũng có thể qua mặt cảnh sát để không bị bắt giữ. Tôi phải kiếm tiền bằng một cách nào đó – Một cô gái điếm trong bộ buibubi nói với phóng viên vào một buổi tối trên phố.

Một cô khác nhận xét rằng buibubi có thể che giấu được mình là ai. – “Tôi biết mình tội lỗi nhưng tôi bắt buộc phải như thế” – Cô gái nói.

Cô cũng cho hay rằng, đa số khách làng chơi là dân địa phương thành phố Mombasa. Họ dễ dàng nhận ra phụ nữ của nơi này hơn từ bộ buibubi .

Giới phụ nữ Hồi giáo đang phẫn nộ khi các cô gái điếm mặc bộ quần áo truyền thống chung dành cho họ.

“Buibubi đã bị đánh mất vẻ đẹp và uy tín của mình. Tôi xấu hổ tới mức đôi khi muốn lột bỏ và vứt đi bộ y phục đang mặc” – Mariam Salma, một phụ nữ của thành phố phát biểu.

Một số phụ nữ Hồi giáo thì khẳng định, phần lớn gái điếm không xuất phát từ Mombasa. – “Thậm chí đây không phải là gái đạo Hồi. Đa số họ đến từ Somalia và Ethiopia. Họ ăn bận y phục của chúng tôi để lẩn tránh sự ô nhục”- Asha Hussein nói.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo thì đang gây sức ép lên các nhà chính trị để có chính sách thích ứng.

Họ cho rằng, y phục của phụ nữ đạo Hồi làm thuận lợi cho gái điếm lẫn lộn vào đám đông phụ nữ bình thường, nhất là trong đêm tối với màu đen. Nhờ vậy mà cảnh sát rất khó phát hiện.

Không phải đây là lần đầu tiên các cô gái điếm Hồi giáo sử dụng phương pháp này. Trong những năm 90 họ đã có lần làm như vậy, nhưng họ đã bị các tổ chức đạo Hồi săn bắt được và bị phạt bằng đánh roi trước mặt công chúng.

Tuy nhiên giờ đây họ muốn chính nhà nước phải can thiệp. – “Chúng tôi không có quyền bắt giữ những cô gái đó mà thuộc về chính quyền” - Sheikh Muhammad Khalifa, thầy tế Hồi giáo nói – “Thật là buồn khi những nhà chính trị làm ngơ trước vấn đề này”.

Theo Sheikh Muhammad Khalifa tình cảnh này tiếp diễn sẽ rất bất ổn vì nhiều phụ nữ Hồi giáo bị ngộ nhận là gái điếm.

Việt Nam, nghề mãi dâm từ sau năm 1975 và đặc biệt từ thời “Đổi Mới” phát triển với mức tăng trưởng chẳng kém gì chỉ số của GDP, nhanh rộng, phổ biến từ thành thị đến nông thôn, từ cao cấp (Call Girls) đến bình dân. DCVOnline cũng đã có lần đưa tin về dịch vụ “gái chờ” dọc các đường quốc lộ 1.

Trên một số đường phố và con hẻm “truyền thống” của Hồ Chí Minh (Sài Gòn cũ) như Lê Quý Đôn, Công Chúa Huyền Trân (bên hông vườn hoa Tao Đàn), Nam Kỳ Khởi nghĩa (Công Lý cũ, đoạn gần Thư viện Quốc gia và Dinh Độc lập), Lý Thường Kiệt (đoạn gần trường đại học bách khoa)… các cô gái ăn sương đứng đầy dọc vỉa hè khi trời tối. Thấy động, tức là có tín hiệu công an "ăn đêm", thì ngay lập tức, những chiếc xe gắn máy đậu “bí mật” gần đó tấp vào lề và các cô gái nhảy phóc lên xe mất hút, để rồi quay lại chỗ cũ sau một thời gian nào đó hoặc trên những con đường "nóng" khác. Dịch vụ này người trong nước nói là “điếm di động”.

Ai bảo áo dài không hấp dẫn?

Nếu biết được tin này, các cô gái điếm Việt Nam khỏi cần “di động”, cũng làm cách mạng như các cô gái Hồi giáo, không mặc thường phục mà bận chiếc áo dài thướt tha thì không biết phản ứng của dư luận sẽ ra sao?

Nguồn: Gazeta.pl, ngày 12/07/2007.

Nửa đêm chọc tức ...

Đang ngủ, tôi bỗng giật mình vì tiếng bước chân đi qua đi lại trên tầng lầu trên. Bực mình, tôi ngồi dậy nhìn đồng hồ, bốn giờ thiếu mười lăm sáng. Tiếng chân lại vang lên cốc cốc... rồi dừng ngay trên đầu giường tôi. Tôi đã tỉnh ngủ dỏng tai nghe, tiếng bước chân còn mang giày, không phải tiếng chân trần. Từ ngày ông tây này đến mướn căn phòng trên, cả tuần nay, giấc ngủ tôi bị đánh thức nửa chừng, gần bốn giờ sáng là tôi giựt mình bởi tiếng bước chân nặng giáng xuống nền gỗ, và đêm hôm nay cũng thế. Tôi rủa thầm. Cộc cộc... tiếng bước lại dội xuống. Tôi nhổm dạy quơ chiếc áo ngủ, khóac lên người, nhảy bổ xuống giường. Chịu hết nổi rồi, tôi phải nói cho họ biết, tôi đã mất ngủ cả tuần nay rồi.

Leo lên lầu, tôi đứng bấm chuông, độ một phút thì nghe có tiếng vặn ổ khoá bên trong, rồi tiếng cửa xịch mở. Ánh đèn "nê ông", bên góc tường chiếu thẳng vào người đàn ông đang ngơ ngác nhìn tôi. Ông ta cao lớn, mặc bộ "vết tông" màu đen, thắt "cà vạt" xanh đậm, đeo cặp kính trắng, tuổi trên năm mươi; mái tóc màu bạch kim được cắt ngắn óng ánh dưới ngọn đèn. ông ta chắc là mới về nhà, nên chưa kịp thay quần áo, hay là sửa soạn để sắp đi đâu đó. Mặc kệ. Tôi nói:

- Yêu cầu ông bước nhẹ nhàng một tí. Ông có biết là đêm nào ông cũng đạp “lên đầu” tôi không ?

Ông ta nhìn tôi ngớ ra. Không kịp nghe ông ta trả lời, tôi hậm hực quay lưng bước xuống lầu. Ông ta như người vừa tỉnh ngủ, nói vói theo:

- Ô ! xin lỗi... xin lỗi.

Tôi nói nhỏ:

- Khỉ gió...

- Cô nói gì ?

Tôi hạ thấp giọng:

- Chào ông...

Sau đêm đó, mấy hôm nay tôi được ngủ một giấc cho tới sáng, không nghe tiếng chân mạnh trên sàn gỗ nữa. Có vậy chớ! Biết thế mình nói sớm, để chi mất ngủ giờ mới chịu nói. Coi vậy chứ người ta cũng biết điều. Nhưng... tối nay tiếng bước chân lại bỗng vang lên. Không chần chờ, tôi vội phóng nhanh lên lầu, bấm chuông lia lịa, ông ta mở cửa. Tôi ba gai:

- Yêu cầu ông bước nhẹ một tí... ? Ông có biết mấy giờ khuya không ?

Ông ta đưa tay coi đồng hồ, rồi nhìn tôi nói:

- Bốn giờ sáng.

Tôi hỏi :

- Bốn giờ sáng, giờ này người ta còn đang ngủ. Ông có biết không?

- Biết... !

- Hả !

Tôi nhìn trân trân ông ta, lặp lại "biết", rồi ngoe nguẩy bỏ đi, tôi nghe ông ta lẩm bẩm phía sau:

- Tôi quên... tôi quên.

Thấy tôi giận ông ta cũng hơi... ngán. Vậy là yên chí, không còn nghe tiếng bước chân nữa. Nghĩ lại mình hơi lố bịch, nóng nẩy quá... có gì nhẹ nhàng với người ta một chút, đến nỗi gì phải lớn tiếng như thế. Mình đúng là ổ... kiến lửa.

Tôi đang mơ màng, lại giật mình, bởi tiếng giày trên lầu. Thế là mất ngủ. Có tức không ? Tây này mất lịch sự quá ! Lần này phải cho "chả" một bài học mới được. Tôi mở tung cửa, nhảy một lần hai, ba bậc thang lên lầu, đứng trước cửa bấm chuông không ngừng. Im lìm. Tôi gõ cửa rồi lại bấm chuông. Vẫn im lặng. A không chịu ra mở cửa hả ? Tôi đâu chịu thua, nhất định đứng lì đây nhấn nút chuông, không nhích ngón tay. Coi! có ra mở cửa không nào. Có tiếng bước chân đến cửa la lớn: ok! ok!. Cửa mở, chủ nhà đứng bên trong, nhe răng ra cười, nét mặt bình thản như không có chuyện gì xảy ra. Trời ! nụ cười gì trơ trẽn. Nụ cười như đang thách thức, đang chọc tức tôi... Tôi mà làm đàn ông, tôi sẽ không bao giờ có nụ cười… vô duyên như ông ta. Tôi đứng thẳng, ưỡn người tay vòng trước ngực, mặt vênh vênh. Nhìn ông ta tôi giận run lên, nhưng cố giữ vẻ bình tĩnh rất lịch sự dễ thương như… bình nước sôi để nguội. Mặt tôi dàu dàu than thở:

- Ông ạ ! đây là lần thứ ba, tôi nhắc lại cho ông nhớ, đêm nào ông cũng đạp “lên đầu” tôi. Mong ông đừng làm phiền hàng xóm nữa...

Ông ta tỉnh bơ đứng yên nhìn tôi, không nói một tiếng, chỉ nhếch môi cười khan. Trời! sao mặt hắn khó ưa dễ sợ. Tôi ném cái nhìn hằn học về ông ta, rồi quay lưng bước nhanh xuống thang lầu.

Mỗi lần gây sự mới được ngủ yên, không còn nghe tiếng động trên lầu nữa. Nhưng mỗi đêm tôi phải lo âu, hồi hộp từng phút từng giây, sợ tiếng bước chân, sẽ phá giấc ngủ mình bất cứ lúc nào. Rồi sự hồi hộp đó đâu có lâu lắc gì. Chúa ơi! Tiếng bước cộc cạch, vang lên đều đặn giữa đêm khuya vắng lặng, khi thì nhẹ nhàng như tiếng gió, khi như khối đá ném xuống sàn nhà. Lúc ẩn lúc hiện, đúng là bước chân của ma quỉ, hiện về lúc nửa đêm để chọc ghẹo, nhất định không buông tha tôi.

Bây giờ tôi không tức giận cau có nữa, mà chỉ nằm yên mở mắt nhìn trân trân lên trần nhà, rủa thầm... rồi suy nghĩ: "cha" này xỏ lá hứa cuội, cố ý nửa đêm chọc tức tôi, chớ không phải vô tình. Không lẽ để tình trạng này hoài sao? Hay kêu cảnh sát ! Ai mà giải quyết ba cái chuyện này. Cũng chỉ tại căn nhà này đã lâu đời rồi. Sàn nhà làm bằng gỗ, hở lớn ở trên, mình ở tầng dưới nghe rõ, đành chịu trận. Chịu không được tìm nơi khác dọn đi. Bây giờ tìm một chỗ ngay trong thành phố đâu phải dễ, mà ra vùng ngoại ô thì buồn... Trời! tính sao đây... Cộc cộc... Tiếng bước trêu ghẹo, chọc tức tôi. Tôi cảm thấy mình đã bị xúc phạm…

Tôi bình tĩnh mở cửa, nhẹ nhàng bước ra ngoài, đi thẳng lên lầu. Nhấn ngón tay thật mạnh, bấm chuông và bấm chuông. Ủa! sao vậy cà... không nghe tiếng chuông. Thôi rồi! "giây chuông" bị cắt đứt... Tên tây gió mắc dịch. Tôi đạp cửa nè... đạp đến mỏi chân, gõ đến sưng buốt mấy ngón tay, ông ta mới chịu ra mở cửa. Vừa trông thấy ông ta, máu tôi muốn dồn lên đầu, giận bắn người, cứng miệng. Tôi bỗng oà khóc tức tưởi, ông đứng chết trân nhìn tôi. Tôi vừa mếu máo, nhăn nhó (chắc mặt tôi lúc ấy giống như con khỉ đột). Tôi túm lấy áo “hắn” kéo ra ngoài, xuống nhà tôi, rồi để hắn đứng đó, tôi chạy ngược lên lầu, nện chân thật mạnh xuống sàn nhà, để xem ông đứng dưới có chịu được không?

Bước xuống thang lầu, tức quá tôi ngồi bệt trước cửa, khóc hu hu như... mưa dông. Nước mắt "cá sấu" của tôi làm hắn như gà mắc đẻ. Ông ta nhìn tôi, vừa như tội nghiệp, vừa như thương xót. A bắt được tâm lý hắn rồi... Nhìn đàn bà khóc là tây nó sợ. Thấy vậy, tôi càng khóc lớn, khóc già... hu hu... Ông ta hoảng hốt, gương mặt căng thẳng hiện ra. Khóc mãi mới thấy đọng mấy ngấn nước mắt. Tự dưng…tôi muốn được một lần, hắn đến bên cạnh, lau khô những giọt nước mắt đen của tôi. Nhưng không... hắn đứng đó... xa lắc, như người mất hồn, phờ phạc tái xám. Ông ta giơ tay thề bạt mạng, hứa không dám tái phạm sự vô ý, làm phiền hàng xóm nữa. Hừ ! dân ba xạo, cố ý thì có, vô ý gì tới ba, bốn lần lận! khéo mồm mép... Tiếng khóc, tiếng nói tôi quá lớn, đánh thức giấc ngủ ông tây già ở tầng dưới, rồi tôi nghe tiếng lão cằn nhằn, rồi tiếng cửa mở. Tôi thất kinh nín bặt; lão tây già khó chịu này, mà lên nhà tôi là có chuyện. Mất giấc ngủ của lão, ngày mai lão sẽ chưởi tôi suốt cả ngày.

Sau hôm đó, tôi không còn nghe tiếng động mỗi đêm trên lầu nữa. Bốn lần gây gổ với ông hàng xóm đâu phải ít, cũng đã trở thành kỷ niệm. Đêm nay, tôi gương mắt, ngước nhìn lên trần nhà lặng yên im ỉm, nghe sao mà lạnh lùng... Tôi lại nghĩ ngợi lung tung, chẳng ra đâu vào đâu. Đôi lúc lại mơ màng một cái gì đó thật xa xôi huyền ảo. Tôi thiếp đi, đến năm giờ sáng, lại thức giấc, bởi tiếng ngáy trên tầng lầu trên, lọt vào tai tôi. Tôi lại suy nghĩ... chỗ nằm của tôi, cũng một chỗ của ông ta. Nhất định là “hắn” nằm dưới sàn nhà, chứ không nằm trên giường, vì tiếng ò o tôi nghe rất rõ. Thiệt khổ! hết tiếng bước chân, rồi đến tiếng ngáy. Tiếng ngáy của ông ta, trùm lên đêm lẻ loi tôi đang tư lự một mình. Nếu gặp đêm mưa, có khác chi tiếng ểnh uơng kêu dưới hồ nước...

Tôi vừa nghe tiếng động khẽ, lần này không phải phía trên lầu, mà là ngay trong nhà tôi. Tôi run lên đến lạnh toát cả người, trườn khắp tứ chi. Trong bóng tối mờ mờ, rõ ràng tôi thấy một vật gì đen thui, cao lớn trong một xó, bên cạnh tủ để áo quần, đang giơ tay ra dấu, ý như bảo tôi đến gần. Tôi nằm co quắp, không dám thở mạnh, co rúm người lại, tim đập thình thịch cuống cuồng. Căn nhà đột nhiên lạnh buốt. Vật đen trong góc xó tủ, đang từ từ lăn lộn tới bên cạnh mép giường, giang hai tay như muốn kéo lấy chân tôi... Tôi run cầm cập, gân cốt không cử động được, cố mở mắt nhưng không mở được. Bỗng vật đen nhảy chổm lên giường. Khủng khiếp quá! tôi vùng ngồi dậy bỏ chạy, đụng phải cái ghế, tôi té lăn mấy vòng đau điếng.

Mở mắt ra, mồ hôi đầy mặt; thì ra là giấc chiêm bao. Tôi đang nằm trên giường mệt lả người. Không có gì xẩy ra cả. Đêm vẫn yên lặng như thường. Tôi úp mắt xuống gối không cựa mình, để nhớ lại giấc chiêm bao vừa qua. Lúc này tôi mới cảm thấy cô đơn, lạnh lẽo giữa vũ trụ mênh mông. Căn nhà nằm gần bên xa lộ, tôi nghe tiếng xe chạy qua, tiếng người vọng lại. Trời bắt đầu sáng, căn nhà sẽ hết cô đơn, khi không còn dầm mình trong đám mù sương. Sau cơn lạnh mỏng tan, nắng ráo chóa vàng thay cho màu hồng đêm tối. Tôi đứng dậy mở tung cánh cửa, có tiếng gió bay vào, mang theo mùi hương của đất trời, trong buổi sáng sớm tinh mơ.


***0***


Hôm nay tôi phải đi chợ, làm tiệc khao các bạn, trước khi tôi đi qua Mỹ. Leo lên xe. Đề máy. Cái xe mắc dịch, trở chứng không chịu nổ. Thôi chết ! hỏng máy rồi… hư gì đang lúc đi chợ thế này! Định băng qua đường, đến trạm xe buýt, chiếc xe BMW chạy ngang qua, bỗng ngừng lại, de lui, đậu sát bên cạnh tôi. Nhìn qua cửa kiếng, tôi thấy ông này quen quen... Nhưng không nhớ mình đã gặp ở đâu. Đang đứng suy nghĩ, thấy người đàn ông trên xe mở cửa bước ra. Tôi hoảng hốt : Ui trời! “cha" ở tầng lầu trên. Mấy tháng nay im hơi, bây giờ mới gặp lại. Ban ngày nhìn rõ mặt coi bộ “hắn” cũng điển trai!.

Tôi đứng ngớ ra, còn hắn coi vẻ vồn vã, hỏi tôi đi đâu đứng đây. Tôi nói:

- Đi chợ nhưng xe đề không nổ.

Ông ta hỏi:

- Xe đậu ở đâu ?

- Đó đó.

Tôi chỉ ngón tay qua bên lề đường. Ông ta đến giở nắp thùng xe, dòm dòm ngó ngó gì bên trong, rồi lại leo lên xe, bảo tôi đưa chìa khoá đề máy. Máy quay bình bịch vài ba tiếng rồi im ru, không nhúc nhích. Ông ta nhìn tôi nói:

- Bình điện hết rồi, thay cái khác sẽ chạy ngon lành...đừng lo.

- Ngày mai thay. Tôi nói.

ông ta bảo:

- Chiều nay.

Tôi nhún vai:

- Chiều nay bận.

- Tôi thay cho....

Ông ta lấy ngón tay chỉ vào ngực mình. Tôi nghĩ bụng: Biết điều lắm. Ngon! Ông ta quay nhìn tôi không chớp mắt:

- Hàng xóm mà, có gì giúp đỡ nhau…

Rồi ông đi vòng qua bên hông xe mở cửa, nói như ra lịnh :

- Đi chợ nào để tôi chở đi.

Tôi hơi làm dáng:

- Đi chợ Tầu.

Ông ra dấu bảo tôi lên xe. Tôi ngoan ngoãn chui vô xe. Lên xe tôi ngồi im, lắng nghe tiếng bánh xe lăn đều, chầm chậm. Nhưng đầu tôi thì nghĩ rất nhanh: "cha" này mình đã quên mất đất, tình cờ gặp lại trong cái nháy mắt, rồi để “hắn” chở đi ngon lành, nghĩ có tức cười không ? Lúc nãy xe hư còn có chuyện để nói, bây giờ im lặng, tôi cảm thấy bối rối vô cùng. Tôi cứ nhìn thẳng, chẳng dám nhìn ngang, sợ vô tình gặp ánh mắt ông ta nhìn mình thì ngượng…chết. Đến ngã tư, gặp đèn đỏ ông ta nói:

- Tôi đi xa, mới về hai ngày nay.

Tôi à lên một tiếng. Té ra mấy tháng nay, không nghe tiếng ồn trên lầu vì ông ta đi vắng, chớ đâu phải tôn trọng lời hứa với mình đâu... Điệu này chắc mình phải dọn nhà đi nơi khác quá! Thấy vẻ mặt đăm đăm của tôi, hình như ông ta cũng đoán ra tôi đang nhớ lại chuyện cũ nên ông hỏi:

- Hình như cô lo lắng điều gì?

Nghe hỏi, tôi quay lại, bắt gặp hắn đang nhìn tôi cười... ruồi. Tôi im lặng không nói gì. Không nghe tôi nói gì, ông ta cũng không hỏi gì nữa. Xe chạy được một đoạn xa tôi hỏi:

- Tên ông gọi là gì ?

Đến lượt ông ta lặng thinh, không trả lời câu hỏi tôi, mà chỉ cười cười ra vẻ bí hiểm. "Cha" này lối! Tôi hỏi tên ông, ông ta lặng thinh. Tôi nghe ứa gan, lộn ruột, muốn mở cửa nhảy xuống xe cho rồi. "Cha" này sao ưa chọc giận phụ nữ thế nhỉ ? Tôi mà làm đàn ông như chả, sẽ có vô số phụ nữ mê tôi cho đến chết. Thấy tôi có vẻ giận, ông ta gợi chuyện:

- Tên cô có phải là Ngọc Anh không?

Còn khuya tôi mới trả lời. Đừng hòng. Biết tên tôi trên thùng thơ chứ gì. Dễ quá mà ! Tôi cũng hỏi lại:

- Ông có phải Raymond ?

Ông ta liếc nhìn tôi cười nửa miệng. Nhìn “hắn” lúc này không sao ưa được. Sao không… câm luôn đi! Đúng lúc cũng vừa đến trước cửa chợ Tầu. Xe ngừng. Tôi bước xuống. Hắn cầm tay tôi rất tự nhiên, hẹn tiếng sau trở lại đón tôi. Tôi nghe mênh mang cái nắm tay, như đang thầm thì khác lạ của hắn. Xe vọt chạy đi, tôi bỗng sực nhớ... Thôi chết rồi ! chùm chìa khoá xe, và chìa khóa nhà trong đó; lúc nãy đưa Raymond đề máy xe, “hắn” quên chưa trả lại tôi. Lỡ “hắn” không trở lại đón tôi, biết kêu ai... khổ quá đi mất thôi. Ui! cũng tại thấy "giai" cứ xớn xác quên đầu, quên đuôi hết trơn... biết sao bây giờ ! Thôi lỡ rồi, tới đó rồi hay, đi chợ trước đã...

Tay xách đầy giỏ thịt bước ra chỗ hẹn, tôi nhìn thấy xe Raymond đậu sẵn bên kia đường. Tôi thở một hơi nhẹ nhõm, may mà ông ta trở lại đón tôi, nếu không thì chẳng biết làm sao để vô nhà. Hú hồn.... Raymond nhìn thấy tôi vội vã bước xuống xe, đi đến đỡ lấy cái xách đầy những rau, thịt trên tay tôi. Tay phải Raymond cầm bàn tay trái tôi. Tôi để yên tay mình trong tay Raymond, và tôi cảm thấy mình thật bé nhỏ, khi Raymond nắm chặt bàn tay mình để băng qua đường.

Hôm nay tôi ngủ dậy muộn, mà còn nằm nướng trên giường, chưa muốn dậy. Nắng chan hoà ngoài cửa, tít tắp cả vòm trời như hoa hồng trên phố, còn tôi thì đang nằm ẩn nấp trong một góc nhà, thong thả nghe trái tim rung động. Tôi đang cuốn hút một cái gì đó, còn nằm lại ở cõi lòng. Một đôi mắt vời vợi mông lung... cái nhăn mặt khật khùng, cái dáng thề thốt xin tha đầy trắc ẩn, những cái đụng tay bất ngờ nên tôi còn mơ mộng lắm! tưởng tượng ra lắm chuyện. Chuyện ồ ạt ầm ỷ đã qua, chuyện ngày mai sắp đến, mà nội tâm đang náo động vội vàng. Đang mơ hồ bỗng có tiếng bấm chuông. Tôi khoác áo ra mở cửa, thì ra là Raymond đưa mấy cái bánh Pain chocolat còn nóng hổi, để tôi ăn sáng. Mấy hôm nay sáng nào Raymond, cũng nướng bánh đem xuống cho tôi. Một buổi sáng Raymond trên lầu phôn xuống nói:

- Hôm nay anh được nghỉ, sẽ cùng ăn sáng với nàng.

Tôi nói nhanh:

- Chờ một tiếng nữa, tôi còn đang muốn nằm trên giường, chưa muốn... dậy.

Tôi và Raymond sáng nào cũng hẹn nhau để ăn sáng. Có khi tôi lên lầu chàng, khi chàng xuống nhà tôi. Tình cảm mỗi ngày thêm gắn bó. Chúng tôi thường xuyên gặp nhau luôn. Nhà chàng nhà tôi, chỉ cách nhau một cánh cửa khép. Sau này Raymond nhắc lại chuyện cũ, tôi phục Raymond quá sức! Đâu dè Raymond để ý tôi, mà nghĩ ra cách làm quen... kỳ cục như vây! Vô tình mình mắc bẫy. Rồi chúng tôi cặp bồ với nhau.

Raymond có hãng xây cất nhà cửa, nên làm việc rất dữ, có khi di chuyển việc làm cách Paris cả hàng ngàn cây số. Từ ngày quen tôi, cuối tuần nào Raymond cũng chạy bạt mạng về Paris, để rồi sáng sớm thứ hai, dậy thật sớm về lại tỉnh. Raymond thích không khí trong lành của đồng quê, nên Raymond mua căn nhà dưới tỉnh, để cuối tuần về đó nghỉ ngơi. Từ ngày yêu tôi, Raymond tính chuyện lâu dài, vẽ ra đủ thứ, nét mặt hân hoan ngập tràn trong nắng. Còn tôi thì nghe rất xa vời, cuộc đời này tôi chẳng còn tin tưởng, mong chờ gì cả. Tôi gật đầu cho qua câu chuyện, để cho Raymond hy vọng, ham muốn đợi chờ. Những đường nét trên khuôn mặt tôi, đã từng đem lại cho chàng miên man, tiếp nhận những lạc thú. Cũng có lúc nỗi dày xé trong tâm hồn chàng. Raymond yêu tôi bằng tử tế trong lòng. Tôi đã từng trải qua, những cuộc tình trong đời, nên không còn tự tin nữa. Tôi thương Raymond mà dành cho chàng tình cảm nồng nàn.

Raymond đưa tôi về giới thiệu với anh em trong gia đình chàng. Tôi đồng ý cho Raymond vui, nhưng trong lòng tôi không thích gì lắm. Qua đến ngày mai, và ngày mai nữa, đôi lúc gây sự với tôi việc này. Tôi không từ chối việc Raymond đưa ra trong tương lai, mà cũng không có vẻ gì chấp nhận. Tôi tầm thường như những phụ nữ khác, nhưng tôi điềm tĩnh và cương nghị, nhất định tôi không lơi lỏng bản tính. Tôi đã nhìn thấy trong đôi mắt thông minh của Raymond loé lên ánh lửa, đôi mắt ấy sẽ mải mê trong sự nghiệp của mình.

Những lần Raymond đi làm xa, tôi ngồi một mình nhìn bầu trời mây đen, nghe sấm sét ầm vang, như muốn rung chuyển cả căn nhà. Rồi đêm nghe mưa đổ xuống, mưa thật to thấm vào đất, thấm vào lòng người. Tôi chợt nhớ Raymond ray rứt. Nhớ nụ cười chung chiêng, bừng lên thêm rực rỡ nắng chiều xuân, bên dòng sông xanh nhạt. Tôi ở đây cứ chờ đợi Raymond ở xa kịp về. Chờ đợi trong những đêm trừ tịch tĩnh lặng. Trong nhà, tôi như cuốn hoa ủ dột, nằm nghe gió réo rắt bên tai, phập phồng một thứ cảm giác khó chịu, dâng lên trong lòng. Tự nhiên tôi khóc, ứa nghẹn. Tôi lại nhớ... chàng nữa rồi, nhớ những chuyện đã xảy ra... Raymond cố tình trêu ghẹo, đánh thức giấc ngủ tôi, với những bước chân đêm, để có dịp chàng được làm quen. Nhớ những buổi điểm tâm đầu tiên, dè dặt như đôi tình nhân vừa mới lớn, cả hai đều ngoan ngoãn nghe nhau, bên ly cà-phê thơm đặc ngọt đường. Nhớ những sáng tinh mơ, hai đứa phải dậy thật sớm, vội vã chạy về căn nhà ngoài nông thôn, chỉ lưa thưa mấy căn chung quanh cánh đồng, nhưng đầy hoa hồng nắng xanh thiên nhiên chỉ có tôi với Raymond. Nhớ những lần gây sự vô cớ, rồi ôn hoà một cách kỳ lạ của Raymond. Nhớ đêm Noel, tôi nằm vật ra tóc tai rối bời, để chàng đổ rượu nửa ngực, trên thân xác trần truồng, nuột nà mịn tăm... Rồi như con ngựa tinh khôn, chàng đưa răng cắn vào.... Tai, cổ tôi nóng hổi như đêm hừng hực, âm vang như những que tăm, châm chích nghe rợn cả người. Tôi bỗng biến thành chiếc lá trong hốc đá, bị con tằm đang nhai nhấu nghiến, nhanh chóng lạ lùng...

Đêm hồng ngọc đốt em vào lửa mắt
Nửa rực trời bung rừng cháy rung mây
Dòng mắt rền như mưa bão lung lây
Lòng chao đảo dục em lời vô nghĩa...

Tôi biết tôi không đòi hỏi một điều gì, khi Raymond ở bên cạnh tôi, với nét mặt không được thanh thản. Nhưng đôi khi Raymond nóng nãy một cách vô cớ, làm tôi sững người... Thỉnh thoảng như xuất quỉ nhập thần, tôi thò tay vào quần chàng đùa nghịch. Trên da non âm ấm, mấy ngón tay như con sâu bò lung tung, trên bụng, trên rốn... Lúc ấy tôi mới nhìn thấy trên khuôn mặt chàng, như mặt nước chao nghiêng, trong niềm say mê ẩn hiện ồ ạt vội vàng, rồi phẳng lặng rũ rượi, trong sự cám dỗ của lãng quên trên khuôn mặt sáng ngời, ẩn dưới nụ hôn sâu... để trở thành kỷ niệm.

Tình yêu bỗng có, bỗng dưng không. Tôi nằm đây vất vưởng tò vò, nghe âm thanh vô vọng tột cùng trong lòng. Cô đơn thật khủng khiếp dày xé tim tôi. Qua những lần yêu, những lần nhớ để rồi quên. Rồi lại yêu, rồi lại nhớ xót xa... Lại cứ thế tiếp theo, nên chẳng biết lấy ai là chồng. Nhưng yêu thì vẫn cứ yêu. Yêu đâu phải là tội là hư hỏng. Những giáo điều tình yêu, cũng chỉ là YÊU đã nói lên những giấc mơ về hằng đêm, dù hạnh phúc có xa xôi nông cạn. Tôi biết sao hơn... Biết bao điều cay đắng của tình yêu, đang xảy ra trong thế gian này. Lỗi tại ai? và sự nghiệp của Raymond, chẳng nghĩa lý gì với tôi, đã biến chàng thành một chứng bệnh, nghiêng về nghề nghiệp, làm Raymond quên đi sâu vào tâm lý của người yêu. Raymond làm việc xa tít xa, chàng lu bu công việc, chạy bên này, leo lắt bên kia, nên có lúc về lúc không. Không phải về mà ghé về. Chàng ghé về, để cho tôi kịp úp mặt đầm đìa hạnh phúc, vào niềm vui chút ít, cũng là những cảm giác...

Rằng ngày sang trống canh năm
Anh dậy em vẫn còn nằm trơ trơ. (Tú Xương)

Chàng dậy, mặt hốc hác tái xanh, đôi mắt trơn tuột. Điện thoại cầm tay bắt đầu kêu không ngừng. Công việc Raymond thật bề bộn, đã hiện rõ trên đôi mắt, phấp-phỏng lo-âu, bồn-chồn lòng dạ lúc nào cũng không yên. Rõ ràng tôi đang ở bên cạnh người, mà như chiếc bóng, đang khắc khổ lăn lộn với công việc. Bắt đầu bảy giờ sáng, đến ba bốn giờ khuya mới về nhà. Kiệt sức để chợp mắt một lát. Gần sáng chuẩn bị cho hôm nay, và ngày mai, rồi những ngày mai kế tiếp... Ôi! phức tạp trong nghịch cảnh cuộc đời. Và trong bóng tối mập mờ, tôi nhận lầm cái bóng chàng, là con beo hung hãn phi phàm, dù tôi có mở trao tráo đôi mắt, cũng không làm sao thấy được những gì bên trong. Những gì trừu tượng ấy, bây giờ thành cụ thể của nó. Sự thật là gì? Là Raymond đang từ từ, tiến dần đến sự bất lực, của sự cọ sát cơ thể. Những gì rời rạc vô thức, dừng lại giữa kiếp người, trong khoảng mênh mông. Những lạc thú không còn cảm giác chất chứa, khi cặp môi dại khờ tôi như bướm hồng nhỡn nhơ trên má chàng. Raymond nằm trơ trơ, trầm tư u-mặc như khúc gỗ. Chàng miễn cưỡng như một điều bắt buộc. Đó là triệu chứng sự làm việc quá độ chăng ? Raymond tự giam mình, trong phạm qui nghề nghiệp. Raymond không lo chữa bệnh, chàng đã quên mất cái ý nghĩa thâm sâu của cuộc sống. Rõ là sự phi lý... Dẫu một phụ-nữ non-nớt, đa-cảm đa-tình như tôi, trong đó có pha-phách ít nhiều sai lầm tư-dục, cũng không đi quá xa sự thực như chàng... Tôi khóc. Raymond dỗ dành trên đôi môi tham lam, như đang reo mừng trong khóe mắt si tình tôi.

Mấy tháng nay Raymond thường xuyên đi bác sĩ, để theo dõi bệnh chàng, tôi khuyến khích chàng như vậy, và tôi đã mềm lòng, với những tiếng thở dài của chàng, như đang nằm trong ngực tôi. Tôi cho Raymond niềm hy vọng. Tôi biết tôi yêu Raymond với tình yêu chân thực nồng cháy.Tôi có thể sống bên Raymond để chờ những tháng năm dài cuộc thử nghiệm. Tôi ở bên Raymond được bao lâu, khi bệnh chàng không dứt khỏi ? Tôi bỗng rùng mình lo sợ, sợ cho Raymond sợ cho tôi. Tôi biết chàng và tôi đều khổ như nhau, khi Raymond gầm lên khe khẽ bối rối, làm cồn cào lòng tôi. Chàng duỗi chân. Thân hình dài dài thanh mãnh tôi, nằm trên người Raymond dễ chịu. Chàng và tôi đều căm giận như thế này. Hãy kiên nhẫn ! Tôi thô bạo cử chỉ, dè xẻn lời nói, hai tay gợi cảm lạ lùng, rần rần dồn lên muốn khụyu ngã. Trời ! thân hình Raymond lẳn chắc, tràn trề thứ ánh sáng làm thu hút lòng tôi như cơn dịch sốt. Đùi chàng chạm vào ngực tôi, cứng lại, không thở được. Bủn rủn. Cặp mắt tôi như diều hâu, rực lên như tia chớp. Raymond nhìn đăm đăm vào tia chớp bập bùng, vừa man rợ vừa mê đắm của loài ngựa hoang, có trái tim khác thường, ăn rất ít nhưng không chịu được khát đang vẫy vùng leo núi, băng qua những con đường, về phía rừng ma trong cơn mưa, có mạch nước ngầm từ ngàn xưa, đang phun lên không ngớt. Và, đuôi con công chỉ xoè nửa vòng. Không ánh nắng, không trời xanh, tất cả chỉ một màu, bên cái hang đá rêu rong ủ bám xanh rì. Vừa đủ để cảm xúc trào dâng, rồi chùn xuống bóp nghẹt tim chàng dồn đến tận cùng. Run rẩy mồ hôi Raymond toát ra, tôi nghe loáng thoáng chàng lắp bắp, những si mê cuồng dại. Nhưng... chàng rít khẽ nằm vật ra rã rời, giữa đống rạ chăn ấm áp, mặc cho tôi úp bàn tay trên đôi ngực trần, như cây già buông rể phủ kín. Tôi cảm thấy đắng khô miệng lại, ứa nước mắt chảy xèo xèo lên ngọn lửa đỏ rực. Chàng sống giữa bạc tiền, chàng chịu đựng, chàng mua bán rất đam mê hứng thú. Bây giờ Raymond cảm thấy cuộc đời tẻ nhạt, nhàm chán vô nghĩa. Raymond bỗng rùng mình, vì sựï im lặng chung quanh, sự lặng thinh kinh hoàng. Raymond khóc. Tôi ép sát người vào chàng thở dốc, tôi thương Raymond vô tận. Tôi cứ để cảm xúc gợn chút hơi nóng, bên trong cảm giác yếu ớt của ngọn nến đã tàn. Trong bóng đêm Raymond hôn tôi, tràn ngập tình cảm biết ơn. Tôi vẫn tự tin giữa xa xôi mênh mông, chẳng xẩy ra điều gì. Nhưng thoắt cái nó đã xẩy ra, và sẽ tiếp tục cho những năm tháng tới? Hy vọng trong một phần nghìn bỗng tiêu tan... Tại sao phải dày vò nhau như thế ? Ôi tình yêu ! hy vọng, là địa ngục của tôi. Thượng đế đã ban cho loài người, một tuyệt dịu nhất trên đời, đã làm cho tôi hóa điên hoá dại, khi tỉnh dậy thấy mình bàng hoàng, cảm giác đau xót ngập tràn.

Raymond vui trở lại với những công việc hàng ngày, nhưng đôi mắt vẫn sâu hoắm, phảng phất tia lạnh. Còn tôi thì tiếp tục tái tê ngày với ngày, đêm với đêm u hoài lẻ loi, nghiêng lệch một góc trời. Mưa đá rơi bên thềm nhà, khiến tôi thót tim. Tôi còn trẻ mới hai mươi sáu mà lại gặp rắc rối, rỗng tuếch của tình yêu, tôi sẽ hóa cành cây khô, chứ đâu phải một bông hoa ? Raymond từng nói với tôi, chàng sẽ xin về hưu non, thời giờ còn lại dành tất cả cho tình yêu, cho tuổi mùa xuân của tôi, tuổi đẹp nhất trong đời. Tôi cười. Raymond biết đây là nụ cười buồn, những gì thảng thốt trong tim tôi còn lại. Những lúc bên cạnh chàng, tôi lại không dám hẹn hò, bởi sợ những cái mong manh của những nụ hôn dài, khát khao ấp ủ khờ ngất trong tay người, theo những đam mê, mà tôi cảm thấy chưa được bình yên. Đàng nào rồi anh cũng lại đi, bỏ em một mình để đợi chờ, để nhớ nhung. Hãy để em định đoạt nhé!.

Tôi chợp mắt được một lúc thì nghe tiếng điện thoại. Một nỗi sợ hãi hồi hộp trong lòng. Raymond đến giờ này là gọi phôn cho tôi. Tôi nằm yên nghe tiếng chuông kêu. Tôi không muốn hẹn hò, không muốn quyến luyến, những lời thương nhớ, than thở của Raymond nữa. Tôi nồng nàn tất cả và cũng lãnh đạm tất cả với Raymond. Tôi không muốn gặp lại Raymond, khi biết lòng mình đang buồn nản thất vọng, và sự mệt mỏi tận đáy sâu tâm hồn, đờ đẩn hiện lên nét kẻ si tình chua xót...

Điện thoại im, rồi lại kêu vang. Tiếng chuông kêu réo những khát khao hò hẹn, những tuyệt vọng chứa chan. Tôi lờ đi lầm lì đoạn tuyệt. Reng reng... Lập tức tôi rút dây, cúp điện thoại, để không còn sự liên hệ nào gắn bó với Raymond nữa, dù bên tai tôi còn văng vẳng lời thì thầm da diết, của những lần tựa đầu hò hẹn níu kéo. Tôi bừng thức... và tôi khóc rất nhiều, không biết giọt nước mắt khóc cho tình yêu, hay khóc cho thân phận mịt mù chất đầy trước mắt ! và tôi cảm thấy an ủi tâm hồn mình, bằng những dòng nước mắt cảm thương. Thế là xong coi như là chuyện xa lạ với mình. Chỉ còn lại những dư âm rắm rối, rồi cũng sẽ bay theo ngày tháng nhạt nhòa.

Cuối cùng tôi vẫn là tôi, suốt bốn mùa trong những ngày óng mượt trăng sao. Cơn gió ào ào thổi qua khe cửa, một cảm giác buồn da diết xâm chiếm. Tôi buồn tôi, buồn cho Raymond vì sự nghiệp quyến rũ, để mất tình yêu tiêu tan như giá rữa. Chàng chưa hiểu ! rồi chàng sẽ hiểu : Quá khứ là kinh nghiệm sống của con người.

Buồn cho tôi cứ lao vào ảo vọng, thành tiếng khóc hằng đêm. Cảm giác này tôi cứ tưởng là thứ hạnh phúc, suốt ngày suốt tháng trong lòng người. Nhưng nó đã biến thành lạnh lùng, vô cảm, thản nhiên để kết thúc số phận của cuộc tình....

Bich Xuan
bichxuanparis@yahoo.com

Ordinateur của bạn có "VẤN ĐỀ"




HÃY GỌI NGAY CHO NGUYỄN TUẤN
TEL.: 06 27 94 09 32
CHUYÊN SỮA PC VÀ LẮP ĐẶT CHƯƠNG TRÌNH
THIẾT KẾ WEB VÀ CHỈ DẪN CÁCH TẠO BLOG
XÂY DỰNG HOME SERVER
CHỈ DẪN CÁCH LÀM LẠI MÁY KHI BỊ HƯ CHƯƠNG TRÌNH
CÀI ĐẶT CHƯƠNG TRÌNH CHỐNG VIRUS
V.V....
CÙNG LÊN MẠNG ĐỂ HỌC HỎI VỀ INTERNET VÀ TRAO ĐỔI KINH NGHIỆM