Thứ Sáu, 22 tháng 6, 2007

Chuyện Khó Tin Nhưng Có Thật Từ Biểu Tượng Rượu Martini Thành Nô Lệ Tình Dục



Deborah Jackson trong mẫu quảng cáo rượu Martini. Ảnh: Daily Mail.

Hình ảnh cô mặc chiếc áo tắm đỏ, tóc bay trong gió thập kỷ 1970 đã làm nên chiến dịch quảng cáo cực kỳ thành công cho loại rượu Martini trên toàn châu Âu. Nhưng một chuyến đi tới Trung Đông sau đó biến cô thành nô lệ trong nhà thổ.

Đoạn quảng cáo với khẩu hiệu: “Dù là khi nào, nơi nào, ở đâu” cùng cô gái với làn da rám nắng, nụ cười bí ẩn giúp loại rượu pha đá, uống chung với nước chanh hoặc tonic trở thành loại đồ uống thời thượng thập kỷ 70.

Tuy nhiên, mặc dù được coi là biểu tượng sexy khi đó, tên tuổi của cô gái quyến rũ ấy vẫn là một điều bí hiểm và sẽ còn là như vậy hàng thập kỷ sau. Bởi vì một năm sau khi đoạn quảng cáo Martini được quay, cô rời cuộc sống xô bồ ở London và biến mất không dấu tích.

Có những tin đồn, không được xác nhận, rằng cô đã đi Trung Đông. Nhưng phải đến đầu tháng này, người ta mới biết tin về cô khi có một mẩu thông báo ngắn nói rằng Deborah Thornton Jackson, Cô gái Martini, người làm khơi dậy biết bao giấc mơ đã qua đời ngày 18 tháng 5, ở tuổi 57, sau một cơn đột quỵ.

Chỉ cho tới lúc đó toàn bộ câu chuyện về cô mới được người ta biết đến.

Deborah Jackson sinh năm 1949 ở Windsor, Berkshire (Anh), con của một người mẫu quảng cáo đồ lót và một quân nhân. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, cô làm việc trong thời gian ngắn tại cửa hàng Jenners ở Edinburg (Scotland). Một cuộc gặp tình cờ với người mẫu Jean Shrimpton và người bạn trai của cô này khi đó, diễn viên Terence Stamp, khiến cho Deborah có cơ hội đầu tiên trở thành người mẫu.

Khởi đầu không được tốt đẹp lắm. Người ta đưa cô tới một tiệm cắt tóc. Người thợ làm đầu cắt những lọn tóc vàng của cô, nhuộm chúng thành đen, rồi sau đó tuyên bố anh ta không thích cái đầu này và cô phải đội tóc giả. Tuy nhiên, Deborah gây ấn tượng mạnh trên sàn diễn.

Dù có thành công này, Deborah không muốn kiếm sống bằng nghề người mẫu và thay vào đó làm chiêu đãi viên hàng không cho hãng British Airways, một công việc đưa cô tới một số tình huống oái oăm.

Trong chuyến bay đầu tiên, cô đã phải can thiệp khi một đôi uyên ương ngồi khoang hạng nhất có vẻ như định làm “chuyện đó” ngay giữa hàng ghế nằm. Deborah đến gần hai người đang dính chặt vào nhau, vỗ tay lên vai người đàn ông và lịch sự hỏi liệu anh ta có thể ngừng lại được không. Trước sự kinh hoàng của cô, cô nhận ra đó là John Lennon. Anh gỡ người mình khỏi Yoko Ono chỉ đủ để văng một câu chửi tục vào mặt cô. Người phi công sau đó quyết định chuyển hướng bay sang Rome và buộc anh chàng nổi tiếng của ban nhạc Beatles phải xuống máy bay.

Sau khi cha cô qua đời, chứng nghiện Valium và nỗi sợ ở trong phòng kín khiến cô rời bỏ nghề chiêu đãi viên và chuyển đến London theo học tại Học viện Thời trang London. Cô tốt nghiệp loại xuất sắc và gia nhập công ty người mẫu Michael Whitaker, với nghệ danh là Erica. Sự nghiệp của cô thăng tiến rất nhanh. Cô được chọn để quảng cáo cho rượu Martini, đi ăn trưa với George Best, đi nghỉ cùng Tom Jones, rồi hẹn hò với diễn viên Lance Percival. Cô còn đi Italy và yêu một nhà kinh doanh đồ trang sức giàu có. Nhưng chuyện tình của họ chấm dứt, vì mẹ chàng trai không cho anh quen với một cô gái không theo Công giáo.

Giữa guồng sống cuồng nhiệt ấy, tất cả thay đổi chỉ với một cú điện thoại. Bạn cô Maggie Sibbering gọi điện và van xin: “Mình đang ở Beirut (Libăng) và mình gặp rắc rối. Xin hãy tới cứu mình”.

Từng tới Beirut khi còn làm chiêu đãi viên, Deborah không nghĩ gì khi lên chuyến bay đến nơi này. Nhưng cô nhanh chóng phát hiện ra điều mà người tài xế taxi chở cô từ sân bay đã cảnh báo: “Beirut giống như một đóa hồng. Rất đẹp, nhưng gai rất sắc”.

Đến khách sạn như lời Maggie dặn, cô được đưa tới một quán rượu và người ta cho cô một cốc rượu. Đã quá muộn, cô nhận ra rượu có thuốc mê.

Khi tỉnh dậy vài giờ sau, cô biết mình đã ký một hợp đồng buộc cô phải làm việc trong một nhà thổ cao cấp và thông hành của cô đã bị lấy đi. Sau này, cô gặp Maggie, đang làm vũ công và gần như không mặc gì trên người. Cô bạn “tốt” nói với cô rằng thực ra mình không gặp vấn đề gì cả và bây giờ rất hạnh phúc.

5 tháng sau, vị cứu tinh của cô xuất hiện. Elie Ayache, một doanh nhân Libăng nổi tiếng và là người thừa kế của một trong những gia đình giàu nhất nước, sở hữu thương hiệu Ferrari ở Trung Đông.

Anh yêu Deborah, và nhờ sự giúp đỡ của một đại tá Libăng, mua cô khỏi nhà thổ với giá 5.000 đô la. Hai người kết hôn năm 1975. Bất chấp chứng nghiện rượu và ham chơi của Ayache, họ sống 15 năm bên nhau. Deborah trở lại làm người mẫu, và hai người có hai đứa con gái.

Nhưng Beirut đang ở thời khắc khó khăn. Thành phố đang thời kỳ nội chiến, và trong thời gian ở đây, một lần một nhóm phiến quân Hezbollah xông vào nhà cổ và cưỡng hiếp Deborah trong suốt 4 ngày. Sau đó, chúng bị quân chính phủ tiêu diệt. Một lần khác, người tài xế của cô bị một tay súng bắn tỉa bắn trong khi đang chở cô đến nơi an toàn.

Khi Israel chiếm Libăng năm 1982 và lực lượng chiến binh ở Libăng tàn sát hàng trăm người Palestine, Cô gái Martini làm việc trong một bệnh viện ở Gaza, trông nom những người đau ốm và bị thương.

“Quang cảnh thật kinh hoàng”, sau này cô kể lại. “Sự hoảng sợ tột cùng. Tôi nhớ mãi một chú bé với thân mình không còn chân tay. Tôi cứ ôm sát lấy cái thân thể nhỏ bé ấy. Đứa bé người đầy máu và cuộc sống đang rời bỏ nó. Nó cứ khóc gọi mẹ”.

Giữa thời kỳ chiến tranh 1989, gia đình cô buộc phải trở về tầng hầm trong chính căn nhà của họ, trải qua nhiều ngày không điện không nước. Có lần, cô phải dùng đến xe tăng để cứu con gái ở trường học.

Cuối cùng, cô bỏ trốn cùng hai con gái trên con tàu của các người lính Hòa Lan và trở về Scotland sống gần mẹ mình. Chồng cô, Ayache ở lại Libăng và họ ly dị.

Deborah về sau tái hôn với một ông chủ quán rượu tên là Robert Alexander. Nhưng rồi, trong bữa tiệc đêm giao thừa năm 1999, cô gặp Neil Jackson, một giáo sư ngành kiến trúc làm việc tại Đại học Liverpool.

“Trên đồi có những đống lửa và người ta bắn pháo hoa. Chúng tôi đang trò chuyện thì cô ấy bỗng nhiên nắm lấy cánh tay tôi, ép người tôi vào tường và nói: ''Chúng ta là người đồng điệu''”, ông kể. “Ngày hôm sau, đầu óc chúng tôi vẫn còn quay cuồng vì hơi men đêm trước và tôi nói: ''Bây giờ sẽ là gì đây?'' 10 tháng sau, cô ấy ly dị chồng. Năm 2002, chúng tôi kết hôn”.

Ông nhớ về vợ mình như là một người “bốc đồng, sôi nổi và khiến người người khác vui thích khi ở bên. Cô ấy cũng yêu súc vật. Lúc tôi quen cô ấy, cô ấy đã có 8 con chó và 5 con ngựa. Vì thế, tại đám tang, thay vì những vòng hoa, chúng tôi đã đề nghị những người đến viếng quyên tiền cho tổ chức bảo vệ động vật”.

Những năm cuối đời, Deborah bắt tay viết cuốn hồi ký của mình về 20 năm sống ở Libăng. Bà đã viết được 65.000 từ.

M.C. (theo Daily Mail)

Không có nhận xét nào: