Thứ Năm, 12 tháng 7, 2007

Áo Quần "Đốt Nóng" Giảng Đường

Áo hai dây, váy ngắn, quần bò cạp trễ... là sở thích của một số nữ sinh thời nay khi đến giảng đường. Trang phục “nóng” ấy khiến bao người “ngứa con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái”.

Trường học nào cũng đều có nội quy về trang phục của sinh viên. Khi tới giảng đường, trang phục phải đảm bảo kín đáo, gọn gàng để thuận lợi cho các hoạt động học tập và vui chơi. Nếu cá nhân sinh viên nào vi phạm sẽ phải hứng chịu những hình thức từ nhắc nhở đến phạt cảnh cáo.

Đây là những quy định bình thường và dễ dàng thực hiện vì ít ra họ đã không phải mặc đồng phục cả tuần như hồi còn là học sinh trung học. Tuy nhiên, với một số nữ sinh viên “chịu chơi” lại khác. Quy định này của nhà trường tỏ ra hà khắc với bản thân họ. Rời xa cách ăn vận họ ưa thích là cả một vấn đề. Thế nên họ chỉ thực hiện nó khi để đối phó còn sau đó họ lại trở về với cách ăn vận của “chủ nghĩa cá nhân” họ.

Hồng Vân - cô sinh viên được các bạn trong lớp gán cho biệt danh “ăn chơi” nhất khoa Xuất bản - Học viện Báo chí tuyên truyền không nằm ngoài những sinh viên ấy. Quê Vân ở TP Vinh (Nghệ An). Bố mẹ đều là công nhân một nhà máy nhưng cách ăn mặc của Vân thì chẳng khác nào một cô gái nhà giàu Hà thành đúng điệu.

Biết rõ quy định của trường phải mặc trang phục kín đáo nhưng Hồng Vân rất ít lần thực hiện được điều đó. Vân là người sính diện áo hai dây và quần bò cạp trễ. Vân vẫn mặc áo hai dây đến giảng đường nhưng trong cặp của Vân luôn có thêm một chiếc áo sơ mi trắng. Mỗi khi đến tiết học của thầy cô giáo nào hơi nghiêm là Vân lại lấy chiếc sơ mi đó khoác lên chiếc áo hai dây ở trên người. Vậy là mọi việc đều ổn.

Bạn bè trong lớp nhiều lần phải phá lên cười vì sự cuống cuồng đối phó của Vân mỗi khi gặp thầy cô “khó”. Thấy Vân phải khốn đốn thay ra thay vào nên khuyên Vân chịu khó mặc một sơ mi khi đến lớp nhưng Vân cười cười nói: “Mặc thế quen rồi, phải mặc kín cổng cao tường thì khó chịu lắm. Các ông bà trong lớp thông cảm cho”.

Thu Hòa, khoa Âm nhạc - Đại học Văn hóa Hà Nội thì lại phải thường áp dụng một mánh khóe khác để đối phó với nội quy cứng nhắc của trường mình bằng cách Hòa luôn mang một bộ đồ được cất trong một chiếc túi giấu ở hộp chứa đồ của chiếc xe máy. Sáng và chiều về, Hòa vẫn được ăn mặc “đúng với style của mình” là áo thun bó sát người và váy ngắn. Chỉ có thời gian trên lớp là Hòa phải cố diện những bộ quần áo “đứng đắn”. “Mất thời gian thật đấy, nhưng lại được thoải mái và đẹp” - Hòa nói.

Khác với hai trường hợp trên, Mai - sinh viên khoa Phát thanh, Cao đẳng Truyền hình tuy không dám diện những trang phục sexy ở trên lớp nhưng lại thoải mái mặc nó ở lớp học thêm tiếng Anh buổi tối. Là lớp học thêm nên không phải tuân thủ nội quy nào nên Mai có thể diện “tất tần tật” những kiểu trang phục mình thích như: Áo hai dây, váy ngắn, quần cạp trễ hở hang… mà không sợ ai nhắc nhở hay nguy cơ ngồi viết kiểm điểm cá nhân và nếu có lời bình phẩm gì thì cũng chẳng đáng bận tâm.

Bình - sinh viên Đại học Ngoại ngữ Hà Nội kể: Trên lớp mình cũng có vài cô nàng đỏng đảnh. Cách ăn vận của các nàng thì thật kinh khủng, có hôm mình mong có cái lỗ để chui ngay xuống đất mà trốn. Nhóm đó cứ như là thay phiên nhau diễn những kiểu áo thiếu vải như áo hai dây, áo thun bó ngắn như bikini. Nhiều lần bị thầy cô nhắc nhở, kể cả việc đã từng bị gọi lên khoa viết bản kiểm điểm nhưng họ vẫn cứ chứng nào tật nấy.

Khánh - Sinh viên Đại học Quốc gia phàn nàn: Cô bạn Lan ngồi bàn trên mình rất hay diện áo ngoài và áo lót trong màu tương phản đến lớp khiến lũ con trai bọn mình không tài nào tập trung nghe giảng được. Bọn mình đã tế nhị nhắc nhở, nhưng cô nàng vẫn thản nhiên nói cùn: “Tớ có mặc hở hang gì đâu, vẫn kín đáo đấy chứ. Các cậu không nhìn và suy diễn thì tớ mặc thế chả có vấn đề gì”.

Bác Chính - một phụ huynh có con đang học lớp 12 trường Kim Liên bày tỏ: Bác biết con gái mình cũng hay mặc quần áo hơi thiếu vải đến lớp. Đã nhiều lần nhắc nó nhưng nó chỉ hạn chế đi chút ít. Nhưng phải công nhận một điều, mặc thế trông con bé đẹp hơn rất nhiều. Và bạn bè của nó đứa nào cũng thế cả, không lẽ lại cấm nó. Mà thực ra, kết quả học tập mới của nó mới là điều bác đáng chú ý nhất.

Không có nhận xét nào: