Thứ Hai, 9 tháng 7, 2007

Chiếc Bình Trà Sứt Vòi Trên Nhà Thủy Tạ

Thứ sáu tuần trước, lúc mặt trời chưa mọc, tôi có việc phải đi qua thành phố Orange. Hai dãy phố nhỏ nằm dọc theo con đường Glassell có những cây cổ thụ lá bắt đầu ngả vàng. Gần một công viên nhỏ, trên bờ hè, có một quán cà phê che dù, mặc dầu trời lạnh, có những đôi vợ chồng già cổ quàng khăn ấm đang ngồi trước ly cà phê buổi sáng. Trời sương mù làm những ngọn đèn đường càng thêm hư ảo. Những ngôi nhà gỗ, những cây thông mờ nhạt lẫn trong sương.

Giá mà tôi có thể dừng lại, vào quán cà phê, cởi chiếc áo choàng phủ sương, gọi một ly cà phê đậm thật nóng, trên tay một điếu thuốc " Nhưng nghĩ đến tách cà phê lễnh loãng và chạnh lòng nghĩ đến mình là một khách tha hương, bỗng dưng tôi thấy mất hết hứng thú. Tôi lái xe chậm lại và nghĩ đến một thành phố trong dĩ vãng. Thành phố này và buổi sáng sương mù làm cho tôi nhớ đến Đà Lạt.

Tôi vẫn nhớ đến tháp chuông Nhà Thờ Con Gà nổi lên trong sương mù Đà Lạt. Tôi vẫn nhớ tiếng chuông leng keng của những chiếc xe ngựa quanh bờ hồ Xuân Hương. Tôi vẫn nhớ đến đôi má ửng đỏ của những thiếu nữ Đà Lạt cũng như Đà Lạt với những vườn hoa hồng, hoa mận, hoa đào và những chùm hoa mimosa bên đường. Tôi vẫn nhớ đến Đà Lạt với mùa phấn thông vàng. Đà Lạt tĩnh mịch, êm ả như chốn thiên đường. Đà Lạt đồi cao, đường thấp một tiếng xe qua cũng làm phá vỡ sự yên lặng của một buổi chiều.

Tôi yêu sự náo nhiệt nồng cháy của Sàigòn nhưng mỗi khi bước xuống phi trường Liên Khương, bỗng dưng thấy mình như bước qua một thế giới khác. Sự yên lặng, thoáng khí và một chút hơi lạnh cùng với mùi của cỏ cây khiến cho lòng tôi như dịu lại.

Đà Lạt là một thành phố giàu có. Tiểu tư sản và Đà Lạt quá Đà Lạt như một cô tiểu thư sang trọng sống trong ngôi biệt thự phủ đầy hoa hồng. Phải chăng nếu Đà Lạt nghèo đói, tồi tàn thì Đà Lạt không còn gì là thơ mộng, không còn đẹp đẽ nữa.

Tôi trở lại Đà Lạt vào đầu mùa mưa năm 1988. Đà Lạt giờ này chẳng còn thân quyến, chẳng còn bạn bè. Chủ nhân của những căn biệt thự trên đồi, chủ nhân của những tòa nhà tráng lệ đã đi xa rồi. Những khu vườn hoa hồng chẳng còn ai săn sóc, phải chăng những cánh hoa thắm sắc đã rụng để cây hồng chỉ còn lại lá và gai. Những bãi cỏ đã được cày cuốc thêm để lấy thêm một ít diện tích cho rau cải, tưởng như với một vài khoảnh đất ấy mà người ta có thể làm giàu cho đất nước. Rau cải có thừa, đường sá đi lại đã không bị gài bẫy đắp mô và xăng cũng không có, xe không thừa để vận tải rau cải đi khắp nơi.

Đà Lạt chắc hẳn đã nghèo đi về tài nguyên và đã nghèo đi cả màu sắc. Chợ Hòa Bình ngày nay ít có màu tươi sáng của những tà áo Sàigòn, Nha Trang ghé lại. Những màu áo len cùng với đôi má đỏ hây hây hoa đào ngày trước tưởng chừng như biến mất.

Đà Lạt với những chàng trai Võ Bị, Chiến Tranh Chính trị với những cô gái Đại Học Kinh Doanh. Đà Lạt với những chàng thiếu niên Yersin và những cô gái Couvent des Oiseaux. Đà Lạt với những mối tình sử bên Hồ Than Thở mà đâu nghe tiếng gió thở dài trên đỉnh thông già. Tiếng thác Gu-Ga vẫn ầm ầm đổ nước bất chấp mọi thay đổi dưới giòng suối kia. Cái vô tư của tạo vật làm buồn thêm lòng người trở lại Đà Lạt.

Đứng trên lầu khách sạn Ngọc Lan nhìn về phía Nhà Thờ, mây vẫn trắng trời vẫn xanh, nhìn về Hồ Xuân Hương vẫn bóng nước in mây trời, nhà thủy tạ chói sáng trên mặt hồ. Nhưng nhìn về phía khu Hòa Bình, hình như những màu sắc ngày xưa cùng những bóng người đã thay đổi. Có lẫn lộn nhiều màu xám lục của những bộ đồ trận bộ đội cùng với những chiếc nón cối, những chiếc áo trấn thủ để sống qua nhiều năm trận mạc, giờ đây đã tràn đầy trên thành phố hoa hồng ngày nào. Tôi nghe tiếng nói hình như đã đổi khác. Ngày xưa Đà Lạt là đất cao nguyên của người dân thiểu số, sau đó Đà Lạt tràn ngập giọng Huế theo vua Nguyễn lên Hoàng Triều Cương Thổ tạo lập một khối dân cư chính, phần đông là lính ngự lâm quân của Bảo Long, một số khác phục vụ trong các dinh cơ của Hoàng Đế. Một phần dân cư Đà Lạt pha lẫn Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên "

Quả thật Đà Lạt chẳng còn ai. Ngày xưa bạn bè phần đông phục vụ trong các quân trường, cơ quan quân sự, các đại học, các trường trung học. Lớp lớp bỏ Đà Lạt ra đi đã nhiều. Nhiều gia đình lập nghiệp ở Đà Lạt đã lâu cũng đã bỏ về các miền xuôi miền biển những năm 80 để tìm một con đường sống. Có cố tìm lại cũng chẳng thấy được một người quen.

Giờ đây ở Đà Lạt tôi chỉ còn có hai người quen. Đó là hai người cháu ở lớp tuổi trung học đệ nhất cấp ngày đất nước tan hoang, ngày nay hai anh em đều làm bác sĩ ở bệnh viện tỉnh. Buổi chiều họ đạp xe đạp ở bệnh viện về, qua chợ mua bó rau vội vã về nhà khám bệnh chích thuốc cho một vài bệnh nhân nghèo để có tiền trả tiền nhà và dành dụm về quê thăm bố mẹ. Cô cháu cũng đã gần ba mươi, khi tôi hỏi đến chuyện vợ chồng, cô thành thật nói:

- Chú nghĩ coi, cháu tìm đâu ra một người chồng trong cái đám ở đây, khi cháu là một bác sĩ. Toàn đui què mẻ sứt cả. Thôi cháu đành ở già thôi.

Buổi tối Đà lạt lành lạnh, có hơi sương làm người ta nghĩ đến chuyện đi uống một tách cà phê nóng. Đành phải xuống nhà thủy tạ nơi mà trước kia những người thường ghé qua Đà Lạt không thể bỏ qua. Ngồi ở đó, bên một vài người bạn hay với người yêu, uống một tách cà phê hay một tách trà nóng, nhìn ra mặt hồ trong đêm tối, tưởng như không có gì thú vị bằng. Khách thường ngồi ở những quán cà phê Sàigòn, ở Brodard hay ở Givral, ầm ầm những tiếng xe trên đường qua lại, được ngồi một vài giây phút ở đây, trên nhà thủy tạ giữa bờ hồ Xuân Hương, để thấy lòng mình yên tĩnh, thư thái hơn.

Hồ Xuân Hương, quả là ai đó đã chơi chữ đem chữ Xuân Hương đặt tên cho Hồ, để người ta hay nhắc đến người nữ sĩ hay ỡm ờ, tinh quái này mỗi lần nói đến Đà Lạt, mặc dù Đà Lạt chẳng có gì khiến ta liên tưởng đến nhà thơ này.

Trong khi chờ cà phê, người "nữ mậu dịch quốc doanh" đem ra một bình trà và hai chiếc tách để xuống bàn. Tôi đang lơ mơ mãi nhìn qua phía bên kia hồ, tiếng động làm tôi quay lại. Bạn ơi, trên mặt bàn là một bình trà sứt vòi, vỡ nắp và hai chiếc chén, tất cả đều bằng sành. Tôi định kêu người mậu dịch viên trở lại nhưng cô ấy đã đi khuất sau cánh cửa. Cháu tôi hỏi : "Chú định gọi gì thêm?" Tôi liếc mắt nhìn xuống bình trà. "Chuyện ấy là thường chú ạ!"

Trong trí nhớ tôi, tôi vẫn thường nghĩ về một Đà Lạt dịu dàng, sang trọng đẹp đẽ, mặc dù điều ấy giờ đây có thể sai. Nhưng chiếc bình trà vàng ố, sứt vòi, vỡ nắp nằm thách đố trên chiếc bàn, dưới ánh đèn làm tôi cảm thấy nghẹn tức, như có một điều gì bất như ý hiện ra trong lúc tôi đang vui.

Đã mười bốn năm qua từ ngày miền Nam bước vào một thời kỳ mới, những năm đầu có khó khăn đã đành, đến nay vẫn còn giai đoạn cửa hàng nhà nước, quốc doanh với những cô mậu dịch viên mặt mày nặng nề, chanh chua và một chiếc bình trà sứt vòi trên nhà thủy tạ Đà Lạt tối nay.

Lẽ nào người ta kéo đất nước vào một tình trạng nghèo đói, thê thảm và sống sượng như thế này. Không bao giờ ai có thể tưởng tượng con cháu chúng ta lại thấy được cái xe hơi chạy bằng than trên đường phố hôm nay, và cho đến 1988 vẫn còn cái "cửa hàng nhà nước" tồn tại.

Buổi tối hôm ấy trên nhà thủy tạ, đáng lẽ chúng tôi phải nói đến chuyện vui buồn đi ở, thì nói nhiều đến chuyện đất nước tan hoang. Bây giờ chỉ còn trông cậy vào lớp thanh niên, có học yêu nước thương nòi, ráng đổi mới, cách mạng xây dựng đất nước. Những người cầm quyền vừa lạc hậu vừa ngu dốt đang còn cố bám lấy ngai vàng, yêu bản thân và quyền lợi của mình hơn cả đất nước và lê dân. Đổi mới, làm giàu quê hương, xây dựng lại dân chủ thì sợ mất chức, chạm đến đặc quyền đặc lợi của mình.

Tôi nghĩ đến hai đứa cháu tôi đang ở Đà lạt và tôi sẽ gặp lại chúng vào một ngày không xa nhưng chắc chắn sẽ vui hơn, lành lặn hơn. Hôm sau trên chuyến xe đò trở lại Sàigòn, tâm trí tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi chiếc bình trà, và bây giờ, sáng nay, nhớ Đà Lạt đến ray rứt, tôi không làm sao gạt ra ngoài ý nghĩ về chiếc bình trà sứt vòi trên nhà thủy tạ Đà Lạt đêm hôm ấy.

Huy Phương
(trích trong Nước Mỹ Lạnh Lùng)

Không có nhận xét nào: