Thứ Ba, 10 tháng 7, 2007

Tràn Trề Tình Cảm !

Dân Việt tỵ nạn sang đây thấm thoát đã gần phần ba thế kỷ. Vật đổi, sao dời. Ngày mới bước chân sang đây, “nhà nước ta” nhìn theo, chửi đổng: “Đồ ma cô, đĩ điếm, bám chân đế quốc Mỹ.”

Ngày nay đô la xanh, máy chụp hình, quay phim, giấy quốc tịch đeo lủng lẳng cùng người, nhà nước ta nhìn người tỵ nạn, thuyền nhân trở về, với vòng tay âu yếm, ân cần ngợi khen: “Chà, Việt Kiều yêu nước về thăm đất nước để giúp “quê hương là chùm khế ngọt” thì thiệt là có tấm lòng yêu nước quý hóa.”

Mới đây, khi sang thăm nước Mỹ, ông chủ tịch “nhà nước ta” Nguyễn Minh Triết còn gọi người Việt hải ngoại là “Máu của máu Việt Nam!” Tuy chẳng hiểu ông chủ tịch nói gì nhưng nghe nói tới máu mủ là tôi sợ muốn chết.

Ông nhà báo sốt ruột:

- Chuyện nhà nước khen ngợi “Việt Kiều” hay muốn ám chỉ rằng “mình” và “ta” tuy hai mà một, vẫn có chung dòng máu, vẫn là đồng bào thì có ăn chung gì tới các bà mà phải đem bàn?

- Có chứ, trên đời chuyện gì cũng có nhân, có quả cả ông ạ. Các ông tỵ nạn, các ông thuyền nhân, bộ nhân sau một thời gian cầy bừa vất vả hay các ông Hát- Ô đến trễ tràng khi đã gần hết tuổi lao động trên xứ người thì vừa khi nhà nước ta thấy rằng tiền nào cũng là tiền.

Hơn nữa, tiền của Việt Kiều xứ người gửi về vừa nhiều, vừa thơm, vừa dễ, không hề đòi hỏi điều kiện dân chủ, nhân quyền khó nuốt vì đa số gửi về để giúp gia đình, giúp người nghèo khó nên “nhà nước ta” khuyến khích, dụ dỗ, lừa gạt trăm phương ngàn cách cho Việt Kiều gửi tiền về. Nhà thơ gật gù:

- Tất cả những gì về lưu manh, lừa gạt tôi phục chúng nó nhất. Trên đời chưa từng có “nhà nước nào” nghĩ ra cách kiếm tiền giỏi một cách tuyệt đối, ba trợn và vô liêm sỉ như chúng nó. Nhưng nghĩ cho cùng, nếu mình không ham về ăn chơi, không ham về kiếm tiền để bị lừa gạt, không ham vợ bé, đào non thì làm gì nó lợi dụng được mình, nó xỏ mũi mình, nó sai bảo mình chi tiền vào những chỗ nó muốn mình chi?

Bà nhà báo cười:

- “Nhà nước ta” đâu phải chỉ tài giỏi về mặt kiếm tiền, họ giỏi về nhiều mặt khác nữa. Chuyện lưu manh như chuyện dựng đứng những nhân vật anh hùng, thần thánh: “Bác Hồ”, “Anh Kim Đồng” chẳng hạn. Còn bầu cử luôn luôn dân đi bầu tới... 99% như trong tất cả các cuộc bầu cử và cuộc bầu quốc hội vừa qua cũng thế. Bao giờ cũng giở trò “Đảng cử, dân bầu!” Đúng là trò dụ dỗ trẻ con!

- Còn chuyện xúi dân ăn cứt gà nữa chi! Ngày xưa, cho bọn “Ngụy” mình vượt biên bán chính thức để thu tiền rồi hoặc dắt ra bỏ giữa biển cho chết chìm, hoặc bắn ngay vào tầu khi vừa ra khỏi bãi là thường.

Người chết không nói được nhưng còn những người sống sót, còn những bằng chứng sờ sờ mà chúng nó vẫn lấp liếm được thì đúng là mặt dầy! Thế mà dân mình cứ cúi đầu nghe mới là chuyện lạ.

Nhà văn thở dài, nhỏ giọng xuống, tâm sự:

- Các cụ ạ, nói không phải chứ tôi thấy dân mình... chẳng anh hùng tí nào cả. Hay ít ra thì từ ngày có Cộng Sản đến giờ. Con giun xéo lắm cũng quằn thế mà đã hơn nửa thế kỷ qua, cứ có một đường lối, một chính sách, một cách tuyên truyền, thế mà lần nào cũng mắc bẫy, nó nói sao dân nghe vậy, nó đàn áp thế nào cũng chịu rồi chỉ biết kêu than.

Nhà thơ gật gù:

- Thằng nào tham nhũng, ăn chơi được thì cứ ăn chết bỏ. Ăn từ nhà thương ăn ra nghĩa địa, ăn từ người bệnh cho tới người chết. Xác người cứ bán, nghĩa địa cứ đào. Chất thải độc làm dân chết cả làng vì ung thư? OK, miễn là nhà máy, công ty chi tiền cho “nhà nước” hậu hĩ. Miễn là giàu sang. Sống chết mặc bay.

Thằng nào bán máu, bán con, bán vợ thì cứ bán. Cha mẹ bán con đi làm vợ lẽ, làm điếm được thì cứ bán lấy tiền xây nhà tường. Không thể nào tưởng tượng được xã hội Việt Nam với gần năm ngàn năm văn hiến mà dường như vô văn hóa trong cách đối xử giữa con người với con người, giữa chính phủ với người dân, giữa cha mẹ, vợ chồng, con cái với nhau.

Hình như bây giờ, số dân Việt chẳng còn mấy tí sĩ diện, lương tâm hơi nhiều, nó trở thành khuynh hướng thời đại chứ không phải chỉ là một vài trường hợp riêng rẽ nữa! Đáng buồn biết mấy!

Ông Hát Ô buồn thiu:

- Thanh niên trí thức thì cứ nửa thức, nửa ngủ. Những người có lòng với đất nước kêu gọi gần chết cũng chẳng mấy người hưởng ứng. Mất đất, mất nhà, ra trước nhà các ông lớn, ra tới trước “nhà tiếp dân” thì bị đánh, bị dẹp gần chết cũng chẳng ông lớn, bà nhỏ nào ra đấy can thiệp. “Mẹ Việt Nam chết” cũng mặc kệ. “Người con gái VN da vàng” đi bán “vốn tự có” cũng kệ em! Chưa bao giờ nhân phẩm người đàn bà VN bị rẻ rúng đến vậy.

Bà nhà thơ kêu:

- Nghệ sĩ thì chỉ bắt chước người ta, chẳng thấy được tác phẩm nghệ thuật nào có giá trị. Chưa hết, đàn ông, thanh niên VN thấy người yêu, đàn bà con gái ào ào “xuất khẩu” lấy chồng xứ người, dù đui què, sứt mẻ cũng chỉ biết kêu than: “Con chim đa đa đậu nhánh đa đa. Chồng gần không lấy, sao em lấy chồng xa..?”

Câu hỏi đó, các ông Việt Nam phải tự hỏi mình. Sáng, trưa, chiều tối, khuya, sớm đều nhậu nhẹt lu bù, quán ăn, bia rượu, gái ghiếc, xì ke, thuốc lắc, ma túy cứ nườm nượp từ ông lớn tới thằng nhỏ. Thử hỏi ông ăn tiêu thì ai nhịn? Vợ con ông chứ ai nếu ông không phải tay chuyên môn nói ra bạc, khạc ra tiền hay nắm được vài cái dù che ấm áp cả cuộc đời?

Bà nhà văn thấy bà bạn vàng hăng quá, cười tủm tỉ

- Làm gì mà bà nóng thế? Các ông lớn trong cái “nhà nước ta” bây giờ cũng văn minh lắm, các ông sạch như lau, như ly, có thấy điều tiếng gì đâu nào. Chủ tịch Nguyễn Minh Triết chẳng tuyên bố đại khái rằng: “Chúng tôi đã từng bị mất tự do nên chúng tôi rất yêu mến tự do và tôn trọng nhân quyền lắm lắm. Chúng tôi chẳng có tù nhân lương tâm nào cả, chỉ có bọn phản động, chống phá an ninh tổ quốc thì phải trừng trị thẳng tay chứ...”

Ông Hát Dù cười khẩy:

- Thì cũng như vụ chúng lừa gạt chúng tôi vào tù rồi bảo để giáo dục chúng tôi ấy mà. Đồ vô giáo dục, vô liêm sỉ mà đòi dậy người khác học làm người!

- Chưa hết, kỳ này ông Triết sang đây toàn nói chuỵên tình cảm, chuyện “dù trong hay ngoài nước cũng đều là người Việt Nam”, chuyện ông muốn mời những đồng bào đang biểu tình dàn chào ông và đòi nhân quyền cũng như tự do cho Việt Nam vào ăn tiệc cùng với ông...

Bà nhà văn xuýt xoa:

- Trời ơi, cơ hội ngàn năm một thủơ ông được gặp khúc ruột xa ngàn dặm. Ông đã xổ nho “Tha hương ngộ cố tri”, nhất là cố tri đang biểu tình mà ông nỡ bỏ qua không xuống “rua” nhau một cái có phải là thắm thiết tình cảm không.

Nhà thơ bĩu môi:

- Chẳng qua ông Triết rút kinh nghiệm vụ Phan Văn Khải sang đây bị “Đồng bào, khúc ruột xa ngàn dặm” dàn chào kỹ rồi tố cáo ngay trong buổi họp báo là “Anh là tên nói láo!”. Hắn không kềm nổi thú tính quen thuộc của chính thể độc tài, đã quát lên đòi: “Đuổi nó ra!” Thời buổi tin học bây giờ, những hình ảnh đó trông... lạc hậu, ấu trĩ, thô bỉ và chỉ có hại cho những chuyến thương lượng cũng như hình ảnh của nhà nước VN mà thôi.

Ông Hát Dù gật gù, thở ra

- Kỳ này, ông Triết muốn vẽ một hình ảnh mới mẻ, văn minh, cởi mở và hơn nữa, đầy tràn tình cảm qua những câu thơ ông ngâm nga quảng cáo: “Quê hương là chùm khế ngọt...”Thật ra khế thường chua gần chết, lâu lâu mới có một cây gọi là khế ngọt, tức là chỉ hơi hơi không... chua thôi chứ làm gì có khế ngọt, cũng như chanh ngọt tức là chanh không chua, thế thôi.

Thiên hạ cứ nghe ngọt ngào, xuôi tai là tin bằng chết. Các cụ thấy nhà thơ Hoàng Cầm ca tụng “lá diêu bông” đấy. Làm gì có lá diêu bông, thế mà ai cũng nhớ, cũng thích bài thơ. Ông Triết biết thế nên lợi dụng bài thơ nổi tiếng để “dụ” đồng bào về quê, chung tiền cho các ông ăn chơi, tham nhũng, xây dinh, nuôi “con nuôi, cháu nuôi”... và hơn nữa, để củng cố cho cái chế độ độc tài, đảng trị của Cộng Sản.

Ông Hát Ô cười:

- Đúng vậy, tin vào diễn xuất của ông Triết cũng như tin vào những giọt nước mắt cá sấu của “bác Hồ” ngày nào sau khi “bác” bán cụ Phan cho Pháp để lấy tiền.

Nhà văn thở dài:

- Thế mà bao giờ cũng có những người mắc bẫy. Trong số khoảng 700 người dự bữa tiệc với ông để nghe ông quảng cáo về những cơ hội đầu tư kỳ vào VN, thế nào ông Triết cũng bẫy được một số con mồi ngây thơ.

Các cụ có nhớ vụ ông vua chả giò đang kiện nhà nước ta ra trước tòa án quốc tế về tội tước đoạt tài sản, bắt bỏ tù ông ta không? Vụ ông chủ trường bị mất trường sau khi trường làm ăn khấm khá...

- Chưa hết, còn thằng Trần Trường, con cờ sáng chói dám làm bàn thờ Hồ Chí Minh giữa phố Bolsa rồi đem tiền về VN kinh doanh với nhà nước ta, tưởng rằng mình là con cưng của “bác và đảng” cũng đang bị tù và đang chống án đó.

Nhà thơ cười miếng chi:

- Tôi vẫn cho thế là đáng đời. Tuy nhiên, phải nói là tiên trách kỷ, hậu trách nhân, nếu mình không tham tiền, không ngu dại để quên cái bản chất lật lọng, thâm hiểm, tráo trở, không ham về ăn chơi thì làm sao nó dụ dỗ được mình?

Kathy Trần

Không có nhận xét nào: