Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

Tình Made in Việt Nam



Hà Nội xa hơn nữa về phía đông có một con đường dài hai mươi ki lô mét chỉ xe đạp mới vào được. Con đường kết thúc ở làng nhỏ Quyết Thắng. Người không biết lối phải theo đường ô tô năm mươi ki lô mét lên tận thị xã Hà Sơn Bình mới có một con đường đất dài ba mươi ki lô mét ngoằn ngoèo hình con rồng chín đầu chỉ có mỗi một đầu dẫn được về cổng làng. Người chưa bao giờ đến Quyết Thắng cứ tưởng đây là Hà Sơn Bình.

Thực ra khi nhà nước quyết định mở rộng bán kính thủ đô thêm hai mươi ki lô mét thì Quyết Thắng ngẫu nhiên thuộc vào địa phận của Hà Nội. Người dân ở đây mặc dù đã từng nhiều lần đi bộ ba mươi ki lô mét ra chơi thị xã Hà Sơn Bình nhưng lại chưa khi nào đến Hà Nội nên không biết mình là nhà quê. Cả làng không biết nhà máy nước là ông nào. Tiện nghi thành phố chỉ luồn lách được vào ba nhà bán nước chè, nước giải khát và chữa xe đạp rồi dừng lại ngay ở buồng tắm không có vòi nước nhưng che được phần cơ thể từ ngực xuống và ở hố xí hai ngăn có cửa gỗ cẩn thận.

Hai chiếc vô tuyến đen trắng là hai đại diện duy nhất của nền văn minh thế kỉ hai mươi có mặt tại Quyết Thắng tính từ Tết âm lịch Kỉ Mão. Thực ra, những chiếc vô tuyến đen trắng mà Hà Nội không nỡ ném đi như để xóa sổ thời bao cấp đã được nhà nước đem tặng lại cho tất cả các làng ngoại thành sẽ có tên chung là Hà Nội mở rộng. Mỗi làng được hai chiếc. Mặc những khiếm khuyết của kỹ thuật Đông Âu, mặc tính thất thường của dòng điện trong nước, mặc sự tẩy chay của đám bô lão làng coi tất cả những gì đến từ bên ngoài là nguy hiểm, hai vô tuyến đen trắng được đặt trang trọng ở hai góc hội trường cứ mưa thì dột của ủy ban nhân dân Quyết Thắng. Mỗi chiếc một kênh đua nhau đóng vai hướng dẫn viên du lịch cho lớp trẻ Quyết Thắng. Một tháng đầu trẻ em đến lớp để ngủ gật còn thanh niên bỏ cày ruộng nằm nhà mơ lại đêm trước trốn bố mẹ ông bà theo vô tuyến đi vòng quanh thế giới từ Hồ Gươm rẽ vào tháp Ép-phen qua Chùa Một Cột rồi tạm dừng ở quảng trường Đỏ. Thỏa chí tang bồng rồi mới trở về đuổi ma-phi-a suốt từ thủ đô nước Pháp đến tận trung tâm Ca-li-fooc-ni-a mà vẫn chưa bắt được. Vô tuyến truyền hình vô cùng tâm lí cứ một tối hồi hộp lại một tối thư giãn.

Thứ tư thì máy bay đuổi tàu ngầm, thứ bảy thì tâm lí tình cảm ấn Độ, chủ nhật truyền hình nhiều tập Bờ-ra-zin cả diễn viên lẫn khán giả cùng rút mùi xoa xoàn xoạt. Đám bô lão không có cớ gì để phản đối nhưng thực sự lo lắng khi một cụ ghé hội trường ủy ban xã xem vô tuyến để nắm tình hình thanh thiếu niên đã phát hiện ra rằng có lẽ vì sơ xuất kĩ thuật ban kiểm duyệt đài truyền hình đã để xổng khá nhiều pha ô tục. Cụ không biết báo cáo lại thế nào, vừa ngượng vừa bất lực trước ngôn ngữ, có thế nào kể thế nấy cụ sẽ bị kết án là kẻ nói bậy nhất nước. Các cụ khác không hiểu bèn rủ nhau đi kiểm tra tận mắt. Mỗi lần thấy đàn ông đàn bà cùng chung nhau cái màn ảnh là các cụ nhắm mắt bịt tai nhăn mặt lắc đầu. Vô tuyến lúc ấy chiếu phim tình cảm Pháp, hai phút lại có hai diễn viên hôn nhau bằng môi, nếu cắt thì cắt hết phim nên ban kiểm duyệt linh động một đêm cho tình hữu nghị Việt-Pháp. Ngay cả những phim quảng cáo mà các cụ cho là an toàn nhất cũng ngắt phim truyện làm năm lần để nhét vào đấy bột dinh dưỡng trẻ em và bao cao su đàn ông, cả hai đều mang nhãn hiệu Lực Sĩ.

Sau đêm ấy da và cơ mặt các vị bô lão chín nhừ như hầm nồi áp suất còn tai và mắt hoạt động kém hẳn, nếu tiếp tục sẽ có cơ tàn phế một trăm phần trăm. Thanh thiếu niên Quyết Thắng sau một tháng coi thức đêm là chuyện vặt. Bọn con gái cứ nhắm mắt lại là mơ lấy được chồng Hà Nội để gút bai đám giai làng cả đời chân đất. Bọn con trai còn nhìn xa hơn, túm lại một góc phì phèo thuốc lá bàn chuyện phiêu du, tiêu chuẩn là hai nghìn ki-lô-mét trở lên, nơi ấy đàn bà vừa đẹp vừa biết chiều đàn ông. Hội nghị Diên Hồng lần thứ hai của các bô lão tuổi trên năm mươi đã diễn ra trong hoàn cảnh không thể trì hoãn được, giặc ngoại xâm ở đây là hai vô tuyến đen trắng chỉ một tháng đã mua chuộc toàn bộ dân Quyết Thắng tuổi dưới bốn mươi. Những ý kiến các cụ bô lão đưa ra thật táo bạo nhờ sự thiếu kinh nghiệm diệt loại giặc hiện đại này. Cụ thứ nhất đề nghị xin ban kiểm duyệt đài truyền hình làm riêng một chương trình cho Quyết Thắng. Cụ thứ nhì đưa ra ý định nhờ công an huyện tịch thu cả hai vô tuyến. Cụ thứ ba rút giấy viết thư cho sở điện lực yêu cầu cắt giúp điện làng vào các buổi tối. Cụ thứ tư có lẽ khôn ngoan hơn cả cho là đằng nào thì cũng không diệt hẳn được vô tuyến chi bằng không cấm nhưng chỉ cho xem thời sự, thoải mái cả trong nước lẫn quốc tế, vì đúng ra mà nói chương trình này có tinh thần bảo vệ làng quê hơn cả những dân quê kì cựu.

Các cụ trong làng có một nói một chứ đâu dám đêm nào cũng tăng tổng sản lượng lúa lên vài phần trăm, cũng chưa cụ nào hồn nhiên vơ đũa cả nắm rằng mọi thử thách của nông thôn Quyết Thắng đều vượt qua và người tự cao tự đại nhất trong các cụ cũng không dám kết luận dân quê ta là tinh hoa của loài người rồi chê tư bản toàn trộm cắp, đĩ điếm, khủng bố, si đa, ma-phi-a, tống tiền. ý kiến thứ tư cuối cùng cũng bị loại như các đề nghị khác bởi tính không hiện thực của nó. Ai sẽ canh vô tuyến để lúc nào đến chương trình thời sự thì mở cho bọn trẻ vào lúc nào hết thì lại đuổi chúng ra. Làm được việc này khó ngang kêu gọi đầu tư nước ngoài. Cứ thế hội nghị Diên Hồng họp mãi không tìm ra giải pháp cũng chẳng có Trần Quốc Toản mười lăm tuổi nào nghe trộm để tay không bóp nát quả cam. Bọn trẻ mười lăm tuổi ngày nay còn đang mải mê xem vô tuyến và mơ được trốn đi xa càng xa càng tốt mặc kệ làng này cho đám bô lão. Chiều hôm sau, chiều mồng chín tháng giêng âm lịch, cả làng Quyết Thắng kinh sợ vì nghe thấy ba tiếng nổ vừa giống tiếng pháo đùng vừa giống tiếng trống làng nhưng không biết nổ ở đâu. Các bô lão tuổi trên năm mươi vội vàng kéo về đứng trước ủy ban nhân dân, đã thấy toàn bộ thanh thiếu niên đang đốt pháo đùng phá hội trường cũ xây hội trường mới lớn hơn để ngồi xem vô tuyến cho giống Hà Nội.

Ngoài đồng chẳng còn một ai, có lẽ mọi người nghe tiếng nổ đã chạy mất. Phía sau ủy ban là chợ làng. Lúc này trong chợ có ba bà bụng chửa tuổi năm mươi ngồi bán miến khô, ba bà già tuổi bảy mươi bán muối và cá khô. Có thêm một cô trẻ nhất tên là Liên ngồi xõa tóc lá bay. Cô bán măng khô và bánh đa khô. Má cô lúc nào cũng hồng. Mắt to và xếch như mắt tượng chùa. Ba quả pháo nổ to quá làm cô mất cả buồn ngủ. Người Quyết Thắng chạy hết đi xem pháo chẳng ai còn nghĩ đến măng khô miến khô lẫn bánh đa khô nên cô nghỉ bán hàng, tối còn xem phim. Hội trường cũ bị phá để cho hội trường mới nên hai cái vô tuyến phải đến ngồi trên hai cửa sổ phòng làm việc của ủy ban, quay mặt ra bên ngoài. Đầu năm hai nghìn đài truyền hình Trung Ương cho chiếu món ái tình lịch sử đầu bếp Trung Quốc nấu khéo ăn mãi không chán. Cả làng Quyết Thắng ngày ngày khiêm tốn cho vào nồi luộc lúc ngô lúc sắn lúc bánh đa khô với muối và đậu phụ, nhưng tối tối lại mang chăn cùng chiếu ra nhòm hai cái cửa sổ ủy ban để thưởng thức cao lâu Trung Quốc, ngồi cùng mâm với Tần Thủy Hoàng, nằm cùng giường với Từ Hi Thái Hậu.

Liên là gái có chồng không thể vừa xem vô tuyến vừa liếc mắt về bốn phía như bọn gái làng đành lấy việc chờ chồng làm lẽ sống, tiếp tục chia xẻ cô đơn cùng các nữ nhân vật phim nhiều tập. Cả làng khen cô chăm chỉ bán hàng từ hồi chưa lấy chồng ngoài Hà Nội, chồng đi nước ngoài vắng lại chăm chỉ về làng bán hàng. Thực ra cô chỉ được ở cùng chồng trong cùng một căn hộ của bố mẹ chồng ở Hà Nội vẻn vẹn có ba ngày. Chồng cô tên là Hiển, chuyên nghề buôn quần áo bảo hộ lao động giữa Hà Nội và Quyết Thắng, ba ngày trước khi đi châu Âu thăm chị gái đã đèo cô đằng sau xe đạp hai mươi cây số về nhà bố mẹ anh để bố anh dẫn đi làm đăng ký kết hôn ở ủy ban nhân dân quận Đống Đa, Hà Nội. Cô ở lại với chồng trong một diện tích ba mét vuông đằng sau chiếc rèm vải hoa vừa đỏ vừa vàng, đủ cho chiếc giường đôi và hai đôi dép. Vượt qua bức rèm là diện tích nấu ăn rộng hai mét vuông rồi mới đến giường của bố mẹ chồng. Ba ngày cô cũng nấu được sáu nồi cơm cho sáu bữa, một lần xuống tắm ở buồng tắm chung cho mười bảy gia đình dưới sân.

Cô chỉ kịp làm quen với bố mẹ chồng và một chị bán bún riêu trước cửa nhà. Cô chị cả đã đi xuất khẩu lao động ở Đức từ mười năm rồi, bây giờ làm giấy mời em trai sang chơi ba tuần. Cô chị thứ hai cũng đã lấy chồng ở ngay Hà Nội nhưng hay cãi nhau với bố mẹ thỉnh thoảng mới về chỉ để ngồi lại năm phút nên cô không bao giờ biết mặt. Ngày thứ tư Hiển ra sân bay thì Liên mới về làng thông báo với mọi người cô đã lấy chồng. Ba tuần nữa Hiển sẽ từ châu Âu về làng đón cô. Thế rồi ba tuần thành ba tháng rồi thành ba năm. Ngày mồng một tết nào cô cũng mượn xe đạp đạp một mình hai mươi cây số ra tận nhà bố mẹ chồng. Bố chồng tết nào cũng bảo cô chuyện dài lắm nhưng chẳng nên lo lắng làm gì. Mẹ chồng cũng nói rằng chuyện dài lắm nhưng Hiển muốn ở lại Đức khi nào có đủ giấy tờ có đủ tiền sẽ về đón cô đi. Sang Đức thì tha hồ mà đẻ con. Thế rồi tết nào cô cũng ngoan ngoãn bảo cô sẽ chờ anh bao nhiêu lâu cũng được, chuyện có dài cũng không dài bằng sợi chỉ hồng một đầu buộc cổ chân cô đầu kia sẽ bò sang tận nước Đức buộc nốt cổ chân Hiển. Thực ra cô nghĩ bụng đám con gái Quyết Thắng từ hồi xem vô tuyến cứ mong lấy chồng Hà Nội mà có đứa nào tìm được chồng, trừ một mình cô.

Chồng đi vắng còn hơn không có chồng. Ngày mồng một tết năm hai nghìn bố mẹ chồng cũng tặng cô một chiếc ảnh để trong phong bì, nói là của chồng cô gửi. Ngày mồng một tết cô xuống phố trước khi về làng còn đạp xe một vòng hồ Hoàn Kiếm, ăn hai chiếc kem que, gửi xe đạp rồi mua một vé xem phim ở rạp Tháng Tám. Cuốn phim kể chuyện một cô gái nông thôn lấy chồng Hà Nội, anh chồng đi Pháp làm luận án phó tiến sĩ rồi tiến sĩ được năm năm rồi yêu một cô gái người Đại Hàn rồi sống cùng nhau rồi đẻ con. Năm năm sau cô gái Đại Hàn lại ôm con bỏ đi lấy một anh người Pháp. Anh chồng người Hà Nội sau mười năm trên đất người hối hận trở về nước đi tìm vợ cũ thì cô vợ cũ từ chối không cho vào nhà gặp con. Anh buồn bã nói hai câu cuối cùng với rạp chiếu phim lúc ấy chỉ có sáu khán giả có lẽ vì là ngày Tết: tôi hối hận lắm. Tôi sẽ xung phong về làng quê đem kiến thức của tôi giúp bà con xây dựng nhà máy thủy điện. Đèn bật sáng Liên mới nhận thấy mắt cô ướt đầm đìa. Cô ngồi lại một mình trong rạp để khóc nốt. Cuốn phim làm cô hiểu rằng Hiển sẽ chẳng bao giờ về tìm cô trước thời hạn mười năm trước khi anh hối hận nên càng khóc to hơn. Anh bảo vệ cũng không nỡ đuổi cô ra khỏi rạp. Khóc xong cô ra phố lấy xe đạp rồi mở chiếc phong bì xem ảnh chồng cô gửi về thì chỉ thấy một chiếc ô tô rất đỏ lao thẳng vào mặt cô, phía sau là phố đầy tuyết trắng.

Tối mồng ba mồng bốn mồng năm tết đều có ba câu truyện truyền hình trên vô tuyến đều kể lại chuyện đời cô. Cả ba cô gái mỗi cô mất một chồng. Cả ba anh chồng đều chia nhau đi xa mỗi người một nẻo theo đúng thứ tự từ trái sang phải: Thái Lan, Nhật, Đức. Ba kết thúc do ba tác giả sáng tác nên có khác nhau. Cô thứ nhất li dị chồng và sống hạnh phúc với một trai làng đã theo đuổi cô ngay từ đầu câu chuyện. Cô thứ hai viết thư sang nhờ đại sứ quán Việt Nam ở Tokio can thiệp, anh chồng bị gửi về nước, lại chung sống hạnh phúc với cô. Cô thứ ba mua vé máy bay đi du lịch nước Đức, sang đến nơi đánh cho cô nhân tình một trận, định mang chồng về thì lại yêu luôn một kĩ sư đồng hương, cả hai cùng quay về nước xây dựng tổ quốc xây dựng gia đình. Liên thấy ba phim kết luận đều không thực tế. Cô nghĩ không đủ can đảm đến hội phụ nữ Quyết Thắng nhờ viết hộ đơn xin li dị cho cả làng vui sướng. Cô cũng không biết nhờ ai ngoài ủy ban làng cô gọi hộ Hiển về. Mua vé đi Đức cô không có tiền, kể cả vé tàu thủy hoặc tàu hỏa. Nói chung xem phim là để cho sướng mắt chứ để áp dụng lại thì còn khó hơn lấy chồng. Cuối cùng cô tự nhủ sẽ tha thứ cho Hiển, cho bọn gái làng tha hồ mà ghen tức. Cô sẽ chờ chồng và giống như các nhân vật nữ giầu lòng vị tha của nền điện ảnh Việt Nam, cô cũng hy vọng về một hay nhiều kết thúc có hậu. Ôi happy end.

Ba ngày lấy chồng được xem vô tuyến cùng gia đình nhà chồng toàn người Hà Nội cô cũng học được ba từ ôi happy end chồng cô tuyên bố vào cảnh cuối mỗi phim. Cô cũng nhớ mãi câu cuối cùng anh nói với cô ba năm trước: chỉ ba tuần thôi, rồi tất cả sẽ happy end. Đêm đêm trước khi ngủ bao giờ cô cũng làm một vài giả thiết cho dễ ngủ. Happy end thứ nhất có thể là cảnh sân bay Hiển xách va li về nước, cô để mặc nước mắt rơi như mưa rồi mới ngả đầu vào ngực chồng, xung quanh họ nhất định phải là nắng nhảy nhót hoa nở tưng bừng, những người bên cạnh bỗng dưng biến mất còn nhạc ngân lên khúc cao trào. Happy end thứ hai có thể là cảnh nhà riêng của cô ở làng Quyết Thắng, Hiển trở về không báo trước, cô sẽ quay mặt đi giận dỗi, anh sẽ lại bên cô cầm lấy tay cô rồi hai vợ chồng chạy thật chậm như trong phim quay chậm, trên đầu vài cánh diều hoặc vài quả bóng cũng bay thật chậm, nhạc im dần cho đến khi người xem nhìn thấy chữ hết rất khiêm tốn giữa màn ảnh. Happy end thứ ba được giả thiết muộn hơn khi cô ngồi ngoài chợ, chính giữa ban ngày, cho khỏi buồn ngủ vì chợ vắng người mua. Có một thanh niên Hà Nội đến Quyết Thắng tìm cô, nói là anh Hiển gửi vé máy bay về để cô đi sang Đức gặp chồng.

Giả thiết chưa được kết luận thì cô đã thấy ngay trước mặt một anh trẻ tuổi chắc chắn người thành phố vì mặc quần bò mài đầu gối, lại đeo kính đen. Anh hỏi: chị ơi, chị có phải là Liên không. Liên lúc đầu hoảng sợ quá vì happy end chưa được cô nghĩ đoạn kết đã vội vàng bắt đầu. Anh trẻ tuổi nói tiếp: tôi biết chị chính là chị Liên nổi tiếng nhất làng. Liên vẫn im lặng vì sợ. Anh bèn ngồi xuống đối diện với cô, ở giữa là rổ măng khô, rồi bảo: tôi tên là Chương, rồi cứ im lặng ngắm cô không chớp mắt. Mãi sau Liên mới hỏi khẽ: anh có phải là bạn thân của anh Hiển không, rồi rưng rưng nước mắt vì nghĩ có lẽ anh mang tin dữ về cho cô. Anh vẫn im lặng, chỉ nhìn cô gái đang cúi đầu xuống đám măng khô, anh cứ tưởng tượng đấy là hoa đu đủ khô.

Năm phút sau anh mới nói chậm rãi: chị ơi, sao chị lại khóc. Tôi đã biết chuyện của chị. Tôi biết ba năm thời bình dài bằng ba mươi năm thời chiến. Tôi biết phụ nữ Việt Nam khổ như thế nào. Tôi biết nhiều cô gái chỉ vì chữ danh dự mà mất hết tuổi xuân. Tôi cũng biết nhiều thiếu nữ chỉ vì chữ tuổi xuân mà mất hết danh dự. Tôi biết nhiều bà mẹ mất chồng rồi lại mất con vì chiến tranh. Tôi biết nhiều phụ nữ không lấy được chồng vì trong làng không còn đàn ông. Tôi đi tìm làng Quyết Thắng mãi. Tôi đi tìm chị mãi. Tôi không biết rằng đường tắt bằng xe đạp chỉ dài hai mươi cây số từ Hà Nội. Tôi đã phải đi năm mươi cây số bằng đường xe máy đến tận thị xã Hà Sơn Bình mới có một con đường duy nhất dài ba mươi cây số đi ngược về Quyết Thắng. Tôi đã gặp ba mươi người dân Quyết Thắng người nào cũng bảo phải đến gặp chị. Chị là người phụ nữ duy nhất ở đây lấy chồng Hà Nội. Chị là người phụ nữ đau khổ nhất làng. Liên càng khóc nhiều hơn. Cô nghĩ Hiển chết rồi nhưng chẳng nói được câu nào.

Anh trẻ tuổi tên Chương bỏ kính đen ra như muốn nhìn cô cho rõ hơn. Rồi bảo: tôi đang làm một phim truyện. Tôi cần người đóng một vai nữ. Liên ngừng khóc, rồi nhìn vào mắt anh đạo diễn điện ảnh. Chữ diễn viên chưa bao giờ xuất hiện trong đầu cô. Nghề điện ảnh còn xa hơn cả nước Đức xa xôi, còn mỏng manh hơn cả sợi chỉ hồng nối liền cổ chân cô và cổ chân Hiển, và nhất định chẳng thể có chỗ cho những người như cô, như chồng cô, như đám con gái làng Quyết Thắng. Cô hâm mộ truyền hình, đi xem vô tuyến như con chiên ngoan đạo đi lễ nhà thờ nhưng tất cả những gì cô biết về giới văn nghệ sĩ là nữ diễn viên đoàn chèo tỉnh mà cô đã gặp một lần ngoài chợ và anh họa sĩ người Hà Nội vẫn đến vẽ phong cảnh ở rìa làng. Cô thấy họ như người hành tinh khác, thậm chí còn xa lạ hơn cả dân thành phố. Họ đến rồi lại đi. Họ không có những lo âu mà cô phải lo. Cô không thể tưởng tượng anh họa sĩ có thể lấy cô làm vợ hay nữ diễn viên chèo lại đem lòng yêu một người như Hiển. Cô hoang mang từ chối bằng một câu đại khái là cô hoàn toàn không biết đóng phim. Chương nói ngay: tôi không cần một diễn viên chuyên nghiệp. Tôi cần một phụ nữ đau khổ kể lại chính câu chuyện đau khổ đời mình, bằng ngôn ngữ của điện ảnh. Anh nói rất nhanh như đã đoán trước câu trả lời của cô, như dị ứng với từ diễn viên chuyên nghiệp.

Sau này, khi đã quen cô hơn, anh mới giải thích rõ đủ cho cô hiểu rằng phim trường bây giờ heo hút tựa sa mạc. Ba cuốn phim một năm như ba vị khách du lịch hiếu kì chỉ vừa đủ để ốc đảo điện ảnh không bị xóa tên trên bản đồ nghệ thuật Việt Nam, thành thử không biết định nghĩa thế nào là diễn viên chuyên nghiệp. Họ có thể xuất hiện chỉ một lần ở liên hoan phim Việt Nam hoặc tấp nập đi ra đi vào hội điện ảnh nhưng không nhất thiết là cứ phải ở trong một phim nào đấy. Chưa kể những người đã tập hàng trăm vai trong năm năm ở trường đại học điện ảnh, nỡ lòng nào gọi họ là diễn viên không chuyên. Rồi ăn nói làm sao đây cho ai đấy có dịp xem đóng phim được thấy những người càng được coi là chuyên nghiệp càng tự thấy không có nhu cầu tập luyện trước. Họ cũng rất hồn nhiên tự biên tự diễn và tùy cơ ứng biến coi chỉ riêng sự có mặt của họ đã là một vinh dự cho phim. Sức khỏe của họ chắc phải quí như vàng nên họ chi tiêu nó một cách rất dè xẻn.

Liên bảo Chương là từ ngày làng cô có vô tuyến cô chẳng bỏ một phim nào, cho đến bây giờ thì cô thấy mình có thiện cảm với phim trong nước hơn cả và thấy vững tâm lắm khi nhìn một diễn viên nam Việt nằm trên bụng một diễn viên nữ Việt bởi cô biết là mồ hôi chảy như suối trên màn ảnh chỉ là nước từ vòi hoa sen phun ra mà thôi. Liên cũng tâm sự thêm với Chương rằng từ ngày xem vô tuyến mới thông cảm với chồng hơn và nghĩ rằng Hiển cũng chỉ vì nghiền phim ảnh mà ôm mộng đi xa. Khi nghe Chương nói trước khi gặp cô anh cảm giác như đứng giữa ngã ba đường, cô đã hỏi anh bị lạc ở đâu và Chương im lặng để không phải giải thích cho cô rằng lần tuyển chọn nào cũng kết thúc lửng lơ khi các ứng cử viên nhất là các hoa hậu á hậu và người mẫu thời trang chỉ lo cho lòng tự trọng đừng bị ai xâm phạm chứ không sợ đánh mất cái lịch sự. Cách chọn qua ảnh cũng đã được tiến hành để không phải cư xử ân cần hơn với người này tế nhị hơn với người kia không phải mất công thu nhặt lại tất cả những danh dự bị bỏ rơi mà chẳng vị chủ nhân nào quay lại tìm.

Trong căn phòng của mình ở Hà Nội, Chương đã cho Liên xem một trăm hai mươi tấm ảnh, tất cả đều là ảnh màu, đều trình bày một nụ cười ba phần tư, đều có ánh sáng ven, đều má hồng môi đỏ, đều bóng như gương. Cô đã thốt lên: ôi những nàng tiên cá, rồi hỏi: anh Chương ơi ngoài biển Trung Quốc chắc cũng có tiên cá chứ. An-đéc-xen là của chung của nhân loại, Chương cũng thốt lên. Liên định hỏi anh thêm sen cũng mọc ở ngoài biển à thì Chương đã bắt đầu tâm sự với cô rằng anh đặt biết bao hy vọng vào một trăm hai mươi nàng tiên cá châu Á này để chọn sang một bên mười hai khuôn mặt tuyệt vời nhất, Việt Nam nhất, để cuối cùng đành kết luận rằng mình đã khá ngây thơ trước những nghiệp vụ quá ư nguyên thủy. Người Việt vốn khéo tay, các nhà nhiếp ảnh còn tinh tế hơn, đến mức khuôn mặt quyến rũ trên ảnh hóa ra mang hình quả đu đủ dưới ánh sáng trời, mang cả đôi môi còn hứa hẹn hơn cả tấm ảnh, vì chúng lớn gấp đôi và không thể tự khép lại được.

Liên bảo: sao anh không nhờ các nhân viên Bộ Nội Vụ giúp một tay em thấy anh Hiển nhà em chụp bao nhiêu ảnh còn đẹp trai hơn cả diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp thế mà ở chỗ làm hộ chiếu người ta cứ bảo là nhầm ảnh rồi chụp cho một cái khác trông thì chỉ hơn bọn trai làng Quyết Thắng một tị làm em tiếc mất ba tuần liền. Đấy là những gì Liên và Chương nói với nhau trong nhiều buổi tối sau này ở Hà Nội và ở Sài Gòn còn chiều hôm ấy, bên rổ măng khô đầy, cô hầu như im lặng và anh chỉ nói về nông thôn miền Bắc lạc hậu đến thế nào đến bao giờ, về những cánh đồng hứng nước mưa thì ít hứng nước mắt thì nhiều, về những mùa đông buồn không nghe thấy cả tiếng trẻ khóc, về những ô cửa sổ buồn, những phố buồn, ở đâu cũng có những người buồn, những câu chuyện buồn. Thế rồi chiều hôm ấy, cũng buồn như nhiều buổi chiều khác, Liên gánh hàng về nhà, tìm một chiếc túi du lịch, cho vào bên trong tất cả tài sản của cô: ba chiếc áo sơ mi dài tay, ba chiếc quần lụa đen, một chiếc áo mùa đông, hai trăm nghìn đồng để trong phong bì cùng tấm ảnh có chiếc xe ô tô màu đỏ. Hệt như lần quyết định của ba năm trước khi đi Hà Nội lấy chồng, cô không nói với bất kỳ ai, không chào tạm biệt ai. Trước khi ra đến cửa, trước khi ngồi vào sau xe máy của anh trẻ tuổi tên Chương, trước khi rời làng, cô tháo sợi chỉ đỏ vẫn buộc cổ chân cô từ ba năm nay thắt vào chân giường. Cô dẫn anh đi theo con đường ngắn nhất về Hà Nội mà trước kia chỉ dành riêng cho xe đạp. Đi đâu cô không biết, để làm gì cô không biết, chỉ biết là để đi khỏi làng Quyết Thắng, đi khỏi nước Đức xa xôi. Cô đi tìm một happy end.

Ngày hôm sau vào tám giờ sáng giờ Hà Nội, tám giờ sáng giờ Sài Gòn, có một thanh niên Việt Nam chợt thức dậy, nhưng đồng hồ lại chỉ hai giờ sáng giờ Béc Linh, bởi một giấc mơ kì lạ. Từ mười lăm đêm nay, đêm nào anh cũng mơ thấy một sợi chỉ đỏ một đầu bò đến quấn chặt lấy cổ chân anh, còn đầu kia không biết nối vào đâu, làm anh không thể nhích nổi một bước. Sợi chỉ nhỏ mà không đứt được. Mười lăm đêm rồi cứ thức dậy là anh lại thấy chiếc gối ướt sũng không biết vì mồ hôi hay vì nước mắt. Rồi không thể nào ngủ tiếp được nữa, anh thức luôn cho tới bảy giờ sáng. Đêm thứ mười lăm anh đánh thức cả cô bạn gái đang nằm cạnh, cũng vào hai giờ sáng giờ Béc Linh, định kể về giấc mơ kì lạ định rủ cô uống nước chè nhưng cuối cùng anh chỉ nói: tại sao người Việt Nam đi đâu cũng khổ. Năm giờ sau cô bạn gái của anh mới tỉnh ngủ hẳn, mới hỏi lại anh: tại sao lại khổ. Anh chỉ bảo tại vì anh nhớ Hà Nội quá, làm cô cứ buồn cười mãi. Vừa uống cà phê sữa buổi sáng vừa ăn nửa chiếc bánh mì quét thịt lợn sống vừa cười ầm ĩ. Cô bảo anh: con trai mà lại lãng mạn. Đến tám giờ sáng cả hai ra đến chợ, cô vẫn còn cười.

THUẬN

Không có nhận xét nào: