Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Nói Tiếng Việt Theo Giọng... Tây


Tuệ Chương/Hoàng Long Hải

Cách đây cũng không lâu lắm đâu, tại thành phố tôi ở, trong một buổi họp do chính quyền Mỹ ở đây tổ chức, để nói chuyện với di dân Việt mới đến định cư, khi chương trình HO bắt đầu thực hiện. Bên phía tổ chức, có mấy ông bà Mỹ mắt xanh mũi lõ, và một bà Việt Nam da vàng mũi tẹt. Bà nầy, hồi trước 1975, qua Mỹ du học về ngành thư viện, lấy chồng Mỹ và ở lại Mỹ luôn, từ trước khi Saigon sụp đổ.

Sau khi một anh mắt xanh mũi lõ nói một thôi tiếng Anh, anh ta ngừng lại, nói với người đàn bà Việt Nam, nhờ dịch ra tiếng Việt giùm. Người đàn bà nói (Tiếng Việt), giọng lơ lớ như người ngoại quốc nói tiếng Việt Nam:

- “Ong ay nho toi dịch tieng Viêt, nhung toi xa Vietnam lau lam, tôi khong noi tieng Viet duoc.”

Xong, bà ta quay qua nói với toán người Mỹ một câu cũng ý nghĩa như thế.

Mấy người Mỹ cười!

Cười vui hay cười mỉa? Cười mũi hay cười thật? Ai mà biết!

Nhưng nhiều người Việt Nam thì cho là họ cười mỉa bởi vì bà nầy ở Mỹ mới quá năm năm, làm gì mà quên tiếng Việt mau vậy. Hơn nữa, bà cũng là người có học, tốt nghiệp đại học sư phạm ở Việt Nam trước khi đi du học ở Mỹ, chớ đâu phải là dân mít đặc.

Câu chuyện nầy làm tôi nhớ tới giáo sư NHB, dạy ở đại học Văn Khoa Saigon hồi xưa. Ông nầy tốt nghiệp ở Pháp sau khi đậu tú tài ở Việt Nam, nói với chúng tôi: “Toi noi tieng Viet khong co tot.”

Hiện tượng đó không xảy ra trong cộng đồng người Việt hiện định cư ở Mỹ hay sao! Trời đất ơi! Thiếu gì! Mấy ông ca sĩ ở Cali, hát tiếng Việt, vì chỉ thính giả người Việt mới ưa nghe họ hát, còn như nếu họ hát tiếng Mỹ thì thính giả Mỹ có thể nghĩ rằng họ hát tiếng Việt hay “tiếng nước ngoài” nào đó, không thưởng thức được. Tuy vậy nhưng khi nói tiếng Việt với người Việt phỏng vấn thì họ nói tiếng Việt không rõ. Họ bị ngọng. Không khó hiểu đâu! Dalena hát tiếng Việt như người Việt, nhưng khi cô ta nói tiếng Việt, chỉ nói được vài tiếng, thì cũng nói ngọng vậy. Người ta không trách Dalena vì cô ta không phải người Việt, nhưng người ta nghĩ gì về những nam ca sĩ Việt Nam hải ngoại nói tiếng Việt ngọng?

Một người bạn gái nhờ tôi viết quảng cáo giúp cho văn phòng cô ta. Cô dặn tôi: “Anh nhớ viết tiếng Việt thì toàn tiếng Việt, đừng pha tiếng Việt, tiếng Mỹ.” Tôi hơi ngạc nhiên vì việc viết hay nói nửa Tây nửa ta là hiện tượng rất thông thường ở đây, tôi tưởng cô bạn ấy theo thời, mặc dù cô là luật sư tập sự ở Saigon trước 1975. Tôi không ngờ cô ấy cẩn thận như thế.

Những người thuộc thế hệ bậc thầy của tôi, nếu vị nào còn sống nay cũng trên 90 tuổi, ôm sách đi học hồi Tây còn cai trị dân ta, cũng có thói quen hay chêm một hai tiếng Tây khi nói chuyện với nhau. Với bọn học trò chúng tôi thì họ không nói thế bao giờ; họ nói toàn tiếng Việt. Có phải họ cho rằng chúng tôi dốt tiếng Tây? Thật ra, có phải các vị ấy sính tiếng Tây vì ưa khoe khoang? Tôi không nghĩ như vậy. Các thầy giáo dạy tôi hồi tôi còn học tiểu học, là những người yêu nước nhiệt tình, có tinh thần độc lập dân tộc, không ưa Tây thực dân, nhưng có lẽ họ yêu thích văn hóa Pháp, một nền văn hóa được xem là cao nhứt thế giới. Phải thành thật nhận rằng, nước ta hồi đó còn chậm tiến (Bây giờ không chắc tiến bộ hơn người ta!), nhứt là về khoa học, triết học nên thiếu nhiều danh từ để mô tả những sự vật hay ý kiến, tư tưởng mới mẻ, thành ra, để diễn tả ý tưởng mình, các vị ấy cần thêm tiếng Tây cho rõ nghĩa, riết rồi thành một thói quen. Một người bạn của tôi, trước 1975 làm việc ở phủ Đầu Rồng, từng đọc nhiều tờ trình có bút phê của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, thấy ông thường phê bằng bút đỏ, vào tờ trình những câu nửa Tây, nửa Việt như thế. Ông phê rất kỹ, chứng tỏ ông đọc tờ trình rất kỹ. Do đó, nhận xét của ông hay và rất chính xác.

Đối với Cộng Sản, họ rất kỵ tiếng Tây, tiếng Mỹ nhưng lại ưa tiếng Nga, tiếng Tàu. Họ phê bình những người biết nói tiếng Tây, tiếng Mỹ là có tinh thần nô lệ đế quốc tư bản. Trong cuốn “Brother Enemy” của Nayan Chanda, một cuốn nói về tình hình Đông Dương sau 1975, tôi có dịch ra tiếng Việt, tôi trích lại đoạn “kỵ tiếng Tây” như sau:

Một trong những điều đầu tiên được thấy là sự áp bức, tinh thần bài ngoại trong đám Khmer Đỏ tình cờ xảy ra trong buổi lễ tiếp tân ngày quốc khánh Cuba tại nhà quốc khách. Theo nghi lễ, Sihanouk bắt đầu đọc lời chúc mừng bằng tiếng Khmer rồi ngưng lại để chờ một người nào đó thông dịch. Trong số những người lãnh đạo Khmer Đỏ, có người đã từng du học ở Pháp nhưng chẳng ai dịch cả. Ngay cả Khieu Samphan, đậu bằng tiến sĩ ở Sorbonne, dù ông ta bị Suong Sikoeun thúc đẩy. Suong cũng là một người xuất thân trường Pháp, từng là giám đốc Khmer Thông Tấn Xã. Sau khi chờ một lúc chẳng thấy ai, Sihanouk tự dịch ra tiếng Pháp lời chúc mừng của ông. Trong chế độ Pol Pot, kiến thức ngoại ngữ được xem là dấu hiệu của tinh thần nô lệ hơn là khoe khoang.”

Đâu có riêng gì chế đội Pol Pot, Việt Cộng cũng vậy thôi. Hồi mới vào “trại cải tạo” Trảng Lớn, một hôm anh trung úy Trần Đức Ước xuống kiểm tra phòng ở chúng tôi, anh ta nói:

“Các anh chỉ được học tiếng Pháp, tiếng Anh, không được học tiếng Mỹ”. Một lúc, anh nói thêm: “Trước kia cách mạng cấm cả học tiếng Pháp, tiếng Anh, nay thống nhất đất nước, ta phải mở rộng hơn. Các anh nên học tiếng Nga, tiếng Trung Quốc là tốt nhứt.”

Có người phân biệt hai cách viết về tên họ. Với người Mỹ hay khi viết đơn, thư bằng tiếng Anh thì họ viết theo cách Mỹ, tên trước họ sau. Còn khi viết tiếng Việt hay nói với người Việt Nam thì họ xưng họ trước tên sau. Hồi ở trại tỵ nạn Pulau Bidong, trong chương trình phát thanh cộng đồng của phòng phát triển cộng đồng, tôi khó chịu với câu nói: “Theo... của cố vấn Hùng Trương.” Sao họ không nói:

“Theo... cố vấn Trương Mạnh Hùng.” Có phải hơn không. Vừa hay, vừa xuôi tai. Tên người Việt thường đặt theo một ý nghĩa nào đó, người Âu Mỹ thì đặt tên theo tên thánh. Nói xuôi nói ngược đều được. Họ theo chủ nghĩa cá nhân nên tên họ quan trọng hơn họ. Người Việt theo chủ nghĩa gia tộc, cá nhân mình là nhỏ, dòng họ mình quan trọng hơn nên thường nói họ trước tên sau. Theo ý nghĩa đó thì khi nghe tên Trương Mạnh Hùng, chúng ta thấy nó có ý nghĩa của nó, còn Hùng Trương thì chẳng có ý nghĩa gì cả.

Không có nhận xét nào: