Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

SẦU RIÊNG ĐÃ RỤNG


Lâm vịn tay vào tường cố bước từng bước ngắn trong bóng tối để đến nơi trú ngụ của mình! Bỗng anh nghe có tiếng ú ớ quanh đâu đây! Anh ngừng lại nghe ngóng một lúc không thấy gì, anh lại cất bước, vừa dợm bước thì lại nghe tiếng ú ớ rõ hơn, anh lên tiếng:
- Ai đó?
Tiếng ú ớ càng lúc càng nhiều, anh nhìn quanh quất để xem âm thanh phát ra từ hướng nào, anh thấy một bóng đen cựa quậy từ đống rác gần đó. Anh mò mẫm bước tới, hỏi lại lần nữa:
- Ai đó?
Tiếng động càng lúc càng rõ ràng, anh lê đôi chân lở loét đến cạnh bóng đen, cúi xuống đưa tay rờ rẫm mới biết một người đang bị trói quặt tay ra sau lưng, miệng bị bịt kín bởi miếng giẻ. Thạc cố gắng mở nút thắt phía sau cổ để mở. Miếng vải vừa bung ra, người đàn ông liền lên tiếng:
- Cám ơn anh! Tôi bị cướp! Anh giúp tôi cởi trói phía sau lưng trước đi!
Thạc bảo:
- Anh đứng dậy ra chỗ có ánh sáng được không? Ở đây tối quá, không thấy gì cả!
- Hai chân tôi cũng bị tụi khốn nó trói lại đâu đã đi được?
Nói xong, chàng sấp người lại để nhờ Thạc mở sợi dây đang trói ké hai tay của chàng, Thạc cố sức mở sợi dây thừng sau lưng người đàn ông! Sợi dây vừa bung ra, người đàn ông thở phào sung sướng, nói luôn một mạch:
- Thật là may! Cám ơn anh nhiều lắm! Không có anh tôi không biết có sống được không? Vừa đói vừa khát cả mấy giờ rồi... Xin lỗi, anh tên gì?
- Tôi tên Lâm
- Còn tôi là Thạc!
Vừa nói Thạc vừa cúi xuống cởi sợi dây dưới chân, chàng kể lể:
- Tôi đang lang thang định đến vỉa hè Lê Lợi định tìm mua vài quyển sách gì đọc chơi, tự dưng bị một trong hai tên cướp dí súng vô hông, buộc đi theo tụi nó... Đến đây, nó lột của tôi hết! Đã vậy, còn trói tay chân, bịt miệng nên đâu có kêu cứu được!
Khi đã được thoải mái rồi, Thạc đứng dậy, nhưng còn chập choạng vì có lẽ bị trói ké nằm bẹp một chỗ quá lâu, cả người tê cứng chàng vội vịn vào Lâm nhưng vô tình kéo Lâm té “huỵch” xuống đất. Lâm từ tốn bảo:
- Chân tôi lở loét, sưng tấy lên, đứng đã không muốn vững, anh còn níu tôi nữa làm sao cho khỏi té!
Thạc cười, bảo:
- Tối hù tôi đâu thấy gì! Xin lỗi anh nhen! Chân anh bị gì vậy?
Thạc không trả lời. Cả hai lồm cồm ngồi dâ.y. Khi đứng vững rồi, Thạc bảo
- Thôi, ráng ra khỏi chỗ nầy đi! Vừa hôi hám vừa tối!
Rồi cả hai nắm tay nhau như tìm điểm tựa, khi ra được đường chính rồi, im lă.ng... ngắm nhau! Thạc cười thành tiếng:
- Không có anh tôi chẳng biết nằm ở đống rác tới bao giờ, nhiều khi chết luôn không chừng!
Thạc bỗng nhìn chân của Lâm, lập lại câu hỏi ban nãy:
- Chân anh sao vậy?
- Bị phù thũng thêm ghẻ lở!
Thạc thở dài thương xót:
- Sao không đi bác sĩ chữa trị đi?
Lâm im lặng không trả lời, bước song song bên nhau một lúc Lâm bảo:
- Thôi, chia tay ở đây nhé! Tôi cũng gần tới nhà rồi!
Thạc hỏi:
- Mấy giờ rồi nhỉ? Anh có thể cho tôi mượn ít tiền đi taxi về, vài hôm tôi sẽ tìm cách trả lại anh!
Lâm nhìn Thạc phờ phạc dưới ánh đèn vàng vọt, thiểu não bảo:
- Nói ra chắc anh không tin, hôm nay tôi đau cái chân quá không đi xa được, nên chỉ bán được có hai tấm vé số... chỉ có vài đồng trong túi thôi! Hay anh cứ gọi taxi về nhà rồi trả cho họ sau? Còn nếu anh không chê thì đến nhà tôi ngủ tạm một đêm mai sáng về vì có lẽ cũng đã khuya lắm rồi!
Thạc lầm bầm chửi rủa hai tên cướp đã lột mất cái đồng hồ của anh. Cuối cùng anh hỏi:
- Cho tôi ở tạm nhà anh đêm nay, mai tôi về nhà có gì bất tiện không?
- Chẳng có gì bất tiện cả, chỉ có điều là tôi chỉ có một chiếc ghế bố rách để nằm, không biết anh có nằm được không?
- Chỉ đặt lưng một lúc trời sáng là tôi về thì nằm đâu cũng được!
Đặt chân vô căn nhà ọp ẹp của Lâm, ánh đèn dầu leo lét vừa được thắp lên Thạc đưa mắt quan sát quanh căn nhà: một chiếc ghế bố rách quanh viền, một cái bàn gỗ loang lổ véc ni, một cái tủ ba ngăn sứt tay cầm. Một cái lò đất cũ kỹ, cạnh đó hai cái nồi, một cái chảo và một cái ấm nhôm đen vì nhọ nồi, hai cái chén hai cái dĩa, vài đôi đũa và một cái muỗng sắt, tất cả đặt dưới đất. Lâm đặt túi xách xuống bàn, thở dài:
- Anh chắc là đói lắm? Ăn cơm không? Tôi còn ít cơm trong cái nồi nhỏ kia anh ăn đỡ với muối mè đi nhé!
Thạc không trả lời vô câu hỏi của Lâm mà hỏi:
- Anh có nước không?
- Anh bưng cây đèn cho thấy đường... ra sau hè, có cái lu múc uống đi!
Chưa bao giờ Thạc thấy nước ngon ngọt đến thế! Bưng cây đèn bỏ lại trên bàn, chàng hỏi:
- Đói bụng quá! Tôi xin phép được ăn cơm với muối mè của anh đi! Cơm ở đâu anh?
- Ở trong nồi! Còn chai muối mè trên cái tủ đó!
Thạc cúi xuống cầm cái chén lên, dỡ nồi cơm ra, chỉ còn chưa đầy một chén, chàng e dè bảo:
- Còn ít quá, thôi anh ăn đi!
Lâm cười:
- Thôi, anh ăn đi, trưa nay tôi có ăn cái bánh bao rồi!
Không chờ mời lần thứ hai, Thạc xúc sạch nồi cơm, ghé cái tủ cạnh đó, cầm chai muối vừng rắc lên ăn loáng một lèo hết sa.ch.
Lâm hỏi:
- Chắc anh còn đói lắm? Giá còn gạo tôi nấu cho anh một nồi ăn cho no luôn.
Thạc cười:
- Thôi, ăn chừng đó cũng được! Tại tôi xui xẻo quá, mất toi hết tiền bạc...
- Có nhiều không?
- Nhiều! Thôi kệ, rồi làm lại mấy hồi! Tôi...
Lâm cướp lời ngang, chuyển đề tài:
- Anh nằm đỡ trên chiếc ghế bố, còn tôi nằm dưới đất... lâu lâu nhà có khách thì phải nhường!
Thạc cảm động, bảo:
- Thôi, anh đau chân ngủ trên ghế bố đi, còn tôi nằm đỡ dưới nền nhà nghỉ lưng vài tiếng trời sáng tôi trở về... hotel!
Lâm nhìn sững vô mặt Thạc hỏi:
- Tại sao anh lại ở hotel?
- Thú thật với anh tôi ở bên Mỹ về thăm Việt Nam lần đầu, lúc nằm ở đống rác tôi nghĩ có lẽ hết kiếp nầy tôi không bao giờ trở lại quê hương nữa, nhưng giờ đây gặp anh tôi mới thay đổi ý định vì không phải ai cũng là quân trộm cướp cả! Còn anh tại sao anh ra nông nỗi nầy?
Lâm buồn buồn:
- Tôi là lính VNCH, chỉ mang cấp bậc chuẩn úy nên may mắn không bị đưa đi cải tạo lâu, nhưng lại rủi ro vì không đi cải tạo thành thử lại không được ra đi như bao nhiêu Sĩ Quan khác. Năm 75 vợ tôi có lẽ cực khổ vì nghèo quá, cộng với tính tình cục cằn thô lỗ sẵn có của tôi, thêm vô buồn khổ theo thời cuộc nên của nên trong một đêm gây gổ tôi trút hết oán giận lên người vợ khốn khổ của tôi, sau đó bà bỏ nhà đi mất biê.t. Tôi cố tìm bả bao nhiêu năm nay nhưng không bao giờ gă.p. Từ đó tôi tự trách mình và cũng mong cho bà ấy tìm được một nơi gửi thân an lành, hạnh phúc và tôi cũng không còn nghĩ tới việc tìm kiếm vợ tôi nữa. À! tôi khát nước quá, để tôi ra sau uống rồi vô nói tiếp!
Thạc cản lại:
- Anh ngồi đi, tôi đi lấy cho! Chân anh đau đi lại khó khăn!
Nói xong, Thạc thoăn thoắt bước ra sau hè múc một gáo nước cầm vô cho Lâm...
Lúc trao nước cho Lâm, Thạc nghe tiếng bụng Lâm sôi rột rột, chàng cười:
- Đói bụng lắm, phải không?
Suốt đêm họ không ngủ, kẻ ngồi, người nằm tâm sự với nhau như hai người bạn thân thiết lâu ngày mới được gặp la.i. Thạc kể cho Lâm nghe lẽ ra hai tên cướp định lột luôn bộ quần áo của chàng, nhưng khi mở cái túi chàng đeo trước bụng, chúng thấy quá nhiều tiền nên vội vàng kéo nhau chạy mất. Chàng tiếc nhất là cái đồng hồ Omega của người yêu chàng lúc vừa tới Mỹ chưa làm gì ra tiền, đã nhặt được tặng chàng trong dịp valentine, về sau nàng lại phải mất hết mấy chục bạc để nhờ thợ đánh bóng, thay mặt kính và sợi dây mới và chàng cũng muốn đeo chiếc đồng hồ nầy suốt đời, để kỷ niệm mối tình chung thủy của người yêu mà thâm tâm chàng đã xem như người vợ dù bao nhiêu năm qua cũng có nhiều sóng gió trong gia đình.
Sáng hôm sau, trời lờ mờ sáng, trong bộ quần áo bẩn thỉu nát nhàu, Thạc từ giã Lâm để về lại khách sạn với lời cám ơn tha thiết, chàng xin địa chỉ và hứa hẹn sẽ liên lạc với Lâm khi đến Mỹ!
Lâm buồn buồn, siết chặt tay Thạc lúc từ giã và chúc:
- Chúc anh thượng lộ bình an! Xin anh cũng đừng bận tâm đến chuyện ơn nghĩa nữa! Một đêm gặp anh cũng thú vị lắm rồi.
Thạc hỏi:
- Anh cho tôi hỏi thật anh câu này nhé! Anh cần gì ở Mỹ tôi sẽ gửi ngay cho anh khi về tới nhà?
- Một câu hỏi của anh cũng là niềm vui cho tôi rồi! Nếu một ngày nào anh còn có dịp về Việt Nam nữa thì anh ghé thăm tôi là tôi vui lắm, lúc đó anh cho tôi cái gì tôi cũng nhận hết!
- Thôi, được rồi, tôi sẽ liệu!
Thạc siết tay Lâm lần nữa, Lâm cảm động bảo:
- Tôi cô độc lâu rồi, không bạn không bè, xã hội luôn xem tôi như một kẻ ăn xin. Anh đã thức nói chuyện với tôi cả đêm cũng an ủi cho tôi lắm!
* * *
Chỉ hơn hai tháng sau, một đêm trời trời nóng nực, Lâm đang lầm lũi bước những bước chân nặng nhọc về nhà thì có một phụ nữ đứng tuổi chờ chàng trước nhà, bà ta chào Lâm và lên tiếng:
- Ông là Lâm?
- Dạ, còn bà là....
- Tôi là Ngà, em tôi là bạn của ông Thạc ở bên Mỹ, em tôi bên Mỹ mới về. Nó vừa về tới bị bịnh nặng phải đưa vô bịnh viện, nhưng vừa xuất viện nó cứ nằng nặc bắt tôi phải trao gấp thư nầy cho ông. Nó căn dặn tôi thật kỹ, phải trao đúng cho người tên Lâm. Vậy xin ông cảm phiền cho tôi xem giấy tờ có được không ạ!
Lâm lặng lẽ lấy giấy tờ trong ví ra trao cho bà Ngà, chàng hỏi:
- Bà có cần vô nhà uống miếng nước không?
- Thôi, tôi phải về vì em tôi nó đang chờ tin. Vả lại, mẹ tôi cũng đang bịnh nặng lắm, tôi không có nhiều thì giờ! Tôi chờ ông cũng mấy tiếng ở đây rồi!
Bà Nga vội vã trao cho Thạc một bức thư dày cộm rồi cáo từ ra về, Lâm thận trọng hỏi:
- Dạ, cám ơn bà nhiều, bà có cần tôi viết vài chữ cho ông Thạc không?
- Khỏi cần, tôi xem giấy tờ vậy được rồi! Tốt nhất ông biên thư thẳng về Mỹ cho ông Thạc có lẽ nhanh hơn, có thể em tôi còn ở đây lâu lắm!
Nói xong, bà chào Lâm lần nữa rồi quày quả bước đi. Lâm chờ bóng bà Ngà khuất dần cho đến khi mất hút mới chậm rãi bước vào nhà.
Lâm đốt đèn lên. Bóc ngay bao thư, tay Lâm run run khi thấy một xấp tiền toàn giấy 100 dollars, chàng bỏ qua một bên, không đếm vội, chàng mở bức thư ra chăm chú đọc:

Florida, ngày... Tháng... Năm...
Anh Lâm quý mến,
Vừa về tới Mỹ, chuyện đầu tiên của tôi là điện thoại tin cho bạn bè hỏi thăm xem có ai về Việt Nam không? Bạn thân của tôi mẹ nó bịnh nặng nên đã mua vé để tuần sau là đi rồi, nên tôi nhờ nó chuyển thư này cho anh.
Anh Lâm ạ,
Tôi hy vọng bức thư nầy đến tận tay anh để cho anh thấu hiểu được tâm tình của tôi trong thời gian qua, người bạn của quả quyết lá thư nầy đến tận tay anh theo anh ấy bảo vì trước đây anh ta đi về nhiều lần rồi, chỉ cần dúi vào passport 5, 10$ khi tới phi trường là trót lọt ngay... và tôi cũng mong không có gì nguy hiểm đến với chúng ta.
Anh Lâm quý mến,biết nói sao diễn tả cho hết tấm lòng thương mến cũng như biết ơn của tôi đối với anh.
Trước hết, cho tôi gửi tới anh lời thăm hỏi sức khỏe của anh: anh đã hết bịnh phù thũng chưa? Tôi hy vọng là anh đã khỏi, tuy nhiên tôi xin gửi đến anh số tiền 1.000 dollars nầy để anh có thể lo trị bịnh và có phương tiện tìm một công việc khác có thể thêm vô chút lợi tức mà không phải đi bộ nhiều với đôi chân đang đau của anh.
Về đây, ăn uống đầy đủ, nhưng tôi vẫn không bao giờ thấy ngon như bát cơm lưng muối mè mà anh đã nhường cho! Và có lẽ suốt đời không thể nào quên được những tình cảm mà anh đã dành cho tôi! Có thể anh cho là tôi khách sáo, nói cho anh vui lòng, nhưng đó là tất cả tấm chân tình của tôi đó anh Lâm ạ! Hôm ở nhà anh về lại hotel tôi thật vô cùng khốn khổ với cái vụ cướp mất hết giấy tờ... tiền bạc không lại không còn, nên việc tìm cách để chứng minh mình là Việt Kiều về thăm quê hương là cả một vấn đề nan giải với những thủ tục lỉnh kỉnh cũng như những ông cán bộ lúc nào cũng hoạnh họe, khó dễ cho dân. Cũng may mà tôi gọi phone về gia đình gửi tiền và liên lạc với sở di trú để can thiệp cho tôi kịp thời. Nhưng cũng mất gần hai tuần lễ mới xong công việc đó anh ạ! Thời gian đó, tôi cũng còn sợ hãi nên ở riệt trong hotel, khi xin được giấy tờ, tôi cấp tốc trở về đây. Bây giờ nghĩ lại sao tôi... nhát gan quá, không đến gặp anh trước khi trở lại Mỹ để chào từ biệt! Anh biết không đêm tôi ngủ lại nhà anh, tôi thật xót xa vô cùng khi thấy anh bỏ đôi dép mòn ra, nhìn đôi chân của anh sưng vù lúc anh cúi xuống xoa xoa lên đôi chân, miệng lẩm nhẩm: “Nghèo đúng là một cái tội”. Lúc ấy tôi phải quây nhìn hướng khác để quệt nước mắt cho anh khỏi nhìn thấy tôi đã khóc đó, anh có tin không? Giờ đây, tôi đã gặp lại gia đình yên ổn trên nước Mỹ. Người bạn gái của tôi, em tôi đều xin đóng góp để giúp anh khi nghe tôi kể về anh... nên tôi mong anh vui vẻ nhận chút quà nầy khi biết gia đình tôi ai cũng cảm kích anh hết! Phần tôi, coi như một chút tình tôi gửi anh để tạ lại tấm lòng anh đã dành cho tôi trong đêm tôi bị nạn!
Anh Lâm ạ! Trong giấc ngủ, tôi vẫn chập chờn những giấc mơ với những câu chuyện anh kể! Anh hơn tôi chỉ 4 tuổi nhưng những nhận xét của anh tôi có cảm giác như một người anh cả khi anh lồng câu chuyện của một người đạp xích lô mưu mẹo, mỗi ngày... mất vài cái ví bỏ lên xe rồi chạy rông ngoài phố để... câu những kẻ tham lam, hễ người nào có chút máu tham là đón lại, đi một đoạn ngắn với cái giá... cắt cổ mà ông ta đòi hỏi! Anh cười bảo rằng “Nếu không tham thì đâu có bị lừa! Ông phu xích lô người mưu mẹo, nhưng không thể trách ông ta vì sống trong xã hội chuyên đào tạo người mánh mung thì trước hay sau họ cũng phải mánh mung để kiếm sống thôi!” (Nhưng hình như anh đã quên một điều: Anh chính là cánh sen trong bùn! Vì khi đó anh hoàn toàn không biết tôi là một Việt Kiều).
Câu chuyện kế tiếp của anh, mãi tới hôm nay, tôi vẫn còn nhớ giọng anh nghẹn ngào khi kể về cậu của anh là một người hiền lành, chất phác. Một hôm cậu anh trong một chiếc thuyền đánh cá với người bạn, ông ta chỉ định thử xem nghề đánh cá có sinh sống được không để ông ta theo đuổi, nhưng mới lần đầu tiên khi ra xa bờ biển, ông đã vô tình chứng kiến được một chiếc thuyền vượt biên, đang nhẹ nhàng rẽ sóng, bỗng nhiên từ từ lún xuống nước, và chìm dần ông ta khiếp đảm khi nghe tiếng la thét từ xa vọng lại, thấy những bàn tay - ồ không- vô số những bàn tay, đưa lên khỏi mặt nước cầu cứu một cách tuyệt vọng, rồi những đợt sóng dạt mạnh liên tiếp, cậu anh nhìn theo cho đến lúc không còn một bàn tay nào nhấp nhô nữa, người bạn nhìn cậu anh mặt mày tái mét vì kinh hãi, ông ta kết luận cũng như giải thích: “Cách giết người của Việt Cộng thế đấy! Vừa ăn vô số vàng của những người kiếm cách vượt biển mà họ cho là những thành phần phản chế độ: cứ trét hóa chất vào những cây đinh đóng tàu, khi đụng vô nước một thời gian nào đó thì tàu sẽ chìm dần, vừa giết được họ một cách lén lút không ai biết được vừa có một số vàng khổng lồ...”
Cậu anh về nhà kể lại cho gia đình cũng như cả xóm nghe, ông luôn chép miệng “Bấy lâu cứ nghe thiên hạ đồn đãi, bây giờ tận mắt chứng kiến mới biết bao nhiêu chuyến tàu mất tin tức thì ra là thế!”... Chẳng biết họ truyền miệng cách nào mà ông đã bị ba lần bốn lượt bị phường gọi lên “làm việc”.
Về sau, ông quá sợ hãi sinh bịnh rồi rồi mất đi, tuy nhiên cũng một phần vì bịnh tật, nghèo khó nữa. Anh chép miệng than thở “Mộ cậu tôi giờ mồ xanh cỏ mà tôi vẫn chưa có phương tiện để viếng lại mộ phần!”.
Lúc trời gần sáng, anh kể tiếp chuyện một người chị họ của anh tính khật khùng, chưa bị điên nhưng bị đưa vô trại điên, nên đã điên luôn. Hai năm trước anh còn đi đứng khỏe mạnh, anh đã có lần cố gắng đi thăm chị ấy (địa danh nào ở miền Trung anh nói mà tôi quên mất), tới nơi thấy chị của anh trần truồng như nhộng, nhốt chung cả hằng trăm người cả nam lẫn nữ, bẩn thỉu dơ dáy, anh vừa cho một thùng mì ăn liền, họ xúm nhau giành giựt, la hét vì mừng rỡ, bóc vội bao ni lông ra ăn ngấu nghiến... Anh bảo anh khóc mùi mẫn khi thấy chị mình cùng đoàn người kia sống như bầy dã thú... Tội nghiệp chị của anh gầy trơ xương, một gói mì đang cầm trên tay cũng bị giật khi vừa mới cắn được một miếng! Sau đó, anh lại anh khóc nức nở khiến tôi cũng nghẹn ngào trong bóng đêm che dấu những giọt nước mắt (nhờ anh nằm dưới đất, tôi được anh nhường cho cái ghế bố rách).
Gia tài của anh quá ít ỏi, nhưng trái tim anh đối với tôi là một cái gì thật vĩ đại, tôi biết ít ai sánh kịp! Tôi nhớ câu anh nói “Tôi đau từng khúc ruột mỗi khi nghĩ tới chị tôi, nhưng thân tôi tàn tạ, làm gì ra tiền khi thân xác tôi thế nầy, cho nên tôi đành lơ đi, không dám nhớ tới chị nhiều, và chắc cũng không bao giờ dám nghĩ tới chuyện về quê cũ thăm mồ cậu tôi!”
Anh Lâm ơi! Anh có thể cho tôi được xem cậu cũng như chị của anh như người thân của tôi, để thỉnh thoảng tôi gửi ít tiền về anh đi thăm viếng mộ cậu và thăm nuôi chị anh, có được không?
Thư tôi muốn nói cùng anh thật nhiều nhưng đã đến giờ tôi phải đi trao thư cho anh bạn! Anh cần gì ở bên nầy cứ cho tôi biết! Ơn của anh nghìn đời tôi không bao giờ quên.
Xin được siết tay anh thật chặt để tỏ lòng quý mến.
Đỗ Thạc
* * *
Lâm đọc thư xong, lặng người vì cảm động! Số tiền quá lớn nầy - đối với anh- hy vọng sẽ giúp anh làm được nhiều việc khác: cho trại điên mà chị anh đang bị nhốt một vài bữa no nê, anh sẽ đi bác sĩ chữa bịnh! Anh sẽ về quê nhờ người tu bổ lại mộ phần của cậu. Và nhất là có dịp chia sẻ với những người quân nhân tàn phế đã một đời hy sinh cuộc đời cho dân tộc... hiện đang bị đời quên lãng, đang sống lây lất quanh thành phố nầy...

“Ôi! 30 năm... một giấc mơ hãi hùng! Cám ơn Đỗ Thạc, mãi đến hôm nay, bạn đã cho tôi một niềm vui trong cuộc sống. Đêm nay, tôi cảm thấy thật hạnh phúc, lần đầu tiên tôi có cảm giác nỗi sầu riêng tư của tôi đã... rụng cũng nhờ anh - chỉ có những người có tấm lòng như anh- mới may ra đem được sự an ủi, lòng hy vọng cho những kẻ khốn cùng như chúng tôi thôi!”

Lâm thì thầm, đưa tay quệt những giọt nước mắt từ từ rơi xuống trên đôi môi nứt nẻ từ lâu đã mất nụ cười...

ÁI KHANH

Không có nhận xét nào: