Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007
Người Tình Người Đẹp Xinh Xinh
Phận làm thiếp
Có rất nhiều những cô gái xinh đẹp, có học thức nhưng chỉ thích yêu những người tinh tế, giàu có, sành điệu. Nhưng than ôi, những người galant, tinh tế, sành điệu, giàu có lại đều đã có vợ. Thế nên, có nhiều cô nàng lao vào yêu người có gia đình mà những người đàn ông đó thì ít khi đánh đổi vợ con để lấy một cô bồ. Vậy thế, cái cảnh nhân già ngãi trẻ vẫn cứ tồn tại.
27 tuổi, năng động nên Yến đã nhảy việc khá nhiều nơi. Nơi nào Yến đi qua cũng để lại một đống anh ngẩn ngơ vì sự ra đi quá chóng vánh của cô. Có nơi cô chỉ làm việc được 6 tháng, thấy ông sếp già vừa yếu năng lực mà lại có máu dê nên cô chuyển. Sang đến công ty thứ hai công việc đầy sức ép thì đồng nghiệp lại hay chơi xấu nên cô đành ra đi. Đến công ty thứ 3 thì công việc tạm ổn nhưng trong lúc đi công tác liên miên. Có khi một tháng, bố mẹ cô chắc chỉ gặp mặt cô được 3-4 lần. Công việc đó vắt kiệt sức lực khiến cô lại muốn chuyển việc. Lần này vì chưa tìm được nơi ưng ý nên Yến đành ngồi nhà giải lao đợi cơ hội mới cho mình.
Tình cờ trong một buổi xem triển lãm tranh cùng một người bạn Yến gặp Bình, một họa sĩ. Ngay lần gặp đầu tiên, Yến đã bị cuốn hút bởi tài năng và phong thái lịch thiệp của người họa sĩ tài hoa. Họa sĩ Bình, bằng sự từng trải trong cuộc sống cũng hiểu rằng Yến thích mình và ông cũng đặc biệt quan tâm đến Yến.
Sau lần gặp gỡ, họ tiếp tục liên lạc và tình cảm nảy nở là tất yếu. Dù đã trải qua một vài mối tình nhưng không hiểu sao lần này Yến thấy mình như đê mê trong cuộc tình với người đàn ông hơn bố mình vài tuổi, đã có gia đình cùng 2 cô con gái.
Bỏ ngoài tai những lời khuyên can cô vẫn cứ đâm đầu vào yêu Bình, chẳng suy tính hay màng tới việc sẽ phải chấp nhận khiếp chồng chung, thậm chí cả việc bố cô tuyên bố “từ” cô con gái duy nhất của mình.
Sau khi về ở với Bình, nghe lời anh, Yến không đi làm nữa mà bằng lòng với cuộc sống ở nhà chăm chồng con. Từ một người vui vẻ cô trở thành một người phụ nữ với nét mặt vô hồn. Những công việc thường nhật buồn chán làm cô bị bó hẹp trong một không gian sống tẻ nhạt.
Cuộc sống hiện tại của Yến chỉ quanh quẩn bên chồng và cậu con trai 5 tuổi, không giao lưu bạn bè, không cùng chồng ở các buổi triển lãm hay dự tiệc thậm chí không cả về quê.
Chỉ khi chồng ít về nhà hơn và đề cập đến việc phải có trách nhiệm với một cô gái trẻ 25 tuổi đã mang bầu, cô mới giật mình ngỡ ngàng không biết mình sẽ phải làm như thế nào?
Cùng chung phận "già nhân ngãi, non vợ chồng" như Yến nhưng cuộc sống của Thủy lại hoàn toàn khác. Xinh đẹp, làm công việc có điều kiện gần gũi với sếp, cô thư ký trẻ, sau 3 tháng làm việc đã lọt vào mắt xanh của ông giám đốc kinh doanh giỏi giang, năng động nhưng cũng đã có vợ con.
Không giống với những giám đốc khác phần nhiều là ra lệnh và nhân viên thực thi, đối với Thủy, giám đốc đặc biệt quan tâm, ưu ái và chỉ bảo cho cô hết sức tận tình.
Biết Thủy thích lái xe ô tô, trong thời gian rảnh rỗi, giám đốc không ngần ngại dạy cho cô cách lái xe. Đến khi cô giành được tấm bằng lái xe cũng là lúc hai người cảm thấy thật khó để thiếu nhau.
Ông bắt đầu trang bị cho ngôi nhà nhỏ của Thủy những vật dụng cần thiết cho một gia đình nhỏ. Và mỗi lần có thể “đi công tác” là ông đến với Thủy ngay.
Ông gọi Thủy là “cô vợ bé nhỏ”, còn Thủy cũng chấp nhận cuộc sống với chức danh ấy mà không hề đòi hỏi. Có lúc cô nghĩ tại sao lại phải chấp nhận cuộc sống với những thiệt thòi như vậy, cô thử đề cập đến việc để ông lựa chọn giữa gia đình và cô. Nhưng, cách ứng xử của ông khiến cô hiểu sự đánh đổi ấy với ông là không thể.
Cô tự an ủi mình tất cả những gì cô đang làm đây là vì tình yêu. Vì tình yêu người ta có thể làm tất cả. Chỉ đến khi cô nghe chuyện giám đốc dạo này quan tâm và ưu ái với kế toán trưởng rất nhiều , ông cũng hay có những món quà nhỏ tặng cô ấy. Cô không tin và bắt đầu theo dõi.
Mọi chuyện không nằm ngoài những gì cô nghe được. Cô ghen, và xông hẳn vào phòng giám đốc để trút giận. Sau vụ “bẽ bàng” ấy ông xin chuyển sang làm giám đốc một chi nhánh khác. Còn cô tiếp tục làm việc ở đây, nhưng vị giám đốc mới chẳng thấy giao việc cho cô, các nhân viên khác cũng nhìn cô với ánh mắt lạ lẫm.
Cô thấy mình là một người thừa tại công ty. Vị giám đốc cũ và cô thỉnh thoảng vẫn đến với nhau, cô thấy căm ghét ông nhưng mặt khác lại thấy thật khó để xa ông. Đó là mâu thuẫn đang tồn tại và cô không biết cách giải quyết nó.
Vì tình yêu người ta có thể làm tất cả, không quan trọng tuổi tác của đối tượng cũng như chuyện họ đã có gia đình hay chưa. Thậm chí hy sinh cả gia đình, hy sinh cả tương lai của mình để chấp nhận phận làm “thiếp” cho một người đàn ông. Đó là quan điểm của nhiều bạn trẻ. Song, khi bước vào mỗi một cuộc tình, mỗi người cần cân nhắc đến những cái mất và cái được, cũng như xem xét, tìm hiểu kỹ về đối tác của mình để không biến sự hy sinh cho tình yêu thành sự hy sinh mù quáng.
Có thể tuổi trẻ, khiến chúng ta không đánh giá hết tình huống và đối tượng của mình. Song, khi nhận ra bản chất của một con người làm ta thất vọng, cũng như sự trải nghiệm của bản thân là sự trải nghiệm đau lòng, mỗi người có thể thật khó vượt qua, bởi cái mất là quá lớn với họ.
Tuy nhiên, đương đầu với nỗi đau và sự mất mát là điều mỗi người cần học. Chỉ khi có sự đương đầu tốt mới đủ mạnh để vượt qua nỗi đau, vững vàng đứng lên và có quyết định đúng đắn cho mình. Nếu không có thể sẽ tiếp tục đi sâu vào lỗi lầm và người nhận thiệt thòi nhiều không ai khác là bạn gái.
Chán Cơm Thèm Phở
Chiếc xe hơi màu đen mới cóong xịch đỗ trước cửa một nhà nghỉ nằm khuất trong con đường nhỏ ở khu vực Trung Hòa - Nhân Chính, Hà Nội. Chẳng cần chú ý đến xung quanh, người đàn ông đầu tóc bóng mượt sực nức nước hoa khoác tay cô gái còn khá trẻ vào đăng ký phòng.
Không đợi khách phải nhắc nhở, hai người thanh niên phục vụ tại nhà nghỉ vội vã lấy tấm bạt trùm qua chiếc xe, che kín biển số. Rất chuyên nghiệp, cô gái bước lên cầu thang, còn người đàn ông nhận chìa khóa phòng, dặn dò mang đồ uống rồi đi theo. Sau hai giờ bên nhau, họ trả phòng, người đàn ông vội vã lên xe còn cô gái bước vào một chiếc taxi chờ sẵn. Cả hai tất tả về cơ quan làm việc khi đồng hồ đã điểm 13h45.
Nhân viên nhà nghỉ này chẳng buồn thống kê xem có bao nhiêu cặp tình nhân dắt nhau vào đây mỗi ngày. Khách đến rồi đi trong chỉ trong vài giờ nghỉ trưa, đa phần đều ăn mặc rất lịch sự, nom giống vẻ những có địa vị trong xã hội.
Có người bảo: "Nếu cho thang điểm 100, hôn nhân của tôi có thể chấm 80 điểm, 20 điểm còn lại tôi cần được bù đắp bên ngoài". Người thì nói: "Với gia đình tôi chỉ có trách nhiệm không có tình yêu. Vì con cái và lương tâm, tôi không ly hôn nhưng cũng không thể lừa dối tình cảm của mình". Có 1001 lý do để ai đó tìm đến những phút giây ngoài chồng, ngoài vợ. “Cặp bồ” bỗng chốc trở thành một thứ mốt thời thượng lan nhanh trong giới doanh nhân lúc nào không hay.
Ông Cường, giám đốc một công ty tư nhân chuyên về lĩnh vực xây dựng, trong một lần nhậu cùng bạn bè hùng hồn tuyên bố: “Vợ giống như món thịt bò, làm sao các ông chồng có thể nhai từ ngày này sang ngày khác, nếu như các bà vợ không biết tự đổi món bằng cách chế biến mình thành bò quay, bò tái, bò xào…”. Câu nói đầy ẩn ý của Cường khiến cả bàn nhậu toàn những ông chủ doanh nghiệp vỗ tay rầm rầm hưởng ứng. Minh chứng cho quan niệm khá thoáng của mình, Cường thay bồ như thay áo, cô nào cũng "bốc lửa" khiến không chỉ bạn bè mà ngay cả đối tác làm ăn cũng phải ngưỡng mộ.
Vợ đẹp, con ngoan, một tòa nhà khá sang trang ở giữa trung tâm Hà Thành - những gì mà Dũng, giám đốc một công ty chuyên về lĩnh vực du lịch đang có luôn được họ hàng, làng xóm coi đó là mục tiêu để họ phấn đấu. Ông cứ giữ cái hư danh về một gia đình lý tưởng của những năm 90 cho đến một ngày ông tham dự bữa tiệc chiêu đãi cùng bạn bè, rượu ngon, có các em chân dài chiều chuộng.
Đêm ấy, lần đầu tiên trong vòng 10 năm, kể từ khi cưới vợ, ông không về nhà, dù chỉ cách đó khoảng 4km. “Trẻ không chơi, già đổ đốn”, câu nói này quả là đúng khi áp vào trường hợp của ông Dũng. Được các em chân dài với “kỹ nghệ cao” chiều chuộng, ông trượt dài trên tình trường. Dù vẫn yêu con, có trách nhiệm với gia đình song cũng kể từ đó, ông bắt đầu sinh ra chứng “hám của lạ” và càng ngày ông càng thấy bà xã mình chậm đổi mới. Đi đâu cũng một kiểu tóc, một nụ cười quen thuộc, một lối ăn mặc giản đơn, khiến ông coi việc có em chân dài bên cạnh như một phần tất yếu trong các bữa tiệc tùng.
Chuyện xem "vợ là địch, bồ là ta" được không ít doanh nhân sử dụng như một phương châm hoạt động thời bình. "Sống trong lòng địch luôn nhớ đến ta, chiến sự xảy ra lại về với địch", Giám đốc một công ty chuyên về trang trí nội thất tại TP HCM ví von. Bản thân ông này cũng không giấu chuyện mình có tới 3 cô bồ cùng một lúc. Ông quan niệm có "em út" là để thêm hương vị cuộc sống và chia sẻ niềm đam mê riêng và những mệt mỏi trong công việc của mình chứ không phải là mục tiêu chủ yếu. Gần 20 năm chung sống, bà vợ ông hiểu tính "hoa lá" của chồng nên làm ngơ, miễn là ông vẫn chu toàn trách nhiệm với gia đình.
Mỗi tuần, ông bố trí lịch "làm việc" với các cô bồ gần như theo một lập trình máy vi tính. Thứ 2, 3 ông đi ăn trưa hoặc tối với cô Mai - chuyên gia về tư vấn pháp luật. Hai ngày kế tiếp, ông dành thời gian nói chuyện với người yêu khác - một PR gạo cội cho các công ty nước ngoài. Thứ 6 là thời gian với "bà vợ hờ" già nhưng có nhiều mối quan hệ trong giới quan chức. Thứ 7, chủ nhật không thể thiếu cô bé xinh xắn thư ký mới ra trường nhưng hát karaoke rất hay, nếu dẫn đi tiếp khách cuối tuần thì hết sức hiệu quả.
Ông cho rằng nếu công việc gắn thêm chút tình cảm vào sẽ thân mật theo kiểu gia đình. Chính quan niệm như vậy nên ông không ngần ngại ôm ấp hoặc đưa quý cô vào khách sạn. Thế nhưng, cô bồ nào cũng đòi hỏi được sở hữu tuyệt đối nên không ít lần ông rơi vào những tình huống "tréo ngoe". Các nhân viên công ty của ông cũng thường xuyên chứng kiến cảnh 3 bà một lúc xông vào văn phòng ngài giám đốc để "làm cho ra lẽ". Thậm chí, sau những trận om sòm như vậy, nhiều nhân viên che miệng cười khi thấy sếp bầm tím mặt mũi tay chân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, chủ một khách sạn trong con hẻm trên đường Phan Văn Hân, quận Bình Thạnh, Saigon, cho hay những trận đánh ghen doanh nhân không thiếu ở chỗ nghỉ của bà. "Khách đến thường chạy luôn xe vào sảnh khách sạn, để quay đầu ra ngoài, thế mà không hiểu các bà vợ làm thế nào cũng lần được dấu vết để theo bắt ghen", bà nói. Theo bà Huyền, những lần như vậy khách sạn lại phải thuyết phục khách hàng "tình thương mến thương" mà về nhà nói chuyện gia đình, chứ không dám gọi công an vì sợ mất khách.
Ông Hải, một giám đốc khác ở Saigon cũng vì cái tật hẹn hò ngoài luồng này mà đang đối mặt với phiên tòa ly hôn do vợ khởi động. Song, ông vẫn luôn phân trần: "Làm ăn thì phải vậy. Giống như các bữa tiệc tùng chiêu đãi, làm sếp mà không có "chân dài" sao đáng mặt doanh nhân thành đạt". Kết quả là tòaxử chấp thuận ly hôn, vợ ông được quyền nuôi con còn quyền điều hành công ty của ông dần dần do cô bồ thư ký thâu tóm, kể cả chuyện tài chính.
Hiện tượng ngoại tình hay cặp bồ trong giới công sở đang nổi lên như một căn bệnh của cuộc sống hiện đại, hầu hết xuất phát từ nhu cầu được giãi bày, chia sẻ, tôn trọng... của người vợ hoặc chồng khi gia đình xảy ra khó khăn, mâu thuẫn. Họ tìm đến với nhau không chỉ cho nhu cầu về thể xác mà đó còn là sự thiếu hụt trong tâm hồn.
"Tối nay có việc không về nhà" hay "Anh bận đi tiếp khách cơ quan" - nhiều người vẫn thường gọi điện thông báo với người nhà như vậy. Bận giao tiếp hay đi nhậu với hội bạn... vẫn là lý do chính đáng và thường gặp nhất mà các ông chồng hay nói với vợ mình. Nhưng vẫn còn một số lý do không thể nói ra là họ không muốn về nhà vì đã chán ngấy tiếng cáu gắt của vợ nhưng vì chút sĩ diện bản thân họ không muốn ly hôn. Mỗi người khi làm việc đều có những lý do riêng, rốt cuộc ai đúng ai sai bản thân cuộc sống cũng không có đáp án
Nguyên nhân dẫn đến việc đàn ông ngoại tình, phần lớn do người chồng không còn cảm thấy bị hấp dẫn từ chính người vợ của mình, hay họ chán ngấy cảnh gây gổ, cãi vã thường xuyên trong gia đình... Bên cạnh đó, sau nhiều năm kết hôn, nhiều bà vợ trở nên lười và thụ động trong việc chăm sóc bản thân mình. Khi không tìm được nét đẹp của vợ và không còn rung động nữa, họ sẽ đến với người phụ nữ khác.
"Ngọn lửa đam mê giữa vợ chồng lâu ngày dễ bị lụi tắt, người vợ phải lựa chọn thời cơ để thắp nó lên. Nếu không, ông chồng sẽ nhờ đến người đàn bà khác làm việc ấy. Và đó là một trong những lý do khiến đàn ông lập "phòng nhì", một chuyên gia tư vấn của tổng đài 1080 Bưu điện TP Hà Nội nói.
Phan Linh Anh
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét