Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

"Bồ Đào Mỹ Tửu..."


Mới đây, một người bạn ở Pháp, qua một người quen qua bên đó về, gởi cho tôi một chai rượu Porto. Người bạn biết tôi không phải là đệ tử của Lưu Linh, nhưng vì trước đây, tôi thường nói tới "Bồ Đào Mỹ Tửu" mà chưa thấy nó bao giờ nên ông bạn "thương tình" mà gởi cho.

Dù không phải là đệ tử của Lưu Linh, nhưng thời gian trước 75 tôi cũng đã uống một vài thứ rượu như Martell, Henessy cổ đen hay Cordon Bleux, đế Gò Công (khi tôi lưu lạc về đó trong đời lính), đế Gò Đen. Dân "Phá Sơn Lâm" (Biên Hòa) thì "gout" là Martell, dân "đâm Hà Bá" (Rạch giá) thì "gout" là Henessy. Nói chung, Cordon Bleux là nhứt, theo tôi nghĩ. Tuy nhiên, sau gần 25 năm xa rượu, bây giờ, nhấm một chút Porto của người bạn cho, lại thấy nó là nhứt. Nhứt vì quá lâu mới uống rượu ngon hay đích thực nó là nhứt hạng trong các loại brandy hay cái tình tri âm của một người bạn ở xa?

Cái đó không biết được vì từ ngày qua Mỹ tới giờ, tôi chỉ có thể uống lại một vài loại rượu vang, Courvoisier, Vodka, mà cái nào tôi cũng thấy tạm.

Porto, gốc từ chữ Portugal là nước Bồ Đào Nha, một nước nhỏ với khoảng hơn 9 triệu dân nằm trong bán đảo Tây Ban Nha ở phía tây nam nước Pháp, thủ đô là Lisbon. Porto cũng là tên một thành phố lớn ở Bồ. Có phải nơi nầy sản xuất rượu Porto, như Champagne của Pháp? Như vậy thì rượu Porto hay gọi theo cách Tàu là rượu Bồ Đào vào nước Tàu từ lúc nào mà trong thơ Lý Bạch có câu:

Bồ Đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến hữu nhân hồi.

Theo văn học sử Tàu thì Lý Bạch làm bài thơ này lúc An Lộc Sơn khởi loạn, khiến gây nên cảnh chinh chiến, vua Đường Minh Hoàng phải bỏ kinh đô Tràng An mà chạy, đưa tới cái chết của Dương Quí Phi, v.v... Có biết bao nhiêu người ra trận để "hữu nhân hồi?" Về cuộc chiến tranh này, Đỗ Phủ cũng có bài thơ "Thạch hào lại" rất nổi tiếng.

Nghĩa đen của bài thơ có nghĩa là "Rượu ngon Bồ Đào trong ly dạ quang, Có tiếng đàn tỳ bà giục giã chàng uống đi mà lên ngựa. Say nằm ngoài sa trường xin đừng có cười vì kẻ ra đi chinh chiến mấy ai trở về."

Trong các sách dịch thơ Đường của Trần Trọng Kim, Khương Hữu Dụng tôi không thấy dịch bài thơ này. Riêng Trần Trọng San thì tôi không có sách của ông để tra cứu. Làm thơ hay dịch thơ thì tôi đành chịu, tôi rất sở đoản về khoản này.

Trong "Chinh Phụ Ngâm" của bà Đoàn thị Điểm, theo giáo sư Vân Bình Tôn Thất Lương thì câu:

"Chàng từ đi vào nơi gió cát,
Đêm trăng này nghỉ mắt phương nao?
Xưa nay chiến địa nhường bao,
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu

Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu ngựa nãn chân bon
Ôm yên gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng ngũ cồn rêu xanh

Câu cuối lấy ý từ trong bài thơ Bồ Đào Mỹ Tửu nói trên. Tôi cũng không có bản Hán văn của Chinh Phụ Ngâm để tra cứu cho tường tận hơn.

Tuy nhiên, có một vấn đề: Rượu Bồ Đào đã vào nước Tàu, ít ra cũng từ đời nhà Đường.

Từ thời Đế Quốc La Mã con đường buôn bán giữa Đông Tây đã được khai thông. Con đường đó gọi là "Con đường lụa" hay "Con đường hồ tiêu" (Silk-road, hay Spice-road), dài 6 ngàn cây số, nối liền bằng nhiều con đường khác nhau từ thủ đô Tràng An của Trung hoa, xuyên qua Hoa bắc, vượt cao nguyên Pamirs, vượt dãy núi Karakorum để tới thủ đô Damacus của Syria, tới các hải cảng của Địa Trung Hải như Alexandria và Antioch. Từ năm 100 trước Thiên Chúa giáng sinh con đường này đã được xử dụng sau khi vua Hán Vũ Đế chiếm cứ vùng Trung Á. Hàng hóa trao đổi giữa Đông Tây là tơ lụa (silks) và hồ tiêu (spices) từ Trung hoa; len, vàng và bạc từ Lamã. Không thấy nói tới rượu trong các món hàng buôn bán này. Có thể đó chỉ là thứ quà tặng dành cho hàng vua chúa hay quan lại cao cấp mà thôi. Người Trung Hoa lúc đó (bây giờ cũng nên) chưa đủ giàu để mua rượu từ phương xa đem về uống chơi. Tới thế kỷ thứ 5 sau Thiên chúa, đế quốc La Mã tan rã. Vì có nhiều giặc cướp, con đường lụa này cũng không còn. Mãi tới thế kỷ thứ 13, dưới thời Hốt Tất Liệt, quân Mông Cổ qua tới Trung Âu thì Marco Polo, một thương nhân người Ý, theo dấu đoàn quân viễn chinh này mà qua Trung Hoa. Marco Polo làm quan ở Trung Hoa (đời nhà Nguyên) gần 17 năm rồi vòng theo đường ven biển (Ông có đi qua VN) mà trở về Châu Âu. Ông viết sách Thế giới Kỳ Quan (Les merveilles du Monde) giới thiệu Trung hoa cho Châu Âu. Nhờ đó, người Châu Âu mới biết rõ Trung Hoa như thế nào. Cho mãi đến khi việc hải hành dễ dàng hơn, Đế Quốc Bồ Đào Nha là quốc gia đầu tiên đi vòng qua mũi Hảo Vọng giác ở cuối châu Phi mà tới Trung Hoa. Lúc đó, nếu như thương nhân Bồ có đem rượu Bồ Đào qua Trung hoa thì cũng sau thời kỳ "Bồ Đào Mỹ Tửu" của Lý Bạch cả bốn năm trăm năm rồi.

Đối với Việt nam ta thì chuyện rượu Bồ Đào chỉ có trong văn chương. Còn trong thực tế, các vua Tàu có chia bớt rượu Bồ Đào cho vua ta hay không khi vua Tàu được thương nhân Âu tây biếu thì không thấy nói tới. Tuy nhiên, việc buôn bán với người ngoại quốc, nhất là với Âu tây thời Trịnh Nguyễn phân tranh là đầu tiên thì ta thấy:

"Người Âu châu sang buôn bán ở nước ta thì có người Bồ Đào Nha đến ở xứ Nam trước hết cả, mở cửa hàng ở phố Hội An (tức là Faifo) thuộc đất Quảng Nam. Ở đấy lại có người Tàu, người Nhật bản và người Hòa Lan đến buôn bán nhiều lắm. Sách của ông Maybon và Russier có chép rằng năm giáp dần (1614) đời chúa Sãi đã có người Bờ Đào Nha tên là Jean De La Croix đến lập lò đúc súng ở đất Thuận Hóa, mà bây giờ ở Huế người ta còn gọi chỗ ấy là Phường Đúc.

Ở ngoài Bắc thì trước đã có tàu của người Bồ Đào Nha ra vào buôn bán, nhưng mãi đến năm đinh sửu (1637) đời vua Thần Tông nhà Lê, Thanh Đô Vương Trịnh Tráng mới cho người Hòa lan đến mở cửa hàng ở phố Hiến".. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .

"Lúc bấy giờ người Bồ Đào Nha sang buôn bán ở trong Nam nhiều hơn mà ở ngoài Bắc thì có người Hòa Lan nhiều hơn, nhưng thuở ấy người hai nước ấy hay tranh cạnh với nhau, bởi thế chúa Trịnh và chúa Nguyễn đều có ý muốn nhân cớ ấy mà nhờ họ giúp mình. Song vì lợi buôn bán cho nên họ không chịu ra mặt giúp hẵn thành ra lâu ngày các chúa cũng chán..."

(Việt Nam Sử Lược- Trần Trọng Kim- tập 2, trang 96)

Các tài liệu sử học khác cũng không thấy nói chuyện thương nhân các nước nầy dâng rượu Porto cho vua Lê, chúa Trịnh, hay chúa Nguyễn.

Mới đây -mới đây nhưng cũng đã 40 năm- khoảng 1960, nhà văn Hiếu Chân (Nguyễn Hoạt) cùng nhà thơ Hà Thượng Nhân (Phạm Xuân Ninh), đại diện cho Văn Bút Việt nam, đi dự Hội Nghị Văn Bút Quốc Tế ở Rio De Janeiro (cựu thủ đô Brasil). Đường bay của họ từ Saigon đi Brasil có ghé lại Lisbon. Theo Hiếu Chân kể thì trạm dừng chân này hơi lâu, hành khách được mời đi thăm thủ đô Bồ Đào Nha (free). Khi ngang qua cửa chính phi trường, mỗi hành khách được biếu một chai rượu Porto (cũng free). Hiếu Chân mới nhớ ra chuyện rượu Porto thành "Bồ Đào Mỹ Tửu" trong thơ Lý Bạch đời Đường Minh Hoàng.

Riêng với người Bồ Đào Nha, những người Âu tây đầu tiên đến nước ta, người Việt ta cũng có mang ơn, đặc biệt nhất là với cha cố Alexandre De Rhode (Đắc Lộ), người góp công vào việc hình thành chữ quốc ngữ, chữ viết của ta ngày nay. Cha Đắc Lộ đã soạn ra cuốn tự điển Việt-Bồ-La, cuốn tự điển đầu tiên của tiếng Việt. Người Việt ta rất trọng ơn nghĩa, lấy tên ông cha cố này mà đặt tên cho một con đường trước Bộ Ngoại giao (chế độ cũ) và một trung tâm văn hóa lớn ở Saigon là Trung Tâm Đắc Lộ (Alexandre De Rhode). Nay thì tên đường và tên Trung tâm văn hóa trên không còn. Cọng sản dẹp tuốt. Đó là chuyện bội ơn, xin nói vào dịp khác.

hoanglonghai, tháng 5/99

Lại viết tiếp:

Nhân có người bạn đến chơi, tôi đưa cho anh xem bài viết này. Người bạn là dân nhậu Nam Bộ, vừa buông con dao mổ trong bệnh viện thì làm ngay ‘ít ly’ (*), cười nói:

- "Ông" tìm ra sự liên hệ giữa rượu Porto và "Bồ đào mỹ tửu" cũng là hay lắm. Nhưng phải nói thêm về cách uống rượu chớ!"

Tôi nói:

- “Thú thật tìm ra cái liên hệ này không phải là tôi. Ông Hiếu Chân đó. Nhưng tôi không nhớ rõ là ông Hiếu Chân nói người Bồ đem rượu đếm dâng cho vua Tàu hồi thế kỷ nào. Nhà Đường cai trị Trung Hoa từ 618 đến 907: Ba trăm năm. Trong Chinh Phụ Ngâm có câu "Nước thanh bình ba trăm năm cũ" là có ý nói rằng đời nhà Đường, nước Tàu được thanh bình 300 năm. Nói như thế cũng chỉ là tương đối mà thôi. Loạn An Lộc Sơn khởi đầu năm 755 và kéo dài 7 năm. Lý Bạch sinh năm 701 chết năm 762. Xem ra thì những điều Hiếu Chân nói mà tôi nhắc lại ở trên thì rất ăn khớp với nhau. Tầm hiểu biết về lịch sử Trung Quốc và Văn học sử Trung Quốc của Hiếu Chân thì "khiếp" thật. Nhưng hồi ấy đế quốc Bồ Đào Nha, đế quốc Hòa Lan, những nước ở châu Âu có ngành hàng hải phát triễn sớm nhất để trở thành đế quốc thì chưa mạnh.

Mãi tớ thời Trung cổ, sau khi đế quốc La Mã tan rã thì nói chung các quốc gia Châu Âu nhiều nước bắt đầu hình thành từ phần đất cũ của đế quốc nầy. Bồ Đào Nha bắt đầu mở mang từ thời vua John, nhất là con ông ta, Henry de Navigator, người phát triễn ngành hàng hải của Bồ. Mãi tới sau khi Christophe Colomb tìm ra châu Mỹ (1492) thì Vasco De Gama mới qua tới Đông Ấn (1497-99). Đồng thời thương nhân Bồ qua tới Trung Hoa. Lúc đó thì Đường Minh Hoàng băng hà đã lâu lắm rồi. Theo tôi nghĩ, rượu Porto mà Đường Minh Hoàng ưu ái dành cho Lý Bạch (Hay Dương Quí Phi dành cho Lý Bạch?) phải là thứ rượu được đưa đi theo "Con Đường Lụa" chớ chẳng có cách nào khác.

Uống rượu thì phải có bạn. Người xưa gọi là "đối ẩm". Uống trà cũng cần có đối ẫm, nhưng độc ẫm thì cũng lắm khi. Riêng rượu, nếu không có đối ẫm thì ... không chịu được.

Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê:

Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.

Không mua rượu không phải là không có tiền nhưng mua rồi thì biết uống với ai bây giờ?

Nguyễn Vĩ cũng vậy:

Nay ta thèm rượu nhớ mong ai,
Một mình một chén chẳng buồn say.

Rượu cũng là thứ để người ta đưa tiễn. Tiễn chinh phu lên đường "Qua Thiên San kìa hai chén rượu vừa tàn." (Hòn Vọng Phu 1 - Lê Thương), hay tiễn bạn bè:

Uống đi mày, chén ly bôi,
Rồi mai mày nhớ chiều này xa nhau
Có gì đâu, nghĩa gì đâu!
Khi xưa Kinh-Tiệm như tao với mày

Giã nhau dùng tiệc thật say
Tội gì ngâm khúc Hậu Đình (*) mày ơi
Đừng thương tiếc, chớ u sầu,
Cầm như mày chẳng có tao dưới trần
(Tạ Ký(?) Tập Văn Học Sinh Khải Định
NK 1954-55).

Người ta uống rượu thì uống với bạn, riêng Vũ Hoàng Chương thì uống với người... yêu:

Em ơi lửa tắt, bình khô rưọu,
Đời vắng em rồi, vui với ai?

Lửa là để sưởi ấm như khi đốt lửa qua đêm trong rừng, khi đốt lửa trại như Huớng Đạo Sinh hay lò sưởi trong nhà vào mùa đông (Ngày nay, ở Mỹ ít khi đốt củi mà thường dùng heat điện, heat gas...). "Em ơi lửa tắt... " là ý nhà thơ muốn nói tới cái lạnh, lạnh ngoài không gian và lạnh cả trong tâm hồn thi nhân vì cô đơn. Uống rượu là để cho ấm lòng. Hết rượu rồi (Bình khô rượu) thì lấy gì uống cho ấm lòng đây?! Cả hai cái cọng lại (Lửa tắt, rượu khô) cũng không bằng "Vắng em". "Đời vắng em rồi vui với ai?" Không còn gì vui nữa cả. Hai câu thơ, với ba ý chính : Lửa tắt, rượu khô và vắng em" cũng chỉ nói một ý chính của tác giả: Cô đơn và lạnh lẽo vì xa người yêu dấu.

Uống rượu là để tiêu sầu như Nguyễn Công Trứ (Uống Rượu Tiêu Sầu) nhưng mà sầu thì mênh mông, chất ngất. Vì vậy, người ta lại "Uống để khói sầu lên chất ngất" . Sầu dày đặc, sầu mênh mông, sầu cao vút, sầu chiếm ngự toàn cõi không gian. Tội nghiệp cho đời lính chiến trước 1975 biết bao nhiêu! Thành ra có khi đã mấy "két" lên chất ngất rồi mà sầu vẫn không tiêu nên phải uống thêm nữa, uống cho quên sầu mà sầu không quên, thành ra say.

Tôi từng là một người lính chế độ cũ, không ít lần “thập tử nhứt sinh”. Nhiều khi nghĩ tới cái chết rất dễ dàng, rất tình cờ ngoài trận mạc, -như cái chết của đứa em út, Hùng Móm, ngay “Cầu lòn” đường lên nhà thờ La Vang, cách ga xe lửa Quảng Trị chưa tới 100 mét, mục tiêu của Hùng trong trận “Mùa Hè Đỏ Lửa 1972” khi Hùng chỉ huy đại đội 112 Dù chiếm lại “thành phố quê hương, thành phố của tui”-, nên tôi bỗng sinh ra... liều mạng, theo bạn bè nhậu cho “Mút mùa Lệ Thủy” sau những cuộc hành quân “sinh tử” cho quên sầu. Những ai như tôi, thoát cái lốt thầy “giáo bất nghiêm sư chi đọa”, cầm súng xông vào trận mạc, trước cái chết quá cận kề mới thông cảm sâu sắc được cách chơi “bạt tử” của Nguyễn Bắc Sơn trong mấy câu thơ:

Ngày mai ra trận, ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui.

Uống rượu không say là... không hay. Nhưng uống rượu mà say thì lại dở. Vì tình bằng hữu thì Nguyễn Khuyến ưa uống rượu, nhưng khi uống say thì

Những lúc say sưa cũng muốn chừa,
Muốn chừa nhưng tính lại hay ưa.
Hay ưa nên nỗi không chừa được,
Chừa được thì "ông" cũng chẳng chừa.

Tự xưng mình bằng "ông" là ...say rồi đấy.

Tản Đà thì lại ... say ngoắt cần câu:

Say sưa nghĩ cũng hư đời.
Hư thì hư vậy say thời cứ say
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say trời cũng đỏ gay ai cười.

Trái đất quay chung quanh trục của nó là vì nó say đấy. Với Tản Đà thì Newton, Galileo, Kepler và cả Copernic đều sai hết.

Uống rượu cũng có những cách khác nhau. Đạt nhân quân tử như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì nhắp rượu từng chút một, nếm cái men cay của rượu mà guy gẫm tới cái "cay đắng mùi đời (*) ô trọc này (xin chép lại hết cả bài thơ để có thể thấy hết cái "Đạo" của ông Trạng):

Một mai, một cuốc, một cần câu,
Thơ thẩn dù ai vui thú nào.
Ta dại ta tìm nơi vắng vẽ
Người khôn người đến chốn lao xao

Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
Nhìn xem phú quí tợ chiêm bao!
(Cảnh nhàn- NBK)

Ta thấy rõ tư tưởng "vô vi" của Lão Trang qua bài thơ này. Vô vi là không làm cái gì ngược với thiên nhiên, ngược với sự tuần hoàn của vũ trụ. Trời cho cái gì, dùng cái đó. Bốn mùa hưởng bốn thứ vui của trời, cứ thế mà dùng, không phải tranh giành, đấu đá với ai! Thế là khôn. Còn tranh giành cho được phú quí, tưởng thế là khôn mà hóa ra dại.

Nhiều người bây giờ không phải là nhắp rượu đâu mà là "nốc". "Rượu đến gốc cây ta sẽ... nốc."

"Nốc" rượu có lẽ không ai bằng Phạm Thái. Chết xuống âm phủ còn say. Mưu toan chống lại nhà Tây Sơn thất bại rồi, mối tình với Trương Quỳnh Như cũng tan vỡ rồi, ông bèn uống rượu thật say cho quên đời:

Sống ở dương gian đánh chén chè
Chết về âm phủ cắp kè kè.
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
Be!

Nốc là vì rượu rất hấp dẫn. Nhất là khi đã "mềm môi chén mãi tít cung thang".

Vì vậy, dân nhậu chỉ khoái khi: "dô, dô.. ." và "nốc""chăm phần chăm". Dĩ nhiên chẳng ai cho rằng trai thanh gái lịch là người "nốc" rượu.

tuệ chương
Worcester, Mass

(*) Ít ly, nói lái là “y lít”, “ngôn ngữ” của dân nhậu

(*) “Hậu Đình Hoa”. Giặc đến sát bên lưng rồi mà vua Trần Hậu Chủ còn vui chơi cùng cung nữ, nghe khúc hát Hậu Đình Hoa.

(*) Tên một tác phẩm của Hồ Biểu Chánh.

Ghi chú thêm:

Quảng Nam có câu ca dao:

"Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm,
Rượu Hồng Đào chưa uống đã say."

Tôi nhớ là rượu Hồng Đào. Tuy nhiên, mới đây, tôi có đọc một "thư họa" của Vũ Hối, trong Đặc San Quảng Đà 1998 do Thái Tú Hạp, báo Saigon times chủ trương, thấy Vũ Hối viết là:

"Rượu Bồ Đào chưa uống đã say!"

Xin hỏi quí vị quê Quảng Nam: Rượu Hồng Đào hay Bồ Đào? Quảng Nam có sản xuất thứ rượu nào tên là Hồng Đào chăng hay đó lại là rượu Porto? Như tôi trích dẫn ở trên, từ đầu thế kỷ 17, người Bồ Đào Nha đã đến buôn bán ở Hội An, họ có đem rượu Bồ Đào đến xứ ta để uống hoặc trao đổi.

Không có nhận xét nào: