Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2007

Cái Chết của Người Mẫu Mông Cổ

Người mẫu Altantuya Shaariibuu.

Theo kết quả khám nghiệm tử thi và hiện trường, trước khi bị nổ tung xác, người mẫu Altantuya Shaariibuu đã bị bắt cóc tại tư dinh của cố vấn chính trị Abdul Razak Baginda và bị bắn 2 phát vào đầu...

Phó thủ tướng Najib Tun Razak vừa quyết định lên tiếng sau khi bị cáo buộc có liên quan tới vụ sát hại người mẫu Mông Cổ Altantuya Shaariibuu.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 25/4/2007, Phó thủ tướng Najib Tun Razak cho biết, ông chưa bao giờ gặp cô Altantuya Shaariibuu. Vụ sát hại người mẫu Altantuya Shaariibuu từng gây chấn động dư luận 2 nước Mông Cổ và Malaysia bởi sự dã man của sát thủ cũng như nghi can là một thành viên trong Ban cố vấn của Phó thủ tướng.

Hơn nữa, sau khi biết tin đích thân Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi đã ra lệnh cho cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra làm rõ hung thủ. Ngoài ra, người lên tiếng tố cáo Phó thủ tướng Najib Tun Razak có liên quan tới vụ án mạng là cựu Phó thủ tướng Anwar. Chính vì những nguyên nhân kể trên nên vụ sát hại người mẫu Altantuya Shaariibuu lại một lần nữa được dư luận quan tâm cho dù nó diễn ra từ tháng 10/2006.

Theo giới truyền thông, sở dĩ Phó thủ tướng Najib Tun Razak bị người ta đưa ra cáo buộc kể trên bởi nghi can là Abdul Razak Baginda, cố vấn chính trị, đồng thời là bạn thân của ông.

Ông Shaariibuu Setev, bố đẻ cô Altantuya Shaariibuu đã bay tới Malaysia cùng với bức thư tay của Tổng thống Mông Cổ gửi Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi sau khi cái chết của người mẫu được đăng tải. Thủ tướng Badawi đã chỉ thị cho Tư lệnh cảnh sát nước này đích thân điều tra vụ án với tôn chỉ không được để bất cứ ai đứng trên pháp luật.

Cảnh sát trưởng Musa Hassan cho biết, họ sẽ đưa ra ánh sáng vụ giết người dã man này trong thời gian sớm nhất.

Ngay sau khi nhận được tin báo của người thân cô Altantuya Shaariibuu, cảnh sát đã huy động hơn 40 nhân viên để truy tìm nạn nhân và sau hơn 7 giờ đồng hồ, họ đã phát hiện ra những mảnh thi thể nạn nhân ở ngoại ô Shah Alam, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 30 km về phía tây.

Theo lời khai của một số người bị bắt thì do lo sợ cuộc hôn nhân và tiền đồ của mình bị đổ vỡ nên ông Abdul Razak Baginda đã thuê sát thủ giết hại cô Altantuya Shaariibuu (?). Nhưng cho đến nay ông Abdul Razak Baginda vẫn phủ nhận việc có liên quan tới cái chết của cô Altantuya Shaariibuu và cố vấn chính trị vẫn chưa được phóng thích cho dù luật sư nhiều lần kiến nghị.

Theo giới truyền thông, ông Abdul Razak Baginda năm nay 46 tuổi, đã có vợ và một con gái, là Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc gia, có quan hệ với nhiều chính trị gia và là thành viên trong Ban cố vấn của Phó thủ tướng Najib Tun Razak.

Cách đây 3 năm (2004), khi đi dự hội nghị ở Hồng Công, ông Abdul Razak Baginda đã tình cờ làm quen với người mẫu Altantuya Shaariibuu. Khi đó cô Altantuya Shaariibuu mới 26 tuổi và là người mẫu chưa tên tuổi. Hai người vừa gặp nhau đã bị tiếng sét ái tình hạ gục.

Vì là một người thành đạt, nổi tiếng và khá giàu có nên ông Abdul Razak Baginda không những tặng rất nhiều quà cho mỹ nhân, mà còn đưa người mẫu Altantuya Shaariibuu đi du lịch một số nước như Trung Quốc, Bỉ. Đến tháng 3/2005, cô Altantuya Shaariibuu đã sinh cho ông Abdul Razak Baginda một cậu con trai, và hiện đang mang thai nên đã yêu cầu được tổ chức đám cưới. Vì không muốn hy sinh hạnh phúc gia đình cũng như danh dự của mình nên ông Abdul Razak Baginda đã khước từ lời yêu cầu của người tình.

Chính vì lời từ chối thẳng thừng kể trên nên quan hệ giữa 2 người từ chỗ mặn nồng chuyển sang thù địch - ông Abdul Razak Baginda liên tục nhận được tin nhắn và thư từ “khủng bố” từ phía cô Altantuya Shaariibuu cho dù đã thay đổi số máy điện thoại di động nhiều lần.

Vì muốn con trai có bố nên thượng tuần tháng 10/2006, cô Altantuya Shaariibuu đã cùng em gái và em họ bay sang Malaysia để giải quyết dứt điểm sự việc. Có lẽ biết trước được việc này nên ông Abdul Razak Baginda đã tìm mọi cách để “tránh mặt” buộc cô Altantuya Shaariibuu phải thuê thám tử tư để tìm ra tung tích của kẻ phụ tình.

Thám tử tư không những tìm ra nơi ở, phương thức liên lạc của ông Abdul Razak Baginda, mà còn thay mặt cô Altantuya Shaariibuu yêu cầu kẻ phụ tình phải chi 500.000 đô la để nuôi con và trả các chi phí khác. Quyết không chịu khuất phục, ông Abdul Razak Baginda cũng thuê thám tử tư với mục đích ngăn cản cô Altantuya Shaariibuu tiếp xúc với người thân cũng như xuất hiện tại gia đình mình.

Ngày 19/10/2006, khi đang đưa cả gia đình đi ăn trưa tại khách sạn, ông Abdul Razak Baginda bỗng nhận được điện thoại của thám tử tư cấp báo. Theo đó cô Altantuya Shaariibuu cùng hai người thân đã xuất hiện tại Damansara Heights, tư dinh sang trọng của ông Abdul Razak Baginda, nhưng vì không có ai ở nhà nên họ đã bỏ đi.

Đến tối cùng ngày, ông Abdul Razak Baginda lại nhận được cú điện thoại thứ 2 của thám tử tư - cô Altantuya Shaariibuu đang một mình đi tới Damansara Heights. Chỉ sau vài phút nhận được cú điện thoại kể trên, có nhân chứng nhìn thấy cô Altantuya Shaariibuu bị 2 người đàn ông và 1 người đàn bà mặc sắc phục cảnh sát bắt lên một chiếc hơi.

Sau mấy giờ đồng hồ không thấy Altantuya Shaariibuu xuất hiện, 2 người em của cô mới đi báo cảnh sát và thông báo việc này với sứ quán Mông Cổ ở Thái Lan. Sở dĩ phải báo với sứ quán Mông Cổ ở Thái Lan bởi Mông Cổ chưa lập sứ quán của mình tại Malaysia, do đó mọi công việc đều do Đại sứ quán Mông Cổ ở Thái Lan giải quyết.

Ngay sau khi nhận được tin dữ, ông Shaariibuu Setev, bố đẻ của cô Altantuya Shaariibuu đã đáp chuyến bay tới Malaysia.

Ông Abdul Razak Baginda bị cảnh sát bắt giữ.

Tại cuộc họp báo hôm 11/11/2006, ông Shaariibuu Setev cho biết, người thân trong gia đình vẫn không tin Altantuya Shaariibuu đã chết nên ông mới cung cấp mẫu ADN cho cơ quan chức năng xét nghiệm.

Cô Altantuya Shaariibuu đã tốt nghiệp đại học, tinh thông tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Trung Quốc và từng được coi là một trong 6 người mẫu nổi tiếng nhất Mông Cổ. Ngoài việc gia nhập đội ngũ người mẫu, cô Altantuya Shaariibuu còn là giáo viên, phiên dịch, hướng dẫn viên du lịch và có cuộc sống thuộc tầng lớp trung - thượng lưu.

Cha cô, ông Shaariibuu Setev là giáo sư của một trường đại học quốc gia ở thủ đô Ulan Bator, là Giám đốc Trung tâm giáo dục và thông tin, một tiến sĩ tâm lý học.

Theo giới truyền thông, gia đình ông Setev thuộc loại danh giá ở Mông Cổ. Là một thương nhân thành công trên thương trường, bản thân cô Altantuya Shaariibuu cũng là một người thành đạt, nổi tiếng, do đó không thể đến Malaysia để tống tiền ông Abdul Razak Baginda.

Do bị tình nghi tới vụ giết hại cô Altantuya Shaariibuu nên ông Abdul Razak Baginda, 2 thám tử tư và 3 sĩ quan cảnh sát cao cấp địa phương đã bị bắt để thẩm vấn.

Một nhân viên trong đội bảo vệ Thủ tướng Abdullah Ahmad Badawi cũng nằm trong danh sách những người bị nghi vấn có liên quan tới cái chết của người mẫu Altantuya Shaariibuu. Giới truyền thông cho biết, tất cả những người bị bắt giữ đều phải tiến hành lấy mẫu ADN để đối chiếu với những mẫu vật cảnh sát thu giữ được tại hiện trường và thi thể nạn nhân. Tuy nhiên cho đến nay, kết quả vẫn chưa được công bố.

Nguyễn Diệu Hương Ly

Không có nhận xét nào: