Thứ Hai, 25 tháng 6, 2007
Homeless Trên Ðất Mỹ
Trong xã hội chúng ta đang sống, dường như đường kẻ vô hình ngăn cách giữa sự giàu sang và nghèo khổ không thể nào có thể bôi xoá được. Phải thành thực mà nói, cuộc đời quả bất công. Trong một bản tin được loan tải mới đây, một nhóm viên chức cao cấp của một công ty tại Hoa Kỳ đã bị sa thải vì đã “chịu chơi” chi gần 70,000 Mỹ kim cho ba chai rượu quí trong một bữa ăn tối. Cùng lúc đó, trên những đường phố tại các nước nghèo như Việt Nam, dẫy đầy những người ăn xin đói khổ, ngửa tay xin từng đồng để có thể kiếm một chút gì đó ăn cho đỡ đói, lây lất sống qua ngày.
Có những câu chuyện rất thương tâm khi được nghe kể đã làm chúng ta rơi lệ. Chẳng hạn như chuyện một Việt kiều về Việt Nam, trong một buổi tối tại một nhà hàng anh bắt gặp hai đứa bé gái, một đứa khoảng dưới 10 tuổi, và đứa kia, có lẽ là em, khoảng 6 tuổi, đang đứng thèm thuồng nhìn anh ăn uống. Ðộng lòng, anh gọi chúng vào và mua cho mỗi đứa một phần ăn. Nhưng khi thấy đứa lớn không đụng đũa đến phần ăn của mình, anh tò mò hỏi thì bé đã bật oà khóc và xin anh cho nó được đem phần ăn về cho mẹ nó đang bệnh nằm ở nhà.
Tôi viết đoạn này mà nước mắt tôi như muốn trào ra khỏi khoé mắt. Tôi đang xúc động tột cùng. Còn bao nhiêu câu chuyện thương tâm như thế đã và đang xảy ra hằng ngày trên quê hương của tôi? Nhất là khi những kẻ bất hạnh, đáng thương kia chỉ là những em nhỏ chưa đến 10 tuổi.
Nhưng thật phũ phàng, trái lại, cũng có nhiều người, vì lười biếng hoặc vì tham lam đã lợi dụng lòng hảo tâm, quảng đại của người khác để trục lợi. Họ dùng đủ mọi mánh khoé, xảo thuật để moi tiền của những người giàu lòng nhân ái.
Các bạn hãy nghe những câu chuyện sau đây:
Một buổi tối mát trời vào đầu năm 1972 tại Sài-Gòn, tôi đang thưởng thức tô hủ tíu mì bò viên tại một quán ăn trong khu Nguyễn Thiện Thuật thì bỗng có một người đàn ông tuổi khoảng ngũ tuần đến bên xin giúp đỡ. Ông ăn mặc sạch sẽ, với quần tây, áo sơ mi, ngoài khoác một cái áo vest sậm màu đã sờn một vài chỗ nơi khuỷu tay. Bằng một giọng nhỏ nhẹ, trầm ấm ông nói:
- Bác rất e ngại khi phải làm việc này. Bác không quen nhưng vì hoàn cảnh quá quắt nên bác phải đánh liều xin cháu giúp đỡ.
Tôi chưa kịp phản ứng gì thì ông đã nói tiếp: - Số là, thằng con trai lớn của bác đi lính vừa tử trận
Ông móc túi áo lấy cho tôi xem một tấm ảnh chụp của một quân nhân trẻ, nghẹn ngào:
- Bác lặn lội từ miền Trung vào đây nhận xác nó. Có bao nhiêu tiền mang theo bác đã bỏ ra hết để lo việc chôn cất. Bây giờ, bác không còn một đồng dính túi, không biết làm thế nào để trở về quê. Bác đã xa bác gái và mấy đứa nhỏ hơn một tháng rồi, không biết gia đình bác bây giờ ra sao ? Nếu cháu có thể, giúp bác một ít để bác mua vé xe đò.
Tâm hồn tôi tôi bỗng chùng xuống. Tôi tự nghĩ, tại sao lại có người lâm vào hoàn cảnh bi đát như vậy. Móc hết tiền trong túi, tôi nhẩm tính giữ lại đủ để trả tiền ăn, còn bao nhiêu đưa hết cho ông.
Tôi an ủi ông: - Cháu cũng là lính nên không dư giả nhiều, nhưng dù sao đi nữa, cháu còn may mắn hơn bác. Cháu chỉ có bao nhiêu đây, bác cầm đỡ.
Ông nhận tiền, mắt như đẫm lệ: - Cám ơn cháu, trời phật sẽ phù hộ cho cháu.
Nói xong, ông rảo bước ra khỏi quán.
Ðêm đó, tôi ngủ thật ngon vì nghĩ rằng mình đã làm một việc đáng làm. Tôi đem chuyện người đàn ông đáng thương kể cho một tên bạn thân. Nghe xong, hắn ôm bụng cười ha hả:
- Trời ơi, mày mắc bẫy rồi con ơi.
Như bị một gáo nước lạnh tạt vào mặt, tôi hỏi:
- Hả, mày nói gì ? Tao bị lừa?
- Ừ, còn gì nữa.
- Tao không tin.
- Tội nghiệp cho thằng bạn thật thà của tôi. Có phải thằng cha có gương mặt hiền lành, tóc hớt ngắn, mặc một chiếc áo sơ mi trắng, quần nâu, khoác cái áo vest cũng màu nâu, hai bên khuỷu tay sờn rách không? Hắn là dân mánh mung, chôm chĩa chuyên nghiệp đó con ơi. Nè, mày muốn biết sự thật, cứ tới khu Huỳnh Thúc Kháng sẽ rõ.
Tôi vẫn không tin lời nó tuy cũng hơi bán tín bán nghi.
Câu chuyện tưởng đã qua đi trong tiềm thức tôi thì bỗng dưng vài tháng sau đó?
Một buổi sáng tôi đang lang thang khu chợ trời Huỳnh Thúc Kháng thì bỗng tôi trông thấy hắn.
Vâng, chính hắn, người đàn ông buổi tối hôm nào với vẻ mặt thật phúc hậu, tóc cắt ngắn, áo sơ mi trắng cùng chiếc áo vest sậm màu. Tôi vẫn không quên giọng nói thật trầm ấm của hắn. Mặc một chiếc áo sơ mi màu xanh nhạt, hắn đang ngồi tại một cái bàn trước cửa một quán ăn. Trên bàn, cạnh cái tô, dĩa rau, là ly cà phê sữa đá và gói thuốc Mallboro đỏ. Hắn dựa lưng thoải mái, mắt nhìn ra đường, nhả từng vòng khói thuốc trông rất nhàn hạ. Một sự uất nghẹn chợt dâng lên trong cổ họng tôi. Tôi đứng lặng một hồi, nhìn hắn rồi lặng lẽ quay lưng?Tôi đã có lần nghe nói về thành phần bất hảo này, nhưng tôi không bao giờ ngờ rằng có ngày chính tôi lại trở thành nạn nhân của họ.
…
Ngày xưa, tôi cứ tưởng loại người vô lương này chỉ có thể tồn tại ở những quốc gia, nghèo đói và nhược tiểu như Việt Nam, nhưng thưa các bạn, ngay trên đất nước bơ sữa này, chúng cũng rẫy đầy trên các đường phố như những câu chuyện dưới đây đã chứng minh.
Anh B., một buổi chiều đang du dương, thủ thỉ bên người tình trong một quán nước thì bỗng có một người thanh niên người da trắng ăn mặc sạch sẽ đến xin anh giúp đỡ. Hắn cho biết là xe của hắn bị hư �starter� và hắn cần mượn một ít tiền để thay cái mới. Hắn hứa là anh sẽ gởi tiền hoàn trả cả vốn lẫn lời trong vài ngày bằng đường bưu điện. Ðể bảo đảm cho lời hứa, hắn còn dám đưa anh B. giữ bằng lái xe của hắn để làm tín vật. Tỏ ra hào hoa trước mặt người đẹp, anh B. móc bóp lấy tặng hắn tờ giấy 5 đô và bảo hắn không cần hoàn trả.
Anh B. cảm thấy rất hãnh diện với người yêu vì đã tỏ anh là người có lòng quảng đại cho đến khi?hơn một tháng sau đó? tại một địa điểm khác, một thanh niên khác cũng đến xin anh giúp đỡ vì xe của hắn cũng bị hư starter. Và anh ta cũng hứa là sẽ gởi tiền lại trả cho anh bằng đường bưu điện? Lúc đó, anh B. mới ngã ngửa và biết mình đã bị lừa.
Thủ đoạn này một thời ăn khách nhưng sau này có lẽ bị bể mánh nên không thấy chúng xuất hiện nữa.
…
Cách đây không lâu, một buổi chiều tối tôi đang đổ xăng tại ngã tư Magnolia và Bolsa thì một thanh niên Việt Nam, tuổi khoảng trên đôi mươi, cũng đến xin giúp đỡ.
Anh nói: - Xin anh cho em 1 đồng để em đi xe buýt về nhà. Xe em bị hư giữa đường.
Anh chỉ vào một chiếc xe cũ đang đậu trong góc sân.
Tôi nhìn anh một vài giây, dò xét và cuối cùng móc túi tặng anh một đô.
Khoảng hơn tháng sau, cũng chính anh đến xin tôi một đô để đi xe buýt về nhà nữa. Tôi tưởng tôi đã khôn hơn sau hai mươi mấy năm sống trên đất Mỹ, nhưng hỡi ơi, tôi vẫn còn bị mắc bẫy.
…
Một ngày khác, tôi vừa từ một cửa hàng bước ra thì một thanh niên Việt Nam chận tôi lại và nói:
- Anh làm ơn cho em xin 1 đồng rưỡi
Tôi hỏi: - Anh xin tiền mà còn có giá nữa sao ? Nhưng tại sao lại 1 đồng rưỡi ?
Anh nói: - Dạ, để em mua ly cà phê sữa đá
- Trời đất, tôi tưởng anh xin tiền mua cơm ăn ai dè anh xin tiền mua cà phê sữa đá. Sao sang vậy cha nội? Không tiền thì ráng nhịn uống cà phê, còn nếu ghiền quá sao không tới 7-11 mua cho rẻ. Hết ý. Xin lỗi, tôi không thể dung dưỡng cho anh được.
...
Nhưng không phải ai cũng lợi dụng người khác đâu. Có những trường hợp họ cần sự giúp đỡ thật sự như câu chuyện dưới đây.
Một buổi sáng tôi đang đẩy máy cắt cỏ thì một người đàn ông, có lẽ người Mễ, thở dốc, hổn hển đến nói với tôi:
- Xe tôi bị hết xăng trên xa lộ. Xin anh vui lòng cho tôi mượn phôn để tôi gọi cho vợ tôi. Con gái tôi đang bị bệnh, tôi đi mua thuốc nhưng xui quá xe lại bị hết xăng.
Tôi dợm bước định vào nhà lấy cái điện thoại không giây cho anh ta mượn. Bỗng mắt tôi nhìn thấy cái bình đựng xăng trong góc garage mà tôi vẫn chứa xăng dự trữ để chạy máy cắt cỏ. Tôi cầm bình lên mở nắp nhìn vào thì thấy trong bình còn hơn một gallon xăng. Cầm bình xăng ra đưa cho anh ta, tôi nói:
- Anh khỏi cần gọi vợ của anh. Lượng xăng này đủ để anh đi mua thuốc cho con anh và về nhà. Nhưng xin anh làm ơn nhớ trả lại tôi cái bình sau khi dùng.
Anh cám ơn, cầm lấy bình xăng và hối hả quay gót. Khoảng nửa giờ sau, anh lái xe trở lại, trả cho tôi cái bình xăng không, kèm theo tờ giấy 20 đô gọi là để trả ơn. Tôi bảo anh tôi không nhận tiền. Anh cố nài nỉ nhưng tôi nhất quyết không nhận. Cuối cùng, anh cất tờ giấy bạc vào túi, nói lời cám ơn tôi lần nữa và mở cửa bước lên xe. Nhưng khi xe anh vừa ngang qua chỗ tôi đứng, anh đã nhanh tay quăng tờ giấy bạc xuống sân cỏ và rồ ga phóng xe đi mất.
Chiều hôm đó, tôi đã bỏ tờ giấy bạc của anh vào giỏ quyên góp của nhà thờ.
Tại các nước nghèo, vấn đề vô gia cư, ăn xin trên đường phố có thể hiểu được vì do hoàn cảnh khắc nghiệt của đất nước đã đưa đẩy họ vào tình trạng này. Nhưng tại Hoa Kỳ, một siêu cường quốc, một nước mệnh danh có nền kinh tế đứng hàng số 1 trên thế giới, vậy mà cũng không thiếu những người vô gia cư, tiếng Anh gọi là �homeless�. Ðiều này có thể hơi khó hiểu đối với những đọc giả mới đến Hoa Kỳ, nhưng đối với những người đã sống ở đây lâu, chẳng có gì là lạ cả.
Thực vậy, theo thống kê của Bộ Y tế An sinh và Xã hội, năm 1998, trên toàn Hoa Kỳ, dân số homeless đã vượt mức 700,000 người, trong đó 78% là đàn ông và 22% là đàn bà. Da trắng chiếm 40%, da đen chiếm 42%, dân latinô chiếm 12%, dân da đỏ chiếm 5% và dân Á châu chỉ chiếm có 2%.
Dân homeless thường đóng đô tại những công viên, những khu nhà ổ chuột, những gầm cầu, hoặc trong những bụi rậm bên bờ freeway.
Nếu ai muốn tìm hiểu đời sống của những người homeless, hãy đến viếng thăm khu vực được mệnh danh là Skid Row của vùng downtown Los Angeles. Tại đây, bạn sẽ được chứng kiến tận mắt hình ảnh của những người homeless, già, trẻ, nam, nữ, chui rúc trong những hộp giấy carton, hay nằm la liệt trên các vỉa hè.
Tại thành phố nổi tiếng của người giàu Santa Barbara, dân homeless cũng chiếm đầy một công viên ngay gần đường State, con đường chính của thành phố thơ mộng này.
Tại quận Cam, thủ đô tinh thần của người tị nạn, cũng không thiếu dân homeless. Mới đây nha lộ vận đã phải huy động nhiều nhân viên và các xe ủi của họ để dọn sạch những căn nhà bằng hộp carton của dân homeless được dựng lên trong các bụi rậm bên bờ freeway thuộc thành phố Huntington Beach và nhiều thành phố khác.
Với tỷ lệ chỉ chiếm 2% trên tổng số, vì vậy, rất ít khi chúng ta thấy dân homeless là người Á Châu, nhất là người Việt Nam. Dường như, người Việt Nam, với câu giấy rách cũng giữ lấy lề, thà vất vả chứ không thể mất mặt, hoặc có lẽ vì đã quen chịu cực khổ nên khi được sống trên đất nước tự do, đầy cơ hội này, ít ai lâm vào cảnh vô gia cư cả.
Nhưng ít có không có nghĩa là không có. Tôi đã gặp nhiều người Việt Nam, có thể gọi là homeless, hằng đêm trải giấy dầu ngủ tại các vỉa hè ngay giữa trung tâm Little Sài-Gòn.
Một điều an ủi là tại Hoa Kỳ, những người homeless không chết đói vì họ đã có nơi ăn, chỗ uống. Rải rác trong các thành phố, thường có những trung tâm thiện nguyện cung cấp thực phẩm cho những người vô gia cư. Những trung tâm này thường do những nhà thờ điều hành, với ngân quỹ một phần từ chính phủ tài trợ, một phần do các người hảo tâm đóng góp. Hằng năm, vào dịp lễ Thanksgiving và Giáng Sinh, những trung tâm này còn cung cấp một bữa ăn gồm gà tây, thịt heo và những món khác để phần nào giúp những người kém may mắn hưởng được không khí của những ngày lễ. Những ngày mùa đông, khi nhiệt độ xuống dưới -40°F, các trung tâm của chính phủ được mở cửa để những người homeless có chỗ ngủ qua đêm.
Trong khi phần đông những người homless là do hoàn cảnh đưa đẩy, hoặc vì mắc bệnh tâm thần, thì một số lại được liệt kê vào loại "homeless-by-choice", nôm na gọi là "vô gia cư tự nguyện". Những người homeless-by-choice này thật ra có một đời sống rất ư là thoải mái. Suốt ngày họ chẳng phải làm gì ngoài chuyện ngủ, sắp hàng để ăn tại các trung tâm thiện nguyện và xin tiền mua thuốc hút.
Bạn hãy nghe câu chuyện dưới đây.
Tôi có một người bạn làm việc cho toà thị chính tại downtown Los Angeles. Văn phòng làm việc của chị có một cái cửa sổ nhìn xuống một cái công viên, nơi tập trung của dân homeless vùng downtown. Chị kể cho tôi nghe về đời sống của một anh chàng homeless da đen có một thân hình khoẻ mạnh, lực lưỡng, đóng đô tại một băng ghế đá, đối diện với văn phòng của chị.
Mỗi sáng, anh thức giấc lúc 10 giờ. Sau đó anh làm một màn thể dục khoảng nửa giờ. Rồi anh đi đâu không biết, có lẽ đi sắp hàng ăn trưa. Cho đến khoảng hơn 1 giờ, anh trở lại băng ghế, mồi thuốc hút. Hút xong điếu thuốc, anh móc trong túi áo khoác một bao giấy dầu và lôi ra một chai rượu nhỏ. Anh làm một hớp, đóng nắp chai rượu, bỏ vào bao giấy, nhét vôi túi áo khoác rồi ngả lưng làm một giấc đến khoảng 3 giờ chiều. Thức dậy, anh lại tập thể dục khoảng nửa giờ rồi lại biến đi đâu mất, có lẽ lại đi sắp hàng ăn cơm. Ðến gần 7 giờ, anh lại xuất hiện bên ghế đá, lại mồi thuốc, lại móc chai rượu nhỏ trong túi ra và làm một hớp. Một ngày như mọi ngày, diễn tiến được lập lại y như vậy.
Với cuộc đời nhàn hạ như thế, chả trách anh chọn làm dân homeless.
Không ai trong chúng ta lạ gì với cảnh những anh chàng Mỹ, da trắng có, da đen có, vóc dáng khoẻ mạnh, thường đứng tại các ngã tư, trên tay cầm cái bảng bằng giấy bìa nghuệch ngoạc mấy chữ “Homeless - Will work for food” hay “Homeless - Hungry - Need help”. Nhưng nếu bạn thử cho họ thức ăn, họ sẽ thẳng thừng từ chối. Họ chỉ nhận tiền mặt.
Lâu lâu, tôi lại thấy một chiếc xe quay cửa xuống và quăng ra tờ giấy bạc 1 đô hoặc vài đồng quarters. Ðiều đáng nói là, theo một bài báo mà tôi có lần đọc được, lợi nhuận của những người này nhiều khi lên đến trên năm mươi ngàn đô một năm, không phải đóng thuế. Cao hơn lương của một kỹ sư áo trắng cổ cồn.
Tôi cũng có lần được xem một phóng sự bởi Dateline của đài truyền hình NBC về những người giả dạng homeless này. Ống kính của người cameraman của NBC đã thu hình được một anh chàng homeless khoẻ mạnh, sau khi vài tiếng “làm việc” tại một ngã tư, đã lên áo quần sạch sẽ, sau đó lái xe hơi để tới một hộp đêm du hí.
Bây giờ thiên hạ khôn hơn nên nghề này không kiếm ăn được nhiều nhưng không vì vậy mà dân xin tiền ngã tư biến mất. Tôi vẫn thấy họ đứng ở những ngã tư, nhất là những ngã tư đông người qua lại.
Qua những điều tôi trình bày trên đây, bạn hỏi, vậy thì chúng ta có nên giúp đỡ hoặc cho tiền những người ăn xin hay không?
Câu trả lời hoàn toàn tuỳ thuộc vào bạn.
Riêng tôi, nhất quyết không bao giờ tôi cho tiền những người đàn ông khoẻ mạnh. Nếu đã có những người Mễ phải đi làm ruộng dâu dưới sức nóng như thiêu như đốt của vùng Bakerfield, hoặc có những người Việt tị nạn phải nhọc nhằn rửa những chồng chén dĩa cao ngất trong các nhà hàng để kiếm được mấy đồng một giờ hầu có thể nuôi sống gia đình và bản thân, thì không có lý do gì một tên Mỹ khoẻ mạnh lại có thể “homeless - hungry - need help” được.
No way.
Trần Quốc Sỹ
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét