Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

Nữ Sinh Tầm Gửi



Khoảng 4-5 năm trở lại đây, hiện tượng nữ sinh viên “tầm gửi” ở Hà Nội được nhắc đến ngày càng nhiều. Hầu như trường đại học nào cũng có những nữ sinh viên sẵn sàng bán rẻ phẩm tiết để nuôi thân, bất cần “đối tác” trao tình gửi phận là ai.

Nhục hơn nô hầu
T., một nữ sinh viên, ngay từ năm 1 Trường ĐH KTQD đã phải đi làm oshin cho một chủ hộ giàu có ở Kim Liên. Gần một năm học trôi đi, bạn bè trong lớp chỉ biết T. phải làm oshin theo ca để mỗi tháng kiếm 300.000 - 400.000 đồng mua sách vở, đóng học phí... Ai cũng thương nhưng chẳng thể giúp được gì. Đùng một cái có tin cô bị bà chủ đánh ghen, vì bà ta phát hiện cô cặp bồ với anh chồng gần 40 tuổi của mình.

Trong khi đó, T. cũng đã có người yêu là sinh viên học cùng trường. Nhưng họ chỉ có tình yêu và cảnh nghèo thôi nên cũng chẳng giúp gì được nhau. Anh chồng rất sợ vợ, còn khai rằng hai bên đã lén lút quan hệ được gần 1 năm, đã từng làm T. có thai, phải lén lút xuống Hải Phòng nạo hút. Anh ta cũng đã chi thêm cho T. khá nhiều tiền bao hằng tháng chứ không chỉ khoản tiền công giúp việc nhà. Tại sao T. cặp bồ với anh ta là một câu hỏi ngây thơ mà cũng rất khó lý giải.

T. không cần tiền để theo trai đến vũ trường, cô cũng không cần nhu cầu đến quán bar, đi hát karaoke, không cần nhiều quần áo đẹp... và lại càng không cần nhu cầu “có đàn ông”, nhưng cuộc đời nó thường cuốn theo chiều gió. Sau vụ đó T. và chàng người yêu sinh viên cũng chia tay. T. cũng không đi làm oshin nữa, gần đây cô lại đang cặp bồ với một gã đàn ông khác.

Cũng thân “tầm gửi” nhưng nhiều nữ sinh còn chịu nhục hơn cả nô hầu thời xưa. Một nữ sinh tên L., học năm 2 Trường ĐH NT, cặp bồ với một gã trung niên ngoài 30 tuổi, làm chủ ba cửa hiệu kinh doanh điện thoại di động cũ, mặc dù chưa vợ nhưng anh ta nói thẳng với cô rằng anh ta không có ý nghĩ lấy cô làm vợ.

Cứ mỗi lần L. ỏn ẻn xin tiền, gã lại lôi tổ sư, cha mẹ cô ra chửi. Lần nào vào ký túc xá đón cô, thấy một số sinh viên trai trẻ thập thò đến phòng tặng hoa gửi quà, hắn cũng lôi L. đến một quán bar tra nã như điều tra viên hỏi cung tội phạm, nhưng L. vẫn không trốn chạy được vì cô còn nợ tiền gã, phải trả lại thì gã mới cho “phóng sinh”.

Nữ sinh viên T.Tr., thì “ký sinh” vào một gã trung niên đã có vợ và hai con sống tận Hải Phòng, hiện đang làm kiến trúc sư tại Hà Nội. Khi tán tỉnh cô, gã sắm cho cô rất nhiều đồ quí, đắt tiền: nhẫn vàng, bóp, váy, kem, son, túi, xắc, vòng cổ, hoa tai, áo choàng lông... nhưng chỉ yêu nhau được vài tháng, sau khi đã xơi tái “một tòa thiên nhiên” thì gã tỉnh queo lột lại tất cả vật dụng mà gã tặng cô rồi “chuyển nhượng” cho tay bạn, đương khi T.Tr. đang nóng tiền đóng học phí vì không đóng thì nhà trường cho nghỉ thi.

Đến lượt gã này bẻ hoa vặt nhụy chán lại “chuyển nhượng” tiếp cho một gã bạn buôn xe máy ở Bà Triệu mà T.Tr. cũng đành phải buông xuôi dòng đời vì đối với cô đó là cách duy nhất để sinh tồn!

Nỗi đau “dây tầm gửi”
“Nữ sinh viên bây giờ thực dụng lắm. Muốn quen thì phải có cái gì cho mấy em. Muốn yêu thì phải có quà đặc biệt. Yêu suông chẳng được đâu” - H., 29 tuổi, nhân viên của một công ty thuê trụ sở trên tòa nhà xanh HITC, nói. H. đã có vợ thế nhưng vẫn săn được một nữ sinh viên năm 3 Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cô biết H. đã có vợ nhưng vẫn yêu vì H. thoáng tay cung cấp cho cô nhiều thứ đúng lúc.

Cô công khai với cả phòng ký túc xá: “Anh H. chỉ là bồ tao thôi, anh đã có vợ”. Thi thoảng H. cũng ra vẻ nhân văn, bảo: “Anh thật có lỗi với em. Anh ăn nằm với em như vậy mà lại không thể lấy em được, không biết rồi đây em ra sao?”. Cô thản nhiên: “Anh thương em anh cứ cho em thêm tiền chi tiêu là được”.

Hiện tượng sinh viên “tầm gửi” khiến tôi giật thót hơn khi được biết hiện ở Hà Nội còn xuất hiện cả những “đường dây môi giới cặp bồ sinh viên”, “đường dây tầm gửi”, hay phải nói đúng hơn sinh viên “tầm gửi” đang ngày càng chuyên nghiệp hơn... Nói môi giới cho tiện gọi, thực tế thì không phải bỏ ra khoản phí nào, được thực hiện giữa các nhóm bạn, mối quen, huynh đệ với nhau.

Theo cách đó, cùng một lúc tôi nhận được lời giúp đỡ từ hai người bạn khi họ tiết lộ hiện trong danh bạ điện thoại của họ có cả tá sinh viên Trường Múa, Trường Sân khấu điện ảnh, Trường cao đẳng Nghệ thuật quân đội, Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Luật Hà Nội... có nhu cầu “ký gửi”, “miễn là ông tỏ ra chịu chơi, quần áo, xe cộ, ví tiền, điện thoại... trông mốt, phong lưu một tí, nhưng quan trọng hơn là phải chịu chi một tí”.

Một người bạn khác hứa hẹn sẽ dẫn đường mở lối nếu tôi có nhu cầu nuôi “tầm gửi” vì hiện anh ta đang nai lưng nuôi tới 4-5 “con” (tức nữ sinh tầm gửi, cách gọi của anh ta).

Thật éo le khi xã hội ngày càng xuất hiện những biến động tâm lý mới. Những năm đầu thập niên 1990, ám ảnh nhất của sinh viên khi bước chân vào giảng đường đại học là cảnh những nữ sinh viên tự tử vì tình - hình ảnh dễ bắt gặp và day dứt là nữ sinh treo cổ lên móc trần, uống thuốc độc, nhảy hồ... khi bị người yêu ngoại tình, ruồng bỏ, “chạy bụng”...

Những nữ sinh đó đã sống si tình, coi tình yêu là tặng phẩm thiêng liêng, không chấp nhận giả dối và phản bội. Nay thì có nhiều nữ sinh sẵn sàng bán rẻ phẩm tiết, tình yêu non tơ của mình để nuôi thân, bất cần “đối tác” trao tình gửi phận là ai, chỉ cần anh ta, ông ta chi trả nhiều tiền.

Trong con mắt nhiều người, giảng đường đại học là nơi thật lý tưởng, nhưng phía sau các giảng đường lại tồn tại một tiểu xã hội vô cùng đa dạng thì không phải ai cũng biết được.

Hầu như trong mùa khai giảng năm nào Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng mời một số cán bộ quản lý an ninh trật tự xã hội ở Hà Nội vào nói chuyện chuyên đề cho tân sinh viên, như một cách để nhắc nhở và giáo dục các tân sinh viên chuẩn bị hành trang tinh thần, phẩm chất cần thiết đặng có thể đi suốt 4-5 năm đại học.

Mỗi lần nói chuyện, họ lại không thể không dẫn ra những trường hợp sinh viên cặp bồ với người già, sinh viên “tầm gửi” và những kết cục đau thương để giáo huấn lứa sinh viên mới đừng mắc phải vết xe đổ. Nhưng kỳ thực cuộc đời chẳng biết đâu mà lần...

Không có nhận xét nào: