Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Thơ Trẻ Sài Gòn: Nhóm "Mở Miệng"


Bùi Việt Phương

Thơ đọc tôi và tôi viết.
Có thể nói, ở một phương diện nào đó lịch sử văn học được định nghĩa là lịch sử của những thể loại và hình thức văn học. Mỗi thể loại lại có một hình thức tồn tại và lưu truyền tác phẩm đặc thù. Đó là điều đã từng xảy ra trong lịch sử với văn học dân gian, văn học viết và các biến thể, các ngả rẽ của chúng. Khi những chân giá trị được nhận diện, sự cách tân được ghi danh đồng nghĩa với việc thừa nhận một hình thức sáng tạo mới. Trong dòng suy tưởng ấy, những sáng tạo của “mạch ngầm văn bản photo ”[1] có thể coi là một miền đất mới hứa hẹn những điều lý thú.

Trong bài tiểu luận nhan đề “Điểm tâm tính danh - hay là thơ Việt những năm đầu thế kỷ XXI” tác giả Lý Đợi đã tự nêu lên đặc trưng của hình thức ấy và hoạch định nó trong mối quan hệ với hiện thực và công chúng: “In roneo hay photo là một cách thức không có gì mới, nhưng in và quan niệm nó như văn bản chính thức của tác phẩm thì ít người làm như thế […] đã khu biệt và định vị được số người đọc; tiếp theo nữa, đã bắt đầu mở ra những thể nghiệm thiên về nghệ thuật…”, và tác giả viết tiếp: “Ban đầu, việc in photo này được xem là một kiểu làm dáng về hình thức, nhưng càng về sau nó càng tỏ ra hữu dụng và tác động được đến cách nghĩ của người sáng tác, nhất là trong giới trẻ’’.

Nhận định đó bắt nguồn từ một thực tế: đã đến lúc những hiện tượng mới của đời sống cần được nhận diện và thừa nhận như một lực lượng mới (Thay vì tạm gắn cho nó những tên gọi cũ, rất na ná như: bản thảo, tác phẩm không in ấn…, những cái tên đã chật chội và nghèo túng). Thơ được in trên văn bản photo là một sản phẩm độc đáo của đời sống hiện đại nhưng vẫn có một giới hạn về độc giả. Nó rất gần gũi với báo điện tử nhưng lại khác xa người anh em của mình khi chỉ thực sự tồn tại bằng những trang in trên mặt giấy được truyền tay như truyền thống xưa nay của văn học viết. Những bản photo vẫn có một thế giới tâm linh riêng, như một dòng chảy tự tại. Trang in rộng rãi và phóng túng, sáu tác giả với hơn một trăm bài thơ được lựa chọn từ những sáng tác của họ. Thơ ca! Còn gì hân hoan hơn khi con người ta được làm chính bản thân mình. Viết thơ là sự ý thức về mình đầy đủ nhất, cũng là lúc ý thức được sự sáng tạo, có nghĩa là phải đi xa hơn nơi mình đang đứng. Nhưng trước khi làm điều ấy anh phải biết anh đang đứng ở đâu, nếu không sự sáng tạo kia chỉ là sự đi lên, đi xuống, sang phải lại sang trái một cách đơn thuần. Khi ấy những sự sáng tạo vô phương vị này bỗng lại hao hao giống sự lặp lại, có những sự sáng tạo lại chính là sự mòn sáo. Lúc này chúng ta sẽ không có ý định trích dẫn một định nghĩa trong sách vở, hay nhận định của một học giả nào đó bởi một lý do rất đơn giản: ở đây chúng ta tin vào tinh thần của người cầm bút trẻ, tin vào nhãn quan và linh cảm nghệ thuật của người đọc. Bùi Chát, Trần Văn Hiến, Lý Đợi, Hoàng Long, Khúc Duy và Nguyễn Quán. Tất cả thoát ra ngoài những hệ lụy, câu thúc của in ấn và lợi nhuận báo chí. Trên hành trình đi tìm miền đất gieo hạt giống thơ ca của mình họ đã hát những bản du ca trên những thảo nguyên của sự sáng tạo. Mỗi người một khúc thức tràn đầy sinh khí, và luôn được cất lên với niềm hoài vọng nơi cố hương xa xôi của thơ ca sẽ nghe được những lời ca ấy. Đó là điều có thật, nó không đơn thuần chỉ là một cách hành văn của người viết, bạn đọc thử lắng nghe một khúc ca này:

“Tôi luôn ở bên em dâng hạnh phúc âm thầm. Gió và nắng trên cao chuyển lời tôi hát. Vũ điệu ngày xuân. Vũ điệu lila.

Tặng phẩm tôi dâng là sự sống muôn loài. Qua sáo nhỏ với diệu khúc vi vu, nụ hoa em cài mái tóc, gùi trên lưng mẹ chất đầy khoai bắp, ché rượu ngọt ngào chảy ngang cần trúc ngọn lửa linh thiêng.” (Trần Văn Hiến - Bài ca số 1)

Nếu như "vòng tròn sáu mặt" được coi là biểu tượng nghệ thuật của họ thì đó là một hình hài tương đối đầy đặn chứ không đơn giản chỉ là một hình lục lăng. Xu thế ngôn ngữ nhóm xuất hiện tạo nên những nét chung trong tâm thức của các tác giả. Hiện tượng bị xâm thực đều xảy ra ở mỗi người và ở những cá nhân có phong cách không rõ nét, điều đó càng diễn ra mạnh mẽ hơn. Họ phải viết về những điều đã trở thành chủ đề chung của nhóm. Trong khi họ có thể viết về những khám phá riêng của mình, hoặc không viết trong thời điểm ấy... Tập hợp tất cả những sáng tác của họ đã phác họa phần nào tấm lược đồ đi tìm miền đất mới cho thi ca. Trên tấm lược đồ có những nét đậm, nét mờ, những nét phóng túng và những nét bản nguyên. Lý Đợi là tác giả có được một phông ngôn ngữ rộng lớn nhất, câu chữ đối với anh như từ trong huyết quản tràn ra đầu ngọn bút. Anh viết câu thơ rất dài nhưng sức gợi vẫn nhiều, anh đả động đến nhiều chủ đề, nhiều hơn là từ “điểm tâm” mà anh hay nói đến. Khả năng linh cảm nghệ thuật giúp Lý Đợi viết những câu thơ bằng cảm giác. Anh cảm giác về sự chết:

“Giọt máu bầm tím bán cầu não phải
cảm nhận mất thăng bằng về sự chết”
(Lý Đợi - Tổ khúc 4 con nhện)

Sự chết đến, đã thanh thản hơn những uẩn ức của cuộc đời đang sống. Con người không đứng ngoài quy luật của tạo hoá nhưng có thể đứng ngoài sự chết khi bản thân mình đã thức tỉnh trong sự sống. Cũng trong mạch liên tưởng ấy anh định nghĩa về thực thể nghệ sĩ, không bàng quan với sáng tạo những coi đó là một trạng thái vô định:

“Đêm mưa hắn chờ sống chuẩn bị cười sẽ khóc và viết”
(Lý Đợi - Những lời)

Chấp nhận sáng tạo có nghĩa là mở đường cho cái lạ, và trong muôn vàn nô nức ấy sớm bình giá một điều gì đó, tức khắc sẽ làm đám đông kia biến mất, trở lại sự lạnh lẽo vốn có. Lý Đợi có cách diễn đạt lạ hóa, chưa thật làm mới mình nhưng đầy ý thức:

“Tôi đang nghĩ về những bờ cỏ, đầu tóc bông keo ca sĩ
sự vênh vang trên sân khấu”
(Lý Đợi - Không viết cho dàn nhạc)

Nhưng đúng hơn trong bài thơ này sự cảm nhận về chiều sâu của tâm thức loài mới là sự sáng tạo chủ yếu nhất. Đưa ta đến thẳm sâu như huyền thoại và hun hút xa như thuở hồng hoang:

"Con đường u buồn” là khúc ca tù và của loài trâu đi tìm di chỉ
những con ốc bươu vàng nằm trong đất đợi mưa”
(Lý Đợi - Không viết cho dàn nhạc)

Xen vào chuỗi liên tưởng đó là những hiện tượng ngôn ngữ dân gian, nhưng ở đây nó đã mất đi vai trò vốn có, thay vào đó chúng mô phỏng sự tồn tại của thực thể bằng một lối trữ tình ngoại đề:

“miêu tả đơn giản là: buổi sáng trên cánh đồng trơ gốc rạ
đàn trâu đen trong điệu bộ bước đi
bốn chân dài chấm đất
"trâu trắng đi đâu cũng mất mùa”
(Lý Đợi - Không viết cho dàn nhạc)

Hay lạ hóa hơn trong khúc thức này:

“tôi đang nghĩ
(không quan trọng)
“trâu chết để da, người chết để tiếng”...

(Lý Đợi - Không viết cho dàn nhạc)

Lý Đợi đã có rất nhiều lần thể nghiệm sự hóa thân độc đáo, chẳng hạn như trong “Tổ khúc những vật rỗng” anh viết:

“Tôi hình thập giá mỗi sáng
những suy nghĩ dần lên xe rác”
“Tôi những thùng sơn trang trí”
“Tôi có khu vườn không cây
những phế rỗng thành núi”

“Không viết cho dàn nhạc” là sự thể nghiệm thành công một biến thể nghệ thuật, hóa thân vô thường vào mặt trống:

“người chăn giữ nói với đàn trâu:
- hãy đánh răng sạch sẽ và khoá mỏ lại chờ mùa
thế thôi!
còn bây giờ hãy chui vào mặt trống được căng ra bởi da thịt các ngươi
hãy vang lên những vọng âm bước chân trên cách đồng mặt trời”

Trong hai tác giả có nhiều sự thể nghiệm độc đáo nhất thì Bùi Chát là người biết cách làm mới lại những điều đã cũ. Không phải lúc nào sự thành công đến sớm cũng là điều tốt đối với một cây bút trẻ. Chân lý nghệ thuật vẫn có những lý lẽ riêng của nó, Bùi Chát dừng ở một điểm đỗ không xa lối thơ truyền thống, nhưng anh luôn đặt nó trong mối quan hệ với trường liên tưởng của chiều sâu ký ức. Anh đối diện với những ngọn tháp cổ của Mỹ Sơn như chính những hoá thân của mình trong chiều sâu tâm linh:

“tôi nhìn những ngọn tháp / những ngọn tháp vây lấy tôi / bằng câu hỏi / câu hỏi của những ngọn tháp đã trưởng thành / tôi nhìn những ngọn tôi / rêu phong và đổ nát...”
(Bùi Chát - Viết ở Mỹ Sơn)

Anh luôn tìm cách đối diện với bản thân mình, nếu như ở trên là sự suy ngẫm thì ở đây đối diện để so sánh, ứng chiếu và đánh giá bản thân mình:

“Tôi có thể thông minh
trong ánh mắt em
hơn bất cứ nỗi đau em chịu đựng
hơn một sự sống..."
(Bùi Chát - Xáo trộn trong ngày)

Trí tuệ của bản thể lại được gạt bỏ sự tự tại và định danh bằng những mối liên tưởng khách quan khác. Đôi khi sự đối lập và liên tưởng đó của Bùi Chát trở thành một sự phản tỉnh cao độ:

“ - Tôi nhìn vào đời
tôi mọc từ tôi”
(Bùi Chát - Viết ở Mỹ Sơn)

Điều đặc biệt trong thơ anh là sự liên tưởng được hữu hình hóa và trở lại cũng bằng chính sự liên tưởng:

“Mỗi ngày đến như mũi tên
mũi tên tàng hình ra ba chấm và không có trong gương...”
(Bùi Chát - Bắt đầu từ đôi mắt)

Nếu như đã nói đến sự tự tin của Bùi Chát trong khi viết thì chính điều đó đã giúp anh có nhiều thử nghiệm trong cách tổ chức ngôn ngữ. Chẳng hạn, ngoài những cách thức thông thường như ta vẫn tìm thấy trong thơ ca thì dưới đây là cách anh chèn từ vào thơ:

“ Những cây gì trên đường nào không biết nữa”
(Bùi Chát - Tạp thi)

(Những chữ in đậm của người viết đánh dấu những từ được chèn vào)

Cách diễn đạt đó không chỉ lưu giữ sự lạ hóa ở bề ngoài của lớp vỏ ngôn ngữ mà đã gợi ý cho chúng ta về cách nói của thơ không quá câu nệ vào sự xuôi tai của chữ nghĩa. Hình thức chèn từ (Từ in nghiêng này do người viết tạm dùng) vào câu thơ này còn được nhân lên ở mức độ cao hơn - mức độ của tứ thơ:

“mỗi ngày đến như mũi tên
mũi tên tàng hình ra ba chấm và không có trong gương
(những tấm gương không nhìn thấy chúng)
Chúng có đôi mắt cẩn thận không biết nhìn kẻ khác
Những kẻ chưa nhận xét tấm gương bao giờ…”
(Bùi Chát - Bắt đầu từ đôi mắt)

Cuộc sống của những phát hiện, trạng thái cảm xúc tồn tại trong chúng ta sẽ chính là sự tồn tại của những câu thơ này trong cuộc sống. Trên hành trình đọc thơ của các tác giả, Bùi Chát đối với bản thân người viết là một điểm dừng lâu nhất. Có thể vì một thiện tình rất chủ quan nào đó - vì người viết cũng chỉ là con số một - nhưng còn bởi một lý do khác. Ở rất gần với xúc cảm của anh là Khúc Duy, sự tự ý thức của Khúc Duy là trong một từ trường hấp dẫn ấy phải tìm cho mình một tự tại cần thiết. Anh tôn sùng đêm đến mức đã biến nó thành một thực thể biệt lập với thế giới của ánh sáng. Từ một sự ám ảnh mức độ cao:

“Ở ô sáng kia có những bàn tay đang đoạt không khí ”
(Khúc Duy - Mất lửa)

Không gian đang ngột ngạt một mầu tối, ban đầu còn là sự tranh chấp với ánh sáng:

“Hàng vạn con muỗi đang bán tôi cho ánh sáng ”
(Khúc Duy - Mất lửa)

Linh hồn đang phó mặc cho những vị chủ nhân của đêm, đi đến tận cùng sự tưởng tượng. Tiếp theo nữa sự cảm nhận đêm bằng cảm giác: “Bàn tay men lối ”, “Phiến đá đen ợ hít những cuồng loạn con dấu” (Khúc Duy - Khúc trắng). Cảm giác màu đêm thâm nhập vào cuộc sống bằng những tiếp xúc thuần túy. Còn những câu thơ này lại là một biến thể khác của đêm: “Mơ mơ bóng múa đen trọc / dạ hội bãi đồng hoang / nấm mồ…” (Khúc Duy - Khúc trắng). Từ những tiêu đề gợi màu đêm: Hơi thở đêm, Trong đêm, Đêm trăng, Mất lửa…còn có một biểu tượng khác, đó là cà phê. Cà phê - một đại diện của đời sống công nghiệp nhưng ở đây nó là sự nhập thân khả thi nhất của chủ thể thẩm mỹ vào thế giới của đêm. Trong trường cảm xúc của Khúc Duy, ám ảnh đêm đạt mức độ cao nhất đó là Ma. Ma ở đây không phải là cái đích cuối cùng của sự thần bí mà là cái hệ quả tất yếu của ám ảnh. Đã từng có trong thơ Bùi Giáng “bóng ma”của cảm thức thơ ám dụ: “Bỏ trăng gió lại cho đời / Bỏ ngang ngửa sóng trong lời hẹn hoa / Bỏ người yêu, bỏ bóng ma / Bỏ hình hài của tiên nga trên trời…” (Bùi Giáng - Mắt buồn). Nhưng trong thơ Khúc Duy nó chỉ là một biểu tượng ám ảnh nên không được miêu tả cụ thể. Khúc Duy còn viết về hơi thở rất truyền cảm, tất cả sự vật với anh dường như đều có nhịp thở: “những gạch ngang gạch chéo loằng ngoằng / thở khí thiêng” (Khúc Duy - Trò chơi); đêm của nhịp thở: “mảng hồng cuối căn phòng làm phông cho đêm / tiếp diễn trên nền đất một cái bóng vật vờ chờ hơi thở… cùng / đằng sau ánh sáng hồng phập phồng nhịp tim kẻ yêu đêm” (Khúc Duy - Hơi thở đêm); đêm của hơi thở xao động: “hơi thở ranh ma xáo động nhịp tim” (Khúc Duy - Khép và mở).

Trong khi ấy Nguyễn Quán viết nhiều hơn Khúc Duy với nhiều chủ đề hơn, câu chữ đầy đặn hơn, nhưng đọc kỹ vẫn thấy tác giả còn quá nhiều trăn trở. Trăn trở trong những kiếm tìm và trăn trở dường như là sự tồn tại của thơ anh. Đối với một người viết thơ, mức độ đánh giá cao nhất là khả năng tự quan sát chính mình và miêu tả lại những diễn biến tâm lý nội tại. Chúng ta đọc một đoạn thơ sau đây của Nguyễn Quán:

“Những con số chạy
tôi chuyển động ngoài vòng kiểm soát
máy nóng tôi điên cuồng
và tim vỡ ra thành nhiều mảnh
tôi đến với người máy
đôi mắt bốc lửa trong máu tôi

đôi mắt người máy
chạy theo

tôi đọc những giấy đầy chữ
hỗn độn sức mình
làm một cuộc vui
tôi tạo ra những khung chữ

tôi lục lạc kêu trên đường về…”
(Nguyễn Quán - Vòng số)

Tâm lý con người bị tác động bởi một thực thể vừa do chính con người tạo ra vừa đối lập với sự tình cảm của mình đó là thực thể “máy”. Trong nội tại có sự chuyển động, ta có cảm giác tâm hồn được vật chất hóa bằng những từ ngữ: “tôi chuyển động ngoài vòng kiểm soát / máy nóng tôi điên cuồng / và tim vỡ ra thành nhiều mảnh…” (Nguyễn Quán - Vòng số). Nhưng thật ra Nguyễn Quán lại đang miêu tả những biến thái đó bằng những lớp cảm giác không hề mang tính cơ học chút nào. Phải rất nhạy cảm mới có thể nói đúng được một trạng thái siêu cảm giác:“đôi mắt bốc lửa trong máu tôi” (Nguyễn Quán - Vòng số). Nhưng cũng chính Nguyễn Quán có lúc đã đem cái khả năng nhạy cảm và tinh tường ấy lắng nghe tiếng vọng của mình trong một tâm trạng khác: “tôi nghe trong em / đỏ mặt / ngập ngừng / ấp úng - ngây thơ” (Nguyễn Quán - Vườn cổ tích II). Có một cái gì đó rất gần với nhiều câu thơ mà chúng ta đã đọc. Anh trở lại với hiện tại sau những kiếm tìm và gặp lại những điều quen thuộc, ấp úng lắng nghe một tâm hồn đang xao động. Những khúc thức như thế trong thơ anh không nhiều, nhưng đọc thơ Hoàng Long và Trần Văn Hiến đã không còn cảm giác tự lắng nghe ấy. Đối với họ sự cổ kính trong ngôn ngữ hay sự uyển chuyển của ca từ tính nhạc là những nét nổi trội nhất. Hoàng Long đối diện với quá khứ và thực tại hóa những cảm thức đó : “ta đi tìm người / mà không có ai / ta đi tìm ta / hoang thành cỏ dại…” (Hoàng Long - Số phận). Hay ở một câu thơ khác là sự chìm đắm vào một số phận:

“- Rằng: huyễn mộng thùy dương

Ta đau buồn miên viễn”
(Hoàng Long - Đối thoại)

Như một khúc bi ca sầu lắng Hoàng Long vẫn dừng ở những ý tưởng, khi mà Trần Văn Hiến nhẹ nhàng, dễ được người đọc chấp nhận hơn bằng những câu thơ bản nguyên và hồn hậu. Anh viết về khoảng khắc chờ đợi trước khi tiếng đàn của người nghệ sĩ được vang lên. Trong khoảng khắc ấy là tâm trạng bất thường của vũ trụ:

“Con họa mi sáng nay sao không cất tiếng hót, mây trời sao không vờn bay, và dòng suối ấy sao không réo rắt nhạc trời…”
(Trần Văn Hiến - Bài ca số 6)

Tiếng đàn ấy sẽ là một liệu pháp nhưng nó sẽ chỉ dừng ở sự mong mỏi bởi tác giả đã nghe thấy một khúc ca vô thanh của vũ trụ và hồn người - thao thiết và đồng vọng. Khúc ca nồng nàn trong anh còn có những giai điệu rất trìu mến, nó hồn hậu như tâm hồn của thiên nhiên:

“Tạm biệt nhé bạn thân yêu, người hàng xóm tốt lành đã từng cho và nhận.
Có tiếng gọi từ nơi xa xưa vọng về, ấm áp, dịu êm, trầm hùng như nắng, như dòng sông, và như non cao lộng gió.”
(Trần Văn Hiến - Bài ca số 8)

Bản thảo của những bài thơ nằm trên tay người viết như vẫn còn nóng hổi, như đang động cựa và thôi thúc chúng ta phải nói một điều gì đó. Những bản photo không ở xa hơn tầm tay của người đọc nhưng luôn chấp chới trong sự lựa chọn của những thói quen tiếp nhận. Duy cảm hay duy tình, bình dị và duy mỹ đều nằm trong khoảng cách ngắn ngủi đó. Những người cầm bút trẻ đã thực sự đánh động đến sự cách tân bằng một cách thức riêng của mình. Cuộc sống buông lơ lửng trước sáng tạo một quy luật: Những gì có ích với cuộc sống sẽ đồng hành với nó trên hành trình bất tử. Sẽ không có một sự kỳ diệu nào bằng sự lắng đọng kỳ diệu của thời gian. Các tác giả của nhóm thơ này đã tạo được một điều gì đó để làm sôi động hơn đời sống văn học, nhưng trước hết họ đã tạo cho chính họ một niềm tin trước những thách thức mới. Những thách thức nhiều khi cũng không được định danh.

Không có nhận xét nào: