Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2007

NỮ NGHỆ SĨ KHẢ ÁI BÍCH THUẬN

Thường người ta đợi đến khi một nghệ sĩ , một nhà văn, nhà thơ hay một nhân vật nào đóng góp cả đời cho văn học nghệ thuật, cho xã hội qua đời, người ta mới viết bài ca ngợi công lao đóng góp của họ. Sao không viết khi người ta còn sống để họ có thể đọc và vui sướng thấy sự đóng góp của họ được người đời ghi nhận, ca ngợi, biết đến?.

Trong ý nghĩ này, tôi viết bài giới thiệu về Nữ Nghệ Sĩ khả ái Bích Thuận. Tôi hân hạnh đựơc gặp Cô trong buổi ra mắt CD nhạc “Lá Rơi Bên Thềm” của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn ở Paris trong thời gian gần đây, cũng như trước đây có xem cô trình diễn ở Hoa Thịnh Đốn.

Trong căn phòng ấm cúng ở Paris tôi có dịp trò chuyện tâm tình cũng như được nghe Cô ca hát nhiều thể loại dân ca, tân nhạc, cổ nhạc khác nhau.

Mặc dầu đã nhiều tuổi, hôm đó, nữ nghệ sĩ Bích Thuận vẫn còn tươi đẹp và lộng lẫy trong chiếc áo dài kim tuyến rực rỡ. Cô vẫn còn vóc dáng thon thả, thanh tú, nụ cười xinh tươi và điệu bộ duyên dáng như thần tượng trong lòng khán giả ái mộ ngày nào.

Góp vui trong chương trình văn nghệ hôm ra mắt CD, cô Bích Thuận hát bài “Em Như Cô Gái Hãy Còn Xuân” , mọi người cười rộ lên khi nghe Cô giới thiệu sẽ hát bản nhạc này. Cô dí dỏm nói: "Tội gì mà mình không nghỉ mình là cô gái hãy còn Xuân!”. Vẫn giọng hát trong trẻo của ngày nào, Cô hát tiếp một bài dân ca và một bài vọng cổ Miền Nam.

Vọng cổ là tiếng lòng, là âm nhạc của người Miền Nam, cô Bích Thuận có giọng nói mang âm hưởng miền Bắc mà hát vọng cổ, nên mấy câu vọng cổ của cô rất đặc biệt, gợi người ta nhớ lại những ngày tháng cũ trên sân khấu của đoàn ca kịch Bích Thuận, Kim Chung. Khán giả vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt mỗi khi cô xuống câu vọng cổ lai Bắc.

Trong một buổi trình diễn khác ở Hoa Thịnh Đốn, Nữ Nghệ sĩ Bích Thuận trình diễn nhiều thể điệu khác nhau. Cô bắt đầu với bài vọng cổ Miền Nam “Nỗi lòng người xa xứ”, đã đem đến cho khán giả nỗi buồn man mát xa quê . Cô chuyển qua hát ả đào “ tâm tình người kỹ nữ” với nỗi buồn thắm thiết cho thân phận con người. Xong cô thay đổi không khí với tân nhạc, nhịp điệu vui tươi cha cha “Yêu Em Dài Lâu”. Cô vừa hát vừa nhún nhảy tươi trẻ như cô gái đôi mươi… Sau đó cô trở lại sân khấu với y phục của cô gái quê Bắc Ninh, với yếm thắm và khăn mỏ quạ, cô hát dân ca Quan Họ. Nhìn Bích Thuận trình diễn trên sân khấu, người ta có cảm tưởng như đang chứng kiến cảnh một cô gái quê ở tuổi đôi mươi đang nhí nhảnh đối đáp với một anh trai làng . Cô diễn xuất thật tự nhiên, sống thực, khó mà có thể tưởng tượng được hình ảnh đó, giọng hát đó từ một nghệ sĩ trên bảy mươi tuổi !

Rồi cô diễn tiếp luôn một màn Hồ Quảng “Kiều Với Thúc Sinh” và sau cùng là màn cải lương lịch sử hùng tráng “Trưng Vương Khởi Nghĩa” … Cô đã cho khán giả thấy tài năng thiên phú của Cô. Thể điệu nào, tân nhạc vui tươi hay cổ nhạc sầu não, dân ca hay hồ quảng, ả đào… cô đều ca, đều diễn thật có hồn , thật xuất sắc, khán giả dù khó tính đên dâu cũng không thể chê Cô chỗ nào được.

Trong tập hồi ký “Bích Thuận: từ làng Vân Hồ đến UNESCO” do Tổ Hợp Miền Đông xuất bản, Cô Bích Thuận kể lại những đoạn đời nghệ sĩ cô đi qua , đẹp như một chuyện thần tiên.

Cô sinh quán tại Làng Ngọc Thủy, Huyện Gia Lâm, Tỉnh Bắc Ninh.

- Cô là Giáo Sư Viện Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Saigon (1965 – 1975).

- Giám đốc Đoàn Ca Kịch Cải Lương Bích Thuận từ ( 1950-1975)

- Đã thực hiện và đóng trên mười bộ phim dài.

- Năm 1988 Nữ Nghệ Sĩ Bích Thuận tham dự và trình diễn dịp lễ phong thánh cho 117 vị Anh Hùng Tử Đạo VN được cử hành tại Quảng trường Thánh Phero-Toma, Tòa Thánh Vatican. Dịp này Cô Bích Thuận được vinh dự tiếp kiến Đức giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ II .

- Năm 1983 Bích Thuận có tên trong Dictionary of International Biography (Nhân Vật quốc tế), Cambridge, Anh Quốc.

- 1988 Bích Thuận có tên trong 5000 Personaltities of The World.

- 1999 Bích Thuận được môn sinh tổ chức mừng kỷ niệm 50 phục vụ văn hóa và nghệ thuật, tại Trung Tâm Văn Học Liên Hiệp Quốc (UNESCO) Paris, Pháp Quốc.

Tại Paris Cô Bích Thuận đã tâm tình, cho biết cô đã trình diễn trên sân khấu gần sáu mươi năm. Cô được học hỏi, tập luyện các bộ môn nghệ thuật như ca múa, diễn xuất từ năm mười tuổi. Vỡ tuồng đầu tiên cô trình diễn là “Thời thế tạo anh hùng” trong đó cô đóng vai chủ quán.

Cô cũng cho biết cô không thích đóng vai “nữ” lắm. Cô chỉ thích đóng vai nam, vai Lữ Bố hay Thúc Sinh chẳng hạn. Cũng nhờ những vai “nam” mà cô nổi tiếng nhanh .

Cô thích đóng kịch vai “nam” , chứ ngoài đời cô là cô gái Bắc Ninh , cũng có gia đình, có con như bao nhiêu người phụ nữ khác. Mặc dầu thích vai “nam” nhưng khi đóng những vai nữ cô cũng rất thành công, như vai Điêu Thuyền, Kiều…

Trả lời một câu hỏi khác làm sao để được khán giả ái mộ trên sân khấu, cô Bích Thuận trả lời: ”Mình phải yêu khán giả với hết trái tim, hết đầu óc của mình. Khi bước ra sân khấu, cái tình thương của mình được truyền cho khán giả, khán giả sẽ mến mình. Sự giao cảm này, tạo nên những tình cảm mến thương huyền diệu giữa mình và khán giả.”

Cô Bích Thuận thú nhận, nhìn khán giả là cô cảm thấy vui sướng vô cùng, như “cá gặp nước” như ”rồng gặp mây”.

Đáp một câu hỏi khác, làm sao cô vừa làm nghệ thuật, mà vừa làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình. Cô Bích Thuận đáp, cô hết lòng yêu nghệ thuật, hết lòng làm nghệ thuật nhưng phải là một người đàn bà gương mẫu trong gia đình như mọi người đàn bà khác. Nhiều người hiểu lầm giới nghệ sĩ là lêu lỏng, chơi bời… không phải như vậy. Nghệ thuật rất là cao quý, mình phục vụ nghệ thuật là một lẽ, nhưng phải là người đàn bà hoàn toàn trong gia đình.

Đựơc hỏi bí quyết nào giúp cô trẻ đẹp mãi, cô Bích Thuận cho biết cô luôn tập thể thao để giữ eo co, hơn nữa theo cô vấn đề tươi trẻ là ở tâm hồn mình, muốn khỏe mạnh, trẻ đẹp mãi, tâm mình cần có sự bình an, thanh thản, không giận hờn ai, oán ghét ai. Cô sống nhờ lòng yêu mến khán giả và khán giả yêu mến cô.

Trong suốt thời gian nói chuyện tâm tình, Cô Bích Thuận lúc nào cũng cười nói rất vui tươi. Cô vừa trả lời vừa ra điệu bộ rất tự nhiên, duyên dáng, đôi khi pha trò với một vài câu dí dỏm, khôi hài , tạo một không khí thật thân mật, làm cho người ta dễ cảm mến.

Có nhìn thấy Cô Bích Thuận trình diễn trên sân khấu với những vai hùng dũng, vai đào thương, trong những tuồng giả sử… khán giả sẽ thấy những động tác của Cô không thừa, không thiếu. Cô có thể diễn tả được trọn vẹn mọi vai trò, không phải chỉ nhập vai khi khóc, khi cười trong vai đào thương hay đào lẳng, mà Nữ nghệ sĩ Bích Thuận khi bước ra sân khấu là cô làm chủ sàn diễn, thu hút khán giả bằng nét sáng tạo thật độc đáo của riêng cô.

Cô Bích Thuận cho biết, cho đến nay cô vẫn giữ được nét trẻ đẹp với thời gian là vì cô mê khán giả lắm nên cô cố giữ gìn sức khỏe để có thể tiếp tục ca hát , giúp vui khán giả ngày nào hay ngày đó.

Quả thật vậy, ở điệu hát nào, đóng vai trò nào, Cô Bích Thuận cũng là một nghệ sĩ rất điêu luyện, tài sắc vẹn toàn. Cô đã đạt đến tuyệt đỉnh thành công ở quốc nội cũng như trên trường quốc tế. Với gần sáu mươi năm liên tục phục vụ Văn Hóa Dân Tộc và Nghệ Thuật Quốc Tế Cô Bích Thuận là một bông hoa hiếm quý, xứng đáng với danh hiệu đồng bào VN tặng cho cô "Nữ Hoàng Sân Khấu" .

Tuyết Mai