Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007

NHỮNG MẸO VẶT CẦN THIẾT TRONG CÔNG VIỆC HÀNG NGÀY


Chùi Cửa

Những cánh cửa mới sơn đẹp mà đã bị bẩn bởi những vết tay dơ vịn vào. Muốn làm cho sạch những vết bẩn đó mau chóng, hãy lấy khoai tây cắt đôi và xoa đều lên những cánh cửa, nhớ để nguyên củ khoai, đừng lột vỏ và xoa bằng mặt mới cắt. Nếu mặt khoai tây đã chà bị đen thì cắt bỏ một lớp mỏng cho hết chỗ đen ấy. Cứ tiếp tục chùi cho đến khi nào miếng khoai tây dùng vẫn trắng sạch thì cánh cửa cũng sạch.

Khử Mùi Hôi Của Keo Lọ

Cho một nhúm xát café vào keo, đậy chặt nút lại, một ngày sau đem súc lại cho sạch bằng nước lạnh.

Rửa Bình Trà

Bình đựng nước trà rất khó rửa vì chất trà thường bám chặt vào miệng bình. Khi đó chỉ cần cho vào một nhúm muối, xóc kỹ trong bình và chà miệng bình bằng muối, bình trà sẽ sạch.

Chữa Tủ, Hộp Bị Mốc, Ẩm Hôi

Cho vào tủ một chén đựng vài cục than củi rồi đóng cửa lại, than sẽ hút hết các mùi hôi và hơi ẩm.

Trường hợp hộp làm bằng kim loại có mùi hôi, có thể đốt vài que diêm trong hộp để làm mất mùi hôi đó.

Gỡ Ðinh Bị Sét Lâu Ngày

Ðinh vít đã đóng hay vặn vào gỗ lâu ngày bị sét thì khó gỡ ra được. Muốn gỡ đinh ra một cách dễ dàng, hãy lấy một cây sắt nung đỏ rồi đem áp vào đầu đinh vít một lát cho nóng, bạn sẽ nhổ ra được ngay.

Chữa Ngăn Kéo Khó Mở

Các ngăn tủ, ngăn bàn, nếu bị rít, khó mở, hãy dùng phấn viết bảng hoặc xà bông thoa lên hai bên cạnh, các ngăn kéo sẽ trơn tru dễ mở.

Trừ Kiến

Cách trừ kiến tốt nhất là pha 30gr chất Hyposulfite de soude trong 1 lít nước rồi đổ nước này vào trong ổ kiến trong vài ngày, mỗi ngày một lần. Nếu không có chất này thì có thể thay thế bằng dầu hôi hoặc xăng cũng được.

Cắt Cổ Chai Thủy Tinh

Muốn cắt một cái cổ chai làm bằng thủy tinh thật đều mà không bị nứt hoặc mẻ, hãy đổ nước vào trong chai đến mức ta muốn cắt rồi đổ một lớp dầu lên trên. Nung một cây sắt thật đỏ. Nhúng cây sắt vào trong lớp dầu, chai sẽ bị cắt ngay chỗ muốn cắt.

Nút Chai Cứng Không Ðậy Ðược

Nếu nút chai cứng và to hơn miệng chai không đậy được, hãy ngâm nút chai vào nước ấm, nút chai sẽ mềm và đậy được dễ dàng.

Sách Bị Gián Cắn

Nếu sách vở bị gián cắn, hãy lấy dầu thông bôi một lớp ở phía trong tủ. Mùi dầu thông hắc lên sẽ làm cho gián sợ không dám cắn sách vở.

Ngăn Ngừa Mối Cắn Ðồ Vật

Các đồ dùng, quần áo sách vở để ở những nơi ẩm thấp lâu ngày không dùng tới thường bị loài mối ăn hại. Ðể tránh tai nạn này, hãy đến tiệm thuốc mua một ít nụ đinh hương. Cắm những nụ đinh hương đó vào trong một trái cam tươi, để nguyên trái cam tươi đó vào những nơi có mối đang ăn hại đồ vật. Chính mùi nụ đinh hương tiết ra làm tiệt đường sinh sản của giống mối. Nến nhớ dùng cho đến khi bị khô héo thì lại tiếp tục làm như vậy.

Khi Bị Ong Và Muỗi Chích

Nên rửa ngay vết ong hoặc muỗi chích bằng nước muối thật mặn (càng mặn càng đỡ đau), sau đó dùng bông gòn thấm nước nóng có pha muối hoặc giấm chua đắp lên chỗ bị chích.

Bị muỗi chích, muốn hết ngứa và nổi đỏ, dùng bông gòn thấm nước Javel đắp lên chỗ bị chích.

Cách Gỡ Dằm Gai

Khi bị dằm gai đâm vào dưới móng tay, muốn lấy dằm gai đó ra, hãy dùng xà bông đem đắp chung quanh ngón tay và băng bó lại trong vài giờ rồi gỡ băng ra, dằm gai sẽ bị xà bông lấy đi và không còn đau đớn gì nữa.

Cánh Cửa Phòng Bị Kêu

Khi cánh cửa phòng bị kêu cót két, hãy thoa vào chỗ bản lề một chút bột viết chì trộn với vài giọt dầu đậu phộng, cửa sẽ rất êm không kêu nữa.

Công Dụng Của Nước Trà Tàu

Khi thái ớt bị dính vào tay, mùi ớt sẽ làm cho tay có mùi nồng nồng khó chịu, đôi khi ớt cay làm cho da nóng bỏng.

Nếu đã dùng nước rửa hoặc Alcool lau mà mùi ớt vẫn còn, hãy nhúng tay vào nước trà tàu pha đậm là mùi ớt trên tay ta sẽ hết.

Tự Nhiên Bị Mất Tiếng

Lấy trần bì sắc lấy nước ngậm rồi nuốt dần là khỏi.

Chữa Khan Tiếng

Khi bị khan tiếng, nếu không muốn uống thuốc, có thể làm bằng cách sau:

Hơ một con dao sạch làm bằng sắt thường lên lửa đỏ, sau đó vắt một trái chanh chảy qua con dao đang nóng đỏ hứng nước đó vào một cái ly, rồi dùng nước này ngậm từ từ . Giọng nói sẽ trong lai, bớt khan.

Tay Bị Kẹt Bầm Tím

Nếu lỡ tay bị kẹt bầm tím, phải mau mau lấy bông gòn nhúng vào nước nóng có pha thật nhiều giấm và đắp lên chỗ bị kẹt một lát. Làm như vậy để máu tụ ở chỗ tay bị thương sẽ tan đi và không còn bị đau đớn nữa.

Tháo Nhẫn Quá Chật Ra Khỏi Ngón Tay

Thông thường thì dùng xà bông hay vaseline thoa vào ngón tay để tháo một chiếc nhẫn quá chật. Nhưng làm theo cách này nhiều khi cũng không tháo được chiếc nhẫn ra vì ngón tay đã bị sưng.

Trước hết phải làm cho ngón tay hết sưng (hoặc bớt sưng) bằng cách quấn xung quanh chỗ sưng bằng một miếng vải nhỏ cho đến hết ngón tay. Kế đó giơ ngón tay lên cao để dồn máu đi rồi thử bằng xà bông hoặc vaseline.

Làm như vậy mà vẫn chưa tháo được nhẫn thì hãy làm lại một lần nữa.

Giữ Gìn Những Trang Sách Quí

Những quyển sách bìa đóng bằng da lâu ngày hay bị trứng sâu bọ làm dơ bẩn. Muốn chùi sạch, hãy dùng bông gòn thấm giấm mà chùi sẽ hết.

Mắt Bị Vướng Bụi Hoặc Vật Lạ

Trong mắt bị một vật nhỏ rơi vào, nếu vật ấy không bám một chỗ trong mắt, lúc ở chỗ này, lúc dời chỗ khác, hãy vạch mi mắt, dùng một miếng vải thật sạch, xếp lại thành một đầu nhọn và khều vật ấy dính theo đó lấy ra.

Hoặc có thể dùng nước chín để nguội trong một cái chén rồi ngâm mắt vào đó, chớp mắt nhiều lần, vật lạ sẽ trôi ra theo nước.

Nhưng nếu vật lạ cứ ở nguyên một chỗ trong tròng con mắt thì phải thận trọng vì có thể vật ấy sắc bén và đã ghim chặt vào màng mắt. Trường hợp này không được động đậy chà xát vào mắt, vì như thế sẽ nguy hiểm hơn và tăng thêm đau đớn. Việc cần làm là đặt ngay một miếng gạc sạch lên che mắt và đi ngay đến bác sĩ.

Ðạp Nhầm Ðinh Sét

Nếu không may có một vết thương bị tạo ra do đingh sét rỉ, phải rửa vết thương thật kỹ bằng nước chín và Alcool cho nước thấm sâu vào vết thương. Sau đó đến ngay bác sĩ để chích ngừa.

Rửa Vết Mủ Trái Cây Trên Tay

Khi tay bị dính mủ trái cây hay mủ rau tươi, không nên rửa bằng xà bông mà hãy áp dụng phương pháp sau đây:

Lấu muối hột, nặn chanh tươi vào rồi xát đều khắp tay. Vết mủ dù dính nhiều cũng sẽ hết ngay.

Nếu Nuốt Phải Vật Lạ

Nếu trẻ con nuốt nhằm hột mận, viên bi hay nút áo... chớ nên lo sợ vì những thứ này thường đi thẳng qua ống tiêu hoá. Khi đó cứ cho ăn cơm bình thường để giúp vật lạ đi thẳng xuống bao tử và tìm vật đó trong phân. Nhưng nếu là vật dài và nhọn thì phải đi bác sĩ ngay, đừng nên cố gắng tìm cách tự lấy ra.

Phòng Ngừa Mối Nơi Tủ Gỗ

Sau khi lau chùi tủ sạch sẽ trong ngoài, lấy cọ quét một lớp mỏng nhựa thông. Ðợi khô sẽ xếp đồ vào như cũ. Các đồ vật bằng gỗ khác cũng có thể quét nhựa thông nhưng phải nhớ tránh xa lửa vì nhựa thông rất dễ bén lửa.

Cách Ðóng Ðinh Cho Dễ Dàng

Muốn giữ cho các đồ vật bằng gỗ quí không bị nứt khi đóng đinh thì trước khi đóng, tốt nhất là dùng một mũi khoan nhỏ hơn đinh, khoan trước một cái lỗ rồi hãy đóng thì gỗ không bị nứt nẻ.

Muốn cho đinh khi đóng không bị cong quẹo nên nhúng đầu đinh vào một chút nhớt. Nếu là vách tường thì nên dùng tắc kê, vì đinh không dính chặt vào tường được.

Muốn bắt đinh vít vào gỗ, phải luôn luôn nhớ khoan trước một lỗ bằng mũi khoan nhỏ hơn đinh vít. Khi bắt đinh vít, nên nhúng trước vào nhớt.

Làm Hết Hơi Mốc Trong Phòng

Một căn phòng đóng cửa lâu ngày, khi mở ra sẽ có mùi mốc rất khó chịu. Muốn làm hết mùi hôi mốc này, chỉ cần nhỏ vài giọt cánh kiến trắng (Benjoin) lên một miếng sắt nung đỏ trên lửa. Mùi thơm của cánh kiến toả ra sẽ làm hết mùi mốc trong phòng.

Cầm Máu Khi Bị Chảy Máu Cam

Trẻ con thường hay bị chảy máu cam, còn người lớn thì thỉnh thoảng xảy ra chảy máu ở mũi trong lúc người không có thương tích gì là do huyết áp cao.

Nếu máu cứ chảy mãi thì cầm máu bằng cách để người bệnh ngồi hơi ngửa về sau và cho thở bằng miệng. Nới rộng cổ áo hay bất cứ vật gì chung quanh, đắp vải lạnh, ướt lên mũi và trán.

Thường thường thì máu chỉ chảy một bên nên có thể ấm mạnh lỗ mũi đang chảy máu từ bốn đến năm phút để máu có dịp đông lại. Ðiều cần nhớ là không được hỉ mũi trong vài giờ. Ngoài ra còn một cách khác là dùng một miếng băng đã sát trùng nhét nhẹ vào lỗ mũi đang chảy máu, chừa một đầu ra ngoài để dễ lấy ra. Ðể người bệnh nằm yên, đầu cao hơn người.

Trường hợp làm như thế mà không cầm máu được hay bị chảy máu cam thì phải đến bác sĩ.

Rửa Ly Cho Bóng, Sáng

Các chiếc ly hay những đồ vật bằng thủy tinh dùng lâu ngày thường hay bám dơ làm cho bị ố vàng. Muốn cho chúng bóng, sáng lại, hãy rửa bằng nước nóng và xà bông rồi xả lại bằng nước có pha giấm.

Cẩn Thận Khi Sử Dụng Ðiện

Trước khi bắt dây hay sửa điện trong nhà, việc đầu tiên làm là cúp điện bằng cách kéo cầu dao xuống.

Không bao giờ cầm bằng tay ướt vào những vật đang chạy bằng điện. Lúc nhấn chuông hay mở tắt đèn cũng phải tránh điều này.

Nếu dùng bếp điện thì nên đứng trên một miếng gỗ vì khi làm bếp, tay thường bị ướt.

Khi cầu chì nổ, tức là chì bị chảy ra vì nó không đủ sức để chịu độ nóng của dòng điện tải qua nó, thường thì việc này xảy ra khi ta dùng quá nhiều vật bằng điện cùng một lúc. Khi thay cầu chì lại, ta không nên dùng chì có đường kính to hơn vì như vậy ta sẽ không kiểm soát được sức chịu đựng của đường dây. Và có thể sẽ không xảy ra nổ cầu chì cũ mà sẽ gây ra nổ cháy ở chỗ khác nguy hiểm hơn.

Giữ Tủ Lạnh Lâu Hư

Muốn giữ cho tủ lạnh lâu hư, hãy sử dụng thật cẩn thận theo những chỉ dẫn sau:

- Chỉ để vào tủ lạnh những thức ăn đã nguội hẳn. Ðừng bao giờ để vào tủ lạnh những thức ăn còn nóng hay ấm vì hơi nóng sẽ làm tủ lạnh chóng hư.

- Không nên mở tủ lạnh thường vì mở thường, hơi lạnh sẽ thoát ra ngoài.

- Nếu tay dính mỡ, đừng bao giờ sờ vào mép cao su của tủ lạnh vì chất mỡ sẽ làm cho sao su cứng lại, không còn mềm mại. Do đó, mép cao su không ăn khớp với tủ lạnh, sẽ có nhiều khe hở khiến tủ lạnh thoát khí ra ngoài luôn.

- Ðừng bao giờ cho tủ lạnh ngừng chạy, dù tủ lạnh không có gì, cũng nên để tủ lạnh chạy luôn.

- Khi vắng nhà một thời gian dài, phải tắt điện tủ lạnh. Phải lấy tất cả thức ăn, thức uống tront tủ lạnh ra, nhất là các thức ăn tươi như rau cải, trái cây, cá thịt. Sau đó, phải rửa tủ lạnh thật kỹ và lau thật khô. Ðiều cần thiết là phải mở tủ lạnh ra thật rộng trong suốt thời gian mà tủ lạnh ngừng chạy.

- Phải rửa tủ lạnh ít nhất mỗi tháng một lần. Sau khi rửa nhớ lau tủ lạnh thật khô.

Làm Mất Mùi Hôi Trong Tủ Lạnh

Tủ lạnh để thịt cá, rau cải nên có mùi hôi khó chịu. Muốn mất mùi hôi này có thể áp dụng một trong hai cách sau đây:

- Sau khi rửa tủ lạnh, nên lau lại bằng nước có pha thuốc tím.

- Ðể một soong đựng sữa vào tủ lạnh. Với cách này thì chắc chắn mùi hôi sẽ không còn tí nào nữa.

Lấy Khuôn Nước Ðá Ra Dễ Dàng

- Trước khi để khuôn nước đá vào tủ lạnh, nên thoa vào một lớp dầu ăn dưới đáy khuôn.

- Trước khi để vào tủ lạnh, chà nến (đèn cầy) thật kỹ và thật đều dưới đáy khuôn.

- Ngâm cả khuôn đá có đá vào nước lạnh, đá sẽ bong ra và lấy rất dễ dàng.

Không có nhận xét nào: