Thứ Tư, 20 tháng 6, 2007

90 NĂM THĂNG TRẦM 1918-2007


Thế mới biết thời gian trôi nhanh lắm các bạn ơi!
Chín mươi năm chợt thoảng qua, như một giấc mơ vừa dứt!
Đời người như cuộc phù du.
Mới thấy đó, bây giờ yên ngủ thiên thu, vĩnh biệt!

Ông Đinh Văn Ngọc sinh ngày 19 tháng 10 năm 1918, đầu thế kỷ 20, tại làng Vạn Xuân, của vùng Kim Long, thành phố Huế. Cha ông là một công chức Sở Công Chánh, thời Pháp (Travaux Publics). Gia đình ông sống những ngày hạnh phúc trong một ngôi nhà ba gian, nằm giữa khu vườn cây trái sum sê, cạnh giòng Hương Giang lững lờ chảy yên bình qua những ngày thơ ấu của đời ông. Ông có tất cả mười hai anh chị em, và ông là con trai út.

Ông Đinh Văn Ngọc được hấp thụ một nền tảng giáo dục gia đình đạo đức. Hai người anh của ông đã theo tiếng gọi của Thiên Chúa để đi tu theo dòng Frères. Riêng người anh trưởng đã về với Chúa sớm, chỉ còn lại Frères Laurent Minh (tên của người anh kế) tiếp nối dòng tu.

Thuở nhỏ ông Đinh Văn Ngọc theo học nội trú trường Hồ Ngọc Cẩn tại Phường Đức do cha Ngô Đình Thục vừa từ La Mã về dạy. Riêng cha Hiệu Trưởng Hồ Ngọc Cẩn sau này thụ phong chức Giám Mục, và về trông coi giáo phận Bùi Chu, Bắc Việt. Năm 1932, ông Đinh Văn Ngọc đậu bằng Primaire (Tiểu Học) và vào Sài Gòn tiếp tục học tại trường Trung học Taberd.

Năm 1939 ông đậu bằng Thành Chung, rồi sau đó vì mộng hải hồ ngang dọc ông đã ghi tên vào thụ huấn trường Sĩ Quan Pháp (Centre Renfort Instruction Indochinois) tại làng Tông, thuộc tỉnh Sơn Tây, Bắc Việt vào năm 1940. Tuy nhiên mộng không thành, vì bất thần có lệnh của Thống Chế Pétain - đương kim Tổng Thống Pháp ra lệnh ngưng bắn với Đức Quốc. Tất cả sinh viên sĩ quan được giải ngũ vô hạn định (Renvoýe à titre congé illimité).

Rời quân trường, ông lại ra Hà Nội ở với người anh cả là Frème Minh. Thời gian này, ông tới lui và có nhiều bè bạn trong giới báo chí, nhật báo Đông Pháp. Ông cũng có nhiều bạn hữu trong giới thể thao, đặc biệt bóng bàn. Ở Hà Nội không lâu, ông lại trở về Huế thăm gia đình rồi đi thẳng vào Sài Gòn lập nghiệp. Hãng đầu tiên ông làm là cơ sở thương mại Dumarest của Pháp tại Sài Gòn. Sau đó một thời gian ông chuyển về làm việc cho hảng L.U.C.I.A. Khoảng một năm sau, ông kết hôn với bà Huỳnh Thị Chơn, ái nữ của Giáo sư Huỳnh Khương Thới, môt gia đình danh giá tại đất Sài Gòn.

Bây giờ tình thế cuộc Thế Chiến Thứ Hai có nhiều biến chuyển. Nhật đảo chánh Pháp tại Việt Nam. Phi cơ Đồng Minh bắt đầu thả bom Sài Gòn. Phong trào "Cách Mạng Tháng Tám" của Việt Minh bùng lên, gây cảnh đổ máu, ám sát nhiều nơi. Ông Đinh Văn Ngọc đưa gia đình tản cư về sống ở quê nội vợ, thuộc làng Tân Hào Đông, quận Giồng Trôm, vùng Tiền Giang. Một lần ông đau thập tử nhất sinh, năm liệt trên giường thì có lực lượng Pháp càn quét vào làng. Lính Tây lục soát nhà, họ tưởng ông là một cán bộ Việt Minh nên định đem ra bắn. Nhưng nhờ ông nói tiếng Pháp trôi chảy giải thích nên họ tha mạng. Sau vụ đó ông không dám ở lại làng nữa, đưa vợ con trở về Sài Gòn.
Năm 1952, ông giữ chức vụ Đại Diện Thương mại cho hãng Indo Comptoirs. Một thời gian sau, ông hợp tác cùng ông Nguyễn Thành Niệm mở ra hãng đấu thầu sửa chửa xe cộ cho quân đội Pháp.

Thời gian này cũng là một bước ngoặc của cuộc đời ông Đinh Văn Ngọc. Với lòng hâm mộ thể thao ông thích giao du với các hảo thủ cua-rơ xe đạp và bóng bàn. Tiền bạc dồi dào của công việc thương mại, ông sẵn sàng hổ trợ vật chất và tinh thần cho các hội thể thao và tuyển thủ quốc gia, tổ chức các cuộc tranh giải khắp nơi. Năm 1955, ông được bầu làm Chủ Tịch Liên Đoàn Bóng Bàn Nam Việt Nam. Đây là thời kỳ vàng son của Bóng Bàn Việt Nam - năm 1958, Việt Nam chiếm giải vô địch bóng bàn Á Châu, sau khi tuyển thủ Mai Văn Hòa hạ đối thủ Nhật Bản ở bàn chung kết. Đến năm 1965, ông Đinh Văn Ngọc đã được bỏ phiếu để trở thành Chủ Tịch Uỷ ban Thế Vân Hội Quốc Gia. Đến năm 1969, ông lại được đại diện các quốc gia Đông Nam Á họp tại Phi-Luật-Tân cử làm Chủ Tịch Tổng Cục Bóng Bàn Á Châu.

Định mệnh lại một lần xoay chuyển cuộc đời ông Đinh Văn Ngọc. Ngày 25 tháng 4 năm 1975, ông Đinh Văn Ngọc rời Việt Nam đi thủ đô Rome của Ý-Đại-Lợi để dự các cuôc họp chuẩn bị cho Thế Vận Hội sắp được tổ chức tại thành phố Montrel - Canada, vào năm sau 1976. Trong những ngày sau đó, khi chờ đợi máy bay để đi tiếp từ Đài Loan, ông Đinh Văn Ngọc nhận được tin miền Nam mất vào tay Bắc Việt qua bài tường trình của một tờ báo Pháp. Tinh thần hoang mang, đau đớn; ông đã để lại sau lưng gia đình và đất nước. Chuyến đi định mệnh đã đưa ông xa rời vĩnh viễn quê hương...

Sau đó ông định cư tại Pháp, và thường tới lui thăm viếng cựu hoàng Bảo Đại. Đến thập niên 1990 ông lại qua định cư tại thành phố Los Angeles, Hoa Kỳ và đoàn tụ với gia đình. Năm 1995 ông vận động đồng bào Việt trong vùng San Fernando và thành lập Hội Người Việt Cao Niên. Sau đó đến năm 1995 thì đổi tên thành Hội Người Việt để thành phần hội viên được rộng rãi hơn. Năm 1993, do sư khuyến khích của bạn hữu, ông viết hồi ký và in thành quyển "Hai Mươi Năm Thăng Trầm". Đây là một cuốn sách thuộc loại hồi ký rất hay và lý thú. Trong đó nhiều điểm về lịch sử cận đại của miền Nam được nhắc nhở tới.

Năm 2002, do tuổi già sức mõi, ông Đinh Văn Ngọc từ chức Chủ Tịch và chỉ lui tới để cố vấn, góp ý trong các hoạt động của hội. Sau khi người bạn trăm năm, người vợ hiền mấy mươi năm chung sống của ông là bà Huỳnh Thị Chơn qua đời, ông đã lui về an dưỡng tại một viện dưỡng lão trong vùng.

Ôi chín mươi năm như một cơn mộng cuộc đời. Công danh thành bại rồi cũng một phút phủi tay.

Cuộc đời ông Đinh Văn Ngọc là những thăng trầm không dứt. Có lúc lên đến đỉnh cao danh vọng, rồi có lúc bàng hoàng mất tất cả. Ông vĩnh viễn xa lìa quê hương năm 1975, rồi bây giờ, ba mươi hai năm sau, ông đã vĩnh biệt chúng ta để đi về cõi vĩnh hằng, nơi có đời sống tâm linh thiên thu bất diệt. Ông đi rồi, để lại sau lưng bao nhớ thương tiếc nối cho gia đình, bằng hữu.

Chúng ta không thể quên được một con người đầy cá tính mạnh mẽ của ông. Một nhân vật luôn hăng say hoạt động xã hội cho đến phút cuối cùng. Một con người luôn vì tha nhân mà quên mình.

Ôi, ông Đinh Văn Ngọc, chúng tôi sẽ luôn nhớ đến ông sau này. Nhớ đến nụ cười cởi mở, giọng nói dung dị, ấm áp. Nhớ phong cách đĩnh đạc của ông, và nhớ mãi tấm lòng cao cả đó...

Xin mượn những câu thơ về Huế này để nhớ đến ông:

Chiều chiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm?
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
Đưa câu ''máy đẩy" chạnh lòng nước non!

San Fernando Valley
Phong Vũ


PHÂN ƯU

Được tin buồn ông

Giuse ĐINH VĂN NGỌC
1918 - 2007

( Cựu Chủ Tịch Uỷ Ban Thế Vân Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa )
( Cựu Chủ Tịch Tổng Cuộc Bóng Bàn Việt Nam Cộng Hòa và Á Châu
(Cựu Chủ Nhiệm và Chủ Bút nhật báo Bến Nghé)
(Cựu Phụ Tá Chủ Nhiệm Tuần Báo Trắng Đen - USA)
( Cựu Chủ Tịch Hội Người Việt tại San Fernando Valley, Los Angeles, California )

Đã tạ thế lúc 8:55 tối, ngày 24 tháng 4, năm 2007

tại San Fernando Valley, Los Angeles, California, USA.

Hưởng thọ 90 tuổi

Chúng tôi thành kính chia buồn cùng tang quyến.
Nguyện cầu linh hồn ông Đinh Văn Ngọc
sớm về thiên đàng,
hưởng nhan Thánh Chúa.

Thành Kính Phân Ưu

Nhạc sĩ Nam Lộc
Bộ Biên Tập Take2Tango

Không có nhận xét nào: