Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2007

Nghệ Sĩ Nữ "Tíu Tít" Chê "Trai Làng Ta"

Bỗng nhiên có nhiều nữ nghệ sĩ có chút danh tiếng của ta công khai chê đàn ông Việt và kéo theo đó là những cuộc tranh luận về bản lĩnh, sức hút của "trai nhà" nổ ra liên tiếp trên khắp các diễn đàn trên mạng, trong làng.

Người nói các cô có danh, có thế nên yêu cầu cao, chưa hài lòng với đàn ông Việt là đúng thôi; người khác lại bảo, cũng là "gái làng" sao lại chán "trai làng" quay ra mơ "trai phố"!

Ta thán về "trai làng ta"
Phát ngôn mới đây của cô MC kiêm ca sĩ còn mỏng tên tuổi Nguyệt Ánh trở thành mồi lửa làm bùng lên các cuộc tranh luận về chuyện hay, dở của đàn ông Việt.

Sau khi kể chuyện các mối tình, MC Nguyệt Ánh nói thẳng: "Sẽ ngày càng nhiều phụ nữ yêu và lấy người nước ngoài nếu đàn ông Việt không đáp ứng được yêu cầu bình thường của phụ nữ và không chịu thay đổi quan niệm. Đàn ông đừng nghĩ tất cả phụ nữ đều cần tiền và phải dựa vào họ. Cái chúng tôi cần là được tôn trọng, yêu thương và ủng hộ".

Kéo theo bài phỏng vấn đó trên báo "Đẹp", trên mục Bạn đọc viết của một tờ báo còn cho đăng hàng loạt ý kiến trao qua, đổi lại với phát biểu của MC Nguyệt Ánh.

Nhìn qua tất cả các ý kiến thấy cánh "nam nhi" cũng nhảy vào bày tỏ ý kiến phản đối cực lực suy nghĩ "thiển cận" của Nguyệt Ánh - dù cũng có người "khen" cô đã "dũng cảm" đưa chuyện yêu đương của bản thân lên báo. Phần đông "nữ nhi" cũng phản đối, bày tỏ thái độ với Nguyệt Ánh: "Đừng coi thường đàn ông Việt!". Rất hiếm người "đồng tình với Nguyệt Ánh" hoặc nhắc cô MC này thay vì thiếu "tế nhị" với những phát biểu thuộc dạng "nhạy cảm" thì nên đóng cửa để "chị em bảo nhau" thì hơn.

Từ chuyện của Nguyệt Ánh yêu người Singapore, nhìn lại mới giật mình khi đã có không ít nữ nghệ sĩ lên báo "chê" đàn ông Việt thời gian qua. Nhạc sĩ Giáng Son trước khi ra đĩa, lên báo "thưa thật" về chuyện muộn chồng của mình rằng: "Tìm một người đàn ông bây giờ thật khó bởi "bóng" nhiều quá!".

Phát ngôn của Giáng Son đã gây sốc cho khối người và chính chị đã phải thanh minh trước công luận sau khi bị phản đối rầm rĩ. Giáng Son khẳng định mình không gây sốc để ra CD mới và nguyên văn câu nói bông đùa của chị chỉ là “Dạo này thấy bóng hơi nhiều” (!). Tất nhiên, với Giáng Son, nếu đó chỉ là chuyện "vạ miệng", thì phát ngôn kia cũng khiến chị "mất điểm" trong mắt nhiều đàn ông Việt.

Hồ Ngọc Hà cũng từng có lần lỡ miệng: "Tôi coi thường đàn ông". Sau đó chị cũng bị không ít người "tẩy chay", vì dù gì thì người yêu chị khi đó là Đức Trí cũng là một nhạc sĩ tài năng người Việt. Rút kinh nghiệm vì những lần như thế nên sau này chị đã "tỉnh" hơn khi nói "tôi lớn rồi, chẳng lẽ lại "ngu" hoài vậy sao?!".

Một người đẹp khác là Bằng Lăng cũng hồn nhiên phát biểu: "Tôi thích người nước ngoài từ lâu".

Không chỉ có "sao" nhỏ mới lên tiếng chê đàn ông Việt mà "sao" sáng hơn một chút như Hồ Quỳnh Hương hay từng trải như Thanh Lam cũng có lời ca thán. Vậy, phải chăng các đấng nam nhi cũng nên soi lại mình?

Hồ Quỳnh Hương nói: "Đàn ông vẫn là đàn ông, nên tôi không tin được! Đàn ông luôn muốn phụ nữ chung thủy, nhưng đòi hỏi sự chung thủy ở họ thì khó vô cùng. Họ có thể choáng ngợp bởi một vẻ đẹp khác, thậm chí phản bội vì một vẻ đẹp khác. Họ sẽ giấu diếm, và nếu bị lộ thì sẵn sàng đánh đổi để lấy mình. Nhưng tôi là người không thể chấp nhận được điều đó.

Tôi không tin được đàn ông, dù tôi luôn luôn cố. Tôi gắng để mình là người chung thủy, và sống đúng nghĩa với người tình yêu. Đến thời điểm này, tôi yêu hai người đàn ông, và đều cảm thấy họ có cái gì đó không thật lòng, dù tôi cảm thấy trong tình yêu mình có sức mạnh đủ để người đó không thể rời bỏ mình".

Còn Thanh Lam - người đang gắn bó với những ca khúc đậm chất dân gian Việt Nam của Lê Minh Sơn - tâm sự: "Trong tình yêu, tôi yêu mãnh liệt và luôn luôn đánh mất bản thân mình. Tôi đốt hết những năng lượng tinh thần cho người mình yêu. Tôi cưng chiều họ thái quá và cũng kỳ vọng họ quá nhiều, vì thế mới đổ vỡ. Tôi có lỗi vì tôi quá kỳ vọng ở đàn ông. Đó là lý do làm tôi không trọn vẹn trong hôn nhân.

Tôi nghĩ đàn ông phải đủ lớn, đủ mạnh và đủ bao dung để che chở, bao bọc cho phụ nữ, và làm người phụ nữ phải kính trọng. Tôi là người mù quáng trong tình yêu. Sự thi vị tuyệt vời nhất, lãng mạn nhất đó là mù quáng và đánh mất chính bản thân mình khi yêu. Việc một số phụ nữ bây giờ sinh con không cần kết hôn là một dấu hỏi lớn cho đàn ông Việt. Tôi nghĩ, đàn ông Việt Nam hình như ngày càng ít yêu phụ nữ hơn yêu chính bản thân mình. Đó là một điều rất buồn".

Và có phải "đàn ông Việt Nam hình như ngày càng ít yêu phụ nữ hơn yêu chính bản thân mình" dẫn đến nguy cơ nhãn tiền theo lời ca sĩ Nguyệt Ánh là "ngày càng nhiều phụ nữ yêu và lấy người nước ngoài"?

Không chỉ ca sĩ, người mẫu mà một số nhà văn nữ cũng đã không ngại kêu ca, phàn nàn về đàn ông Việt. Nhà văn Lê Minh Khuê từng phát biểu: "Những người đàn ông thời nay đôi khi làm tôi thất vọng".

"Nhìn ra những người đàn ông Nhật Bản, Hàn Quốc, rõ ràng họ cũng gia trưởng và “chèn lấn” phụ nữ trong gia đình, nhưng dù sao họ còn ý thức rõ ràng về sức mạnh đất nước, về sự vẻ vang của dân tộc mình.

Còn đàn ông ở ta, tôi rất ngạc nhiên về họ. Khi nhận xây một tòa nhà, một con đường... Họ không nghĩ phải làm cho đẹp, cho tốt để sánh với tòa nhà này hay con đường kia của một nước nào đó mà chỉ nghĩ làm thế nào để bỏ túi được một nửa, chí ít là một phần ba tiền đầu tư.

Có vẻ như sự chỉ trích bản lĩnh, tư cách của "phái mạnh" Việt Nam đã vượt quá giới hạn. Xem ra đây không còn là "chuyện phiếm" của cô ca sĩ này, cô người mẫu kia nữa.

Khi theo dõi kỹ hoạt động văn hóa - nghệ thuật trong nước sẽ thấy một điều (có thể là xu hướng?): các cô người mẫu Việt Nam nối gót nhau lấy chồng ngoại quốc.

Ngô Mỹ Uyên lấy chồng người Italia, Ngọc Nga lấy chồng người Australia, Bằng Lăng lấy chồng người Đức... hay "người đẹp dao kéo và sexy" Phi Thanh Vân sắp về làm dâu nước Pháp và họ đều lên báo "khoe" gia đình vợ Việt - chồng Tây với những khoảnh khắc lộng lẫy nhất. Trong số các "chân dài" này, nhiều cô từng yêu "trai Việt" nhưng sau đó đã tiến tới "yên bề gia thất" với "trai Tây".

Mới đây, bộ phim bị khán giả và báo chí chê bai "lên bờ xuống ruộng" Sài Gòn nhật thực đề cập đến hiện tượng mà nhà làm phim cho là "thực tế phũ phàng": các cô gái ham hố lấy chồng ngoại nên rơi vào những cái bẫy buôn người.

Sự việc có lẽ sẽ không quá nghiêm trọng và đàn ông Việt chưa đến mức phải "run". Mặc dù, có "hiện tượng bề mặt" là rất nhiều người ngoại quốc đã không tiếc lời khen phụ nữ Việt Nam đẹp và quyến rũ; còn phụ nữ (nhất là những người có điều kiện "nói to" như giới văn nghệ sĩ, người mẫu...) lại bày tỏ nỗi thất vọng, chán nản về sự thiếu hụt "galant, manly và lãng mạn" của đàn ông Việt.

Xét thấy, nhiều khi lời chê thẳng thắn cũng là muốn đàn ông Việt tốt lên, đáng mặt nam nhi hơn - đó là những góp ý "thuốc đắng dã tật". Nhưng sự thực thì mỗi người chỉ nhìn được một góc, chưa phải cái nhìn toàn cục. Có câu nói "con không chê cha khó...", nhưng nếu đàn ông Việt bị "chê" quá nhiều thì có lẽ cũng không thừa khi những người làm chồng, làm cha cần có những phút nhìn lại mình!

Tất nhiên, với những lời lẽ gây sốc, vơ đũa cả nắm thì nên bỏ ngoài tai, và khi đó người nghe sẽ quay lại xem xét người phát ngôn "chuyện đàn bà". Trường hợp của cô MC Nguyệt Ánh với những lời lẽ: "Cũng có nhiều người nói với tôi là em giỏi như thế này thì liệu có lấy được chồng không vì đàn ông sợ em lấn lướt người ta...." là một ví dụ.

Một bạn đọc đã có liên tưởng khá thú vị sau bài viết của Nguyệt Ánh cộng với nhiều phản hồi. Trên Web Trẻ thơ - một diễn đàn của các ông bố, bà mẹ, trường hợp của Nguyệt Ánh được so sánh như một cô gái gặp phải một đám trai làng!

Thành viên này viết: "Cô gái mới qua vài cuộc tình không thành thì vội hô lên là con trai cả cái làng này chẳng ra cái thể thống gì. Đám trai làng "chẳng ra cái thể thống gì" tức khí, yêu con gái người ta không được thì quay sang cấm đường không cho cô ấy quen biết con trai làng khác và chửi bới ầm ỹ.

Vậy thì những anh trai làng này cũng chẳng tử tế nỗi gì. Anh nào rất tử tế lắm thì nói với mấy thằng du côn là chúng mày thôi trò mèo đó đi. Các anh khác thì coi như chẳng có chuyện gì. Kệ cô kia chu chéo, tai ai gần miệng lại nghe, các anh ấy vẫn là những anh tử tế, lấy được những cô vợ tốt ở làng và cả làng bên nữa nếu các anh ấy muốn thế".

Ý tưởng đó cũng đáng suy ngẫm. Nhưng từ ý nghĩ ấy chợt thấy, lâu nay người ta vẫn nhắc nhiều đến "trai làng" mà thực tế lại quên còn có "gái làng". "Trai làng" mang thói quen "ngăn sông cấm chợ", ngần ngại bôn ba băng rừng vượt biển đã đành, còn "gái làng" cũng chỉ biết thở vắn than dài, rồi nhìn ra bên ngoài và thấy "ngợp" thôi sao?!

Dân làng ta có câu "thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn", nhưng nếu vẫn còn cảnh "trai làng", "gái làng" thì khó mà "cùng tát biển Đông" hay "vươn ra biển lớn". Mà thực ra như người ta vẫn hay nói trong thời "hội nhập", Tây - Ta không khác nhau là mấy...

Danh Anh

Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2007

Made In Vietnam

Lẽ ra bữa nay bác sĩ Lê không nhận bịnh nhân vì là ngày nghỉ trong tuần của ông. Nhưng hôm qua, trong điện thoại, nghe giọng cầu khẩn của người bịnh ông không nỡ từ chối. Người đó – ông đoán là một cô gái còn trẻ – nói chuyện với ông bằng tiếng Mỹ. Cô ta hỏi ông nhiều lần :

- Có phải ông là bác sĩ Lee không ?

Tên ông là Lê. Cái tên Việt Nam đó ở xứ Mỹ này người ta viết là " Lee ", nên ông được gọi là " ông Lee " (Li ).

Ông ôn tồn trả lời nhiều lần: - Thưa cô, phải. Tôi là bác sĩ Lee đây.

- Phải bác sĩ Lee chuyên về châm cứu và bắt mạch hốt thuốc theo kiểu á đông không?

- Thưa cô phải.

- Có phải phòng mạch của bác sĩ ở đường Green Garden không ?

Bác sĩ Lê, đã ngoài sáu mươi tuổi, tánh rất điềm đạm, vậy mà cũng bắt đầu nghe bực ! Tuy nhiên, ông vẫn ôn tồn :

- Thưa cô phải. Xin cô cho biết cô cần gì ?

Giọng cô gái như reo lên :
- Vậy là đúng rồi ! Con Cathy bị bịnh suyễn nói bác sĩ chữa bịnh hay lắm. Cả nhà nó, kể luôn ba má ông bà nó đều đi bác sĩ hết.

Đến đây thì ông bác sĩ già đó không kềm được nữa, ông xẵng giọng :

- Cám ơn cô. Bây giờ xin dứt khoát cho tôi biết coi cô muốn cái gì ?

Giọng bên kia đầu dây như lắng xuống :
- Tôi xin lỗi bác sĩ. Xin lỗi. Tôi muốn xin bác sĩ cái hẹn cho ngày mai. Tôi bịnh…

- Mai là ngày nghỉ trong tuần, phòng mạch không có mở cửa. Ngày khác vậy.

- Ngày mai cũng là ngày nghỉ của tôi nữa, bác sĩ à.

- Cô đã bịnh thì cứ xin nghỉ để đi bác sĩ, ngày nào lại không được !

Một chút im lặng ở đầu dây bên kia rồi giọng người con gái bỗng nghe thật buồn :

- Họ đâu có cho nghỉ, bác sĩ. Họ nạt vô mặt : " Mầy muốn nghỉ thì mầy nghỉ luôn đi. Thiếu gì đứa muốn vào làm chỗ của mày. Mày biết không ?"

Giọng nói như nghẹn ngang ở đó, rồi tiếp :
- Không có việc làm là chết, bác sĩ à…

Ông bác sĩ già làm thinh, suy nghĩ. Đầu dây bên kia, cô gái van lơn :

- Xin bác sĩ thông cảm. Tôi sợ bịnh nặng hơn, không đi làm nổi nữa là mất việc. Xin bác sĩ thông cảm. Xin thông cảm.

- Ờ thôi, để tôi ráng giúp cô. Sáng mai, chín giờ. Phòng mạch của tôi ở số…

- Cám ơn bác sĩ. Cám ơn ! Con Cathy có chỉ phòng mạch của bác sĩ rồi.

- Xin lỗi. Cô tên gì ?

- Kim. K, I, M.

Bác sĩ Lê vừa ghi vào sổ hẹn vừa nghĩ : " Tội nghiệp ! Chắc lại đi làm lậu nên mới bị người ta hâm he như vậy. Theo cách phát âm thì cô này có vẻ là người á đông. Tên Kim chắc là Đại Hàn. Để mình phải phone lại cô Cathy hỏi cho chắc ý kẻo gặp thứ lưu manh thừa dịp ngày nghỉ không có cô phụ tá, nó ''su'' mình thì khổ ! "

Đúng chín giờ, chuông cửa phòng mạch reo. Ông bác sĩ già bước ra mở cửa. Đứng trước mặt ông là một cô gái á đông còn trẻ, ăn mặc theo kiểu " punk " : quần áo có tua có tụi, tóc dựng đứng hỗn loạn như con gà xước, đeo nhiều vòng sên bằng bạc to như dây lòi tói, đầy cổ đầy hai cườm tay, mang cái xắc đỏ cũng có tua có tụi. Bác sĩ Lê, quá đỗi ngạc nhiên, chưa kịp hỏi gì, thì cô gái nói bằng tiếng Mỹ rất lưu loát :

- Chào bác sĩ. Tôi là Kim, bịnh nhân đã gọi điện thoại cho ông hôm qua. Tôi có làm cho bác sĩ chờ không ?

Bác sĩ Lê chưa hết ngạc nhiên, trả lời một cách máy móc :" Không ! Không !". Rồi ông bước tránh qua một bên :" Mời cô !"

Vào phòng mạch, ông đưa cho cô cái áo blouse trắng ngắn tay :

- Cô đến phía sau bình phong bỏ hết quần áo chỉ mặc quần lót thôi, rồi khoác ngược áo blouse này, lưng áo nằm về phía trước.

Trong lúc cô gái loay hoay làm theo lời dặn, ông bác sĩ già gọi phone về nhà, nói bằng tiếng Việt :

- Bịnh nhân của anh tới rồi, đang thay đồ. Chắc một giờ nữa là xong. Em đợi anh về rồi mình đi chợ.

Cô gái bỗng ló đầu ra khỏi bình phong mỉm cười nhìn ông, gương mặt thật rạng rỡ, định nói gì nhưng rồi không nói, thụt đầu vào tiếp tục cởi quần áo.

Một lúc sau cô ta bước ra, mắt ngời lên sung sướng, nói bằng tiếng Việt, giọng như reo lên :

- Bác sĩ là người Việt mà con cứ tưởng là người Tàu ! Tên " Lee " nghe Tàu trân !

- Ủa ! Vậy mà tôi cứ nghĩ cô là người Đại Hàn chớ !

Rồi cả hai cùng cười, cái cười rất sảng khoái. Tình đồng hương trên đất khách bỗng thấy thật ấm, thật đầy…Ông bác sĩ già nhìn cô bịnh nhân trẻ mặc áo blouse trắng đứng trước mặt ông mà không còn thấy cô gái " punk" hồi nãy nữa !

Ông đưa cho cô cái đĩa, rồi vừa chỉ cái giường cao vừa nói : - Cô cởi hết đồ nữ trang để vào đây, rồi lên nằm trên này để tôi chẩn mạch.

Cô gái làm theo như cái máy.

Phòng mạch được trang trí rất đơn sơ, nhưng thật yên tịnh. Trong không khí có mùi thơm dìu dịu của moxa ( ngải cứu, đốt lên để hơ huyệt ). Cái giường khám bịnh cao ngang tầm tay của bác sĩ. Ở một đầu giường có gắn thêm một vòng bằng da để chịu cái đầu của bịnh nhân, và khi bịnh nhân nằm sấp để châm cứu trên lưng thì mặt người bịnh nằm trọn trong vòng da. Như vậy, người bịnh không cảm thấy khó chịu nhờ khoảng trống ở giữa vòng da giúp người bịnh vẫn thở đều đặn và mắt được nhìn thoải mái xuống sàn nhà.

Bác sĩ đặt hai bàn tay lên cánh tay trần của cô gái, ôn tồn hỏi : - Cô bịnh làm sao ? Nói tôi nghe.

- Con ngủ không được, đêm nào cũng trằn trọc tới khuya. Hay bị chóng mặt. Đang đứng làm việc, tự nhiên muốn sụm xuống làm sợ toát mồ hôi. Con lo quá, bác sĩ. Mất việc làm chắc con chết quá, bác sĩ !

Ông Lê bóp nhẹ cánh tay bịnh nhân :
- Cô yên tâm. Có tôi đây. Mà…cô có uống rượu không ?

- Không. Dạ thưa không.

- Cô có hút thuốc không ?

- Dạ thưa có. Hút cũng nhiều…

- Cô có xì ke ma túy gì không ? Nói thiệt tôi nghe.


- Mấy thứ đó con không dám rớ. Hồi ở bên nhà thằng anh con chết vì ba cái thứ ôn dịch đó, bác sĩ à. Vì vậy, con sợ lắm !

- Cô le lưỡi tôi coi.

- Ùm. Được rồi. Bây giờ cô nằm yên, để hai tay xuôi theo thân mình, nhắm mắt, thở đều đặn.

Ông bác sĩ già đứng cạnh giường đặt mấy đầu ngón tay lên cườm tay cô gái, chăm chú bắt mạch. Một lúc sau, ông bước vòng qua phía đối diện bắt mạch tay bên kia. Bộ mạch nói lên một sự rối loạn tâm thần. Cô gái này chất chứa quá nhiều ẩn ức nên sanh bịnh. Ông nhìn cô gái đang nhắm mắt thở đều : gương mặt Việt Nam đó, bỏ đi món tóc "punk", vẫn toát ra nét nhu mì dễ thương. Ông cảm thấy tội nghiệp cô bịnh nhân trẻ này và thắc mắc không biết hoàn cảnh nào đã đưa đẩy cô ta trôi qua xứ Mỹ để có một cuộc sống mà ông đoán là thật bấp bênh, qua cuộc nói chuyện trong điện thoại. Ông nói :

- Bây giờ, cô nằm sấp xuống để tôi châm trên lưng.

Cô gái mở choàng mắt nhìn ông, mỉm cười, một nụ cười đầy tin tưởng. Ông bác sĩ nói tiếp :

- Cô đừng sợ. Châm không có đau. Còn nhẹ hơn kiến cắn nữa.

Cô gái trở mình nằm sấp, hai vạt áo blouse rớt xuống hai bên, bày ra cái lưng thon thon với nước da ngà ngà. Theo thói quen, trước khi châm, bác sĩ vuốt lưng bịnh nhân vài lần để bịnh nhân đỡ bị stress. Lần này, khi vuốt xuống thắt lưng, ông để ý thấy dưới làn vải mỏng của quần lót có một vết bầm nằm vắt ngang phía trên của mông. Ngạc nhiên, ông hỏi :

- Cô bị ai đánh hay sao mà bầm vậy ?

Cô gái cười khúc khích :

- Bác sĩ coi đi !

Ông già kéo quần lót xuống một chút, thì ra không phải vết bầm mà là hàng chữ xâm màu chàm : Made In VietNam ! Ông bật cười, vừa kéo lưng quần lót lên vừa nói :

- Cha…Bạo quá há !

Cô gái hơi rút cổ cười khúc khích vài tiếng nữa rồi im. Chắc cô đang sống lại với một vài kỷ niệm nào đó. Ông bác sĩ già áp hai lòng bàn tay lên lưng bịnh nhân, nhưng bây giờ sao ông không còn thấy cười được nữa. Hàng chữ " Made In VietNam" nhắc cho ông rằng con người nằm đây là sản phẩm của quê hương ông, cái quê hương đã mấy chục năm xa cách, cái quê hương mà ở đó ông không còn ai để nhớ, nhưng ông còn quá nhiều thứ để nhớ. Những thứ cũng mang dấu ấn " Made In VietNam ", từ con trâu cái cày, từ mảnh ruộng vườn rau, từ hàng cau rặng dừa, từ con đường đất đỏ đến con rạch nhỏ uốn khúc quanh quanh…Chao ơi ! Bỗng nhiên sao mà nhớ thắc thẻo đến muốn trào nước mắt…

Ông bác sĩ vuốt lưng cô bịnh nhân thật chậm để cho niềm xúc động lắng xuống tan đi. Ông có cảm tưởng như ông đang sờ lại được quê hương, có chỗ cao chỗ thấp, có phù sa đất mịn…Tự nhiên, ông muốn nói lên một tiếng " cám ơn ". Ông muốn cám ơn cô bịnh nhân đã mang quê hương đến với ông bằng hàng chữ nhỏ xâm trên bờ mông, chỉ vỏn vẹn có một hàng chữ nhỏ. Và ông cũng muốn nói với cô, nói một cách thật tình, không văn chương bóng bẩy, nói như ông nói cho chính ông, vỏn vẹn chỉ có một câu thôi :" Tôi cũng made in đây !". Nhưng rồi ông làm thinh tiếp tục vuốt lưng người bịnh. Ông biết rằng cô gái không thể nào hiểu được ông, một bác sĩ già vừa quá sáu mươi, đã gần nửa tuổi đời lưu vong trên xứ Mỹ, có đầy đủ tiền tài danh vọng mà cũng xâm hàng chữ " Made In VietNam", xâm ở trong lòng…

Bác sĩ im lặng dò huyệt châm kim. Bỗng cô bịnh nhân nói, giọng buồn buồn, làm như cô vừa xem lại hết một đoạn phim đời nào đó :

- Thằng bồ của con xâm cho con để làm kỷ niệm hồi tụi này còn ở Louisiana . Ảnh là thợ xâm…

- Ủa ! Rồi sao bây giờ cô ở đây ?

- Con theo ba má con dọn về Cali , ổng bả nói ở Cali bạn bè nhiều làm ăn dễ.

- Ờ…người Việt mình thích ở miền nam Cali lắm.

Ngừng một chút bác sĩ lại nói, trong lúc hai tay vẫn tiếp tục châm kim : - Ở Cali khí hậu tốt hơn nhiều tiểu bang khác. Mà…ba má cô làm gì ?
- Ở Cali khí hậu tốt hơn nhiều tiểu bang khác. Mà…ba má cô làm gì ?

Cô gái làm thinh một lúc mới trả lời, giọng ngang ngang : - Qua đây rồi ổng bả đá đít nhau. Bả lấy thằng Mễ chủ pressing, còn ổng thì chó dắt ổng ôm được một bà Mỹ goá chồng có tài sản.
- Qua đây rồi ổng bả đá đít nhau. Bả lấy thằng Mễ chủ pressing, còn ổng thì chó dắt ổng ôm được một bà Mỹ goá chồng có tài sản.

- Vậy rồi cô ở với ai ?

- Với ba con. Bà Mỹ cho con đi học college, ba con lái xe đưa rước.

- Vậy mà sao hôm qua, trong phone, cô nói cô đi làm ?

Giọng cô gái như nghẹn lại : - Khổ lắm bác sĩ.
- Khổ lắm bác sĩ.

Cô ngừng một chút để nén xúc động rồi nói tiếp :

- Ba con ỷ có bà Mỹ nuôi, không chịu đi làm. Tối ngày cứ đi nhậu với bạn bè, rồi nay đổi xe, mai đổi xe…Con nói ổng, chẳng những ổng không nghe mà còn chửi con: "Tiên Tổ mày ! Tao đem mày qua đây đặng mày dạy đời tao hả !"

Lại ngừng một chút mới nói được, nói như trút hết ẩn ức còn lại :

- Có lần ổng xáng cho con mấy bạt tay đau điếng…

Rồi nghẹn ngào : - Lần đó, con bỏ nhà đi hoang…
- Lần đó, con bỏ nhà đi hoang…

Nói xong, hít một hơi thật sâu rồi thở hắt ra một cái như vừa làm xong một việc gì thật khó !

Ông bác sĩ im lặng, tiếp tục châm, mà nghe thương hại cô bịnh nhân vô cùng. Cô ta cỡ tuổi con gái út của ông. Con gái út của ông đang học đại học, còn cô này thì đang sống trong hoàn cảnh quá bấp bênh. Cả hai đều Made In VietNam hết !

Châm xong, ông đặt tay lên cánh tay trần của bịnh nhân, vuốt vuốt như vuốt tay một đứa con đang cần được vỗ về an ủi :

- Cô cứ nằm yên như vầy độ mười lăm phút, nghen.

Tiếng " dạ " bỗng nghe như đầy nước mắt.

Sau khi gỡ kim, ông bác sĩ bóp tay bóp chân bịnh nhân một lúc rồi nói :

- Bây giờ thì cô mặc quần áo vào được rồi.

Cô gái ngồi lên nói "cám ơn" mà đôi mắt vẫn còn mọng nước. Cô bước vào sau bình phong, chậm rãi mặc quần áo, làm như cô muốn những xúc cảm hồi nãy có thời gian để thấm sâu vào lòng…

Khi cô bước ra, gương mặt cô đã trở lại rạng rỡ. Cô mỉm cười nhìn ông bác sĩ, rồi, vừa mở cái xắc đỏ vừa hỏi :

- Bao nhiêu vậy, bác sĩ ?

- Không có bao nhiêu. Chừng chữa xong rồi cô hãy trả.

- Bác sĩ cho con trả mỗi lần, chớ đợi hết bịnh, tiền đâu con trả. Cái thứ đi làm lậu như con…

- Cô yên tâm. Rồi mình tính.

Ông bác sĩ đưa dĩa nữ trang : - Cô đừng quên mấy thứ này.
- Cô đừng quên mấy thứ này.

Cô gái phì cười, không đeo vào người mà trút hết vào xắc, rồi hỏi :

- Chừng nào con trở lại nữa, bác sĩ ?

- Tuần tới, cũng ngày này giờ này.

Bác sĩ mở tủ thuốc, chọn lấy ra hai chai có dán nhãn sẵn, trao cho bịnh nhân :

- Trên nhãn có ghi liều lượng: mỗi ngày, cô uống sáng trưa chiều, mỗi thứ hai capsule.

Ra đến cửa phòng mạch, ông bác sĩ già cầm bàn tay cô bịnh nhân trong hai bàn tay của ông, lắc nhẹ :

- Bớt hút thuốc đi, nghen ! Từ từ rồi tôi sẽ chữa cho cô vụ ghiền thuốc nữa.

Ngập ngừng một chút rồi ông nói, giọng ôn tồn : - Tôi muốn nói với cô điều này…
- Tôi muốn nói với cô điều này…

Cô gái chớp chớp mắt chờ. Chắc là lần đầu tiên cô được một ông già cầm tay một cách ân cần như vậy. Bác sĩ nói :

- Mình là người Việt , ăn mặc theo " punk " không hạp với con người với bản chất của mình chút nào hết. Cô đâu có xấu mà cô làm cho xấu đi, uổng lắm ! Mình phải xứng đáng là Made In , chớ cô.

Cô gái nhìn vào mắt ông bác sĩ, không nói gì hết, chỉ siết tay ông già một cái thật mạnh, rồi bước ra xe, một chiếc xe hơi cũ mèm phải đề tới bốn lần mới nổ máy !

* * *

Ông bác sĩ Lê ngồi uống cà phê với tôi ở khu Phước Lộc Thọ ( Orange County – Nam Cali). Ông kể tiếp :

- Anh biết không, lần sau cô Kim đến phòng mạch, ăn mặc chải gỡ rất dễ thương. Chẳng có chút gì " punk " hết ! Lần khám bịnh đó, tôi có hỏi cổ sao không về sống với thằng bồ ở Louisiana có phải hơn là sống cù bơ cù bất ở Cali . Cổ nói như mếu :" Ảnh có vợ rồi ". Tôi biết : như vậy là cổ kẹt thiệt. Tôi đem chuyện này kể cho vợ tôi nghe. Bả cảm động lắm nên đề nghị giúp tiền cho cổ học một cái nghề gì đó, uốn tóc, làm nail chẳng hạn, để có công ăn việc làm vững chắc hơn là đi làm lậu tầm bậy tầm bạ.

Tôi nói chen vào :
- Chắc gì cổ chịu. Nghe anh kể, tôi đoán chị này cũng tự ái lắm.

- Anh nói đúng. Cổ từ chối hoài. Sau nhờ vợ tôi mời cổ về nhà khuyên nhủ, coi như là trong thân tình, cổ mới chịu. Hôm đó, cổ ôm vợ tôi vừa khóc vừa nói :" Con cám ơn ông bà. Cám ơn ông bà ".

- Sau đó cổ có đi học thiệt không ?

- Có. Học làm nail. Học giỏi nữa là khác.

- Cổ bây giờ ra sao rồi ?

- Mới đầu làm thợ, làm công cho người ta. Bây giờ vừa làm thợ vừa làm chủ. Khá lắm !

- Mừng cho cổ, há !

- Cổ xách đồ nghề tới làm nail cho vợ tôi, con út và hai con dâu tôi thường lắm. Làm không lấy tiền. Cổ cứ nói với mấy con tôi :" Tôi chịu ơn ông bà bác sĩ biết đời nào mới trả cho hết, mấy cô biết không ? Tôi không dám nói ra, chớ mỗi lần tôi cầm bàn tay của bà bác sĩ để làm nail, tôi vẫn nghĩ không có bàn tay này thì làm gì tôi thoát ra khỏi hoàn cảnh của tôi hồi đó để có những gì tôi có hôm nay…"

- Dễ thương quá !

- Noel, ngày Tết…cổ đều mang quà đến tặng vợ chồng tôi.

- Con người ở có tình có nghĩa quá, anh há !

- Đã hết đâu ! Cổ còn nhớ đến ngày giỗ của ba má tôi nữa. Mấy ngày đó tụi con tôi có đứa quên chớ cô ta không bao giờ cô ta quên. Ngày đó, cô đem đồ tới cúng và ở lại phụ vợ tôi nấu nướng dọn giẹp nữa. Cho nên vợ tôi quí cô ta lắm !

Nói xong, bác sĩ Lê vỗ vai tôi, cười :

- Anh thấy không ? Cô ta mới đúng là "Made In VietNam" đó ! Còn nguyên chất, hè !

Ông Lê vui vẻ cầm tách cà phê vừa nhâm nhi vừa nhìn quanh. Người Việt Nam đi đầy trong thương xá. Cung cách có hơi khác nhưng nói năng thì y hệt như ở bên nhà. Một vài tiếng chửi thề rớt rơi đâu đó, nghe rất tự nhiên. Bỗng ông quay sang hỏi tôi mà nghe như ổng tự hỏi ổng :

- Không biết ở xứ Mỹ này, đồng hương lưu vong, có ai lâu lâu nhớ lại rằng mình "Made In VietNam ", không ?

- Có chớ anh ! Nhưng cũng có người chẳng những không nhớ mà còn tự đóng cho mình con dấu " Made In USA " nữa, anh à. Thứ đó bây giờ thấy cũng nhiều !

Tôi đưa tách lên môi uống ngụm cà phê cuối cùng, bỗng nghe cà phê sao mà thật đắng…

Tiểu Tử

QUÊN

Quên là một điều ích lợi. Đầu óc chúng ta như cái hộp, chuyện nọ chuyện kia theo năm tháng bị dồn vào đầy hộp, chỗ đâu để nhớ những chuyện mới? Nhưng đầu óc chúng ta không giống như cái hộp thư trên internet. Khi hộp thư đã đầy thì những bức thư cũ tự động bị delete cho những bức thư mới có chỗ tá túc. Đầu óc chúng ta delete có điều kiện. Những gì đáng nhớ, chúng ta nhớ. Những gì đáng quên, chúng ta quên. Rắc rối xẩy ra là cái nào đáng nhớ, cái nào đáng quên. Những cái chúng ta muốn các bà xã quên đi thì các bả lại nhớ đời. Những cái các bà muốn các ông phải nhớ thì các ông... delete cái một!

Muốn khỏi quên, trí óc chúng ta cần được nhắc lại. Muốn học bài cho thuộc phải ôn đi ôn lại. Mỗi lần ôn là bài học thấm vào đầu chúng ta thêm một chút. Cứ lai rai như vậy là khó quên. Cũng khó quên là ngày sinh nhật của người yêu. Ngày N còn xa mà bụng đã bàn với cái túi tiền chọn quà chọn cáp. Khi đã rước được nàng về dinh rồi thì sinh nhật nàng trở thành ngày khó nhớ. Đó là một trong những điều khó hiểu của bộ nhớ trong đầu chúng ta.

có khi tưởng đất ngậm ngùi
những sáng sương khói chào đời sống lên
có khi anh tưởng tình yên
mà câu hát cũ chợt quên chợt hoài
(Nguyễn Nam An)

Quên hay nhớ là bệnh của người. Cái bệnh khôn vặt. Nhưng quên hung là bệnh của người già. Bệnh thật chứ không phải bệnh giỡn. Bệnh nó nằm ngay trong đầu, đúng ra là trong bộ não. Cứ tưởng tượng não của chúng ta như bộ máy của chiếc xe Mercedes chẳng hạn. Máy xịn, khỏe, chạy re re ngon lành. Nhưng chạy mãi thì cũng có ngày nó oải. Đề máy thì cứ ậm à ậm ực không chịu... ca vui gì cả. Máy oải sớm hay muộn tùy người chủ xe. Nếu xe được ăn dầu nhớt đàng hoàng, máy móc được kiểm soát đúng hạn kỳ, hư đâu sửa đấy cái rụp thì máy không phản ta. Tuổi già cũng dĩ nhiên phải... lão. Những giao điểm thần kinh có nhiệm vụ báo động những trạm trung chuyển thần kinh trong đầu chúng ta cũng rỉ sét với thời gian. Não chúng ta ít bén nhậy hơn. Vào khoảng 25 tuổi, não của chúng ta trong tình trạng... xịn nhất. Những tế bào thần kinh trong não của chúng ta được thay thế hoài. Mỗi tế bào cũng có tử có sinh. Cái sinh thay thế cái tử. Cái không được dùng hay ít được dùng cũng bị loại đi. Sự tử sinh này diễn ra ngay cả khi con người chưa chui ra khỏi bụng mẹ, còn là cái bào thai.

Khi có tuổi, chúng ta trở nên chậm chạp hơn. Nhìn dáng người đi đứng, chúng ta có thể thấy được tuổi già. Nó nặng nề lắm. Nhìn bề ngoài đã vậy, bề trong cũng rứa. Đầu óc chúng ta cũng... già. Già thì chậm nhưng già cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm, trội về kiến thức tổng quát và thái độ ứng xử. Trẻ thì nhanh hơn già, điều đó khỏi phải ngôn. Nhà tâm lý thần kinh Gabriel Léonard đã thử làm thí nghiệm với hai lớp tuổi: lớp tuổi 16 và lớp tuổi 77. Qua những câu trắc nghiệm thử trí thông minh và tài ứng xử, ông nhận thấy những người già hơn những người trẻ về khả năng đọc hiểu, giầu ngữ vựng. Trong một câu trắc nghiệm về đánh đồng những con số và một chuỗi những biểu tượng, cả hai nhóm đều làm được nhưng nhóm trẻ làm nhanh hơn. Nhóm già chậm vì phải tốn nhiều thời gian hơn khi mở những ngăn kéo của trí nhớ để tìm một chữ, một cái tên hay một ngày tháng nào đó.

Chậm chạp nhiều hay ít tùy thuộc vào tuổi tác, dĩ nhiên, nhưng cũng do sức khỏe tinh thần của chúng ta. Bà bác tôi, hiện sống ở Saigon, chỉ thiếu có 3 năm nữa là đầy trăm tuổi. Vậy mà trí nhớ vẫn minh mẫn lạ thường. Bộ nhớ của bà hết xẩy! Bà vẫn nhớ vanh vách ngày sinh tháng đẻ của gần hết người trong họ hàng gần xa. Những sự kiện xẩy ra trong quá khứ vẫn được bà kể lại từng chi tiết lại còn phụ họa thêm ngày tháng chính xác như thường. Những người trẻ hơn bà, thua xa! Phải chăng, như bộ máy của chiếc Mercedes, bà chịu khó châm dầu nhớt đều đều? Dầu nhớt đó là gì? Ăn uống kiêng cữ? Thể dục? Chơi ô chữ?

Tới tuổi lão là chúng ta hay quên. Đang nói chuyện ngon trớn, bỗng khựng lại, quên bẵng hẳn một cái tên rất quen thuộc rõ ràng mới nhớ đây. Phải nghiệm một hồi, cầu viện tới những liên tưởng, trí óc chúng ta mới bật ra được cái tên đó, một cách muộn màng. “Tôi vừa định nói với anh cái gì mà tự nhiên quên hẳn mất!” Đó là câu than thở quen thuộc của các... quên sĩ. Cái quên nó như một bàn tay ma, dí vào một cái là làm trắng xóa đầu óc. Thua! Kinh nghiệm đau thương này, cứ nhai được cơm hơn nửa thế kỷ, hầu như mọi người đều có, tuy nhiều ít khác nhau. Nó là chứng cớ đáng ghét của việc sa sút trí nhớ. Muốn khỏi sa sút, cần luyện tập. Tôi có cách luyện tập riêng, chẳng khó khăn gì, chắc nhiều người cũng đã làm như vậy. Mỗi khi ngồi rảnh rỗi, tôi cố nhớ lại những sự kiện xảy ra trong quá khứ, càng xa càng tốt. Chẳng hạn như ngày này tuần trước mình làm gì, ngày này tháng trước mình có chuyện gì, khoảng thời gian này năm ngoái mình đang ở đâu? Việc này xẩy ra trước hay sau việc kia? Sinh nhật năm ngoái tổ chức ở đâu, có những ai tham dự, ăn món gì? Lối “thể dục” này bắt óc não làm việc, tạo được một trí nhớ tốt.

Kém trí nhớ, vô cùng phiền hà. Cứ hở với hả làm con cháu phát chán! Mất trí nhớ đúng là một cái tội. Nó... Alzheimer’s! Bệnh Alzheimer’s chuyên chơi những người già. Càng già càng Alzheimer’s dữ! Tại Canada, theo tuổi tác, số người mắc bệnh tăng theo cấp số cộng cho mỗi 5 năm tuổi. Tuổi 60, 1%; 65, 2%; 70, 4%; 75, 8%; 80, 16%; 85, 32%; 90, 64%! Nói cho cụ thể thì tới tuổi 90, cứ 3 cụ thì có 2 cụ chơi với anh Alzheimer’s! Vậy mà ở Canada hiện nay có hơn 4 ngàn cụ trên trăm tuổi. Những tiến bộ về y học sẽ đẩy con số các... Bành Tổ này tăng lên nữa trong tương lai. Người ta ước lượng 15 năm nữa, con số các cụ trăm tuổi sẽ tăng gấp đôi!

Alzheimer’s, “chân dung” hắn ra sao? Aglia Zavliaris có một bà mẹ rất mê shopping. Cửa hàng nào tọa lạc tại chỗ nào, cụ chẳng bao giờ quên. Bước chân vào một shopping center, cần tới tiệm nào, cụ tới cái một, chẳng cần bản đồ bản điếc gì cả. Rồi có một ngày, Aglia nhận thấy ở mẹ có những điều hơi lạ trong cách cư xử, khả năng ứng phó, khả năng hồi nhớ. Nhưng Anglia nghĩ rằng chẳng có gì quan trọng. Già cả, ai cũng vậy! Một buổi tối ngồi coi TV ở nhà, trên màn ảnh là một phim quen thuộc cụ đã coi đi coi lại nhiều lần. Tới một cảnh đánh nhau, cụ bỗng sợ một cách lạ lùng, sợ đến chết được. Rồi dần dần những con số, thời gian, ngày tháng ra khỏi trí nhớ của cụ. Cho tới một ngày, cụ ra mua đồ ở một tiệm tạp hóa gần nhà, cụ bỗng quên đường về! Gia đình đưa cụ đi bệnh viện, thay nhau săn sóc, nhưng cụ càng ngày càng quên dữ. Cho tới ngày cụ quên không nhớ... đi. Đành phải gửi cụ vào nhà săn sóc đặc biệt. Cụ mất vào năm 1997.

Mẹ tôi mất vào đúng ngày lễ Giáng Sinh năm 2002. Cũng Alzheimer’s! Năm 1995, sau mười năm xa nhà, tôi trở về. Mẹ tôi rạng rỡ nắm lấy tay tôi giọng lạc đi. Thằng S. nó về thật đây này! Mười năm trước, tôi ra đi, không bao giờ nghĩ là lại có ngày trở về thăm gia đình được. Ngày tôi đi, mẹ tôi trốn vào trong phòng, không dám nhìn tôi dắt díu vợ con rời khỏi nhà. Bà là người cả nghĩ. Con cái từng đứa cứ rời bà ra đi tìm đất sống. Bà vẫn thường nói: đó là do cái chế độ đang cai trị đất nước đẩy chúng ra đi. Đi được đứa nào, mừng cho đứa đó. Nhưng trong thâm tâm, bà vẫn luôn luôn mang lòng oán hận chế độ. Thời buổi nhố nhăng làm gia đình tan tác! Bà nuốt nỗi buồn vào trong. Những ngày tôi trở về, quanh quẩn bên bà, mẹ tôi hay kể chuyện đời xưa. Có những chuyện bà kể đi kể lại mà lúc nào cũng tưởng như đang kể lần đầu. Có những chuyện bà lẫn chi tiết từ chuyện này qua chuyện khác. Bà đã lẫn! Cũng tròm trèm tám chục tuổi rồi! Đối với người già, lẫn lộn là chuyện thường. Tôi ra đi lại.

Sáu năm sau, tôi trở về lần thứ hai. Lần này thấy rõ ràng bà bị Alzheimer’s. Cách xử sự, lối nói chuyện của bà vẫn như có vẻ tỉnh táo. Tôi mang về những sấp vải may áo dài có màu sắc nhu mì và những nét vẽ đơn sơ, thứ mà từ xưa tới giờ bà vẫn thích, bà hớn hở ôm vào lòng. Khi tôi đưa bà một tấm áo len màu hơi tươi, bà không thích, trả lại, nhất định không lấy. Đưa cho bà bao nhiêu kẹo chocolat, bà cười vui vơ hết. Bà vốn thích loại kẹo này. Có điều, biết là có người thân từ ngoại quốc về, biết những món quà này là... hàng ngoại, thứ bà vốn ưa, nhưng bà không nhận ra tôi là ai. Em tôi hỏi, bà chỉ bảo thấy quen quen! Trong những ngày gần bà, tôi cố nhắc lại những chuyện xưa, nhấn mạnh tới những chi tiết bà thích, bà vui vẻ bắt chuyện. Tôi gợi lại những kỷ niệm cũ giữa hai mẹ con mong dắt được bà tới chỗ nhận ra tôi là con. Vậy mà vô ích. Có điều là khi tôi đi chơi bao giờ bà cũng ra đứng ở cửa như có ý chờ tôi về. Khi tôi về, bà mừng. Tôi nghĩ là trong một góc ký ức nào đó, bà vẫn biết tôi là người thân, rất thân thuộc, nhưng quên không biết tôi là ai. Chị tôi, em tôi, các cháu tôi, những người quanh quẩn bên bà hàng ngày thì bà vẫn biết. Bà cô tôi, thường hay chơi bài với bà ngày trước, dù ở mãi tận Ban Mê Thuột, thỉnh thoảng mới về thăm bà, bà cũng vẫn biết. Thấy tình cảnh như vậy, bà cô tôi đã thử làm một cuộc trắc nghiệm. Bà kéo tôi lại ngồi gần, hỏi mẹ tôi:

“Chị có biết thằng S. không?”

“Biết chứ sao không?”

“Thằng S. bây giờ ở đâu?”

“Nó ở bên Mỹ!”

“Thằng S. con ai chị có nhớ không?”

“ Con tôi chứ con ai!”

Bà cô tôi, chỉ vào tôi.

“Thằng S. nó đây này.”

Mẹ tôi, mặt rầu rầu, buông một câu:

“Cô này chỉ nói giỡn!”

Tôi ở trong nhà, đi ra đi vào, bà cứ nhìn theo. Đôi lúc bà nói đùa, như ngày xưa bà vẫn thường hay khôi hài. Cái ông này cứ ở đây hoài! “Cái ông này” là ai, bà không biết. Ngày lại phải ra đi, tôi nói với bà.

“Tối nay con phải đi rồi mẹ ạ.”

“Ông đi đâu?”

“Con về lại Mỹ.”

Bà cười vang lên.

“Mỹ nào nó thèm lấy ông mà về!”

Có lẽ, trong đầu óc bà, vẫn là thời gian ngày xưa. Đi Mỹ, chỉ có những người lấy chồng Mỹ! Đúng một năm sau, tôi trở về lại, để ôm tấm hình bà dẫn đầu đám tang!

Ở Canada có 238 ngàn người bị Alzheimer’s. Mỗi năm chính phủ phải chi ra gần 4 tỷ đô cho căn bệnh này. Người bị Alzheimer’s trải qua từng giai đoạn: nhẹ, trung bình và nặng. Có khi giai đoạn này chồng lên giai đoạn kia. Việc chữa trị không nhắm vào việc chữa dứt căn bệnh mà cố giữ sao cho bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ lâu chừng nào tốt chừng ấy. Những thứ thuốc trị bệnh ngày nay như Aricept, Exelon và Reminyl, tuy có tác dụng hơi khác nhau, nhưng cùng nhắm vào việc tăng thêm lượng acetycholine trong não. Những nghiên cứu cho biết là thứ hóa chất cần cho trí nhớ này có rất thấp nơi những người bệnh Alzheimer’s. Một thứ thuốc mới, Memantine, giúp giữ glutamate, một hóa chất khác cần cho não, đã được dùng để trị bệnh mất trí nhớ từ nhiều năm nay tại Âu Châu, nay mới được chấp thuận dùng ở Mỹ. Tuy vậy, Canada vẫn chưa gật đầu công nhận. Memantine giúp làm giảm “tiếng động” trong hệ thống não, xóa đi “sương mù” trong đó. Người ta chưa chắc nó có thay đổi được sự sống còn của các tế bào não không nhưng nó tỏ ra hữu hiệu trong các giai đoạn Alzheimer’s từ trung bình tới nặng. Những loại thuốc này làm người ta tin tưởng hơn vào việc làm giảm được bệnh Alzheimer’s. Những người già, nhờ sự tin tưởng này, đã chịu khó đi khám bệnh thường xuyên hơn. Thường thì bệnh đã nằm vùng từ ba đến năm năm trước khi được phát hiện ra. Sự mù mờ của thời kỳ tiềm ẩn bệnh này làm người chung quanh không hiểu được người bệnh. Hậu quả thật thảm thương. Cách cư xử thay đổi khác thường của người bệnh mà chưa biết là bệnh có khi đã dẫn tới ly dị, xa lánh và làm người bệnh bị trầm cảm. Bà Hilda, một thương gia rất xông xáo, đã nhuốm Alzheimer’s. Bà rất phẫn uất khi bị thu bằng lái xe, một biểu trưng cho sự độc lập của bà. Nhưng điều làm bà đau khổ hơn là không ai hiểu bà. “Tôi ước được biết cách làm sao giải nghĩa cho những người thân và bạn bè của tôi để họ hiểu được là sự mất trí trong những khoảng thời gian ngắn của tôi làm tôi cảm thấy như thế nào. Đừng bảo tôi phải làm thế này thế kia, nhưng hãy cầm lấy tay tôi!”

Quên đi nhớ lại tức cười,
Một con cá lội mấy người buông câu.
(Ca dao)

Đời sống chẳng bao giờ hứa hẹn một sự phẳng lặng. Con người luôn ở trong tư thế trừng mắt nhìn nhau. Tranh dành, xô đẩy, kèn cựa, lừa lọc... Đó là những thực phẩm trần gian! Quên là một cách tạm lách ra khỏi những nhọc nhằn để tìm cho mình một khoảng trời xanh. Nhưng có những điều chẳng thể quên, mà cũng chẳng muốn quên. Những thân phận bềnh bồng ngoài xứ sở có bao giờ nguôi được tấc lòng vọng về cố hương?

ta lạ đất trời, thương cố thổ
trăng buồn đâu thể giữ màu xưa
có khi xót đắng không vì rượu
lòng cứ trầm mê điệu tiễn đưa...
(Hoàng Lộc)

Song Thao

Thứ Tư, 27 tháng 6, 2007

Vân Sơn 36: Vân Sơn In Taiwan (Phóng Sự Người Việt Trên Xứ Đài) 31 - 34




Vân Sơn 36: Vân Sơn In Taiwan (Phóng Sự Người Việt Trên Xứ Đài) 26 - 30





Vân Sơn 36: Vân Sơn In Taiwan (Phóng Sự Người Việt Trên Xứ Đài) 21 - 25





Vân Sơn 36: Vân Sơn In Taiwan (Phóng Sự Người Việt Trên Xứ Đài) 16 - 20





Vân Sơn 36: Vân Sơn In Taiwan (Phóng Sự Người Việt Trên Xứ Đài) 11 - 15





Vân Sơn 36: Vân Sơn In Taiwan (Phóng Sự Người Việt Trên Xứ Đài) 06 - 10





Vân Sơn 36: Vân Sơn In Taiwan (Phóng Sự Người Việt Trên Xứ Đài) 01 - 05





Thứ Ba, 26 tháng 6, 2007

Cảm Xúc Tình Yêu


Anh !

Thế là mình không được gặp nhau như đã hẹn. Bây giờ thì em đã hiểu bí ẩn của tình yêu, có thể giải thích nó bằng những lời giải thích, và chuyện gì đã xảy ra cho em ! Thật khó mạnh miệng khi nói về chuyện này. Chuyện tình yêu xưa như trái đất, nó cứ được lập đi lập lại như vấn đề thời sự. Nhưng chắc chắn chuyện đã xảy ra, với những người cao ngạo lạnh lùng, mà lúc nào họ cũng cho rằng, khó có thể xảy ra, việc quan hệ tình cảm với giới tính, là một quan hệ không tốt đẹp.

Khát vọng của con người khó lường, nó thích nghi với biến đổi của cơ thể, đem lại sự yên bình, và cũng sẽ đem lại những căng thẳng hiểm nguy…Anh, trong thời gian này em đang nhớ về anh, về tích tụ những khích thích tố có liên quan đến chiến đấu hay khuất phục, làm tăng nhịp đập của tim anh. Em hoang mang…tất cả năng lượng được dự trữ trong con người anh, đang được luân chuyển, hay đang tiêu hao dần trong một mục đích duy nhất, mà trong người ai cũng có.

Quan hệ tình yêu là tuyệt đối, cần thiết cho chúng mình phải không anh ! Em biết hiện giờ ở một góc xó nào đó, anh cũng đang nghĩ đến em. Hai bên nỗi nhớ đang tỏa hương tình yêu, bao quanh lớp da chúng ta, tạo thành làn sương phủ cánh đồng hoa. Có phải là em đang âu yếm dí mũi vào nách anh không ? Có phải là anh đang thủ thỉ, vuốt ve hôn hít em…Giúp cho nhau cảm giác ngất ngây, thay đổi một lớp biểu bì mới, đủ sự nối kết đồng điệu nơi xa! Tình yêu của mình là đầu, là cuối, là duy nhất, của mùi hương "cảm" nhận, qua những lá thư, nhất là cử chỉ đầu tiên và cái nhìn thiện cảm, dịu ngọt, mượt mà, dữ dội, quỷ quái, mâu thuẫn, bí ẩn…Chính là chiếc chìa khóa, còn khóa giữ lại trong khứu giác mùi hương đặc biệt, để biểu hiệu tình yêu.

Bây giờ thì anh hiểu rồi, tình yêu không phải là chuyện nhảm, mà nó là điều quan trọng hàng đầu, đối với sinh hoạt xã hội, khi đặt nó nằm ở bất cứ phạm trù nào của cuộc sống, nhất là đạo đức…Mỗi khi nói đến tình yêu, là em cứ mơ mộng viển vông, dịu dàng của tuổi trẻ cuồng nhiệt, rừng rực trong mắt, làm tâm hồn cảm thấy nhẹ nhàng an ủi…Vì tình yêu là đề tài muôn thủa, trước hết dành cho người biết yêu: để dò hỏi, nghi ngờ, khám phá, hứa hẹn, đam mê, ghen tuông, mơ ước, tưởng tượng, giận hờn rồi qua…

Giờ này anh đã xa em, mà có khi nào chúng mình gần nhau đâu…Nên anh ở bất cứ đâu, đối với em như anh đang gần em. Em nhớ sau buổi gặp gỡ tại Paris, rồi chia taỵ Rồi gặp lại nhau. Lần này mình gặp lại nhau, trên mạng vi tính. Chỉ đọc được tâm hồn, yêu nhau qua dòng chữ trên màn hình, bắt được cảm xúc qua giọng nói, và sau đó anh dự trù lên phi cơ trở lại Paris. Còn em thu xếp để gặp gỡ nhau. Đi mua tấm trải giừờng còn thơm mùi vải mới, hai chiếc gối êm và tấm chăn trắng tinh…

Nhưng vào lúc 5 giờ sáng ngày…tháng…năm em còn nhận được một thông điệp mới của anh, qua mạng vi tính chuẩn bị hành động…và kèm theo với những lời âu yếm, hứa hẹn nồng nàn, từ bên kia Thái Bình Dương gởi sang. Cho em nỗi nhớ nhung vụng dại, trong cõi mênh mông bất động…Để rồi hôm sau tan như mây khói…Tất cả đã xảy ra như trong tiểu thuyết lãng mạn. Giây phút trôi qua, hàng giờ, hàng ngày cứ trôi quạ Nhưng vẫn có chút an ủi, nhẹ nhàng vào lòng. Phần anh cứ để lặng lẽ trầm tư mặc tưởng, thanh thản đáy lòng. Vượt qua những cơn mưa cô đơn, men theo hình bóng đã vắng, là hương vị thần tiên của tình yêu, mà ta cảm thấy xa nhau, càng buộc tình cảm thêm bền chặt, tình yêu càng thêm nung nấu…

+++

Để trái tim được dịu dàng trở lại, sau những ngày mưa dầm gió bấc. Em nằm nghe nhạc, và thè lưỡi liếm những lớp đường, trên miếng bánh chocolat, nghe hương vị ngọt ngào tan dần trên đầu lưỡi. Mơ hồ đọc lại những lời thơ anh, khi trái tim còn những tầng cảm nhận, với những đam mê tình yêu nhất thời cháy bỏng…Ở thời gian nào, lứa tuổi nào con người cũng chịu đựng, những thử thách ghê gớm của tình yêu. Phải không anh ?…

Tối nay em nhận thêm được một mẩu tin về anh, do cô bạn gái từ Mỹ gởi sang. Anh có biết lòng em lúc ấy ra sao không ? Em đang lúng túng, sợ hãi, hốt hoảng. Động mạnh trong trái tim một hình ảnh, tiều tụy xanh xao, với tay chân xiềng xích. Nhưng khối óc lại khát khao vươn lên, cùng ánh mắt toát lên ánh lửa dữ dội, của kẻ đang quyết đấu, không bao giờ chịu bó tay trong lãnh vực nào. Nhất là lãnh vực máu thịt của con người. Tất cả cho em lạc vào thế giới, ngày nhớ đêm mơ, sẽ mang đem tới cho anh ký lô gam sinh lực mỗi ngày, cùng chia cho nhau cảm giác thân thiết, đam mê, và sự quả quyết dấn thân …

Có phải hạnh phúc yêu đương, ta cùng hiểu ý nghĩ nhau, khi hai người đang ở một nơi xa, với ngàn nỗi nhớ để dành hơi. Này ! con ong chúa…em đã bắt được tín hiệu từ nơi anh, vì cùng một lãnh thổ của em. Trước khi bước thêm một bước lý tưởng vĩ đại cuộc đời, với tất cả sự nhiệt tình chắn, thuần thục nơi anh. Nhưng mỗi việc đều có thời của nó. Và anh đã hứa gì với em ! Nói gì với em? Em không muốn thấy có dấu hiệu suy sập chất năng tim. Em biết anh tự vệ bằng những cái bướng bỉnh, lạnh lùng, kênh kiệu, khó ưa…Nhưng anh còn có trái tim đa cảm đa mang, đang dồn nén tình yêu còn lại đã quạ Anh ạ ! duyên cảnh đổi thay, tùy thời linh động, và trong rủi có cái may, trong đau thương có điều an ủi.

Tình yêu lóe lên được chút màu hồng, làm rạo rực trái tim, gắn bó với hạnh phúc cuộc đời. Nhưng mỗi người có những diễn tiến khác nhau. Màu hồng của tình yêu, biến thành màu xám xịt, vì nhiều lý dọ Tình yêu màu hồng của em vô hình phức tạp, chằng chịt như trong địa đồ trái tim em. Ôâi ! em đang mang trái tim tím ngắt, khi anh chốn đêm đen không cạn đáy. Đang giãn ra trong giấc ngủ sau bao đêm trắng. Tình yêu bao giờ cũng có những thử thách, khi đã vượt qua khỏi, ta sẽ sống với tình yêu lâu dài, dù cho thử thách đang chờ…

Hình ảnh đẹp về một tình yêu chân thật, cho em cảm nhận được mọi biểu hiện khác. Nhất là những ước muốn chát bỏng, mà em có thể thủ thỉ với anh rằng cảm xúc tình yêu da diết, chắt chiu, từng phút còn lại dành cho nhau. Tình yêu và niềm hy vọng, dù là những câu đôi khi vô hồn, nhừng lời tắc tị. Nhưng đây là bức điện tín dài không dứt, kết tinh của tình yêu gởi đến anh. Thể xác sẽ thăng hoa, không còn bị chia rẽ. Vấn đề còn lại giữa anh và em, là việc hiến tặng sở hữu cho nhau của tha nhân…

Cả ngày em trông trời mau chiều, mau tối mau khuya. Khi biết sẽ liên lạc với anh đêm naỵ Kẻ bên này, người bên kia…Bên này là bên tự đọ Bên kia là bên tường đá vắng hiu, xác xơ vạn dặm…..Mười hai giờ 28 phút, em bắt đầu nhấn những con số chờ đợi. Đúng mười hai giờ 30 giữa đêm. Hai bên đầu giây điện thoại, lần lượt ngân lên tiếng nói. Hai mươi lăm phút chấm dứt. Em rung lên hạnh phút xoáy vang….

Anh nói : Không có tin tức gì về em, từ khi anh vào đây. Con nhỏ kỳ cục ! Ngày Saint Valentine không một tấm thiệp, không một bông hoa ? Anh nguyền rủa…Thắc mắc chờ đợi, rồi anh lẩm bẩm cười mỉa. Ừ ! cười đi, cười một nửa cho đỡ mệt nhoài. Hy vọng mỗi ngày, hy vọng dù cụ thể mơ hồ…Em tính nhẩm hơn trăm ngày anh bị tống giam. Khi nào anh về ? Tháng tư lõm trắng, hay tháng sáu ngây ngây ! Em cũng như anh, cũng trông tin, cũng lăn lộn, nằm ngửa bất động mâu thuẩn. Trạng thái ngu ngơ, trăm ngày hoang dại….

Mưa rơi anh ạ, chắc anh không nhìn được mưa, và mây baỵ Anh đang trong một góc tối tăm, phía sau bức tường nhỏ hẹp là tình yêu. Em như mơ hồ nhìn thấy anh, đi qua đi lại. Trái tim sắt lại theo từng bước, rạng rỡ tin vào ngày mai. Dĩ nhiên rồi. Và em, cũng rạng rỡ tin vào ngày mai, cũng dĩ nhiên nữa. Ôi! anh cao ngạo và đầy ước vọng. Em yêu anh chờ đợi nhưng thỏa mãn.

Mưa đã tạnh rồi anh ạ. Chiều đông êm như nhung. Những con đường chưa đầy bóng tối, mà em đã bắt đầu, cựa quậy nỗi nhớ bên trong, cuồng nhiệt nhưng khép kín. Tâm hồn em nẩy nở như cây đợi nước mưa. Ký ức vụt nhanh, miền ngực nóng hổi, nâng đỡ vỗ về những phút yếu mềm, để vơi bớt những gì thể hiện qua lời phóng túng. Cảm xúc của tình yêu, của cái đẹp, của đau khổ, của hạnh phúc, của lãng mạn…nó sẽ để lại dấu ấn trong cuộc tình. « Tôi » ngôi thứ nhất số ít, nhấn mạnh về em. Từ « nhớ » ám chỉ tình yêu, niềm hạnh phúc riêng tư nằm sẵn trong vô thức nay nó vùng dậy. Từ « Anh » là nỗi đam mê, là ngọn nến lung linh hư ảo, đầy màu sắc háo hức của yêu đương, cho sự thăng hoa trở lại bản thân, như muốn đốt cháy nữ tính mình. Dì em từ phòng bước ra, hỏi thăm anh bao giờ về ? Em lắc đầu. Dì lườm yêu một cái rồi bỏ đi. Dì là mẹ, là chị là bạn. Dì vào bàn thờ thắp hương, em cũng đi theo Dì vào bàn thờ thắp hương. Nhắm mắt khấn vái ba mẹ phù hộ cho... Trăm năm chỉ có một người. Và rằng người đang đọc thư em hôm qua trời ạ !

Em qua nước Mỹ rộng lớn, chỉ thèm mỗi một thứ về « người », mà không làm sao biết. Em ôm tràn ngập, cảm giác yêu thương về phòng, để mùi hương bay khắp gần xa… Đêm qua ba giờ sáng mới chợp mắt. Sáu giờ lò mò ngồi dậy. Cả ngày thẩn thờ vì mất ngủ, vì nhớ con số 12 giờ 30 trong đêm. Em ghét thứ nhớ nhung, ray rứt kiểu này. Khó chịu lắm !…Em gái bảo ra ăn cơm, em lười biếng không muốn ăn. Tự dưng đầu em cứ phừng phựt thế này ! Lại câu chuyện hai đứa, khiến em mất ngủ nữa rồi. Chán !….

Em còn nhớ chuyện hẹn hò với anh. Nhớ như nhớ mùa xuân không quên cánh én. Sông nước thân yêu, như anh thân yêu, giữa dòng sông đồng lúa, khắc khoải vang lên nghe thương yêu trở về. Tự nhiên em… giận. Buồn, em đi chơi lung tung… Chán quá ! em đáp máy bay đi San Diegọ, rồi từ san Diego về lại Dallas nằm chèo queo….

Dallas tháng ba rồi, mà cả tuần nay vẫn mưa và lạnh. Mưa như nức nở, như rạn nứt trái tim. Tình cảm phức tạp vỡ oà theo một viễn chinh đẹp trong chiều hư ảo, mang theo niềm hạnh phúc lẫn nỗi buồn. Em ngồi bất động…Ngồi chán đi ra bếp tìm nước uống. Cô em gái đang lục đục trong bếp quay nhìn lại lo âu nói : Em sợ chị khổ. Em cười : Chị bình yên và dễ chịu…. Trong tâm linh trú ngụ, là sự bình yên trong sáng, thì cái cảm giác vo tròn định mệnh, nghèn nghẹn, xót xa, cũng sẽ từ từ tuột dốc…

Dì em đọc những bài văn, Dì nói đoạn kết buồn, là cuộc đời sẽ theo vận buồn. Buồn ! cũng là thứ hạnh phúc hiến dâng trọn vẹn, cho một cái gì đó không huỷ diệt…Phải không anh ? Em không muốn anh nằm nhìn trần nhà ? Chim phải bay về tổ ấm mình, và không bao giờ muộn. Khi nghĩ về những ngày cuối trọn vẹn. Cuối cùng bao giờ cũng nhất, cũng tuyệt mỹ…Em sắp về lại Paris có những con đường bâng quơ mà vẫn đẹp. Nơi đó em sống vui, buổi tối như xưa, ban ngày bóng gió đầy tim, tận đầy ngõ chờ đón em về. Em phải về cũng như anh cũng sẽ phải về…

Em được nhìn rõ hình ảnh anh. Giữa khoảng trong xanh mây trời ve vuốt, anh trong bộ áo quần màu vàng nghệ, bước ra khỏi trại giam. Anh gầy đi nhiều, nhưng rắn rõi cương quyết, ánh mắt bình thản, tự tin. Cảm giác cỏn con của em ở chỗ… biệt ly, là chỗ gặp lại nhau. Em tưởng là em đã gặp anh lúc đó, với đôi mắt đỏ hoe, trong sự cảm động êm ái rất thường, mà bao hàm một ý nghĩa, vừa đẹp vừa sâu sắc kín đáo. Em lại trở về cảm giác ái tình, của một tiểu thuyết cảm động, đối với một hoàn cảnh thích hợp với em nữa rồi. Một khi ái tình đã thấm vào lòng, lời nói có kín đáo, cũng đủ phơi bày ra hết qua sự nồng nàn. Cảm xúc từng ngày nẩy nở bắt nguồn từ những dư vị tình yêu, nó là sự kết tinh của thương nhớ mong chờ, đã đem đến cảm tình riêng, mà mình đã dành cho nhau. Để ca ngợi, để trực tiếp quan hệ sống với tinh thần, nhiều khía cạnh, nhiều màu sắc, nhiều vẻ đẹp trong đó có quê hương êm mát của chúng ta…

Từ Canada em bay sang Hoa Kỳ, với niềm tin sẽ gặp lại anh. Niềm tin đã cho em lẻ sống trong tâm hồn. Những ngày ở đây em sẽ làm gì ? Trước hết nó gợi cho em nỗi niềm man mác, đồng thời nó cũng trỗi dậy, một cái gì đó trong tương lai. Trong cái bốn bề, có những luồng ánh sáng lành mạnh, của mặt trời rực lên nơi đây ( San Diego ). Cỏ cây hoa lá thơm lành, mát dịu dưới bóng mát. Em đang tỉnh táo mà sao nghe xúc động thế này !. Anh, em đang cần bóng mát, để cuộc sống cân bằng và nhịp nhàng hơn.Và, cái hình ảnh tù đày, nó đối lập với hình ảnh tự do, cho em mãn nguyện này. Là hình ảnh của một cái gì đẹp đẽ trong sự thực, không phải lúc nào cũng mơ màng yên lặng, một đời ăn no, mặc ấm an nhàn. Nó cho em biết, cái hình ảnh nào thật là của em.

Em đến ở với bà Dì ruột của em tại đây, trong ngôi nhà yên tĩnh, dẫn vào thế giới hoài niệm khuất lấp trong hồn người. Đôi khi nó đưa đến niền nhớ thương vô hạn... Anh ơi, Em nhớ anh quá ! Nhớ anh trong mênh mông cõi dân gian, chênh vênh giữa sáng và tối, trong bình yên mà xôn xao, gợi mãi buổi đầu gặp gỡ, hẹn hò thoáng mơ qua rồi mất hút…Chỉ còn lại niềm an ủi trong ảo tưởng mà thôi. Anh, em không nghĩ dòng đời lạnh lùng đến thế ! em sẽ san sẻ hơi ấm tình người trong gió lạnh đầu mùa, lưu tồn thấm qua ngõ cuộc đời, trong đêm có ánh mắt trông chờ.

Tình anh và em, không đến đâu. Nhưng cũng đã một tình yêu mong nhớ và sâu xa, dù chỉ vài nét chân dung chấm phá. Đó ! em lại dao động tưởng tượng lù mù, qua cái mộng ảo méo mó ở thực tại. Ui, em nói nhảm…bâng quơ quá phải không anh ? mình chưa có ngày rực rỡ đầy đủ, mà em đã nói những lời như người điên.
Anh ạ, em đang ngồi trước máy vi tính, viết thư cho anh. Một trăm phần trăm nhớ anh, thu nhập vào đấy. Thật là kỳ dị với cảm giác rờn rợn, khe khẽ rung động bên trong…Có lẽ là sự cám dỗ những khích thích tố nhớ nhung, dồn hết vào chỗ đỏ thẩm nổi lên giữa…bầu vú. Rồi con tim nhảy thì thụp dưới ngực áo, và em quên hết mọi chuyện trên đời, chỉ còn duy nhất một hình ảnh ngự trị đó là…Ui, viết thư cho anh như thế này là không hợp lý tí nào…Coi như giấc mộng ngọt ngào đã qua, giấc mộng của con cò nhỡn nhơ tìm lúa lúa rụng về đêm. Cảm tưởng trong chốc lát, ít ra cũng như đã trao đổi tâm tình, hai tâm hồn đang đoa. lạc hai nơi, mà tư tưởng bản thân chỉ một người.

Anh à, em nhớ anh, nhớ anh…đủ thứ, nên em viết chẳng có đầu, có đuôi chi hết trơn, lộn xộn quá chừng ! Anh đừng cười em nghe…mà anh có cười em cũng được đi, vì đối với anh có gì mà em phải dấu ! phải giam hãm những chí khí bồng bột, mãnh liệt dưới lớp da lành mạnh tráng cường ? Nói nghe như tình vật dục dữ dằn vậy đó, chứ thật ra em rất là Việt không có buông thả đâu anh ! bằng cớ là khi gặp anh em vẫn còn dè dặt, "chưa" dám "thử" cái hương vị tình yêu, để anh nhiều lần phải thét lên "Mau với chứ vội vàng lên với chứ. Em ơi em tình non sắp già rồi" Lúc đó em tinh nghịch : "Em khờ khạo lắm ngu ngơ lắm . Chỉ biết yêu thôi chẳng biết gì" ? Anh, mình nhớ nhau, là mình như tiên anh nhỉ ? Tình yêu màu nhiệm quá phải không anh ? Nhất là ai đó đã chi phối nhưng suy nghĩ bồi hồi, tâm trạng kẻ đang yêu một cách đậm đà như em. Anh, đêm nay em đang nghĩ đến anh bên bàn rượu, kề bên góc ngọn đèn hoa kín mít mà nghe rất ồn ào trong em "cơn say suốt sáng, trận cuồng thâu đêm".

Bích Xuân, Paris
(Viết theo tâm sự của Limcheng)
bichxuanparis@yahoo.com

Ba Người Đàn Ông KV


KV Thứ Nhất

Một người đàn ông diu dàng, hết sức dịu dàng. Ông ta làm tôi nhớ một đứa con gái làm biếng trổ mả. Một đứa con gái 28.50kg. Một đứa con gái tràn đầy mơ màng tuổi mười sáu, nhú nhít chút chít tuổi mười bảy, thòm thèm tuổi mười tám, xa ngái tuổi mười chín, và aurevoir vĩnh viễn Nói Với Tuổi Hai Mươi Nhất Hạnh. Khi tưởng tượng về thân xác và tâm hồn ông, tôi thường nghĩ về sự mảnh mai của đứa con gái Huế thập niên 1960.

Ông ta thả lềnh bềnh những bè thanh âm vào đời. Nhân gian bấu víu, giành nhau, kiếm chút hơi hướm trinh nguyên của con gái và tiếng hát hao gầy của Nghệ Thuật. Nghệ Thuật của ông ta là cõng con gái đồng trinh lên vai và băng qua cuộc đời như một kẻ sơ tán trong một xứ sở chiến tranh điên loạn.

Nghệ thuật của ông ta là biến những người đàn ông chó sói thành những đứa con gái dẹ dàng phút giây.

Tình yêu của ông là nụ hôn dịu dàng lên trán ấm. Nụ hôn tràn trề sung mãn năng lực tinh thần. Nụ hôn mặc khải những tình yêu mơ hồ. Hôn vào trong tim. Hôn không nước miếng. Hôn một lần sống một đời.

Ông ta có khả năng nẩy bật những xuồng bè mong manh lau lách tâm hồn. Ngôn ngữ của ông ta rất sương khói giấu trong chăn len. Thứ ngôn ngữ phù phiếm vô nghĩa được che bọc bởi một loại nhạc điệu bạc nhược đại bại xứ Huế. Ông ta là nhà ngôn ngữ đại tài ru hồn người Nam Âm suốt một triều đại. Kẻ nào bị ngôn ngữ của ông ta huyễn hoặc sẽ kểnh chân, sẽ được nhấc bổng, và đi bềnh bồng.

Bửu bối của ông là cái chân của một đứa con gái đồng trinh lớn lên và tìm đường thủ dâm bằng bàn tay và trí nhớ của một đứa con trai nằm cạnh, và bà mẹ của hắn thì đang ở phòng ngoài. Phải, ông này bị chứng đùn đụt tâm hồn vì tình yêu với một bà mẹ. Người đàn bà mạnh mẽ xứ Huế ấy là cái bóng phủ trùm hết những sáng tác của ông. Những bài ru mẹ của ông là những bài hát hay nhất.

Còn lại thẩy là những câu hát thủ dâm thời đại. Len lén thủ dâm. Đóng cửa phòng chiều chủ nhật mà thủ dâm. Đấy là một người đàn ông ích kỷ. Chỉ nghĩ đến mình. Chỉ yêu mình. Say mê tự sướng đã khiến ông ta không vợ không con. Những bài hát của ông trống vắng hạnh phúc thân xác. Chả bao giờ ngủ với người đàn bà nào để bước xuống cuộc đời, để biết yêu một thân xác thì đớn đau và hạnh phúc, khác xa thế nào với cu cu ka ka "con tinh yêu thương vô tình chợt gọi".

Và cứ thế ông ta lãng đãng sương khói thủ dâm cá nhân chủ nghĩa suốt một thế hệ.

Thử tưởng tượng ở một xứ sở rất cách ly với khái niệm "sở hữu chủ", ổng vẽ vời ra một "Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu", khiến cho bọn tôi lúc đó ai cũng mơ tưởng đến việc được sở hữu một căn phòng riêng để nằm một mình hay hai mình đìu hiu chiều chủ nhật. Đấy là một mơ ước qúa sang trọng trong một xứ sở đang nghèo kiết xác gia đình mười con ở một căn nhà tôn và đang chiến tranh. Mặc cho thế giới ngoài kia đã trù phú nhà lầu xe hơi đến đâu. Xứ sở tôi đang sống lúc ấy thì "sở hữu chủ" tình yêu, sở hữu chủ một khoảng không gian riêng, sở hữu chủ cái tôi riêng biệt là một điều gì nằm trong giấc mộng. Cuộc chiến thắng của cái "tôi" là lá cờ vinh quang trong những bản nhạc của ổng. Để làm gì, để mơ tưởng một tình yêu thánh thiện không cần chỗ cho hai thân xác quằn quại tìm nhau và mò nhau. Để làm gì, để tương tư "mây góp nhặt về trời", để reo vui "ươm nắng cho mây hồng", để hạnh phúc "âm thầm qua phố nhớ nhớ tên em" ... Thứ hạnh phúc gặt hái được thoả mãn bởi bộ tưởng của trí não chứ không phải môi thèm hôn và thân đòi tình. Ông ta bóp chết dái thân của chúng tôi. Ông ta để thân xác đồng trinh của chúng tôi đùn đụt còi cụt. Và như thế, chúng tôi nằm ngoan trong vòng tay âu yếm của ông.

Và cứ thế phần đời ấy của tôi được hương hoả hạnh phúc bởi thú vui tinh thần. Thật may mắn với thứ ân sủng của ông ban tặng. Tôi đã từng đê mê nghiện ngập thứ tình yêu tinh thần ấy. Trong một xứ sở chiến tranh triền miên, thân xác đớn đau và mất mát vì đạn bom, ông ta như một vị cứu tinh mở ngỏ cho mọi người tìm được món hạnh phúc tinh thần, tình yêu ảo, mối tơ tưởng với đời sống, hạnh phúc thăng hoa bằng trời, nắng, mùa thu, hè phố, tàn cây cùng một mụ mẹ vĩ đại: Mẹ ngồi ru con. Đong đưa võng buồn. Đong đưa võng buồn. Mẹ ngồi ru con . Mây qua đầu ghềnh. Lạy trời mưa tuôn ...

KV Thứ Hai

(kịch ca múa một màn)

(Phông tường là một chiếc giường tre treo chúc đầu xuống đất. Có thế là hình vẽ chiếc giường. Có thể là giường thật gắn hàng thật. Hàng tre có những thanh mảnh mai. Đầu giường bờ cao trổ long phượng uốn éo. Giường trải chiếc chiếu cói màu mè. Hai chiếc gối đầu cói tranh mục đồng chăn trâu)

(Nhân vật là một người đàn bà trẻ, nhí nhảnh, để tóc thẳng cắt ngắn, mặc một bộ đồ bà ba nâu hơi cụt ống tay và ống chân để khoe tay và đùi. Chân trần không giày dép. Khuôn mặt lại trang điểm thời trang nhất. Người đàn bà trẻ mang tất cả dáng dấp của một người đàn bà trẻ thông minh. Giọng cao, trong và vang xa)

(Người đàn bà trẻ di chuyển trên sân khấu tùy tiện. Khi thì chỉ trỏ vào chiếc giường treo trên tường, khi chỉ trỏ vào khán giả, khi thì chỉ trỏ vào không gian. Người đàn bà trẻ nên biết múa)

(Nhạc tùy nghi. Có những lúc nhạc theo điệu múa, và người đàn bà trẻ múa theo một điệu như đang khiêu vũ trên giường. Với tất cả sự chật hẹp của nó)

(Khi màn kéo, người đàn bà trẻ từ phía hậu trường bước ra)

(Người đàn bà trẻ nói:) Thưa qúi vị, qúi vị biết bên dưới chiếc giường là cái gì không. Đố quí vị biết có gì không? (ngoảnh tai chờ đợi khán giả trả lời). Cám ơn qúi vị. Qúi vị trả lời sai hết rồi. Tí nữa tôi sẽ bật mí cho qúi vị biết điều hấp dẫn nhất là bên dưới chiếc giường là cái gì. Đừng tưởng tượng dưới này dấu lò than đâu đó. Qúi vị nhìn tui đây. Tôi nhảy nhót như chim sáo. Chưa có con bao giờ qúi vị ơi. Sắp có, sẽ có, nhưng chưa bao giờ có.

(Nhạc trổi lên, người đàn bà trẻ bắt đầu một điệu nhảy)

(Nhạc tắt)

(Người đàn bà trẻ nói:) Qúi vị ơi chiếc giường xinh đẹp này đó. Mỗi đêm tôi ngủ với ông. Thú vui nhất của tôi là tắm rưả sạch sẽ, xức nước bông xong, leo lên giường. Tôi nằm nghiêng nghiêng. Tôi nằm ngửa ngưả. Tôi nằm thò hai chân ra. Tôi kéo chăn đắp lên ngực. Hai tay tôi đang rờ rẫm. Hai tay tôi bận vắt lên trán. Hai tay tôi bóp bóp. Hai tay tôi ôm nách và nằm cong như con tôm hùm. Có khi mắt tôi mơ màng. Có khi mắt tôi nhắm tịt. Có khi mắt tôi len lén mở. Có khi mắt tôi lim dim chờ đợi

Tôi thích nhất là giây phút chờ đợi. Chờ đợi ông từ từ đi vào buồng ngủ Tôi thích nhìn cái tướng lùn lùn mập mập của ông . Ngực ông đeo một cây thánh giá giây chuyền vàng y. Hình như nó nặng nửa lạng. Vàng thì thật mà tượng thánh giá thì bằng vải. Nghe nói vải áo của ông thánh Benêdito ở bên La Ma lận. Ông thường choàng một cái khăn xanh phía dưới. Nước da ông đen. Mà tóc ông còn đen hơn. Tôi thương nhất là chỉ những lúc ông tắm xong và đi ra thì mới có vài sợi tóc rơi loà xoà trên trán ông. Còn bình thường thì mái tóc ổng hả. Nó cứng ngắc bởi keo xịt tóc đầy đặc. Ông là hình bóng của một papa ghét vợ bỏ con, chỉ trung thành với ba chữ "Quân Sư Phụ" của ông Khổng Tử. Một người cha đạo lẫn cha đời điển hình nơi các xứ ăn phải bánh bao của Tàu Khựa.

Để xem. Ổng đi lại. Ổng ngồi từ từ xuống giường. Ông vừa ngồi lên giường là cả cái giường như có một giòng điện mát. Ông làm cho cả vùng không gian quanh ông hưởng thái bình. Ông hay ngồi khoảng này nè ( người đàn bà chỉ vào khoảng khúc bên mép giường). Ngồi từ từ, nghiêng người, nhìn chung quanh một phát. Từ từ tháo cái khăn ra. Từ từ rút đôi chân ra khỏi đôi guốc mộc. Đưa chân lên giường. Ngồi hoàn toàn lên giường. Thẳng lưng. Cúi người vuốt hai chân một cáị Làm dấu thánh giá. Lâm râm đọc "Lạy cha chúng tôi ở trên trời. Chúng tôi nguyện danh cha cả sáng. Nước cha trị đến. Vâng ý cha dưới đất cũng như ở trên trời. Xin cha cho chúng tôi hằng ngày dùng đủ. Và tha nợ cho chúng tôi. A men.

(Trong khi người đàn bà trẻ ngồi xếp bằng, lâm râm đọc kinh. Đèn có thể tắt. Hoặc trên tường thay chiếc giường bằng những phim hình của người đàn ông đang biểu diển tư thế của người đàn bà trẻ diễn. Nhạc gõ mõ tụng kinh kiểu nhà chuà)

(Người đàn bà trẻ đứng dậy, đến sờ vào chỗ ngồi của người đàn ông và nói:) Tôi yêu cái khoảng không gian ông tạo dựng. Nó rất êm đềm. Có ông lên giường một cái là tôi thấy tim mình bớt đánh thình thịch. Tôi thích lắm. Vì cả con người ông toát ra một sự lờ đờ, lành, và cô độc. Sự cô độc không làm phiền người khác. Không năn nỉ lòng ghen tị hay thương xót của người khác. Mà là sự cô đơn của một người hiền hậu đạo đức. Tôi thích ở cạnh một người đàn ông như thế này. Một người đàn ông đạo đức luôn luôn là nỗi niềm mơ ước của tôi.

Ông ta thường nằm thẳng người trên giường. Và ông ta bắt đầu thở ra thở vào, thở ra thở vào, thở ra thở vào, khoảng 30 phút. Khi ông ta bắt đầu ngáy. Là tôi biết ông ta bắt đầu đi vào giấc điệp. Tôi phan phái, hì hì.

(Người đàn bà trẻ cười, rồi bắt đầu múa. Nhạc trỗi lên là loại nhạc đơn chỉ một giây kiểu đàn nhị. Nhạc vui và trầm. Nhảy múa biến thiên theo điệu thời đại)

(Nhảy múa xong. Người đàn bà trẻ tiếp:) Hì hì tôi thích nhất lúc ông khò xong. Là lúc tôi tha hồ. Bắt đầu là tôi ngo ngoe cái chân. Rồi tôi len lén nhìn sang ông. Mắt ông đóng khép như pho tượng ông thánh Phê rô treo tường. Ông ta ngáy phù phù bằng hai lỗ tai chứ không phải bằng miệng. Trông ông ta như một bức tượng đẹp.

Tôi chỉ muốn hôn chụt lên miệng của ông một cái như thế này nè. Mà chưa bao giờ. Chưa bao giờ nhe qúi vị. Chưa bao giờ tôi được làm điều ấy. Tôi yêu ông ta thật lòng. Tôi yêu ông ta vì tôi là vợ ông nhưng chưa bao giờ ông chạm đến thân xác của tôi. Tin tôi đi. Nếu người đàn bà được quyền tự do chọn lựa giữa hai người đàn ông, một cuồng dâm một không dâm, tôi sẽ chọn người đàn ông không dâm. Tôi yêu ông vì ông không dâm.

Rồi tôi bắt đầu làm gì qúi vị biết không. Tôi bắt đầu thò tay xuống giường. Móc chúng ra. Kẹo. Qúi vị biết không. Dưới giường ngủ toàn là kẹo sô cô la của Mỹ. Hì hì. Một kho kẹo. Tôi biết sẽ có một ngày tôi móc đúng nó. Nhưng tôi thèm kẹo qúa. Làm sao một người như tôi có thể cầm được cơn cám dỗ của những viên kẹo ngọt ngào dưới chiếc giường. Phải. Tôi biết có ngày, tay tôi sẽ chạm vào nó. Tôi biết điều này, vì ông ta đã nói với tôi điều ấy. Ông ta nói, em đừng thò tay xuống bốc những viên kẹo dưới giường vì trong ấy có giấu một quả mìn. Mìn Made In America. Người Mỹ họ đóng cho tôi cái hòm này ngày họ đưa tôi lên vai tổng thống xứ Nam Yêu. Em phải biết như thế. Hễ tay người chạm đến nó lập tức chiếc giường này sẽ nổ tung. Chỉ có tôi là biết mật nã phía dưới chiếc giường. Khi cần, tôi phải sờ vào quả nổ ấy. Em lên giường này chỉ nằm ngủ thôi. Đừng đụng đậy gì phía dưới giường cả.

(Bùm. Bùm. Một tiếng nổ lớn)

(Đèn tắt. Sân khấu chiếu màn ảnh người đàn bà trẻ bay lên chiếc giường. Chiếc giường được phủ bởi lá quốc kỳ. Người đàn bà trẻ múa lượn trên lá quốc kỳ. Nhạc tùy nghi)

(Đoạn cuối chấm dứt bằng bài nhạc: "Ai bao năm vì sông núi quên thân mình. Cứu đất nước thề tranh đấu cho Tự Do. Toàn dân Việt Nam nhớ ơn Ngô Tổng Thống. Ngô Tổng Thống. Ngô Tổng Thống Muôn Năm. Toàn dân Việt Nam, nhớ ơn Ngô Tổng Thống ...")

(Và một đoàn lính hùng binh cắp súng bước theo điệu quân hành, hô to theo nhịp: 1,2,3. Mỹ Diếc. 1,2,3 Mỹ Diếc. 1,2,3, Mỹ Diếc, Mỹ Diếc, Mỹ Diếc ....)

KV Thứ Ba

Người ta nói già đầu rồi mà còn ngu là vậy. Không biết ở Ổng có cái gì kia chứ. Một cái khuôn mặt teo. Một đôi mắt ác và một cái miệng hô.

Sau năm Thân với cuộc đổi đời kinh khủng ấy, tôi phải bám vào những mảnh bè nào có thể bám được. Tôi có đến bảy đứa con để nuôi. Nuôi con là cái cớ. Nói thiệt trong máu tôi đã có din làm đĩ bảy mươi hai đời cố tổ cao tằng nào rồi. Đĩ từ đời trước đến đời sau. Đĩ từ thời bà cố võ vẽ "nị hao ma" cho đến đời con Tây ngố "pạc le phăng xe" đời cháu bị Mỹ đè "ô kê xe đạp".

Ổng là một cán bộ tập kết. Nghe nói gốc Ổng từ Thuận Hóa ra Bắc rồi đi sang Tây làm ăn với một ông Tây tên là Kặc Mát. Ổng đi buôn lậu súng ống ba năm thì giàu sụ. Trở về đất Ăn Mắm lập hãng bán súng được mười mấy năm nay. Sau đấy ông ta lập ra một cái Đảng kêu là Đảng Hồ Chí Minh Muốn Nam.

Ở nhà thương trị bệnh lậu xong. Tôi may mắn gặp Ổng ở một cái động Đai Nát Ty. Cái con phố đằng sau lưng Nhà Chung. Nam Mô A Di Đà. Tôi thường đến đấy để hút bồ đà. Tôi còn lai vãng nơi này để kiếm tiền. Đôi khi tôi cũng chợt nhớ Ông Thầy Tu. Lần này mà gặp lại một người như ông Thầy Tu thì tôi nhất định sẽ hoàn lương.

Ai xô tôi trở lại nếu không vì tiền. Ai đó nói rằng nằm ngửa đếm tiền là đúng. Tôi chỉ muốn nằm ngửa và có tiền.

Ổng là một tay chơi bủn xỉn. Ổng có cái kiểu hành rất lâu. Mỗi lần như vậy là đến năm bảy giờ. Vậy mà xong rồi là cứ nói anh tè anh tè rồi.

Ổng hành hạ tôi nhiều nhất. Tiền cho cũng ít nhất. Nhưng trong thời buổi khó khăn giặc Còng mới chiếm làng chiếm xóm đó, hắn là đảng trưởng trong làng. Hỏi ai còn hơn Ổng.

Con của tôi được vô học trong hợp tác xã giáo dục khỏi tốn tiền. Mọi chuyện có bàn tay Ổng rờ đến đâu là gút thắt rối tò vò cỡ nào cũng được tháo gỡ. Tôi phục Ổng ở điểm này nhất. Ổng là thần là thánh quyền thiên biến hóa như thế và tôi chỉ là một con đĩ may.

Có những lần Ổng bắt tôi vào phục dịch ở nhà riêng. Ổng vừa bắt tôi hầu miệng tay vừa cầm điện thoại. Đến những đoạn căng thẳng, Ổng ra ngồi ghế bắt tôi hầu tợn hơn, nhất là những lúc Ổng lặp đi lặp lại câu mệnh lệnh: "Cho nó đi gặp anh Chín" Thái độ của Ổng trong những lúc ấy thật kỳ lạ. Vừa khóai lạc vừa hung ác kinh. Tôi chỉ còn biết ru rú làm theo tia nét mặt của Ổng mà tôi chỉ đóan mò là phận mình phải lo mà phục dịch. Tôi nghe và biết được ngay là Ổng ra lệnh cho đàn em thủ tiêu Anh Chín. Chín là chín suối chớ còn gì nữa.

Thế là y chang. Ngày hôm sau cả làng cả nước thất kinh sợ hãi loan truyền Đảng của Ổng vừa thanh toán một mạng người ở cửa Việt.

Thời kỳ cực mạnh của đảng Hồ Chí Minh Muốn Nam là thời kỳ mà người người phải treo hình mấy ông thần hộ mệnh của Ổng là hình Kặc Mát và Mao lên trên mọi cái vách. Từ ngày có Đảng Ổng đến thì trong làng hết còn Đảng nào khác. Uy danh Ổng lẫy lừng là diệt trừ được tất cả mọi Đảng khác. Tôi là con đĩ ké. Nhờ làm bé hầu hạ Ổng mà mấy con mụ bán hàng quán ngoài chợ thay đổi thái độ với tôi. Tôi biết họ chẳng kính trọng gì tôi. Nhưng thân đến nước này tôi cần gì ai kính trọng. Tôi chỉ muốn không bị dân chúng chửi là "đĩ". Tôi chỉ không muốn nghe họ chửi ngay trước mặt tôi thôi. Chứ sau lưng tôi biết thế nào họ cũng gọi tôi thứ đĩ già. Sự ra vào của tôi với Ổng ít ra làm cái bọn người không làm đĩ phải câm họng lại trước mặt tôi. Với tôi vậy là được rồi. Cả làng biết tôi là con đĩ nhưng làm đĩ cho băng đảng của Ổng thì không ai dám đụng. Tôi đi ra ăn hàng bún bò của chị Tư Huế ở cái ngõ Hàng Trắng, chị Tư Huế còn hỏi tôi cô ăn cái chi tui bỏ vô chéng cô. Cái bà này thật kinh. Ngày trước tôi chưa chơi với Ổng tôi đi làm đĩ dấu dấu giếm giếm, bà ta không thèm nói một câu chào hỏi. Hồi đó tôi đã phải chửi vào mặt bả: "Tôi có tiền tôi ăn chớ tôi có ăn vạ bà không mà mặt bà sưng sưng". Thế mà bây giờ bà ta lại gọi tôi là "cô". Thiệt đời hết biết cái nào hay cái nào dở cái nào may cái nào rủi. Làm đĩ mà cặp với đảng trưởng một đảng ăn cướp thì cũng được người đời tôn thờ. Xem ra lòng kính trọng của con người ta thường là do sợ hãi và hèn yếu.

Trên đây là ba người đàn ông KV* đã đi qua đời tôi.

Lê Thị Huệ
2001

* KV là "Không Vợ"

Lò Luyện Gái Nhảy


Đám khách lúc đầu ngồi "há hốc mồm", nhưng đến khi từng mảnh vải rơi xuống dần dần thì sự phấn khích lên đỉnh điểm. Tiếng hú hét cùng với những nắm tiền mệnh giá 100.000-200.000 đồng rơi vung vãi trên thảm...

Nhắc đến Tina Lan, Lệ thì Lý gật đầu nhớ lại: "Hai con nhỏ đó cũng một tay em luyện rồi giới thiệu cho khách. Bọn nó học 2 tháng với giá 20 triệu đấy. Nhưng chỉ cần làm vài ngày thì "lại vốn" ngay, bây giờ thì tự kiếm ăn được rồi".

Sau sự kiện một số vũ trường từng tổ chức các sô nhảy thoát y trên địa bàn Hà Nội ngừng hoạt động, để đáp ứng được nhu cầu của các đại gia, khách làng chơi, nhiều quán karaoke đã chấp nhận phục vụ thêm dịch vụ này để thu lợi.

Bằng nhiều thủ đoạn ranh ma, nhiều sàn "cỏ", sàn "dã chiến" đã ra đời và hoạt động một cách tinh vi, đánh nhanh rút gọn. Mỗi khi có khách, các chủ quán lại gọi các gái nhảy tới và không chỉ bị má mì, chủ sàn bóc lột, ăn chặn, họ còn phải trả giá rất đắt khi bước vào nghề.

Màn Eva Trên Sàn Dã Chiến

Sau một chầu quậy tưng bừng, Phong “Tay To" khoát tay bảo cả bọn: "Hôm nay sẽ đãi các chú em món nhảy sex hiếm có ở Hà Nội". Chiếc "Mẹc" cáu cạnh xé màn đêm lao sang Gia Lâm. Phong bấm máy ra lệnh cho đầu máy phía bên kia: "Chú mày chuẩn bị cho anh một chầu rửa mắt thật đặc biệt nhé! Hôm nay, anh đãi mấy đại gia".

Phong đắc chí nói: "Dạo này việc nhảy thoát y ở các vũ trường bị soi kỹ, đành chuyển sang kiểu đánh nhỏ lẻ. Mình sẽ đến một quán karaoke, các em sẽ đến sau".

Vài phút sau tại quán karaoke S. nằm khuất dọc đê sông Hồng, khách được rước lên tầng 3. Một phòng hát chừng 16m2 với nội thất rất xịn, dàn âm thanh tuyệt hảo đang chờ. Chủ quán trạc 30 tuổi tự tay bê một mâm chất ngất rượu tây lên khẽ khàng bảo: "Các sếp dùng tạm vài ly hâm nóng người, các em đang đến".

Cả bọn ngồi uống rượu, hát hò. Chừng 15 phút sau cửa bật mở, hai cô gái xinh như mộng, chân dài, dáng đi nhẹ nhàng, uyển chuyển như mèo đẩy cửa bước vào. Sau vài tuần rượu, Phong hất hàm. Chủ quán bật tay vẫy vẫy ra cửa. Bốn chiếc bàn gỗ được đưa ra ghép lại thành bục, một chiếc cột thép sáng choang dựng lên giữa sàn “dã chiến”.

Từ bốn góc phòng, những tia đèn xanh, đỏ, tím được bật lên trong tiếng nhạc sôi động điên cuồng. Hai cô gái tên Tina Lan và Lệ cầm túi đồ nghề xin phép vào thay đồ. Tất cả háo hức chờ đợi…

Hai nàng bước ra với dáng vẻ hoàn toàn khác, mắt hơi dài dại. Lan mặc bộ đồ đen bó sát với tấm khăn trắng hờ hững trên vai. Lệ thì bốc lửa với bộ váy đỏ xẻ ngực.

Cả hai bắt đầu nhập cuộc trong tiếng hò hét của khách, tiếng nhạc kích động chói tai, ánh đèn lazer màu xanh ma quái từ 4 góc phòng bỗng chiếu thẳng vào các cô. Hai cô gái bắt đầu uốn éo, lắc hông. Hai bàn tay tự mơn trớn trên thân thể.

Đám khách lúc đầu ngồi há hốc mồm, nhưng đến khi từng mảnh vải rơi xuống dần dần thì sự phấn khích trào tới. Tiếng hú hét cùng với những nắm tiền mệnh giá 100.000-200.000 đồng rơi vung vãi trên thảm. Khi các cô gái hoàn toàn Eva là lúc những màn ôm cột cọ xát khêu gợi đạt đến mức đỉnh điểm…

Gần 1 tiếng đồng hồ thỏa thê no mắt, Phong rút ví mang 3 tờ 100 đô "bo" cho các cô và tất cả rời quán.

Gian Nan Học Nghề

Nhờ sự bảo lãnh của một đại gia, tôi vào vai một chủ quán muốn tuyển 2 em về phục vụ. Tôi được giới thiệu với "má Lý". Trước kia, Lý cũng là một gái nhảy hết thời, nay về mở lò huấn luyện vũ nữ.

Nhắc đến Tina Lan, Lệ thì Lý gật đầu nhớ lại: "Hai con nhỏ đó cũng một tay em luyện rồi giới thiệu cho khách. Bọn nó học 2 tháng với giá 20 triệu đấy. Nhưng chỉ cần làm vài ngày thì "lại vốn" ngay, bây giờ thì tự kiếm ăn được rồi".

Lý cho biết không phải cô nào xinh cũng làm được nghề này. Phải có sức khỏe tốt mới trụ ròng rã cả tiếng đồng hồ và thường thường các cô phải dùng thuốc lắc mới đủ sức xong sô được.

Những cô gái được Lý tuyển đều chỉ khoảng 18-20 tuổi, thân hình đẹp và nhất thiết chân phải dài. Đặc biệt, các em còn "yêu nghề" thì càng dễ đào tạo.

Trên mặt sàn trải thảm xanh, 3 cô gái đang mồ hôi nhễ nhại tập luyện. Một cô đang nằm ngửa, hai tay hai chân chống xuống đất, bụng ngửa lên trời. Ngay hõm thắt lưng là một quả trứng gà. Cô đang luyện động tác sàng lắc, uốn éo nhưng không được làm vỡ quả trứng.

Theo Lý, bài tập này giúp cho việc luyện eo, hông dẻo dai hơn. Lý tự hào giới thiệu: "Đây là mấy em mới đến học nghề đấy! Cũng khá lắm, chỉ khoảng 2-3 tháng là "xuất quân" được thôi. "Bài tốt nghiệp" cho một khóa đào tạo của Lý là móc một chân vào cột treo ngược mình trong khi vẫn thực hiện các động tác khác.

Nếu những cô nào mà chưa có tiền thì có thể ký hợp đồng với Lý bằng cách như sau: Lý đào tạo xong sẽ quản luôn các cô. Mỗi lần biểu diễn, các cô phải trả 50% tiền thu được. Sau 1 năm, Lý sẽ cho các cô tự do.

Lý nheo mắt cười khẩy: "Sau một năm thì chúng cũng đã hết date rồi. Nếu không thì các tay chơi cũng nhẵn mặt nên sẽ mất khách. Lúc đó thì lại làm "hàng chợ" mà thôi”.

Lý là người đầu tiên mở lò làm ăn phát đạt. "Giờ thì cũng có 2-3 người học theo kiểu làm của em nhưng không đủ "nhiệt". Đơn giản là bọn nó không có nghiệp vụ như em, em đã từng làm nghề này 2 năm, từng nhiều lần sang Thái Lan nhìn tận mắt nên tích lũy được nhiều kinh nghiệm", phả một hơi thuốc lá, Lý tự hào nói.

Ngoài đào tạo các "vũ nữ đặc biệt", Lý còn nhận dạy cấp tốc cho các cô nhảy mồi theo đơn đặt hàng của các chủ sàn nhảy.

Giữa giờ nghỉ ngơi, tôi tranh thủ trò chuyện với Thương, một trong 3 học trò của Lý. Thương quê ở Cần Thơ, năm nay mới 19 tuổi, xinh đẹp, cao ráo. Tốt nghiệp lớp 12, cô thi trượt đại học. Thương có yêu một người hơn mình 10 tuổi, anh ta là người Hà Nội, đại diện cho một công ty nước ngoài ở Cần Thơ.

Được mấy tháng, khi đã trao cho người yêu tất cả thì anh chàng chuyển công tác ra Hà Nội. Thương theo ra thì mới phát hiện anh ta đã có vợ con. Bế tắc, chán đời, cạn tiền, cô đầu quân cho Lý với ý định kiếm thật nhiều tiền.

Tôi kể cho Thương nghe chuyện Hằng, trước kia cũng như Thương bây giờ, nhưng chỉ 2 năm sau, cô đã tàn tạ một cách khủng khiếp. Thuốc lắc, những cuộc chơi thâu đêm rồi trượt dài trong vũng bùn đã làm cô ta trở thành một gái làm tiền hạng 3. Bây giờ, Hằng nghiện ngập, không tiền, không chốn nương thân…

Mộng ước kiếm tiền thật nhiều, thật nhanh đã làm mờ mắt không ít cô gái trẻ. Thương nói khi cô kiếm đủ tiền thì cô sẽ rút chân khỏi nghề này.

Nhưng cô biết rất khó. Mãnh lực của đồng tiền, của nhiều cám dỗ đã giết chết đời của nhiều cô gái.

Làm một phép tính nhẩm thì mỗi sô nhảy, các cô được khoảng 2-3 triệu đồng, cộng cả tiền "bo" vài trăm ngàn nữa. Thế nhưng, chi phí bỏ ra khá cao: mất từ 500.000 - 700.000 đồng tiền bàn cho chủ quán, 500.000 đồng dành cho "thuốc" để có sức cho sô diễn, tiền nước hoa, quần áo, giày dép… còn lại cũng chỉ vài trăm ngàn một tối.

Bên cạnh đó, hậu quả trực tiếp thấy rõ nhất của những cô gái làm nghề này chính là nghiện thuốc lắc, heroin. 100% các cô thừa nhận, nếu không có "thuốc", không thể diễn được. Và hầu như trong mỗi lần đi diễn, họ phải chịu sự táy máy, quấy rối của khách.

Sau mỗi sô diễn, không ít khách đã ép họ phải chiều "tới Z" khi họ đã kiệt sức. Cuối cùng, tuổi thọ của nghề cũng rất phù vân. Người trụ lâu nhất cũng chỉ được vài năm. Sức khỏe tuột dốc nhanh chóng, không còn hấp dẫn khách chơi đã buộc họ phải thôi nghề.

Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007

Mất Trắng


Đêm về sáng thật yên tỉnh. Hồng trở mình thức giấc. Nàng cảm thấy trong người ê ẩm mệt nhừ. Căn phòng vắng, chìm sâu. Chiếc quạt trần chạy vù vù, đều đặn trên trần nhà nhìn như muốn chóng mặt. Đồng hồ trên tường phía trước mặt đã hơn 4 giờ sáng. Hồng kéo chiếc mền len lên kín toàn thân. Trong giây phút nàng thoáng chút ngỡ ngàng. Toàn cơ thể không một mảnh vải che thân. Bên cạnh Hồng, gã đàn ông đang ngủ vùi, cơ thể co quắp, trần truồng phát tởm. Giấc ngủ của gã hồn nhiên, say sưa, thỏa mãn. Bất giác Hồng rùng mình khi ngỡ rằng gã đàn ông này là chồng ! Chồng à !!? Sao lại là chồng được nhỉ ? Trông gã già đáng tuổi cha chú mà ! Gương mặt gã béo phệ, chảy dài. Các bắp thịt trên cơ thể gã un lên, cùng cái bụng to tròn lẵn đang rung rinh theo hơi thở đều đặn. Trông thật gớm ghiếc trước đống thịt ung úc biết cử động đã chiếm đoạt hồn xác của nàng thật thô bỉ. Hồng nhớ rất rõ đã hai lần gã làm tình với nàng trên chiếc giường ngủ này trong căn phòng của khách sạn lúc đầu hôm và giữa khuya. Hàng rào ngôn ngữ đã làm tê liệt những cảm giác ân ái. Gã chỉ hành động theo lớp lang, theo dục vọng sôi sục từng cơn trong cơ thể úc núc của gã. Gã hung hãn, táo bạo và ào ạt như con hổ vồ mồi khiến cho Hồng hết sức đau đớn vừa tủi nhục, chỉ biết chịu đựng và chết lịm từng hồi trong bắt buộc và chấp nhận lần đầu tiên trong đời bên cạnh một người đàn ông xa lạ.

Hồng như muốn khóc và cảm thấy ghê tởm, uất hận. Nàng xoay mình ra phía ngoài không còn đủ can đảm nhìn gã. Hồng cần một sự yên tỉnh. Sự thật rất phũ phàng không như Hồng tưởng, đã được những gì khi đã mất hết. Những gì đã diễn tiến quá nhanh, không báo trước, không có sự chuẩn bị cũng vì sự nghèo hèn cơ cực. Gia đình Hồng rất nghèo, nghèo lắm. Mảnh vườn nhỏ là nguồn sống duy nhất của gia đình cũng đã bán. Hai công đất trồng hoa màu đã được cầm thế hai tháng nay để lấy tiền chạy thuốc cho mẹ đang mang căn bệnh ung thư đến hồi nguy kịch. Giờ chỉ còn mái nhà nhỏ nằm sâu trong vùng quê Tiền Giang và cũng có thể sẽ mang đi cầm thế để lo cho mẹ.

Hồng may mắn vừa tốt nghiệp trung học phổ thông, không tiền học thêm, đành ở nhà kiếm việc làm. Nàng đã mất một số tiền lớn để có được một chân thư ký ngân hàng trong thành phố. Với đồng lương khiêm tốn ít oi vẫn chưa đủ hai bữa ăn no trong gia đình.

Ông Năm, cha Hồng đã lớn tuổi già nua, đất, vườn đã không còn, hằng ngày phải đi làm thuê cho người dân trong vùng, ngày có, ngày không. Đứa em gái của Hồng đã phải nghỉ học để làm đủ mọi thứ việc phụ giúp. Hai đứa em trai cắp sách đến trường, tiền sách vở, đóng góp này nọ cho nhà trường không tìm đâu ra nên việc học dở dang, đành ở nhà hái rau, bắt ốc, hoặc rong chơi lêu lổng đầu thôn đến cuối xóm.

Mẹ Hồng nằm liệt giường đã hơn năm nay, mỗi ngày một gầy yếu, xanh xao. Tiền thuốc, tiền bác sĩ là một vấn nạn, nên bà nằm đó hàng ngày để chờ đợi cái chết từ từ đến.

Hồng may mắn có đuợc nhan sắc khả ái, cơ thể tròn lẳn, đầy đặn của tuổi xuân. Nàng vẫn đang có những ước mơ của người con gái đang trưởng thành. Hằng ngày nàng phải gò lưng trên chiếc xe đạp từ trong quê ra thành phố để làm việc. Giấc mơ có được một chiếc xe gắn máy như bạn bè để làm phương tiện di chuyển cho đở bớt cực nhọc, nhưng thật xa vời ngoài tầm tay. Giờ rảnh, Hồng nhận may gia công, thêu máy và cặm cụi hằng đêm để thêm thu nhập cũng chẳng thấy khá hơn. Căn bệnh của người mẹ ngày thêm trầm trọng. Trước những khó khăn trong gia đình, Hồng vẫn đang có một niềm tin mãnh liệt bằng công sức mình và tin tưởng số mệnh và cơ trời có thể một lúc nào đó sẽ khá hơn. Hồng nghĩ rằng cuộc đời không có gì là khổ mà cũng chẳng có gì là sướng, tất cả, con người phải gánh vác để hoàn thành trách nhiệm trong danh dự. Hồng suy nghĩ để tạo một niềm tin và sức mạnh nghị lực hầu chịu đựng trước hoàn cảnh gia đình trong lúc khó khăn.

Nhưng ông Năm, cha nàng lại nghĩ khác. Ông quá đau khổ nhìn người vợ đã bao năm chung sống đang nằm thoi thóp trên giường bệnh. Ông ước ao có được một số tiền lớn để đưa vợ đi Saigon chữa trị. Làm thế nào và bằng mọi cách để có tiền là điều ray rứt triền miên trong tâm trí ông.

Một hôm sau bữa cơm chiều, ông tỏ bày suy nghĩ của mình với con gái :

- Hồng à ! Mẹ mày không được đưa đi Saigon chữa bệnh, tao nghĩ bả sẽ chết mất. Mẹ mày chết tao làm sao sống nổi hả Hồng ?

Hồng buồn rầu khi nghe cha than vắn thở dài : - Biết làm sao bây giờ ?! Con nghĩ ai thương cho mình vay một số tiền rồi mình làm kiếm trả lại. Nghĩ cũng khó..

Ông Năm hậm hực : - Không dễ gì...ai mà cho mượn. Bệnh của mẹ mày cần một số tiền lớn mới mong được con ơi !

- Vậy thì đào đâu ra. Con nghĩ chẳng còn cách nào nữa cả.

Ông Năm lại thở dài thườn thượt, nét mặt đăm chiêu tư lự. Hồi lâu ông đã thấy như đã đến lúc bày tỏ ý định với con.
Ông Năm nhìn Hồng đang ngồi, hai tay ôm mặt gục trên đầu gối trông dáng vẻ bất lực thảm hại. - Hồng à, mày nên lấy chồng để có tiền chữa bệnh cho mẹ mày. Mày biết không ?

- Lấy chồng là sao ba ?- Hồng ngạc nhiên - Con lấy chồng gia đình bỏ cho ai. Má con đang bệnh nặng cần phải có con trong gia đình.

- Lấy chồng Đại hàn - Ông Năm nói nhanh - Lấy tụi nó sung sướng, giàu sang. Đầu trên, xóm dưới cũng đã có mấy gia đình có con gái lấy chồng Đại hàn, Đài loan, mày không thấy sao ? Nghe lời tao để cho mẹ mày được sống thêm vài năm nũa. Mày phải lấy chồng. Mọi việc tao đã suy tính đâu vào đó rồi.

Hồng lắc đầu từ chối, van xin nhiều lần, nhưng ông Năm gằn giọng ra lệnh :

- Mày không được cãi lời cha mẹ. Mày có thấy mẹ mày đang rên la và đau đớn từng cơn hằng ngày đó không ? Làm con phải thương cha thương mẹ chứ. Gia bần tri hiếu tử. Quốc loạn thức trung thần. Mày hiểu chưa ? Tao đã quyết định phải cứu nguy gia đình này. Mày ừ một tiếng là tao có hai ngàn đô la trong tay để đưa mẹ mày đi chữa bệnh. Nghe chưa con ?

Hồng chẳng biết phải làm thế nào trước quyết định tối hậu của gia đình đã làm cho nàng hụt hẫng chới với. Dịch lấy chồng Đài loan, Đại hàn, Miên, Lèo, Tàu, Nhật, Ma cao, Hón kóng gì đó... mà Hồng đã từng nghe thấy đâu có tốt lành gì đâu. Mười người hết chín người phải chuốc lấy ân hận, nhục nhã, thân tàn ma dại. Nàng cảm thấy gớm ghiếc, chua xót và xấu hổ cho thân phận người phụ nữ Việt Nam trong cái xã hội nhiễu nhương đảo điên hôm nay. Hồng cố tránh không muốn nghe, không muốn biết, không muốn nhìn thấy hiện trạng đồi bại của thời đại. Vậy mà bây giờ Hồng lại không tránh khỏi. Căn bệnh trầm trọng đang sắp kết thúc cuộc sống của người mẹ già thân yêu, cảnh nghèo khó của gia đình và quyết định tối hậu của người cha đang làm cho Hồng phân vân không còn lối thoát. Không muốn cũng không được. Mà muốn thì...ôi thôi..!! mười hai bến nước chẳng trong trẻo gì, đều vẩn đục, dập vùi tan nát những ước mơ của tuổi xuân.

Hôm sau, ông Năm giục Hồng làm đơn xin nghỉ việc để chuẩn bị lấy chồng, cho dù Hồng vẫn van xin nhưng ông Năm không lay chuyển ý định. Cuối cùng thì Hồng đành chấp nhận trước sự cưỡng bách không một lý giải của gia đình đang trên đà suy sụp.

Vài ngày sau đó, một buổi trưa bà Tuyết chẳng ai xa lạ cũng là dân trong thành phố này chuyên nghề môi giới dịch vụ lấy chồng nước ngoài đã đến nhà Hồng dẫn theo một lão đàn ông Đại hàn lớn tuổi, béo phệ xưng Yoonun Sacomoki. Cùng đi còn có thêm một người đàn bà Hàn quốc lớn tuổi Misano Hoon. Ông Năm vui vẻ tiếp ba người khách đến nhà với mục đích xem mặt "cô dâu". Hồng được gọi ra trình diện với mọi người. Vừa thấy nàng, Yoonun Sacomoki cười đắc ý và chấp nhận ngay.

Bà Tuyết xin gia đình cho Hồng đi Saigon chơi với mọi người ngay buổi chiều nay. Bà hứa với ông Năm chừng vài hôm sau công việc xong xuôi là sẽ giao tiền cho ông như đã bàn tính tháng trước. Mọi việc để bà lo, gia đình phải an tâm và tin tưởng ở bà. Bà Tuyết lại khuyến dụ Hồng là nàng hết sức may mắn gặp được chồng giàu. Ông Yoonun là một đại thương gia Hàn quốc độc thân đang có những dịch vụ làm ăn lớn giữa Việt Nam và Hàn quốc. Rồi con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, nhà cao cửa rộng, tiền vào tiền ra, gia đình nở mày nở mặt. Kể từ giờ phút này dì nói điều gì là con phải nghe và làm theo dì, đừng có cãi lại.

Đến Saigon ngay buổi chiều trong ngày, Hồng được đưa đi mua sắm một số quần áo hợp thời trang, giày dép, son phấn, và cổi bỏ ngay lớp y phục quê mùa dân dã, để khoác vào lớp trang phục, trang sức rực rỡ. Hồng đẹp lồng lộng quyến rũ. Sau đó Hồng được đưa đi ăn tối tại một nhà hàng sang trọng. Lúc này Hồng có vẻ như bớt lo sợ, dù sao họ cũng đối xử tốt và bên cạnh còn có bà Tuyết người cùng quê quen biết.

Sau bữa cơm tối thịnh soạn và ngon miệng, lão Yoonun biến mất. Bà Tuyết và Misano đưa Hồng đến một khách sạn và bảo nàng :

- Đêm nay con phải ngủ với Yoonun Sacomoki, chồng con, vì ông ấy đã bằng lòng lấy con làm vợ rồi đó. Con thấy không ? Ông Yoonun rất tốt bụng, chưa chi đã lo cho con từng thứ. Rồi con sẽ sung sướng bản thân. Dì và bà Misano ở phòng bên này, không sao cả, đừng sợ. Con hãy tập làm vợ với đại thưong gia giàu có Yoonun ngay bây giờ đi.

Hồng dảy nảy van xin : - Con không chịu đâu...Chưa gì mà...nhanh vậy ?...ai lại làm như thế. Tội nghiệp con mà dì. Con xin dì thương...con van dì...

Bà Tuyết bổng đổi sắc mặt, quắc mắt ra lệnh : - Con phải ngủ với Yoonun ngay đêm nay. Ông ấy cần biết con có còn trinh hay không rồi ông ta mới quyết định làm đám cưới. Không được cãi lời.

Hồng tiếp tục van xin nhưng vô vọng.Cuối cùng bà Tuyết đẩy Hồng vào phòng ngủ :

- Mày đừng ươn ngạnh cứng đầu con à ! Muốn sung sướng tấm thân phải nghe lời bà. Cứ cố giữ cái "ngàn vàng" để được ích gì hả con..?

Vừa lúc ấy lão Yoonun xuất hiện bước vào phòng và khóa cửa lại. Gã vênh váo nhìn Hồng trong ánh mắt sòng sọc một cách thèm khát trước cơ thể no tròn đầy khiêu gợi của Hồng.và rất thản nhiên, gã khởi sự trình diễn tấn tuồng nham nhỡ đang băng hoại giữa một xã hội đảo điên biến loạn. Hồng cảm thấy nhức nhối tinh thần tột độ.Thể xác trinh trắng giờ sắp phải bị hoen ố trước nỗi bất lực của cuộc sống. Lúc đầu Hồng đã có những cử chỉ từ chối, thối thoát, tránh né, nhưng trước sức cưỡng bức thô bạo của lão già Đại hàn, Hồng đã không còn đủ sức, đành phải xuôi tay... Thôi hết rồi ! Hết rồi ! Tấm thân trong trắng ngọc ngà đời con gái...đang phải bị vùi dập, phó thác theo định mệnh. Cuộc đời là một thử thách không ngừng trong nhiều ngõ ngách không ai lường trước được. Hãy buông xuôi và tìm quên để được sinh tồn vì bản thân và cho gia đình người thân.

Tiệc cưới đơn giản gấp rút được tổ chức tại nhà hàng sau một tuần lễ Hồng phải ép mình ăn nằm với Yoonun từng mỗi đêm tại khách sạn. Lão già Đại hàn dữ dội và táo bạo kinh quá. Từng đêm Hồng đến phải ngất ngư với lão. Cơ thể mệt nhừ ê ẩm, có hôm Hồng không còn ngồi dậy nổi. Lúc nào lão ta cũng huênh hoang với bà Tuyết rằng lão đã chiếm được chữ trinh của Hồng thật trọn vẹn. Chính đó là điều hên cho cuộc đời làm ăn của lão. Lão khoác lác hứa hẹn đủ điều.

Bà Tuyết và Misano tổ chức tiệc cưới theo qui định của Yoonun.Thực khách tham dự hạn chế, vỏn vẹn chưa tới ba mươi người. Gia đình Hồng gồm có ông Năm, mấy đứa em và vài người thân thuộc. Hồng được trang điểm lộng lẫy trong y phục cô dâu trẻ măng bên cạnh chú rễ già nua, béo phệ để được quay phim chụp hình. Mọi người ăn uống cười nói trong tiệc cưới vô cùng thỏa thích trước nỗi chua xót của Hồng để chúc mừng lão già Đại hàn chiếm được gái tơ Việt Nam.

Yoonoon cười híp mắt sau khi đã đeo vào cổ Hồng sợi dây chuyền bằng vàng tây có mặt hột xoàn lớn, chiếc nhẫn nạm bốn hột xoàn óng ánh, đôi bông tai cũng hột xoàn và một đồng hồ mạ vàng sáng bóng. Lão ghì chặt và hôn Hồng say đắm trước tiếng vỗ tay ào ạt của thực khách. Hồng như biến mất trong vòng tay và cơ thể phì nộm của Yoonun phũ lên người.

Ông Năm tỏ ra rất vui và bằng lòng việc con gái của ông lấy chồng ngoại quốc. Ông thầm cám ơn bà Tuyết và ông con rễ cũng bằng tuổi ông sẽ mang hạnh phúc đến cho gia đình ông. Ông cảm thấy phấn khởi cho sự thành công mà gần tháng nay ông đã dự tính. Thỉnh thoảng ông nói chuyện lia thia với bà môi giới đã giúp cho con gái ông từ chỗ nghèo khó trở thành giàu sang trong nháy mắt. Con gái ông rồi sẽ cai quản tài sản của chồng, thế nào gia đình ông cũng được chia chát chút ít. Mai mốt lão chàng rễ già nua kia qua đời, con gái ông sẽ sở hửu khối tài sản của chồng để lại. Rồi ông thầm suy tính số nữ trang Hồng đang có trên người cũng đã là một số tiền rất lớn, mà cuộc đời ông chưa bao giờ nghĩ đến để có được. Rồi sau tiệc cưới ông sẽ có trong tay hai ngàn đô la nữa, hơn ba mươi triệu đồng Việt Nam theo như lời hứa của bà Tuyết. Ông nghĩ rằng bà Tuyết cũng sẽ có một số tiền mà ông con rễ của ông trả công. Có tiền ngày mai ngày mốt ông sẽ đưa vợ đi chữa bệnh. Cuộc sống gia đình nghèo khó vất vả sẽ không còn. Ông không phải còn đi làm thuê cơ cực ngày có ngày không. Mấy đứa nhỏ tiếp tục đi học. Nhất định là con gái của ông sẽ cung cấp tiền bạc, sẽ xây nhà, sẽ mua lại ruộng vườn và còn nhiều thứ nữa một khi nó là vợ của đại thương gia Yoonun. Ông Năm mĩm cười mãn nguyện nhìn mọi người trong giữa bữa tiệc với ánh mắt rạng rỡ tràn trề niềm vui trước viễn tượng cuộc đời đang chuyển hướng tốt.

Ông vẩy Hồng đến bên cạnh : - Mày thấy chưa hả Hồng ? Tao tính đâu là ra đó. Trước đây mày cứ khăng khăng từ chối. Bây giờ thì có ai bằng được như mày lúc này hả con ?

- Hồng lại phân trần : - Ba chỉ nhìn thấy đó rồi nói đó. Chứ con thấy thế nào đãy. Ông ấy già bằng tuổi ba, ông ấy ghê lắm ba à ! Trời ơi ! con tởm ổng quá.

Ông Năm thầm hiểu ý con gái muốn nói gì rồi và tỏ ý thương xót : - Thôi, thì mày cứ ráng đi, có chết chóc gì đâu mà sợ, già với trẻ. Có tiền là có hạnh phúc, có được tất cả. Cả nhà đang trông vào mày đó Hồng ơi. Mày nghĩ coi, tụi trai tráng ở dưới quê làm gì cho ra hột xoàn để mày đeo. Nghìn đời cũng chưa có nổi. Lúc còn con gái má mày cũng ước hột xoàn làm gì có mà đeo. Tao đâu có tiền sắm cho bả.

Hồng chống chế : - Con là con gái mới lớn lên mà ba, con chỉ thích lấy chồng đồng trang lứa. Hơn nữa, con không thích lấy chồng nước ngoài, lại quá lớn tuổi. Thanh niên Việt Nam đâu có thiếu gì, bạn bè rồi chúng cười chê con là ế chồng, đi đâm đầu lấy Đại hàn, Đài loan, Trung quốc, Hồng kông, Kampuchia...toàn là bọn già nua, đui, què, mẻ, sứt, bất lực, ngu dốt, nghèo hèn, đần độn, cụt tay, cụt chân, mất năng lực...

Ông Năm nạt ngang : - Mày có im cái mồm không Hồng ? Ông Yoonun là đại thương gia đâu phải dân nghèo. Đại thương gia nhất định là giàu có. Cứ lải nhải mãi chuyện gì đâu không. Người ta khác, mình khác con ạ.

Vừa lúc Yoonun bước đến nắm tay Hồng kéo đi. Ông Năm muốn nói một điều gì đó với ông con rễ mà nói không được, ngôn ngữ bất đồng. Thôi thì cứ ngậm miệng ăn tiền. Ông chỉ cười, nụ cười vừa gượng gạo vừa sượng sùng. Hồng cũng không nói được gì, quay mặt đi như muốn tránh những ánh mắt soi bói nhìn nàng. Yoonun cười lớn nhìn ông Năm với ánh mắt khinh miệt, lão ta xổ một tràng tiếng Hàn dài ngoằn ngoèo nghe chói tai rồi lại ôm choàng lấy Hồng hôn say sưa truớc mặt những người trong gia đình ông Năm. Ông Năm quay mặt đi trước cảnh lộ liễu ấy. Thực khách lại vỗ tay ầm ỉ lẫn tiếng dô ! dô ! nham nhỡ. Bàn tiệc đậm đặc mùi rượu, thuốc lá, pha trộn những giọng cười hô hố của những tên Đại hàn, Đài loan xa lạ. Hồng nghe rờn rợn cả người. Thật ghê tởm, như muốn nôn mửa...!

Tiệc cưới tàn dần sau những ngày tháng kế tiếp Hồng bị giam hãm trong một ngôi nhà ở ngoại ô Saigon. Ngôi nhà có nhiều phòng riêng biệt. Ngoài căn phòng mà Hồng bị nhốt trong đó, bà Tuyết và Misano có một phòng khác. Họ thực sự không ăn ở tại đây, nhưng họ luân phiên có mặt để coi ngó và canh chừng những cô gái lấy chồng Đại hàn, Đài loan cũng đang bị nhốt tại đây.

Hằng ngày Hồng bị bắt buộc học tiếng Hàn do Misano hướng dẫn. Cơm nước ăn ở ngay trong phòng. Hồng cũng như các cô gái ở đây không được ra khỏi nhà, không được tiếp xúc với nhau. Cần điều gì chỉ được hỏi Misano hoặc bà Tuyết, không được tự ý làm bất cứ điều gì mà không xin phép. Lão chồng già Yoonun thường đến ban đêm chỉ để thỏa mãn dục vọng với Hồng cho đến sáng hoặc đến nửa đêm rồi chuồn mất. Có khi lão đến bất ngờ ban ngày nồng nặc mùi rượu và Hồng phải chịu đựng những giờ phút làm tình của lão. Những lúc kề cận bên nhau, chồng nói chồng nghe, vợ nói vợ nghe vì hàng rào ngôn ngữ bất đồng. Hồng thường bị ăn đòn vì những thái độ không vừa ý với Yoonun. Càng ngày Hồng càng bị đối xử tồi tệ.

Hằng tuần Hồng chỉ được nói chuyện điện thoại với gia đình ở quê năm mười phút dưới sự giám sát của bà Tuyết. Những lần đó ông Năm nhắc Hồng nhờ bà Tuyết hỏi số tiền mà Yoonun hứa sau tiệc cưới để đưa mẹ đi chữa bệnh. Bà Tuyết trả lời là ông Yoonun đang kẹt tiền, chịu khó chờ. Chờ rồi chờ mà thôi. Có những lúc Hồng phân vân suy nghĩ về thực tại trước mặt. Trước sau là điều duy nhất nàng đã phải cam tâm bán rẻ tấm thân để mong cứu vớt gia đình, cứu mạng người mẹ. Không lẽ họ lừa dối, dàn cảnh để dụ dỗ chiếm đoạt nàng. Không lẽ họ chia nhau hưởng thụ không những trên thân xác mình mà ngay cả người thân trong gia đình đang trở thành những nạn nhân nghèo đói bần cùng.

Một tháng trôi qua, đột nhiên lão chồng già không đến với Hồng như thường lệ. Hồng cảm thấy có điều gì bất thường đang xảy đến. Hồng lo sợ, quyết gặp bà Tuyết hỏi cho ra lẽ :

- Ông Yoonun bận việc gì mà không thấy đến hả dì ?

- Ông ấy về nước được tuần rồi. Mà con hỏi làm gì, nhớ ông ấy rồi hả ?

- Chừng nào chồng con trở lại Việt Nam để đưa con về bên ấy ? Sao dì không nhắc ông ấy về dưới quê ký giấy kết hôn mà trong tiệc cưới ông ấy đã hứa, dì còn nhớ chứ ?

Bà Tuyết giọng đanh đá : - Mày ngu lắm Hồng ơi ! Lấy thì lấy, mà bỏ thì cứ bỏ. Có ký mười lăm hai mưoi giấy kết hôn cũng bằng thừa con ạ. Mày chẳng có quyền đòi hỏi điều gì. Đúng là mày đồ ngu.

Hồng sửng sốt trước lối nói hàng hai, phách lối : - Dì nói thế nghĩa là thế nào hả dì ?

Bà Tuyết quắc mắt, sừng sộ : - Đồ ngu ! Vậy mà cũng hỏi. Chờ lão chồng già qua mà hỏi.

- Chừng nào ông ấy qua hả dì ?

- Không biết.

- Còn số tiền hai ngàn đô la ông ấy hứa chừng nào mới có hả dì ? Má con đang bệnh nặng cần tiền chữa bệnh, dì biết chứ ?

Bà Tuyết nổi nóng, gầm lên : - Mẹ mày bệnh thì mẹ mày bệnh đâu can dự gì đến tao hả con kia. Còn chuyện gì thì hãy chờ lão chồng già của mày trở qua mà hỏi. Công việc làm ăn của bọn tao coi như đã trọn gói với mày rồi theo hợp đồng với Yoonun.

Hồng cảm thấy choáng váng chóng mặt. Nàng muốn bật khóc trước sự gian ác của người đời. Hồng bậm môi cố dằn cơn tức giận và nước mắt đang trào ra. Vừa lúc ấy bà Misano bước vào phòng nói nhỏ điều gì với bà Tuyết.

Chập sau, bà Tuyết dịu giọng với Hồng : - Này Hồng, dì nói con nghe nhé. Dì cho con trở về dưới quê tìm vài bạn gái dẫn lên giới thiệu cho dì. Thành công, dì sẽ lo cho con lấy số tiền hai ngàn đô la, lo giấy tờ kết hôn, và lo cho con về với chồng ở Hàn quốc.

Hồng nghĩ thầm, à ra chúng nó lại đang dụ khị mình đây. Giờ thì Hồng chẳng còn tin những lời hứa đầu môi chót lưỡi của mấy mụ môi giới này nữa. Nàng uất người nói xối xả :

- Bà đừng có hòng tôi làm điều đó. Chẳng bao giờ và không bao giờ tôi để cho một người con gái nào khác sẽ phải đau khổ lọt vào cái ổ nhền nhện này. Xã hội này đang băng hoại và đảo điên tột cùng bởi những bàn tay nhơ nhớp bẩn thỉu của các bà. Tôi sẽ đi thưa để công lý xét xử.

Bà Tuyết trề môi, kênh kiệu : - Đừng con ạ, thưa với kiện mà làm gì. Ai cũng như ai, ăn thì ăn đồng loạt, có trên có dưới, lấy ai mà xét xử. Tiền mà, ai lại không ham. Đụng đến là tan xương nát thịt đó con ạ.

- Được rồi, bà không thách tôi cũng làm cho bà coi.

Hồng vừa dứt tiếng nói liền bị bề hội đồng, đấm, đá, tát vào mặt mày nàng liên hồi. Hồng không kịp chống đở. Nàng ngã quỵ xuống sàn nhà bất tĩnh. Văng vẳng bên tai tiếng nói của bà Tuyết :

- Bà sẽ nhốt mày trong phòng này cho mày chết rục xương để xem mày làm gì cho biết. Đồ phản chủ !

Tiếp theo là giọng cười chát chúa nghe thật rùng rợn.Tiếng khóa cửa bên ngoài lắc cắc và im lặng.

Suốt buổi chiều và đêm hôm qua Hồng tỉnh dậy và cảm thấy nhức nhối ê ẩm toàn thân. Bụng đói, đôi môi khô cứng. Lại thêm một ngày nữa đi qua, không được ăn uống, không được làm vệ sinh, không ai hỏi han, tứ bề vắng lặng thật ghê rợn. Hồng như đang bị cách ly với đời sống bên ngoài. Trước thực tế này không lẽ nằm chờ chết, và nàng đang suy tính tìm cách trốn thoát. Nhìn quanh quẩn chung quanh phòng để tìm một tia hy vọng nhỏ nhoi tự cứu bản thân nhưng vô phương. Kêu la, cầu cứu chẳng ai nghe mà còn có thể bị đòn roi, đấm đá. Chắc chắn họ không còn đối xử tình người với nàng trước món đồ mua bán, trục lợi và hưởng thụ.

Hồng quyết liệt liều mạng bằng tất cả sức lực để trốn thoát khi có cơ hội. Phải rời khỏi nơi này ngay để đem số nữ trang mà Yoonun đã đeo vào người Hồng trong tiệc cưới để bán đi chữa bệnh cho mẹ. Số nữ trang đem bán, gia đình sẽ có một số tiền lớn giải quyết mọi chuyện cần thiết. Sau đêm tiệc cưới Hồng đã cẩn thận gói tất cả số nữ trang vào một mảnh vải nhỏ và luôn luôn cất giữ trong người. Nàng biết rằng đó là của riêng mà Yoonun đã tặng cho mình. Thường lệ những lần kề cận với lão già Đại hàn, Hồng chỉ lo ngại Yoonun để ý hỏi đến số nữ trang trong tiệc cưới. Nhưng tuyệt nhiên chuyện ấy không bao giờ xảy ra kể cả hai bà môi giới đang canh chừng kiềm kẹp Hồng. Họ không mảy may chú ý hỏi han, Hồng càng an tâm và vững tin số của có được đã như đánh đổi cuộc đời con gái trong trắng thật rẻ mạt. Thôi thì được gì, mất gì đều do sắp đặt của định mệnh. Thoát khỏi nơi này rồi tìm cách liên lạc với chồng, dù sao một ngày gần nhau cũng là tình nghĩa.

Bảy giờ tối. Hồng miên man trong những suy nghĩ chập chờn thì cơ hội đã đến. Tiếng mở khóa lách cách bên ngoài cửa phòng. Hồng vụt ngồi dậy tiến nhanh tới cửa vừa lúc bà Tuyết bước vào phòng. Hồng vận dụng tất cả sức mạnh bất ngờ xô mạnh bà ta té ngã chúi nhủi vào góc phòng, rồi thoát nhanh ra ngoài, đóng mạnh cánh cửa và khóa lại. Tiếng thét gầm của bà Tuyết vọng ra nghe thật khủng khiếp. Hồng chạy vút ra đường lộ và lẩn nhanh vào đêm tối ẩn mình, lần mò tìm phương tiện về Saigon.

Sau hai ngày Hồng mới về đến quê. Ông Năm và cả nhà mừng rỡ khi thấy Hồng trở về sau gần hai tháng xa nhà. Đến lúc nhìn sắc diện tiều tuỵ của con gái, người gầy rạc, quần áo thốc thếch cả nhà đâm ra lo lắng, xót xa hỏi nàng tới tấp. Những người hàng xóm tò mò kéo đến, ông Năm đóng cửa ngõ và xua đuổi họ về nhà.

Hồng nằm vật xuống giường khóc thãm thiết. Nàng lần lượt kể rõ mọi chuyện. Cuối cùng nàng đưa số nữ trang cho ông Năm và tức tưởi nói trong tiếng khóc:

- Cuộc đời của con chỉ còn có bao nhiêu đó. Ngày mai ba đem bán chữa bệnh cho má con. Nếu dư ra thì lo cho gia đình.

Ông Năm buồn buồn cầm gói nữ trang từ tay Hồng và mở ra. Đôi mắt ông sáng lên khi thấy sợi dây chuyền có mặt hột xoàn, chiếc nhẩn nạm bốn hột xoàn nhỏ óng ánh, đôi bông tai cũng hột xoàn mà trong buổi tiệc cưới hơn hai tháng qua ông đã nhìn thấy. Ông cũng đã ước tính nếu bán đi sẽ có được một số tiền lớn ngoài sức tưởng tượng mà suốt cuộc đời ông chưa bao giờ nhìn thấy. Ông Năm đang có suy nghĩ rất nhanh cho những gì sẽ phải làm.
Trên chiếc giường tre ọp ẹp phía bên trong, bà Năm với thân hình gầy đét, vừa nghe nói đến hột xoàn bà cũng ráng gượng ngồi dậy lê từng bước mệt mỏi đến bên cạnh chồng chộp lấy số nữ trang trong tay chồng rồi đưa lên tận mắt để quan sát, nhìn cho rõ.

Tiếng Hồng nghe mệt mỏi : - Ba à, bây giờ con cảm thấy lo sợ. Bà Tuyết dám đến đây làm giặc với gia đình mình. Chắc chắn như vậy,

Nghe con gái than thở, ông Năm trấn an : - Có gì phải sợ con mẹ đó. Bà ấy mà đến đây hả, tao báo công an xã đến còng đầu nó về tội hành hung và lường gạt.

Bà Năm ngập ngợ nhìn ông Năm và Hồng : - Sao tui thấy hột xoàn...kỳ cục quá nè ! Dám hột xoàn giả lắm ông ơi ! Cả sợi dây chuyền, chiếc nhẩn và đôi bông nữa.

Ông Năm hứ một tiếng trấn áp vợ : - Bà biết gì giả với thiệt. Cả đời bà có nhìn thấy nó đâu mà dám cho nó là giả. Không lẽ ông ấy lại đi lường gạt...mình.

Nghe cha mẹ phân bua hột xoàn giả, thiệt, Hồng giựt mình phân vân. Thật ra thì cả nhà chẳng có ai cả đời nhìn thấy được hột xoàn bao giờ. Hồng như chợt nhớ ra điều gì, nàng nói nhanh :

- Chính bà Tuyết đã nói với con trong tiệc cưới là ông Yoonun đã nhờ bà và Misano đi mua số nữ trang này.

Ông Năm bật ngửa người hốt hoảng : - Thôi rồi !..mà chắc gì...có thể họ dở trò ma giáo....mà không biết ai đây.

Ông Năm vội lấy chiếc lá đội lên đầu, réo Hồng : - Đi ! đi với tao để rõ thiệt hư. Tao nóng lòng muốn biết ngay.

Tại tiệm kim hoàn, người chủ tiệm sau khi xem xét kỹ đã bảo với cha con ông Năm số nữ trang này là đồ giả. Bây giờ ông Năm mới cảm thấy choáng váng. Miệng ông há hốc, đôi môi run run, mắt nhìn trân trân vào số nữ trang mà ông đã đặt hết kỳ vọng. Ông lảo đảo bước ra khỏi tiệm như người mất hồn bên cạnh đứa con gái đáng thương đang khủng hoảng tinh thần không còn nói được lời nào. Trước mặt hai người cảnh vật mờ ảo, lung linh...

Những ngày sau đó, bầu không khí trong gia đình hết sức nặng nề và ảm đạm. Hồng bắt đầu oẹ mửa, triệu chứng có thai, kết quả của một chịu đựng miệt mài từng đêm với lão già Hàn quốc chỉ cố mong sao có được tiền cứu vản gia đình. Trước thãm cảnh gia đình đen tối suy sụp, Hồng hoàn toàn bất lực . Ông Năm mỗi ngày càng ít nói, lầm lì. Hằng ngày ông lặn lội làng trên xóm dưới tìm việc làm. Những lúc rảnh rổi ông uống rượu liên miên giải sầu. Ông tự cảm thấy bất lực trước gian kế tinh vi của người đời. Ông mặc cảm tội lỗi đã trót tiếp tay hãm hại đời con gái của ông cũng chỉ vì cái nghèo, vì luân lý suy đồi của xã hội nhiễu nhương, điên đảo đã nảy sinh những tệ trạng hư hỏng chỉ có dân nghèo hứng chịu triền miên.

Cái thai mỗi ngày mỗi lớn dần làm cho Hồng càng mệt mỏi. Hằng ngày Hồng đạp xe đi khắp các vườn mua góp trái cây chở ra chợ bán. Hồng cố gắng dành dụm tiền để lo sinh nở. Đôi lúc Hồng có suy nghĩ lên Saigon tìm hai bà môi giới hỏi thăm tin tức của chồng xin họ giúp đở vài điều cần thiết, nhưng chỉ suy nghĩ mà không dám thực hiện.

Hồng mướn người gọi điện thoại bằng tiếng Hàn, mướn người dịch thư ra tiếng Hàn gởi cho chồng yêu cầu Yoonun qua Việt Nam ký giấy kết hôn, lo đứa con sắp sanh và đưa vợ con về Hàn quốc. Thế nhưng đã mấy lần gọi điện thoại, đã mấy lá thư gởi đi nhưng không được hồi âm. Đã không kết quả gì mà còn phải chi mất một số tiền lớn Hồng phải vay mượn người khác. Có người chỉ dẫn ông Năm và Hồng làm đơn tố cáo, nhưng đơn gởi đi nhiều tháng cũng chưa thấy Nhà Nước hỏi han cứu xét.

Trước cảnh khốn cùng mất trắng của gia đình và bệnh tật trầm trọng không thuốc men, bà Năm qua đời khi Hồng gần đến ngày sanh.

Quá đau đớn cho những cơn uất hận dồn dập phũ chụp xuống gia đình đã không kiềm chế được, vừa nghe tin bà Tuyết từ Saigon về, ông Năm tức tốc tìm đến nhà để vấn tội bà dụ dỗ rồi đánh đập Hồng, vụ nữ trang giả, và nhất là số tiền hai ngàn đô la mà Yoonun hứa cho gia đình ông có thể bà ta cuỗm mất để tất cả đã làm cho gia đình ông mất trắng.

Thấy cha đi một mình, Hồng tất tả chạy theo. Vì sức yếu thế cô, ông Năm đã bị bọn lâu la của bà Tuyết bề hội đồng một trận ngã sấp xuống đất bất tỉnh , mặt mày bê bết máu, thương tích đầy người. Hồng nóng lòng bênh cha, cũng bị bọn chúng đánh đến sẩy thai phải đi nằm bệnh viện.

Kết quả giấc mơ đổi đời đã hoàn toàn mất trắng. Giờ đây giữa khu xóm nghèo tăm tối, cứ vào khoảng nửa đêm, dáng ông Năm như một bóng ma trơi, ông ngồi bệch giữa sân nhà gào thét chửi bới. Ông chửi lũ quan to quan bé chăn dắt dân chỉ biết ăn trên ngồi trốc vơ vét đầy túi tham mà không bao giờ đếm xĩa giải quyết những khiếu cáo, khiếu kiện của người dân thấp cổ bé miệng, không ngăn chặn trừng trị và không can thiệp khi người dân bị áp bức khủng bố. Ông chửi cái chế độ mục nát đã dung túng bao che những tệ nạn xã hội, bán trôn nuôi miệng đang tràn lan cùng khắp như một dịch bệnh. Ông chửi lũ cai trị bất lực không ngăn chặn, nghiêm trị và còn toa rập tệ trạng buôn bán, dụ dỗ phụ nữ Việt Nam đi làm nô lệ tình dục ở nước ngoài. Ông chửi ....và ông chửi....một cách vô vọng, vô tội vạ....tiếng chửi bới, gào thét của ông vang vọng trong màn đêm tăm tối, rồi chìm sâu vào bóng đêm, nào ai có biết. Chỉ có Trời biết mà thôi !

Nguyễn Thế Hoàng