Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Ảo giác về nụ cười của Mona Lisa


Nụ cười của Mona Lisa cũng gây ảo giác. Càng nhìn lâu vào khuôn mặt nàng, bạn càng thấy đôi mắt ấy đang cười, rất kiêu sa và rất mãn nguyện. Nhưng chỉ cần nhìn xuống khoé miệng một chút, bạn sẽ thấy khuôn mặt người thiếu nữ nghiêm nghị kỳ lạ. Đột nhiên, bạn không hiểu nàng đang vui hay buồn, thanh thản hay lo lắng.

Trong phần trước chúng tôi đã đề cập tới hiện tượng “mù chớp nhoáng”, giải thích vì sao cặp mắt thường bỏ sót một số chi tiết nhất định khi ta quan sát một khung cảnh nào đó. Hoạ sĩ, triết gia, nhà khoa học thiên tài người Italia Leonardo DaVinci đã “vô tình” lợi dụng hiện tượng này để sáng tạo ra nụ cười bí hiểm có một không hai trên khoé miệng Mona Lisa.

Nhà khoa học thần kinh Margaret Livingstone (Mỹ) giải thích, khi chăm chú nhìn vào đôi mắt của Mona Lisa, bạn chỉ “khoanh” được một khu vực rất nhỏ bên lông mày và gò má. Vì vậy, bạn không nhìn thấy toàn bộ khuôn mặt và không gian đằng sau bức tranh. Khi đó, các nét mờ trên gò má Mona Lisa sẽ hiện lên khá rõ, khiến bạn có cảm giác khoé môi của người phụ nữ cũng được kéo nhếch lên và tô đậm hơn. Kết quả, bạn thấy người phụ nữ cười. Ngược lại, khi bạn nhìn vào miệng nàng thì hiệu ứng này cũng lập tức biến mất cùng với nụ cười ấy. Thì ra, nụ cười này vừa thật, vừa ảo. Người xem tranh Mona Lisa rất khó nhận thấy khi nào nàng cười thật và khi nào nàng cười ảo. Đây chính là bí mật lớn nhất về Mona Lisa, nó giải thích vì sao mấy trăm năm nay, người xem luôn có cảm xúc rất trái ngược khi đứng trước bức tranh này. Có điều, khi sử dụng “mẹo” này, Leonardo DaVinci có lẽ đã không vận dụng đến kiến thức khoa học mà dựa vào kinh nghiệm của một nghệ sĩ nhiều hơn.

“Mắt thần”

Bài nghiên cứu của Giáo sư Itzhak Fried, Đại học California (Mỹ) đăng trên tạp chí khoa học The Lancet năm 1992 khẳng định: "Để nhận biết hình ảnh, con người cần rất ít thực tế". Đây là một kết luận thật khó hiểu. Để tìm hiểu xem Fried nói gì, một lần nữa, chúng ta lại phải quay lại… Mona Lisa.

Fried cho mời 100 người đàn ông tới một cuộc thử nghiệm. Ông chia họ làm hai nhóm. Nhóm thứ nhất được nhìn thấy bản sao của Mona Lisa treo trên tường, còn nhóm thứ hai tới một căn phòng trống trơn để nghe một người kể về bức tranh. Sau đó ông mời hai nhóm tới một căn phòng khác và đề nghị họ miêu tả lại bức tranh. Trong khi những người này miêu tả, Fried dùng một phương pháp đặc biệt để đo các hoạt động trong não bộ của họ. Kết quả thật kỳ lạ: Não bộ của những người này đều vận động các tế bào giống hệt nhau và “bức tranh” mà họ kể lại khá giống nhau: Chúng đều là sản phẩm của rất ít thực tế và rất nhiều tưởng tượng.

“Điều quan trọng không phải là chúng ta nhìn thấy bức tranh thật hay chỉ ngồi tưởng tượng. Mỗi người đều có một con mắt thần - bộ phận lưu giữ các hình ảnh tưởng tượng - giúp chúng ta có thể tổng hợp hình ảnh và trình bày một khung cảnh nhất định”, Fried nói.

Thực tế và ảo giác

Tại sao bạn luôn có cảm giác rằng bạn có một bức tranh đầy đủ và thực tế về cuộc hiện sinh này?. “Bởi vì rất hiếm khi bạn gặp được ai đó chỉ cho thấy điều ngược lại!”, các nhà nghiên cứu hành vi giải thích.

Não bộ của bạn luôn thu nạp và xử lý một số hình ảnh mà mắt bạn “quét” được từ thực tế, nhưng nó còn thu nhận một khối lượng lớn hơn nhiều các hình ảnh từ kho kinh nghiệm và trí tưởng tượng của bạn. Mặt khác, việc não bộ của bạn lựa chọn “thực tế” nào lại do trí tưởng tượng quyết định. Ví dụ, mắt bạn “quét” được toàn cảnh một cánh đồng gồm nhiều bươm bướm và chuột, nhưng nếu trí tưởng tượng của bạn chỉ “thích” bươm bướm thôi chẳng hạn, thì não bộ sẽ tự động xoá những con chuột ra khỏi bức tranh. Kết quả là bạn chỉ nhớ được một bức tranh toàn bươm bướm. Tóm lại, bức tranh tổng thể về thế giới của bạn phần nhiều là tưởng tượng chứ không phải thực tế. Nói cách khác, thế giới chỉ do ảo giác mà có.

Các nghiên cứu mới nhất về khoa học thần kinh cho biết, không ai có thể cùng một lúc nhìn thấy tất cả những chi tiết của một bức tranh. Mỗi vật thể, dưới con mắt của người khác sẽ có một hình thù khác hẳn. “Nhìn và lựa chọn hình ảnh là một quá trình sáng tạo, y hệt như vẽ một bức tranh vậy. Sản phẩm của nó chỉ vô tình trùng lặp với thế giới của những hiện tượng vật lý mà thôi”, các nhà khoa học giả thuyết.

Chuyện chọn áo nhầm màu trong siêu thị

Nếu giả thuyết trên được ủng hộ hoặc kiểm chứng thì đó sẽ là một tin mừng lớn với nhà vật lý thiên tài Isaac Newton. Cuối thế kỷ 17, Newton đã có ý tưởng cho rằng, mọi vật tự nó đều không có màu sắc nếu không có sự hiện hữu của ánh sáng. Tuy vậy, não bộ của chúng ta vẫn cố gán cho chúng một màu sắc nào đó.

Hai nhà sinh học thần kinh Dale Purves và Beau Lotto, Đại học Duke (Anh), cho biết: “Màu sắc là sản phẩm của cảm nhận chứ không phải thực tế”. Theo đó, con người có thể thu nạp hình ảnh dựa trên tưởng tượng và kinh nghiệm một cách khá chính xác. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng như vậy. Nhiều trường hợp, người mua hàng chọn một chiếc áo theo màu ưa thích trong siêu thị, nhưng khi về nhà mới phát hiện ra nó có màu khác hẳn. Nguyên nhân là khi ở cửa hàng, người đó đã chọn màu theo tưởng tượng và kinh nghiệm chứ không phải theo màu thực do mắt “quét” được.

Vấn đề nhân chứng

Nếu các hình ảnh lưu giữ trong não bộ không có liên hệ gì rõ ràng với thế giới hiện hữu, thì ai có thể khẳng định rằng, cái anh ta nhìn thấy là “thật sự đã xảy ra”, hay đó chỉ là “ảo giác”. Trong thí nghiệm ở phần thứ nhất, người phụ nữ đã nói chuyện mấy phút liền với khách khỏi đường mà không nhận ra anh ta đã bị tráo đổi. Vậy thì lời kể của nhân chứng trong một sự kiện chỉ diễn ra chớp nhoáng có thể tin được hay không? Hơn nữa, ở thời điểm xảy ra sự kiện, nhân chứng thường khá thờ ơ, thậm chí anh ta đang chú tâm vào một việc gì đó hoàn toàn khác. Thế thì, nhân chứng có khác gì những người đàn ông xem bóng rổ, không hề nhìn thấy con vượn đi qua.

Nhà khoa học Stephen Kosslyn, Đại học Haward, còn làm một thí nghiệm như sau: Ông mời 10 người xem bức ảnh của một người đàn ông. Sau đó, ông cho họ xem một bức ảnh khác cũng của người ấy với một số nét thay đổi về quần áo và kiểu tóc. Khi được mời kể lại về sự khác biệt giữa hai bức ảnh, 10 người này đã nói rất khác nhau, trong đó có nhiều chi tiết không hề có trong cả hai bức ảnh. Kosslyn kết luận: “Con người không thể phân biệt được đâu là thông tin khách quan (thực tế) và đâu là tưởng tượng. Bình thường, họ thu nhận hỗn hợp của cả hai”.

Một mình giữa cõi đời

Có lẽ còn lâu khoa học mới giải thích được mối liên hệ giữa nhận biết, thực tế và tưởng tượng. Tuy nhiên ngày càng có nhiều giả thuyết cho rằng: Thế giới thị giác đầy đủ của chúng ta được hình thành từ một số hình ảnh cụ thể, kết hợp với một số hình ảnh chìm sâu trong kho kinh nghiệm và…rất nhiều tưởng tượng.

Vì mỗi người đều có một trí tưởng tượng riêng, nên mỗi người đều cô độc trong một thế giới của những hình ảnh thị giác đơn lẻ. Tiến sĩ Richard Gregory, nhà tâm lý, tác giả của rất nhiều cuốn sách về tri thức của thị giác đã đưa ra một tổng kết bi quan như sau: “Thế giới thị giác mà bạn đang sống là ngôi nhà riêng của bạn. Thỉnh thoảng bạn lại nuôi ảo tưởng rằng, có thể chia sẻ nó với một người nào đó. Nhưng thực tế, chẳng ai có thể chia sẻ với bạn. Bạn chỉ có một mình mà thôi... Một mình giữa cõi đời này”.

Minh Hy (Theo Surfmed News)

Không có nhận xét nào: