Thứ Năm, 21 tháng 6, 2007
BÀNG BÁ LÂN VÀ BẢN GIAO HƯỞNG SỐ SÁU
Buổi trưa hè tịnh vắng dưới bóng cây hoàng lan xanh mát. Cái im vắng nghe nhịp đập của chính trái tim mình, tưởng chừng như đang nằm trên chiếc võng đu đưa đâu đó ở hiên nhà Cẩm Phô, Hội An, Quảng Nam, quê hương thuở nào chưa ngập tràn khói lửa chiến chinh:
Dưới gốc đa già, trong vũng bóng
Nằm mát đàn trâu ngẫm nghĩ nhai
Ve ve rung cánh ruồi say nắng
Gà gáy trong thôn những tiếng dài
Trời lơ cao vút không buông gió
Đồng cỏ cào phô cánh lược hồng
Êm đềm sóng lụa trôi trên lúa
Nhạc ngựa đường xa rắc tiếng đồng
Quán cũ nằm lười trong sóng nắng
Bà hàng thưa khách ngủ thiu thiu
Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm...
Đứng lặng trong mây một cánh diều
Cành thưa nắng tưới chim không đứng
Quả chín bâng khuâng rung trước hè
Vài cô về chợ buông quang thúng
Sửa lại vành khăn dưới bóng tre
Thời gian dừng bước trên đồng vắng
Lá ngập ngừng sa nhẹ lướt ao
Như mơ đường khói lên trời nắng
Trường học làng kia tiếng trống vào
(Trưa Hè - Bàng Bá Lân)
Theo nhận định của Hoài Thanh - Hoài Chân trong Thi Nhân Việt Nam “Bàng Bá Lân chính thức đóng góp vào nền văn học nước nhà bằng tác phẩm Tiếng Thông Reo xuất bản năm 1934. Bàng Bá Lân là thi nhân tiền phong mở đầu cho phong trào thơ mới ca ngợi đồng quê...” Bàng Bá Lân sinh năm 1912 tại Phú Lang Thượng Bắc phần nhưng chính quán ở làng Đôn Thư, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ngoài thi tập Tiếng Thông Reo, Bàng Bá Lân còn in chung tập Xưa với nữ sĩ Anh Thơ, Sông Thương xuất bản tại Hà Nội năm 1941, Tiếng Sáo Diều xuất bản năm 1939, Thơ Bàng Bá Lân năm 1957 tại Saigon, Tiếng Võng Đưa do nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê ấn hành tại Saigon năm 1957... Những bài thơ mang tính chất mộc mạc, chứa chan hương đồng phấn nội của thi sĩ Bàng Bá Lân đã qua những thử thách trên sáu mươi năm đọc lại vẫn còn mới, nhất là đối với tâm trạng của chúng ta - lữ khách ngàn dặm xa cố quận - lại càng thắm thiết nồng nàn tình tự quê hương. Có thể những hình ảnh rất đơn sơ tầm thường như:
Quê tôi có lúa, có dâu
Có đàn cò trắng, có câu huê tình
Có cây đa, có mái đình
Có bầy thôn nữ xinh xinh dịu dàng
Mùa thu có những hội làng
Có cây đu buổi xuân sang dập dìu...
Gió vi vu tiếng sáo diều
Ru hồn mục tử chiều chiều trên đê...
Tiếng gà trưa lắng chơi vơi
Tiếng chim cu gáy: buồn ơi là buồn!
Ngày ngâu gió khép mưa đơn
Mái tranh rõ những lệ buồn vu vơ
Đêm dài nhịp võng đong đưa
Lời ru êm ả ngàn xưa vọng về...
Nhớ nhung sắc mắc lê thê
Xa xôi nghe dậy hồn mê não nùng!...
Chiều ấy, mưa rào ở xóm Đông
Cho người ủ dột đứng bên song
Xa nhìn đắm đuối tìm trong gió...
Chỉ thấy màn mưa trắng ngập đồng.
Ai biết mưa rơi nói những gì?
Lá buồn gieo lệ khóc lâm ly.
Lòng bâng khuâng quá, xôn xao nhớ
Cả một tình yêu buổi ấu thì,
Buổi một nàng qua dưới mái hiên
Đường mưa in một gót chân tiên
Ta nhìn theo bước đi ren rén
Bỗng cả lòng yêu náo nức liền...
Từ ấy trên đường loang loáng mưa
Tìm hoài đâu thấy gót chân xưa!
Đường mưa bao gót chân mưa bước,
Gợi mãi tình yêu buổi dại khờ!
Thật là ngu ngơ của chút tình thơ dại, dễ thương, nhưng cũng đủ hé lộ một tâm hồn lãng mạn tỏa ngát cả trời thơ trữ tình. Những bài thơ bây giờ tôi không tìm thấy ở hải ngoại. Đôi khi người yêu thơ Bàng Bá Lân ở viễn xứ bùng vỡ từ trong tiềm thức, cứ mơ hồ mong được tâm trạng như Trang Tử hóa bướm và không còn phân biệt bướm hay Trang Tử hiện hữu trong cuộc đời phàm tục này. Những hình ảnh tuy là chơn chất tầm thường trong thơ Bàng Bá Lân, chúng ta cảm nhận thấp thoáng mơ hồ như chỉ còn trong tâm tưởng của một thời thơ mộng hồn nhiên trong quá khứ. Khi những cái tầm thường đó đã thực sự rơi mất trong tầm tay như Lưu Nguyễn rời khỏi Thiên Thai thì sương khói mơ Tiên chỉ là ảo mộng, chỉ là nuối tiếc vu vơ...
Những giọt nắng rụng đầy trong vườn, đong đưa trong làn gió thoang thoảng mùi hương hoa cỏ dại. Giọt nắng gợi nhớ những buổi trưa ở Đông Hà, Ái Tử, Khe Sanh, ở Kỳ Sơn, Tiên Phước, Trà Mi, ở Vỹ Dạ, ở Hồ Than Thở, ở khu vườn Măng Cụt Lái Thiêu, trên bãi biển thùy dương reo ở Cửa Đại, ở cánh đồng hoa quỳ Đơn Dương, cùng bằng hữu uống rượu say ngất trời. Buổi trưa mùa hè im vắng mơ hồ thoảng đến khúc Giao Hưởng Số 6 của Beethoven, diễn tả cảm giác an bình khi ông hòa nhập với thiên nhiên. Trong thời gian hiện tượng rực rỡ nhất của thiên tài âm nhạc lỗi lạc của đầu thế kỷ 18. Hàng loạt tác phẩm của Beethoven đã ra đời như những bản Sonate cho đàn dương cầm, nhiều bản quator cho đàn dây, Oratorio của bản “Chúa Ngự Trên Núi Olive”, khúc dạo tuyệt vời cho vở kịch “Coriolan”, “Egmont”, những bản Concerto thứ 3, thứ 4. Bản giao hưởng số 5 diễn tả sự dũng cảm chiến đấu của con người trước những đàn áp về nhân bản, tự do. “Moonlight” đi dần về siêu thực. Và dừng lại với thiên nhiên rộng lớn như đi tìm sự an ủi chân tình. Lúc đó thực sự ông đã nhìn rõ chân tướng cuộc đời chỉ là hư ngụy giả dối, bản chất con người cũng chỉ là những manh nha áp bức lẫn nhau để mưu đồ danh lợi nhỏ nhen ích kỷ. Trong khi ông mải miết đi tìm chân lý yêu thương giữa con người với con người dưới chân Thượng Đế, dưới ánh sáng mặt trời từ ái bao dung. Cuối cùng người nhạc sĩ thiên tài chán nản, thất vọng, lặng lẽ quay về với người tình thủy chung đó là thiên nhiên an bình chân thật. Ở Vienna, ông trở thành bóng dáng đơn độc, lang thang trên những cánh đồng đầy cỏ hoa và hát rong với mây trời. Quê hương nguyên quán không chừng đã xa lạ đối với ông.
Thi sĩ Hạ Tri Chương thời Sơ Đường (659-744) tự là Quý Châu, người Quảng Đông, ngoài tài thơ văn, đàm thuyết, ông còn có biệt tài viết chữ thảo, chữ lệ rất xuất sắc. Tính tình phóng khoáng, thích uống rượu ngâm thơ thưởng nguyệt, bạn thân của Lý Bạch, Trương Húc, được người đời gọi là “Túy trung bát tiên”, đỗ tiến sĩ, được triều đình trao chức Bác Sĩ Quốc Tử Tứ Môn, làm Thái Tử Tân Khách Bí Thư Giám, được một thời gian rồi từ quan về làm đạo sĩ ở quê nhà. Điều đáng ngạc nhiên và đau khổ vì khi đã luống tuổi, ông mới có cơ hội hoài hương. Khi về đến quê nhà mọi cảnh trí và người đều thay đổi với thời gian. Ông như người khách lạ trên chính quê hương thân yêu của mình:
Thiếu tiểu ly gia, lão đại hồi
Hương âm vô cải, mấn mao thôi
Nhi đồng tương kiến, bất tương xứng
Tiểu vấn: “Khách tòng hà xứ lai”?
(Hồi Hương Ngẫu Thơ - Hạ Tri Chương)
Trẻ lãng du - già về cố xứ
Giọng không thay - pha tuyết mái đầu
Đám trẻ nhỏ thờ ơ không biết
Cười hỏi ta: Khách đến từ đâu?
Trẻ đi già trở lại nhà
Giọng quê vẫn giữ - tóc đà pha sương
Thiếu nhi gặp gỡ - lạnh lùng
Cười lơ đễnh hỏi khách phương mô về?
(Cảm Xúc Khi Về Làng - Ái Cầm)
Một ngày nào đó, quê hương chúng ta thực sự thanh bình tự do, khắp nơi trên thế giới sẽ rộn rã người kéo nhau về thăm nơi chôn nhau cắt rún, không biết bà con có còn nhìn ra nhau.
Mới đây vài tháng tôi có đọc mẩu tin đăng trên New York Times kể chuyện một Giáo sư người Nhật, dạy ở Havard, về thăm gia đình nội ngoại nơi một ngôi làng nhỏ ngoại ô Sakata. Khi xuống xe buýt ở đầu thành phố, ông ta ngơ ngác không biết phải đi về hướng nào bèn hỏi bằng tiếng Anh với người khách qua đường. Nhưng mọi người đều thờ ơ bước đi. Ông buồn quá không biết xử trí ra sao thì may có người Nhật biết chút đỉnh tiếng Anh giúp ông:
- Thưa ông, ông người nước nào?
- Cám ơn, tôi là người Nhật.
- Sao ông không biết tiếng Nhật?
- Vì tôi sinh trưởng ở New York và đây là lần đầu tiên tôi về thăm quê nhà.
- Song thân ông còn nói được tiếng Nhật?
- Đúng như thế. Cha mẹ tôi nói tiếng Nhật với nhau ở nhà và nói tiếng Mỹ với chúng tôi.
- Tại sao vậy?
- Vì cha mẹ chúng tôi bận đi làm nên cả ngày chúng tôi ở trường chỉ học và nói tiếng Mỹ thôi.
- Hiện ông là công dân Mỹ chứ?
- Sinh ra, tôi là công dân Mỹ rồi. Nhưng tất cả người Mỹ vẫn xem tôi là người Nhật, vì màu da vàng, mũi tẹt thực sự tôi là người Nhật. Mặc dù tôi không biết tiếng Nhật.
- Tội nghiệp cho sự cô đơn của ông quá. Có điều tôi nói thật với ông, khi nãy ông hỏi những người qua lại đều không muốn trả lời ông vì họ không muốn một người Nhật xử dụng tiếng ngoại quốc để hỏi chuyện với nhau nên họ không trả lời chứ những người ấy đều biết tiếng Anh cả đấy chứ. Và họ nghĩ tại sao ông không cảm thấy hổ thẹn vì sao ông không biết nói tiếng mẹ đẻ.
- Cảm giác đó chính tôi cũng vừa nhận thấy mới đây... nhưng tôi còn quá đủ thì giờ để học chữ và tiếng nói của người Nhật chúng ta trong thời gian sắp tới... tôi hy vọng sẽ đạt ý nguyện.
- Tại sao ông không nghĩ cách khác khỏi tốn thì giờ nhiều hơn là tự hậu có ai hỏi lý lịch, ông nên từ chối ông không phải là người Nhật là cách hay nhất...
- Cốt tủy máu huyết tôi là người Nhật. Chính tôi có muốn sinh ra ngoài đất nước thân yêu của mình đâu. Cả thế hệ chúng tôi đâu muốn như thế, lỗi đâu phải chúng tôi... Người Mỹ không nhận tôi là người cùng chủng tộc với họ, người Nhật hất hủi xem chúng tôi là người ngoại quốc... Tôi là ai bây giờ? Hay tôi đến từ một hành tinh khác chăng?
Vài năm sau, chúng ta hy vọng không còn nhìn thấy bóng dáng một Kiều Phong đứng trên đỉnh non cao mà than: “Đất trời thì quá mênh mông mà ta không có một mảnh đất để dung thân”
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét