Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

Tìm hiểu ĐÀN BÀ CON GÁI qua Tướng thuật


Bài này là cả 1 cuốn sách, dài lắm. Xin tạm trích 1 đọan thôi để mời quí vị đọc cho biết !

I - CÁI ĐẸP CỦA MẮT TỤC VÀ CÁI ĐẸP
DƯỚI MẮT CỦA THẦY TƯỚNG...

Cái đẹp tục nhãn thường thấy qua miệng các nhà văn như Lý Bạch từng ca tụng Dương Quí Phi bằng những câu thơ :

“Xuân tưởng nghê thường hoa tưởng dung...
Nhất chi nùng diệm lộ ngưng hương ...”

Hoặc trong bộ kinh ái tình của Ấn Độ tán tụng:

“Nàng uyển chuyển như con thiên nga, khoan thai yểu điệu. Đôi mông tuyệt diệu; đó là một trái Nitambini. Nàng đen tựa như một nụ sen, đẹp như Rathi nữ thần của khoái lạc.”

Người Y-Pha-Nho (Spaniard / Spanish ?) nói người đàn bà muốn hoàn toàn đẹp phải hội tụ đủ 30 (?) điều kiện :

Ba thứ trắng: da, răng và đôi bàn tay.
Ba thứ đen: Mắt, đôi mi và đôi mày.
Ba thứ đỏ: môi, má và móng tay.
Ba thứ dài: thân, tóc và tay.
Ba thứ ngắn: răng, tai và đôi bàn chân.
Ba thứ nở: ngực, trán và mi mắt.
Ba thứ hẹp: miệng, eo và gót chân.
Ba thứ bụ bẫm: cánh tay, đùi và bắp chân.
Ba thứ nhỏ: núm vú, mũi và đầu.

(Chú thích: Phải còn 3 thứ nữa mới đủ số 30 ; Hổng hiểu chạy đâu mất tiêu nhỉ ?)

Thi sĩ Ronsard say sưa tả mỹ nhân:

“J''aime la bouche imitante la rose
Au lent solei de Mai déclose.”

Tướng lý đã chẳng khác chi một gáo nước lạnh dội vào mặt văn chương cho văn chương tỉnh mộng nhìn vào thực tế tàn nhẫn. Sách tướng đưa ra quy luật :

"Mỹ nhân thường tác kỹ
(người đẹp thường hay làm điếm)."

Nếu ta đi vào các vũ trường, các nhà hát cô đầu hoặc những chốn ăn chơi tất không ai phủ nhận rằng nơi ấy có nhiều người đàn bà đẹp theo con mắt tục hơn là vào một dạ hội gồm các bà lớn tụ hội.

Nếu ta lại tách riêng mười kỹ nữ ra, ta sẽ dễ dàng tìm thấy từ 4 đến 8 người đẹp (tục nhãn), còn nếu nhìn các bà vợ của cả một nội các thì phải khó khăn lắm mới thấy vài ba mỹ nhân !

Tướng nhãn và tục nhãn khác biệt hẳn nhau ở điểm này. Nhưng chính tướng nhãn và tục nhãn lại gặp nhau trên một điểm khác đó là vẻ đẹp hoàng hậu, vẻ đẹp công chúa. Tuy nhiên vẻ đẹp ấy cực hiếm không phải lúc nào cũng có. Vẻ đẹp ấy là vừa đẹp người vừa đẹp tướng. Tại sao đàn bà có nhan sắc thường hay làm điếm ?

Sách tướng giảng rằng :

“Mỹ nhân thường tác kỹ, mỹ trung hữu chí sũ”
(Đàn bà nhan sắc làm điếm bởi trong vẻ đẹp có cái cực xấu).

Cực xấu ấy mệnh danh chuyên môn là "phá tướng." Tỷ dụ như diện mạo rất đẹp nhưng tiếng nói rè rè như lệnh vỡ; thể thái mảnh mai mà bước đi nặng nề như đàn ông; môi má trắng sạch mà thân thể lại ô cấu, hôi hám, hoặc tóc không cứng, hoặc tay mềm nhũn như không có xương. Rõ hơn nữa, gái điếm phần lớn đều có tướng trán rất xấu: thấp quá, hẹp quá, lệch lạc, không bằng phẳng, hoặc khoảng chân tóc không đều đặn, thiên sương (bộ phận từ góc trán thái dương) hãm hay óp, ấn đường (khoảng trên sống mũi giữa hai đầu chân mày) quá hẹp, lõm sâu. Trán là thuộc vận hành từ 16 đến 21 tuổi, cũng là khoảng tuổi dễ bước chân vào nghề kỹ nữ.

Về phá tướng có một chuyện điển hình là chuyện nàng ca kỹ Hạnh Xuân tại xóm ăn chơi Bát Đại Hồ Đồng, Bắc Kinh đời vua Quang Tự nhà Thanh.

Nhìn Hạnh Xuân từ diện mạo đến thể thái không ai không nghĩ nàng là một quý phu nhân, vừa đẹp vừa đoan trang bất luận đi đứng, ăn nói, nằm ngồi nhất nhất đều đều không bợn một cử chỉ thô tục, không lộ một vẻ dâm tiện. Thế mà Hạnh Xuân lại là một kỹ nữ. Có điều nàng rất nổi tiếng, những người đến với nàng hầu hết là đại quan quí nhân, giang hồ khí phách, phong lưu văn sĩ hay đại phú thương.

Thường thường một danh kỹ tiếng tăm như thế không bao giờ hành nghề quá một năm là đã theo về các hào tộc phú gia để làm thiếp hầu. Lạ lùng thay Hạnh Xuân ở Bát Đại Hồ Đồng có tới ba năm trường.

Một hôm, trong đám người yêu Hạnh Xuân cuồng nhiệt có vị phú thương ở Sơn Tây họ Hạ, muốn cưới Hạnh Xuân về làm thiếp. Giá cả chuộc Hạnh Xuân tuy rất cao nhưng đối với ông ta chẳng thành vấn đề. Hệ trọng nhất đối với phú thương họ Hạ trái ngược với thường tình lấy thiếp mong con, ông ta không muốn Hạnh Xuân có con bởi vợ cả và người thiếp đã sản xuất cho gia đình nhà ông tám chín mạng rồi. Ông say mê vẻ đẹp mê hồn của Hạnh Xuân mà người đàn bà sinh đẻ sắc đẹp dễ tàn phai, làm thế nào biết chắc Hạnh Xuân không sinh hài tử ? Số Bát tự của nàng vì sớm lưu lạc từ ấu thơ nên chẳng ai biết. Chỉ còn cách xem tướng. Họ Hạ bèn mở tiệc mời một vị túc nho rành tướng số đến xem cho Hạnh Xuân. Mạc tiên sinh (tên vị túc nho) uống vài chung rượu do Hạnh Xuân tiếp rót, ông định thần ngắm nghía nàng hồi lâu rồi ghé tai nói nhỏ với Hạ phú thương rằng:

- Tôi khuyên ông không nên lấy Hạnh Xuân, tuy đẹp nhưng tướng cách nàng nhất định không thể sinh con đẻ cái được.

Lời nói của Mạc tiên sinh làm cho phú thương họ Hạ rất vui mừng nên hỏi thêm :

- Hạnh Xuân còn tướng xấu nào khác nữa ?

Mạc tiên sinh đáp:

- Thật quái lạ ! Tướng mạo biểu diện của Hạnh Xuân đúng là một quý phu nhân ít nhất cũng từ tam phẩm trở lên mà sao lại luân lạc chốn lầu xanh. Tôi chưa tìm ra nguyên do. Lẽ ra bây giờ nàng đã lấy chồng bậc quí nhân chứ không phải lấy ông chồng là phú thương.

Họ Hạ tự tay rót rượu mời Mạc tiên sinh và xoắn suýt xin Mạc tiên sinh cố tìm kiếm lý lẽ ba đào của Hạnh Xuân. Mạc tiên sinh lại ngắm nghía hồi lâu rồi lắc đầu nói :

- Không thấy ! Chắc Hạnh Xuân có một điểm phá tướng ẩn kín đâu đó ?

Nhân dịp Mạc tiên sinh lưu lại Bát Đại Hồ Đồng cùng Hạ phú thương mươi bữa, ông có dịp cùng Hạnh Xuân đàm đạo mới đem chuyện tướng ra nói. Mạc tiên sinh bảo Hạnh Xuân:

- Cứ xem tướng mạo của cô thì phải ở ngôi tam phẩm phu nhân mới phải, thế mà chẳng hiểu có điểm phá tướng nào đã khiến cho cô lâm vào chốn giang hồ !

Lần khác Mạc tiên sinh cùng Hạnh Xuân nói chuyện lâu hơn và lần này cuối đường hầm đã có tia sáng. Ông già hơn năm mươi tuổi suốt buổi không hề mót tiểu tiện mà cô gái mới 19 xuân xanh chốc chốc lại phải cáo lỗi ! Lúc đó đương vào hạ tiết, “đa hạn thiểu thuỷ” (nhiều mồ hôi, ít tiểu tiện) mới phải. Đúng rồi ! Đây gọi là “ám trung tiết khí” sách tướng ghi rành rành. ("Ám trung tiết khí" này có nhiều loại, đây chỉ là 1 trong số !)

Mạc tiên sinh ghi nhận điểm phá tướng đó, tiết lộ với bạn của Hạnh Xuân là Hồ Ngọc kể cho biết thêm chẳng những Hạnh Xuân có thói quen luôn luôn tiểu tiện mà thôi; cả việc đại tiện cũng khác người ta, mỗi lần nàng làm công việc đó tưởng chừng như xổ ruột. Tiểu tiện đại tiện chẳng phân biệt trước sau ào ào rơi xuống như hắt chậu nước. “Mỹ trung hữu chí sũ” là như vậy!

Sách tướng viết:

"Sũ nữ gia quý phu, sũ trung hữu đại mỹ"
(Nghĩa là gái xấu lấy chồng sang, trong cái xấu có cái cực đẹp).

Trên tướng thuật nhìn cái đẹp theo nhãn tuy có điểm tương đồng nhưng ở mặt khác lại có điểm tương phản, cho nên quan điểm và quan niệm về Đẹp của tướng nhãn thường thường xung đột với quan điểm và quan niệm của tục nhãn.

Tỉ dụ như vẻ đẹp của mỹ nhân là da thịt mềm mại êm như bông hay “thiên kiều bách mị.” Thế nhưng tướng lý cho như vậy là dâm tiện. Nếu cứ theo tục nhãn để định thì cuộc đời tất có ngày hố to!

Dĩ nhiên những vẻ đoan trang, thuỳ mị, nhàn tĩnh, hoa quý, trong sáng thì tướng nhãn và tục nhãn đều cùng một quan niệm và quan điểm. Tuy vậy qua kinh nghiệm và thực tế đầy rẫy ngoài đời thì người đang bà ở vị nguyên phối (vợ lớn) ít người đẹp theo tục nhãn mà người đàn bà ở địa vị trắc thất (vợ bé) thì nhiều người đẹp theo quan điểm tục nhãn. Các cụ cổ khôn lắm nên đặt lệ :

“Thủ thê thủ đức (lấy vợ lấy đức)
Thủ thiếp thủ sắc (lấy thiếp lấy sắc)”

Cũng lạ là hồng nhan bạc mệnh hay phong lưu khuyết đức phần lớn ứng vào thân phận thiếp mọn.

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,
Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng.”

Ấy vậy mà kẻ đắp chăn bông thường không đẹp bằng kẻ chịu lạnh, kẻ chịu lạnh đa số có sắc, tướng, mỹ. Đã có sắc, tướng, mỹ thì cũng đa số vướng vào cảnh “hoa tường liễu ngõ” nên mới gặp kẻ tìm hoa hỏi liễu để trở thành thân lẽ mọn.

Cho nên, về tướng lý, chỉ đẹp sắc không phải là quý tướng. Chẳng phải ngàn xưa mới thế, ngày nay cũng vậy. Các minh tinh màn bạc chưa lấy chồng đã nổi tiếng nhiều chồng. Và khi lấy chồng các minh tinh gần như chẳng bao giờ ở địa vị nguyên phối. Hồng nhan, phong lưu, khuyết đức, bạc mệnh theo tướng lý vẫn hằng liên hệ với nhau.

Trái lại, những người đàn bà ở ngôi vị nguyên phối không phải là người có sắc tướng mỹ mà là người có tướng cách mỹ (đẹp tướng). Bởi tại tướng cách mỹ ít người nhìn ra nếu không biết tướng thuật nên phê phán qua tục nhãn bằng hai chữ "xấu xí."

Hồi Ngô Bội Phu còn làm mưa làm gió trên chính trường Trung Quốc (thời mạt Thanh sắp xảy ra cách mạng Tân Hợi), có mở bữa yến tiệc lớn mời khắp mặt vai vế đương thời. Trong số đó có nhà coi tướng họ Đàm. Theo những biên chép của vị tiên sinh coi tướng ghi lại thấy bữa tiệc ấy như sau:

"Nhờ bữa tiệc này tôi thể nghiệm rõ ràng nguyên tắc tướng pháp về lẽ xấu đẹp của người đời. Tôi thấy ở đây, ngoại sảnh để tiếp loại thiếp hầu thì ai ai cũng mặn mà quyến rũ nhưng nhìn kỹ chẳng một người là con nhà phiệt duyệt hay khuê các. Phảng phất chỉ có “sắc thái xuất tường hồng hạnh” hoặc “tỳ bà biệt diệu” mà thôi.

Khi vào tới nội sảnh, nơi dành cho phu nhân Ngô Bội Phu tiếp các bà nguyên phối khác thì tuyệt nhiên không thấy một vết tích truỵ lạc, phong trần. Hơn 24 vị thái thái, quá nửa không có sắc tướng mỹ thì thật là
“mãn thiên tinh đẩu” (đầy trời sao sáng). Có người lưng lạc đà, có người cục mịch như thôn phụ, nhưng không người nào không có một tướng cách rất đẹp! Người thì một cái mũi đầy đặn giữa đôi mắt đôi mi phi thường thanh tú; Người thì tam đình (mặt chia ra làm 3 phần gọi là tam đình: từ trán xuống đến giữa hai mắt (ấn đường) là thượng đình, từ giữa hai mắt đầu sống mũi (sơn căn) xuống đến đầu mũi (chuẩn đầu) là trung đình, từ đầu mũi xuống cằm là hạ đình); Ngưòi thì ngũ quan tương phối, đoan chính minh lượng.”

Như vậy, theo pháp quy nạp thì “ưu điểm cửu tướng cục khả dĩ” chia làm ba loại:

1 - Trong xấu có điểm cực tốt ("Sũ trung hữu đại mỹ.")
2 - Cái tốt bên trong ("Nội tại mỹ") là tính kiên trinh, ôn nhu.
3 - Thái độ bao dung.

Vô luận nam hay nữ, nội tại mỹ bao giờ cũng hơn cái đẹp bề ngoài. Nhất là con gái lẳng lơ càng đẹp càng hạ cách.

Nhớ đến Vương Chiêu Quân ngày xưa sở dĩ nàng phải chịu kiếp cống Hồ chắc là nàng có điểm phá tướng; cái điểm phá tướng ấy là sự thực chứ không phải Mao Diên Thọ vẽ thêm đâu!

II - TIẾNG NÓI CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ QUAN TRỌNG BẬC NHẤT

Tướng gia Tề Đông Giã kể rằng thuở thiếu niên ông theo người cậu ruột đi yến tại một nhà ở đường Tây Trực tại thủ phủ Bắc Kinh. Người cậu vốn là công chức cao cấp chính phủ đương thời, giao du rộng lớn, lại rất am tường tướng thuật. Biết tướng thuật cũng là một tài năng cần thiết để giao thiệp trong chính giới lúc bấy giờ. Bữa yến hôm ấy vấn đề tưóng số được đem ra bàn cãi sôi nổi. Đề tài đưa ra là tướng về âm thanh, nhiều người không tin rằng âm thanh có thể ảnh hưởng đến vận mạng con người như cậu tôi nghị luận (lời Tề Đông Giã). Cuối cùng chủ nhân bầy cuộc thử tài. Buồng bên trong có một bàn các bà đánh bài mạt chược, tấm màn che kín. Chủ nhân yêu cầu cậu tôi lắng nghe tiếng nói của 5 bà trong đó để đóan vận mạng. Mọi người ngồi im nghe. Vào lúc bên buồng có ván bài ù muỗi, các bà huyên náo cả lên vì ba bà khác người nào cũng chờ mủn cun.

Ông cậu tôi bỗng nói:

- “Nữ đới nam thanh” (người đàn bà nói âm thanh đàn ông). Ai có tiếng nói ấy tất dã khắc phu.

Chủ nhân chịu ngay và nói cho mọi người biết bà ta là goá phụ của họ Tiều trong Bộ giáo dục.

Cậu tôi vẫn lắng nghe và nói tiếp:

- “Cô nhạn thất thần chi thanh tất thị ly phu !” (tiếng nói nức nở cắt đoạn chẳng khác chi con chim nhạn lạc đàn tất phải xa lìa chồng con.)

Chủ nhân hân hoan ra mặt:

- Tiên sinh đoán không sai, đó là tiếng nói của bà vợ ông Tổng lý bưu điện đã bị bọn quyền phỉ bắt đi mất tích từ 5 năm nay chẳng biết sống chết thế nào.

Cậu tôi hầu như chẳng để ý đến lời tán tụng, lắng nghe tiếp rồi nói luôn:

- “Cuồng thuyền vãn tháo sát nhị phu” (ồ ạt như tiếng ve sầu buổi chiều, sát hai chồng).

Đến đây thì chủ nhân hoàn toàn bái phục, ông vỗ tay khen lấy khen để rồi giục cử toạ đồng thanh yêu cầu cậu tôi giải thích.

Cậu tôi chậm rãi giảng giải :

- “Nữ đới nam thanh” là một lọai phá tướng của phụ nữ, nhưng không nhất định phải khắc phu vì cuối tiếng có âm thanh sắc nhọn làm chói tai (thích nhĩ). Bà ta lấy chồng không quá 2 năm thì chôn chồng. Nói thanh âm chói tai làm người ta nhớ lại bà Trần Lệ Xuân trong những bài diễn văn bà đọc năm 1963 hay trước đấy. Còn về “Cô nhạn thất quần chi thanh” muốn đoán cần phải rõ nó đã trở thành tiếng kêu thương chưa. Nếu chuyển rồi mà tiếng kêu thường thanh trường thì chồng chết, thanh đoản may ra người xa còn sống, đến như “Cuồng thuyền vãn tháo” tiếng đầu tiếng cuối đồng âm vốn là tướng bần tiện chứ không khắc phu. Tướng ấy chỉ khắc phu khi nào tiếng đầu tiếng cuối như có khoảng nghẹn ngào cắt đứt.

Chủ nhân chen vào nói :

- Chúng tôi bội phục tiên sinh đoán tướng 3 bà goá phụ, bây giờ đến lượt 2 người đàn bà mà tiên sinh chưa nói tới.

Trong số thực khách cũng có vài ba vị nghiên cứu tướng học nên cậu tôi quay lại thỉnh họ cho ý kiến. Thế là mấy vị kia nghe theo lời chủ nhân cùng lắng tai nghe.

Một lát, ông họ Kha nói :

- Tiếng nhẹ nhưng có lực, “vượng phu ích tử.”

Ông họ Đặng nói theo :

- Thanh âm có vận điệu, “trường thọ chi tướng.”

Và cuối cùng ông họ Ngũ :

- Nhỏ nhẹ như tiếng suối reo, “nữ nhân tài đức kiêm toàn.”

Cậu tôi nghe tất cả mọi người phát biểu xong rồi mới nói :

- Các vị đoán trên đại thể rất đúng nhưng đi vào chi tiết có điều sai. Thanh âm người đàn bà này tuy hữu lực giống tiếng nước suối reo, khốn nỗi vì thanh hơi cụt cho nên dù thừa tài năng nhưng không thể thọ. Bà ấy năm này chừng ngoài bốn mươi, tôi chắc không thể sống lâu quá năm mươi.

Chủ nhân lại hỏi đến bà thứ 5 thì các vị kia đi sau khi nghe tiếng nói của bà ta không ai đoán định được một điểm nào đặc biệt. Riêng cậu tôi đã làm cho mọi người sửng sốt khi ông nói giọng chắc như đinh đóng cột :

- Người này trước ở thanh lâu, nay làm thân vợ bé.

Lẽ ra, tướng kỹ nữ thì phải trông sắc diện mới thấy, nghe tiếng nói mà đoán ra thì thật hoang đường ! Tôi không nhớ cậu tôi giảng ra sao, sau này đi học tướng thuật tôi thấy sách có ghi : “Đàn bà tiếng nói lớn mà tán mạn, tức là “Kim thanh phạt mộc chi tượng” thường ở thanh lâu hoặc hành nghề chứa gái."

Coi tướng phụ nữ trước hết phải nghe tiếng nói rồi mới đến sắc mặt, rồi đến hình thể, rồi mới đến tâm tư. Tiếng nói đặc biệt liên hệ với tính mạng, hạnh phúc lứa đôi. Thanh âm phá thì các bộ vị khác dù tốt đẹp cũng khó lòng cứu vãn khỏi mệnh số sinh ly tử biệt với chồng con.

Tiếng nói nam tử lấy âm thanh hồng lượng làm chủ tốt, còn tiếng nói nữ tử chủ nhu hoà cần nhỏ nhẹ, có âm điệu mới hay. Tối kỵ là tiếng nói sắc nhọn chói tai nghe khó chịu. Đàn bà nói ra thích nhĩ (chói tai) thì chẳng chôn chồng cũng khóc con, đàn ông nói ra thích nhĩ suốt đời phá bại. Thanh âm thích nhĩ có hai loại: một lọai thuộc kim, một loại thuộc mộc. Khắc phu vào loại mộc thì người chồng chết bình thường, còn nếu khắc về loại kim thì người chết bất đắc kỳ tử.

"Thu có hạn sầu dài không hạn,
Cảm thu sang nhớ bạn lứa đôi.
Đoạn trường biết mấy tao nôi,
Khóc rồi lại khóc hờn thôi lại hờn.
Khúc duyên dạo dây đờn ai dứt.
Dao sầu kia cắt đứt lồng son.
Trăm năm lỡ cuộc vuông tròn,
Hờn duyên tủi phận lệ còn chứa chan."
(Tương Phố)

Những câu thơ thê thảm trên phải chăng chỉ là tiếng kêu thương của định số ? Khắc sát phu ngoài thanh âm ra còn có tướng nào khác nữa ?

Tướng khắc phu nặng nhất là tiếng nói ! Sau mới đến các tướng khác được phân biệt như sau :

Lưỡng quyền quá cao lộ cốt; trán khuyết hãm, quá thô không tương xứng với mặt; lưỡng quyền lệch cao thấp không đều; "quyền phản" nghĩa là không chầu vào mũi. Tuy nhiên phải nhìn cho tinh tường đừng nhầm quyền rộng, đầy đặn với quyền cao. Lưỡng quyền đầy đặn là tính lan ra từ sát làn ranh của tai, vòng xương hàm xuống đến lằn ranh của miệng làm thành một khoảng to lớn sáng đẹp thì lại là tướng quý phu nhân nếu cộng thêm với cái mũi tốt.

Trán dài, trán vẹo, trán khuyết hãm, trán có ba vết răn bị tạp văn phá, trán có xoáy tóc như trôn ốc. Mắt lộ tứ bạch (bốn phía trắng), mắt đỏ, mắt vàng, mắt lồi, lông mày mỏng tản mạn, giao nhau.

Tóc xoăn (khô xoăn chứ không phải ra tiệm uốn quăn đâu nha), tóc dầy nặng, chân tóc vượt quá về đằng sau trán, tóc cứng.

Môi cuốn, răng lộ, miệng chụm như thổi lửa (“khẩu suy như hoả”), miệng lệch.

Xương cốt to thô, vai so.

Mặt gầy sác lộ gân, mặt nhiều lông, mặt trì lệ như sáp.

III - LUẬN VỀ TƯỚNG HỒNG NHAN BẠC MỆNH

Mở đầu tập Chinh phụ ngâm ông Đặng Trần Côn viết:

“Thiên địa phong trần
Hồng nhan đa truân
Du du bỉ thương hề thuỳ tạo nhân.”

Bà Đoàn Thị Điểm dịch:

“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này.”

Hồng nhan bạc mệnh đã thành thiên cổ tục ngữ.

Hồng nhan đa truân là lẽ thường tình trong vấn đề nhân sinh.

Bạc mệnh là chết sớm, chết non, phận mỏng, lao đao. Đa truân nghĩa là phiêu bồng, lãng đãng.

Hồng nhan là những người đàn bà trời ban cho một sắc đẹp cực kỳ diễm lệ. Hồng nhan cũng là những người đàn bà trời ban cho một tâm hồn mẫn tiệp tài hoa thu hút nam phái.

Thiên địa phong trần là cơ duyên để tạo thành những cảnh thảm sầu bạc mệnh và đa truân.

Về tướng thuật trước hết hồng nhan có liên hệ phần nào đến tướng khắc sát chồng.

Tại Trung Quốc có lưu truyền từ lâu đời một truyện thơ ngụ ngôn kể rằng:

Có ba vị lão nhân ngồi uống rượu, đánh cờ bên dòng suối vẻ mặt ai nấy đều thanh thản, vui sướng. Có người đến chắp tay hỏi ba cụ về cái thuật trường thọ. Thì thấy ở trong thơ ghi câu : “Thất trung lão ẩu xũ” (nghĩa là “Trong nhà vợ già xấu”). Cả ba cụ nói:

- Nhà ngươi có biết câu tục ngữ “Hồng nhan bạc mệnh” không ? Các lão đây sở dĩ thọ là bởi tại vợ các lão đây không thuộc loại hồng nhan.

Người kia ngạc nhiên hỏi:

- Trường thọ với lão bà có chi quan hệ ? Lấy vợ đẹp chẳng phải một đại hạnh trên đời sao ?

Cả ba cụ đều lắc đầu quầy quậy:

- Không đâu, không phải là đại hạnh đâu. "Hồng nhan bạc mệnh yêu khắc phu."

Hai chữ bạc mệnh ở đây là phận mỏng trên phương diện khắc phu.

Sách tướng nói:

"Tất cả những gì thái quá cũng không tốt! Sắc đẹp quá hay xấu quá đều thuộc tướng sát phu nếu chính bản thân người đó không yểu!"

Bạc mệnh không chỉ đơn thuần là non yểu như người ta vẫn quan niệm đã thành thói quen từ lâu nay.

Đa truân vốn là nghiệp dĩ của hồng nhan, nếu người đàn bà hồng nhan có nhiều tiện tướng hay dâm tướng (sẽ giải thích ở sau). Có thể nói khác đi cái đẹp là nguyên nhân của đa truân, còn ai đa truân bằng những danh kỹ và nếu không đẹp thì làm sao trở thành danh kỹ ?

"Nhất song ngọc tí thiêm nhân trẩm
Bán điểm chu thần vạn khách thường. "

Dịch là :

"Đôi cánh tay ngọc cho vạn người gối
Nửa vành môi đỏ để vạn nguời hôn."

Không lẽ bọn phong lưu hoa công tử đổ xô đi gối tay người hôi nách xấu xí, để thưởng thức cái môi sứt hay sao?

Thiên nhân trẩm và vạn khách thường xưa nay vẫn là nghịch cảnh vạn cổ sầu của hồng nhan vậy.

Sách tướng nói :

“Người đàn bà cần có vẻ đẹp đoan trang, quỷ quái (hihi nhầm, quý phái) và rất kỵ vẻ đẹp yêu mị tiện cách. Nếu đẹp yêu mị tiện cách thì đó chính là đẹp hồng nhan bạc mệnh.”

Nói đa truân, nói bạc mệnh không phải chỉ ở địa vị tầm thường như ca kỹ hay bần gia nữ mới phải gánh chịu. Một khi đã phạm tướng hồng nhan bạc mệnh rồi thì dù ở địa vị tột đỉnh cũng chẳng tài nào tránh khỏi!

Như cuộc đời nàng Lục Châu vợ của phú gia địch quốc Thạch Sùng. Quê Lục Châu ở Hợp Phố nơi sản xuất những ngọc quý, nàng họ Lương. Lịch sử ghi chép nàng là một mỹ nhân nổi tiếng đời Tấn. Các tay buôn ngọc đồng ý với nhau lấy tên Lục Châu là một loại ngọc quý nhất, đắt nhất mà đặt tên nàng. Đương thời có một triệu phú danh tiếng giàu có thành điển cổ của Trung quốc tên là Thạch Sùng nhân lần viếng thăm nước Giao Chỉ, lúc về qua Hợp Phố (thuộc tỉnh Quảng Tây) đã gặp nàng Lục Châu. Thạch Sùng cậy người mai mối với sính lễ ba đấu ngọc lớn đắt vô kể. Cha mẹ nàng thuận gả cho Thạch Sùng làm ái thiếp. Thạch Sùng đem nàng về đất Lạc Dương ở tỉnh Hà Nam, ở đây Thạch Sùng có một dinh cơ cực kỳ mỹ lệ là Kim Cốc Viên nơi mà nhiều danh hoạ đã từng lấy làm đề tài cho hoạ phẩm. Trong Kim Cốc Viên mỹ nhân nhiều như mây tụ, nhưng từ khi có Lục Châu đến thì sắc đẹp của mọi người lu mờ ảm đạm hết, Thạch Sùng giao du quảng bác, từ khi được Lục Châu quán xuyến công việc giao thiệp thì Kim Cốc Viên càng nổi danh. Trong đám bạn bè lai vãng của Thạch Sùng có tên Tôn Tú là người thân tín của Triệu vương Tư Mã Luân. Tôn Tú mê Lục Châu đã nhiều lần chọc ghẹo Lục Châu bị nàng cự tuyệt, Thạch Sùng nổi giận cấm cửa Tôn Tú, Tôn Tú oán giận. Nhân cơ hội Thạch Sùng không ủng hộ Triệu vương trong sí đồ thoán nghịch, Tôn Tú xúi Triệu vương mang quân đánh Kim Cốc Viên bắt giết Thạch Sùng, nàng Lục Châu chạy lên lầu cao nhảy xuống tự vẫn. Cái chết của Lục Châu trở thành một kịch phẩm hay của Văn học Trung Quốc, đó là vở kịch Trụy Lâu.

Một chuyện khác nữa là chuyện Mai Phi :

Mai Phi là một phi tần rất được sủng ái của Đường Minh Hoàng. Nhưng từ khi Dương Thái Chân tức Dương Quý Phi vào cung thì Mai Phi bị thất sủng.

Nàng sinh ra đời ở Mai Hoa thôn tên thực là Giang Thái Tần do Cao Lực Sĩ tuyển về Trường An. Đường Minh Hoàng vừa trông thấy là mê luyến ngay. Nhân vì nàng yêu hoa mai nên Đường Minh Hoàng gọi nàng là Mai Phi. Mai Phi có sắc dáng mảnh dẻ và hai mắt sáng như viên ngọc. Về sau Đường Minh Hoàng đổi tính yêu người bụ bẫm (!) là Dương Quý Phi nên xa lánh nàng. Vì Dương Quý Phi có tính ghen ghê gớm, bởi vậy Đường Minh Hoàng đôi lúc nhớ đến sủng phi cũ thì cũng không dám bén mảng đến Thượng Dương cung nơi nàng ở. Một lẫn, có sứ thần dâng vua đôi trân châu, Đường Minh Hoàng tưởng nhớ Mai Phi, lén gọi người thân tín đem lại tặng nàng. Mai Phi buồn rầu không nhận gửi trả lại cùng với 1 bài thơ như sau:

“Liễu diệp song mi cửu bất miêu
Tàn trang hoà lệ ố hồng tiêu
Trường môn tự thị vô sơ tẩy
Hà tất trân châu uỷ tịch liêu.”

Dịch là :

"Lâu rồi không vẽ chân mày lá liễu
Quần áo xưa đã hoen ố lệ buồn
Cửa ngõ căn phòng không còn lau rửa
Thì cần gì châu ngọc để vỗ về nỗi cô đơn."

Về sau, An Lộc Chân khởi loạn, Đường Minh Hoàng phải rời kinh đô chỉ mang theo Dương Quý Phi. Mai Phi ở lại bị giết trong cơn binh lửa.

Lịch sử tướng thuật chép: Mai Phi và Lục Châu đều có đôi mắt "Nhãn lệ uông uông," lúc nào cũng ướt như đầy nước mắt. Đó là một phạm kỵ vì theo tướng thuật người đàn bà đẹp cần có nét tươi nếu "Diện đới sầu dung" là sẽ bị "Bất đắc thiện chung".

Nói đến hồng nhan bạc mệnh người ta không thể quên cái chết của ngôi sao chiếu bóng Lâm Đại. Khi báo chí loan tin Lâm Đại tự tử, các nhà tướng số tại Hương Cảng đã thi nhau giảng luận về tướng và mệnh của nàng. Số mệnh học của Trung Quốc thường căn cứ vào tướng và số, nếu nhìn tướng có điều không giải đáp được thì phải xem số; Nếu xem số có sự gì quá khó khăn không khám phá được hoặc không dám xác quyết thì lại phải xem thêm tướng. Điểm đáng chú ý trên gương mặt của Lâm Đại là đôi mắt nàng có hung quang lại cộng thêm vào đấy tính tình của nàng rất nóng nẩy, bạo tháo. Tướng diện và tướng tâm khắng khít với nhau tạo ra một thứ đaỏn mệnh tướng cho nàng. Theo sách tướng thì mắt lộ hung quang chẳng những đoản mệnh mà còn dễ bị bạo tử hoành nghĩa là chết không toàn hoặc chết bất đắc kỳ tử. Ai đã xem phim Lâm Đại đóng tất không thể không lưu ý diện mạo nàng có ba đặc điểm:

1 - Quang lộ.
2 - Quyền cao.
3 - Nhãn hung.

Quang lộ tức tài lộ, lộ tài thường chiêu oán!
Quyền cao thường chiêu kỵ (nghi kỵ, ganh ghét)!
Nhãn hung tức tính hung, tính hung ắt chiêu hung!

Đàn ông mà quang lộ, quyền cao, tính hung chính là tướng du đãng giết người và bị giết, nếu không là tướng tự tử. Gia Cát Lượng khi xưa cũng mắt lộ, quyền cao nhưng vì không có tính hung nên được thiện chung.

Tướng Lâm Đại là tướng trọng hậu rất tốt, mặt nàng ít vẻ hồng nhan bạc mệnh nhưng vì tính hung đi đôi với quyền cao nhãn lộ nên kết cuộc tính mệnh bất đắc thiện chung vậy.

Bởi vậy, sách tướng thuật mới nói :

“Tướng do tâm sinh, tướng do tâm cải.”
(Tâm tướng ảnh hưởng rất nhiều đến hình tướng).

Tuy nhiên cái chết của Lâm Đại vẫn còn gây nhiều tranh luận trong giới tướng số. Họ lập luận mặc dù tính tình Lâm Đại bạo tháo nhưng nàng có vẻ đẹp trung hậu, mặc dù đôi mắt Lâm Đại chứa đầy chất hung quang nhưng nàn lại có vẻ đẹp đường mật dịu dàng. Thêm nữa nếu bảo nàng chết vì nhãn tướng thì vận mắt là 37, 38 tuổi - tất không thể chết vào vận 30 tuổi. Đó là một câu vặn hỏi có lý, cho nên nhà đoán tướng phải mượn thuật số để giải đáp.

Người Trung Quốc là cha đẻ ra Tử Vi nhưng họ không (thích) xem Tử Vi mà họ xem số Bát tự (Số Bát tự thế nào xin mời ghi danh học lớp Tử Bình). Lâm Đại sinh năm 1934 (Giáp Tuất), ngày 26 tháng 12 giờ Ngọ. Chuyển thành bát tự là:

Giáp Tuất Đinh Sửu Bính Ngọ Giáp Ngọ

Toàn số Hoả Mộc chiếm tám phần mười. Mộc trợ Hoả thái quá làm cho người mang số đó trở thành ngoạn ngạnh tư ý tạo thành kiếp khổ sinh hay hung thủ. Cho nên khi Lâm Đại chít vào đúng lúc giữa hoả viêm thổ táo, tháng 6 ngày Đinh Mão giờ Ngọ.

Hành vận 28 tuổi của Lâm Đại là Giáp Tuất, lưu niên của hành vận Giáp Tuất năm 30 tuổi là Giáp Thìn cộng mệnh số thành ra 3 Hoả 4 Mộc đốt - thế là đen thui!

Hồng nhan với hào kiệt chung một kiếp.

“Hồng nhan bạc mệnh.
Hào kiệt thán phiêu linh.”

Nhưng nếu nói theo triết lý nhân sinh thì hồng nhan mà không bạc mệnh thì thật là vô duyên mà bạc mệnh nhưng không hồng nhan thì cũng chả có gì đáng để nói ! Cũng như hào kiệt anh hùng mà không phiêu linh thì cũng chỉ là những hào kiệt anh hùng “hàng mã !”

IV - NÓI VỀ ĐẶC BIỆT DỊ TƯỚNG CỦA PHỤ NỮ

Tướng học rất bí ảo huyền diệu nên môn học này được quan niệm là môn dễ học khó tinh. Nếu thiếu kinh nghiệm hoặc có kinh nghiệm mà kém linh cảm thì cũng khó lòng đoán biết lẽ cùng thông.

Tỷ dụ có người trông bề ngoài đường đường tướng mạo mà đường thế đồ gót rỗ kỳ khu, vận mạng nổi chìm ưu uất bất đắc chí. Tất nhiên người ấy phải có một bộ vị tướng sinh hoại, sách tướng gọi là “Thanh trung hữu trọc” (Trong cái thanh quý có cái ô trọc). Ngược lại có những người trông bề ngoài “hình dong sủ lậu” mà cuộc sống “nhất phàm phong thuận” (con buồm thuận gió). Tất nhiên nguời ấy phải có một dị tướng.

Cho nên khi xem tướng trước hết phải phân biệt rõ ràng thanh trọc để làm căn bản cho sự phán đoán quý tiện hiền ngu.

Xem tướng đàn bà con gái vấn đề thanh quý và ô trọc lại càng quan trọng lắm ! Rồi xem đến diện hình mắt, mũi, miệng. Ba thứ đó cần biết đoan chính hay khuyết hãm để dịnh cách quý tiện vượng phu hại phu. Tuy nhiên phải hết sức lưu ý để tìm biết người đàn bà con gái nào có mang một dị tướng đặc biệt nào không ? Có điều lạ là đàn bà sinh quý tử, cực vượng phu hưng gia thường mang dị tướng, tỷ dụ: nhũ đầu như chu sa, lỗ rốn đỏ hồng, hay sâu rộng hình tròn hoặc nốt ruồi son ở chỗ kín (khoảng từ bụng xuống tới gần đầu gối). Một khi đã mang dị tướng thì người đàn bà bất kể diện mạo đoan trang hay thô lậu đều có thể “Vượng phu ích tử !”

Tướng đẹp bề ngoài của phụ nữ thì sách tướng ghi như sau:

Nga mi (mày ngài),
Phượng nhãn (mắt phượng),
Huyền đởm tị (mũi như trái mật treo),
Anh đào khẩu (miệng như trái anh đào hồng nhỏ),
Chu sa trưởng (bàn tay hồng hào mịn màng).

Những ai có tướng kể trên đều được liệt vào hàng phu nhân tướng. Ngoài ra, dị tướng còn phải kể đến tướng thanh âm vì thanh âm rất quan hệ đến sự phân định quý tiện. Phàm nữ tử thanh âm xuất tự đan điền hữu lực, thanh âm như phượng kêu oanh rót nghe êm tai, dịu hiền trong sạch, âm điệu trầm bổng đều được hưởng hạnh phúc gia đình. Nhược bằng thanh âm vẩn đục, thô lỗ rầu rĩ tất là tiện tướng “phá gia ly tổ, phu tử bạc duyên.” Đời Mạt Thanh bên Trung Quốc, mẹ một danh thần cực phẩm là Lý Hồng Chương tướng mạo rất sũ lậu nhưng bà có một tiếng nói tuyệt hay, ai nghe bà nói cũng cảm mến ! Nhờ tiếng nói đó mà người ta quên hết các nét xấu của diện mạo. Sách tướng gọi là “Nhất quý yểm tam sũ” (một cái quý chôn vùi ba cái tiện). Hồi bà còn là con gái, tiếng bà xấu bay ra ngoài chẳng ai dám hỏi. Về sau bố của Lý Hồng Chương đi qua quê bà và ghé lại tá túc ở nhà tổ phụ của bà. Lúc gặp, họ Lý thấy bà sũ lậu chẳng hề để ý. Vài ngày sau, cứ mỗi sáng họ Lý thấy bà ra sân cho gà vịt ăn thì con nào con nấy mỗi khi bà cất tiéng gọi là chạy tới quấn quýt nom thật vui mắt, cứ mỗi tối tiếng bà gọi vang lên là con nào con nấy ngoan ngoãn vào chuồng. Họ Lý vốn rành tướng thuật biết người con gái này là một loại sử nữ quý cách nên kết duyên với bà. Một trường hợp khác là bà mẹ của Đới Hồng Từ, vị thượng thư danh tiếng văn vũ toàn tài cảu Trung Quốc. Không chỉ riêng ông mà cả ba anh em đều rất hiển đạt. Theo truyền thuyết thì anh em họ Đới nhờ được ảnh tướng số, chỉ vì mệnh lận đận nên ông từ bỏ ý định làm quan đi buôn, ngoài ba mươi tuổi chưa lập gia đình, ông tin rằng vận mệnh chưa tới cưỡng làm chi.

Một hôm, có một nữ tử đến mua hàng tuy tướng mạo chẳng đặc sắc lắm nhưng cô ta mũi cao, sống mũi vươn thẳng tới ấn đường, “ngũ quan đoan chính, nhãn thần trừng triệt,” lúc nói thanh âm trong êm, tiếng nói thoát ra tự đan điền. Đới Công đang mải ngắm nghía tướng mạo cô gái thì con hầu sấp ngửa vào tìm. Đới Công quyết nhiên cô ta là con nhà gia thế. Đới Công bấy giờ mới biết cô ta còn dị tướng khác nữa mới cho tiền nữ tì hỏi dò, nữ tì cho hay cô ta trông xấu xí nhưng rốn cô tròn to, sâu, đầu vú đỏ như tô son. Theo sách tướng những dấu vết ấy là quý cách không những đa phúc lại sinh quý tử. Đới Công bèn nhờ người đến hỏi, bên gái tuy nhà danh gia quý tộc nhưng thấy con gái mình xấu xí vả chăng đã quá lứa nên cũng dễ bằng lòng.

Kể từ ngày Đới Công kết hôn với người con gái xấu xí đó thì công việc buôn bán tiến triển không ngừng, phụ sướng phụ tuỳ gia đạo êm ấm. Đới Công sinh ba người con trai là Đới Hồng Từ, Đới Hồng Hiến và Đới Hồng Tuệ, cả ba cùng làm đến bậc nhất phẩm!

Sách tướng viết:

“Nữ tử chu sa nhũ tất định sinh quý tử ! ”

Thật nghiệm vậy !

Trong sách Liễu trang tướng pháp, thiên Vĩnh lạc bách vấn có ghi một dị tướng khác có thể sinh quý tử là tướng mồ hôi như sau :

Vua hỏi : “Tuyển cung phi cho mặc áo gấm dầy rồi cho đi bộ đến mướt mồ hôi để làm gì ?”

Đáp : “Nếu không làm sao biết được hương của thân thể. Phàm con gái mồ hôi ướt đằm mà thân thể vẫn thơm tho tất đại cát, trái lại là hạ tiện. Văn chương nói sắc nước hương trời là đã đi vào khoa tướng mà không biết đó thôi.”

Vua hỏi : “Trong cung có nhiều cung nữ không đẻ con là tại sao ?”

Đáp : “Cổ nhân có câu: Mỹ nữ vô kiên (gái đẹp không vai), tướng quân vô hạng (võ tướng không cổ). Vai suôi quá mà thân hình lại yếu ớt, eo nhỏ quá mà thân hình nhẹ bẫng. Phạm bốn điều ấy khó lòng hưởng phúc nói gì đến con cái.”

... tạm ngưng…

ĐÔNG HẢI THẦN NHÃN Vũ Tri Thiên

Không có nhận xét nào: