Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

Bí mật về hiện tượng ảo giác


Một lần, bạn đang trả lời một người hỏi đường, thì đột nhiên, hai người lạ mặt khênh một cánh cửa đặt giữa bạn và vị khách. Bạn hơi ngạc nhiên một chút, nhưng sau đó hai kẻ bất lịch sự kia đã vội vã khênh cửa đi. Sau đó, bạn vẫn tiếp tục nói mà không nhận thấy một điều kỳ lạ đã xảy ra…

Người khách hỏi: “Chị thấy gì lạ không?”. Bạn nhăn trán... Hình như bạn cảm thấy có gì đó khác lạ nhưng lại không hiểu là gì. Người khách lại hỏi: “Chị thử nhìn tôi kỹ hơn xem nào!” Bạn nhìn rất sâu vào mắt người khách, rồi bạn để ý tới giọng anh ta nói, tới áo quần anh ta mặc… Hồi lâu… A! Bạn bỗng hét lên. Đứng trước mặt bạn là một người đàn ông hoàn toàn khác chứ không phải người đã hỏi đường bạn… Một lúc sau, người lạ này giải thích cho bạn biết rằng, anh ta là một trong hai người đàn ông khênh cánh cửa và đã tráo đổi vị trí với người khách hỏi đường trong thời gian ngắn ngủi khi họ dừng lại giữa hai người…

Trên đây là một ví dụ tiêu biểu về hiện tượng ảo giác, một hiện tượng kỳ lạ và khó hiểu nhất thường gặp trong thực tế. Người làm thí nghiệm này là Giáo sư Daniel Simons, Đại học Havard, Mỹ. Ông đã tiến hành thí nghiệm này trên hàng trăm trường hợp khác nhau và kết quả thật kỳ lạ: Trên 50% các trường hợp, người chỉ đường vẫn tiếp tục nói chuyện với vị khách hỏi đường đã bị đánh tráo mà không nhận ra điều gì lạ, mặc dù hai nhân vật này hoàn toàn khác nhau, từ hình dáng, giọng nói tới quần áo.

Nhận biết có lựa chọn

Hiện tượng trên còn có tên khoa học là “mù thoáng qua”(change-blindness). Cùng với các kết quả thí nghiệm khác, đầu những năm 90, hiện tượng này dẫn tới một giả thuyết gây ra nhiều cuộc tranh luận dữ dội: Cái chúng ta thực sự nhìn thấy ít hơn rất nhiều so với cái chúng ta tưởng rằng đã nhìn thấy. Điều đó có nghĩa là, chúng ta luôn sống trong ảo giác do niềm tin gây ra. Trong thí nghiệm trên, người chỉ đường luôn tin rằng mình đang nói chuyện với cùng một người hỏi đường, nên hoàn toàn không nhận thấy anh ta có sự thay đổi gì sau khi đã bị đánh tráo.

Ông Simons giải thích: "Nếu bạn quan sát một khung cảnh với những hiện tượng xảy ra trong đó, thường bạn chỉ có thể nhận biết một số chi tiết nhất định. Những chi tiết này sẽ được bổ sung thêm nhờ khả năng nhớ lại hoặc trí tưởng tượng của bạn, để cho ra một hình ảnh tổng quát về cái mà bạn đã nhìn được trong não bộ".

Mắt có vai trò như một ống kính

Trong hệ thống ghi chép và lưu giữ hình ảnh, mắt đóng vai trò như một ống kính video. Nó liên tục quét các hình ảnh để đưa và trung tâm xử lý của não bộ. Tại đây, hình ảnh sẽ được phân tích rất nhanh. Thông tin không quan trọng sẽ bị loại bỏ và chỉ có những chi tiết quan trọng nhất giúp con người ứng xử trong hoàn cảnh nhất định mới đọng lại trong não bộ.

"Nhờ có thể lựa chọn giữa những chi tiết quan trọng và không quan trọng nên con người mới tồn tại được", Triết gia Daniel Dennett đã khẳng định như vậy trong một cuốn sách có tiêu đề "Kiến giải về Ý thức". Theo đó, hình ảnh lưu trữ trong não bộ lâu ngày sẽ chiếm quá nhiều bộ nhớ nên nó chỉ ghi lại những gì đã thay đổi và giả định rằng, tất cả những thứ khác vẫn giữ nguyên như vậy.

Chuyện về một con vượn chạy qua...

Daniel Simons lại tiếp tục làm một thí nghiệm sau để chứng minh rằng, thực tế chúng ta luôn bỏ sót những chi tiết nhất định. Ông cho mời 40 người đàn ông tới xem một trận bóng rổ và yêu cầu họ đếm tất cả các đường chuyền của hai đội. Những người đàn ông đều tập trung hết sức vào các pha chuyền bóng. Đột nhiên xuất hiện một con vượn chạy đi chạy lại qua sân bóng đến 5 giây đồng hồ. Sau đó, Simons đã hỏi tất cả 40 người đàn ông này về con vượn và họ đều trả lời là không nhìn thấy gì cả.

“Thường thì người ta không bao giờ nhìn thấy rừng xanh giữa đám cây cối rậm rạp”, Simons nói. Điều đó đôi khi rất nguy hiểm. Các chuyên gia nghiên cứu giao thông cho biết, phần lớn các tai nạn ôtô đều có liên quan tới hiên tượng "mù thoáng qua". Trong thí nghiệm trên, những người đàn ông chúi mắt vào các quả bóng có thể so với người tài xế đang lái xe chạy trên đường và mải mê nghĩ về một chuyện gì đó, còn con vượn đóng vai người qua đường. Thế là xảy ra tai nạn!

Không có nhận xét nào: