Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Gỡ bỏ lời nguyền của xác ướp Tutankhamen


Các nhà khoa học Australia tuyên bố, không cần phải sợ hãi lời nguyền của vị hoàng đế Ai Cập trẻ tuổi thêm nữa. Vì rằng, tất cả những người quấy rối lăng mộ của Tutankhamen tuy đều đã chết, nhưng họ thọ chẳng kém gì những người chưa từng đặt chân đến nơi an nghỉ vĩnh hằng của ông.

Tuyên bố này được đưa ra trong một cuộc điều tra mới nhất đăng trên tạp chí British Medical.

Theo ghi chép của nhà khảo cổ người Anh Howard Carter (người cũng có mặt khi quan tài của Tutankhamen được mở ra vào tháng 2/1923), có 44 người phương Tây ở Ai Cập vào thời điểm đó, trong đó 25 người bị coi là đã tiếp xúc với lời nguyền. Họ là thành viên của đoàn khai quật, nhà báo, các quan chức Anh, thành viên hoàng gia Bỉ, những chức sắc và chuyên gia do chính phủ Ai Cập đề cử hỗ trợ đoàn thám hiểm. Tuy nhiên, tiến sĩ Mark Nelson, Đại học Monash ở Australia, khi phân tích tuổi thọ của những người này, đã phát hiện thấy nhóm động đến "lời nguyền" có tuổi thọ chẳng kém bao nhiêu so với những người không có liên quan.

Lời nguyền xuất hiện như thế nào?

Tháng 2/1923, người ta khai quật lăng mộ của Tutankhamen tại Thung lũng của các ông hoàng, gần Luxor, Ai Cập. Lời nguyền xuất hiện và lan truyền khi Lord Carnarvon, người hỗ trợ tài chính cho cuộc thám hiểm, bị chết ngay trong năm sau. Carnarvon, 57 tuổi, mất vì nhiễm độc máu và viêm phổi do các vết muỗi cắn bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, báo chí trên thế giới nhanh chóng loan tin rằng đó là do lời nguyền Tutankhamen đã phát huy hiệu lực. Thậm chí cả con chó 3 chân của Carnarvon, do đau buồn vì cái chết của chủ nên thường tru lên những tiếng kêu thảm thiết, cũng bị "buộc tội" là một bóng ma. Lần lượt sau đó, 25 người phương Tây có mặt tại thời điểm mở ngôi mộ đều được xác nhận là đã chết vì những nguyên nhân thần bí, có liên quan đến lời nguyền.

Vô hiệu hóa lời nguyền

Tiến sĩ Nelson đã tìm hiểu cuộc sống của tất cả những người này để xem liệu họ có thực là chết trẻ như lời nguyền nói. Ông liệt kê ngày chết của tất cả những người có mặt và 11 người khác không có mặt lúc mở hầm mộ nhưng ở Ai Cập vào thời điểm đó. Nelson phát hiện thấy, tuổi thọ trung bình của 25 người đã đụng phải “lời nguyền” là 70, trong khi tuổi thọ của nhóm kia là 75. Trung bình, 25 người này vẫn sống thêm từ 3 đến 10 năm nữa sau khi đã lĩnh "bản án tử thần" của Tutankhamen. Phát hiện chứng tỏ rằng, "lời nguyền" không có bất cứ ảnh hưởng nào tới tuổi thọ của những người đã chạm đến căn phòng chứa xác ướp của vị hoàng đế danh tiếng.

“Tôi không tìm thấy bằng chứng nào về sự tồn tại của lời nguyền. Có lẽ sau cùng, giống như với vị hoàng đế trẻ tuổi đáng thương Tutankhamen, người ta nên để cho lời nguyền đó được nằm yên trong dĩ vãng”, tiến sĩ Nelson kết luận

B.H. (theo AP, BBC)

Không có nhận xét nào: