Thứ Hai, 2 tháng 7, 2007

Ca Sĩ Đàm Vĩnh Hưng Chuyện Tình Bây Giờ Mới Kể

Thiên hạ có câu, đi xa về thường hay nói láo... Nhưng nói láo như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng quả thật có một không hai. Làm ông chủ thầu show cho một bà bầu ở miền cận Đông. Đàm Vĩnh Hưng đi Mỹ như đi chợ. Nhưng nói dóc "bá chấy" luôn người ở hải ngoại thì quả thật chỉ có ông bầu này.

Đàm Vĩnh Hưng - tìm
thấy ánh sáng tương lai
Tin tưởng vào ngày mai tươi sáng, tôi cứ nhẫn nại chờ đợi. Thời điểm này, giọng hát của tôi ảnh hưởng nặng nề bởi phong cách thần tượng - ca sĩ Thanh Lam. Tôi ăn, ngủ và thở cũng có hình bóng của Thanh Lam. Mọi bài báo viết về Lam tôi đều sưu tập đầy đủ và đọc đi đọc lại không sót chữ nào. Tôi hạnh phúc với những gì người ta viết khen chị và nhiều lúc buồn đến bỏ cả ăn, mặt mày bí xị khi nghe tin không hay về thần tượng. Tôi "yêu" Thanh Lam một cách điên cuồng, và luôn khiến mình bằng mọi giá phải thật giống Thanh Lam.

Hình như tôi đã thực hiện được mong muốn này. Phong cách hát của tôi dập khuôn giống Lam đến nỗi không trung tâm nào dám mời tôi thu đĩa. Họ nói nếu mời tôi thì họ mời Thanh Lam thu luôn cho rồi. Thế mà tôi lại chẳng buồn, ngược lại còn có cảm giác… sướng vì “mình hát giống Thanh Lam dữ vậy sao?”.

Về bản chất, mỗi ngày diễn ra đều như nhau. Nhưng trong số phận con người, có những ngày dẫu chỉ vỏn vẹn 24 giờ vẫn khiến họ không thể quên được. Ngày đáng nhớ đó với tôi là khi tôi nhận được bàn tay của vị cứu tinh kéo tôi ra khỏi những gian nan, vất vả của bóng đêm u tối đầy chật vật, không biết phải xoay cựa ra sao trong nghề hát. Đó là nghệ sĩ hài Hoài Linh.

Trong một lần về nước biểu diễn, Hoài Linh tình cờ nghe qua giọng hát của tôi. Bằng những nhận xét chân tình, anh chỉ cho tôi biết thế mạnh bản thân tôi đang có để phát huy. Anh nhận lời giúp đỡ tôi thực hiện CD đầu tiên trong cuộc đời làm nghệ sĩ. Trời ạ. Tôi làm sao dám nghĩ sự thật may mắn đó lại có lúc đến với mình, bởi chuyện này đối với tôi lúc đó quả thực là một mong ước xa vời.

Sau lần gặp gỡ đó, anh Hoài Linh quay lại Mỹ nhưng không quên thường xuyên gọi điện thoại về Việt Nam hỏi tôi thực hiện công việc chuẩn bị cho album đầu tay tới đâu rồi. Trời! Tôi đào đâu ra tiền để thuê nhạc sĩ hòa âm phối khí, mướn phòng thu… nên không dám nói thật mà chỉ ừ hữ cho qua chuyện.

Mãi đến khi anh Linh về lại Việt Nam, cầm tiền giao tận tay tôi thì tôi mới có điều kiện hiện thực hóa mơ ước mà tôi luôn nghĩ là xa vời đó. Cầm cục tiền quá lớn với mình khi ấy, tay chân tôi run muốn quỵ xuống. Những đồng tiền là vật vô tri, nhưng đúng là nó đang giúp cho tôi thực hiện hoài bão ấp ủ bấy lâu… Và tôi bắt tay vào công việc

Trong khoảng thời gian ấy, tại phòng tập mà tôi thường lui tới rèn luyện sức khoẻ, tôi nghe thấy bản nhạc Caravan của Kitaro - ca khúc sau này trở thành nhạc phẩm Tình ơi xin ngủ yên làm thay đổi số mệnh và sự nghiệp của tôi.

Giống như linh tính, tôi thích Caravan ngay từ lần đầu tiên. Tôi đã cố công và cuối cùng tìm được bản gốc của ca khúc đó. Khi nhờ người dịch ra, nội dung bài hát kể về một cuộc viễn du, rất xa… Và tôi thấy bóng dáng của mình vì đôi khi, chính bản thân tôi cũng muốn được một lần bỏ đi đâu đó thật xa… Nhưng khi đặt bút chuyển sang lời Việt, tôi lại bị chi phối bởi cảm xúc bản thân. Thế là tôi áp đặt cho nó những gì đã diễn ra trong các cuộc tình từng xảy đến với tôi. Những lời lẽ chúng tôi vẫn thường hay nói với nhau giờ đây trở thành câu hát, tiếng nhạc.

CD đầu tay được phát hành tại Mỹ, khán giả khắp nơi cứ nghĩ tôi là ca sĩ hải ngoại vì lúc đó chưa ai biết đến Đàm Vĩnh Hưng đầu cua tai nheo ra sao. CD thắng lớn ngoài sự mong đợi, ông chủ trung tâm vui mừng, mời tôi quay hình cho hai ca khúc nằm trong album là Tình ơi xin ngủ yên và Say tình.

Tôi lao vào như một kẻ tham công tiếc việc vẫn với nỗi sợ mơ hồ rằng biết đâu ngày mai không còn được quay nữa. Tôi gặp không biết bao nhiêu khó khăn khi phải vật lộn, lênh đênh trên biển để thực hiện 2 ca khúc đó. Không có quần áo đẹp, tôi phải mượn ca sĩ Hoàng Thanh một chiếc sơ mi trắng…

Chi phí ăn ở đều do anh Hoài Linh hỗ trợ. Tôi nhớ rất rõ lúc quay xong trở về, tiền anh Hoài Linh cho vẫn còn dư, tôi gửi lại thì anh ấy bật cười lớn vì không nghĩ tôi thật thà đến thế… Vất vả đi xe lửa, sinh hoạt, ăn ở lăn lóc với đoàn quay hết một tuần chỉ để lấy 5 phút cho mỗi ca khúc mà thôi.

Nương theo đà thắng lợi, ông chủ yêu cầu tôi bắt tay vào làm album thứ 2. Tôi xin được phát hành vol.1 tại Việt Nam, vì thực tế là nguyên cái album đầu tiên ấy tôi ghi âm 2 tháng và quay hình cả tuần mà không nhận được một đồng cắc nào. Nhưng tôi chấp nhận tất cả chỉ với niềm hy vọng chờ đợi đến một ngày…

Cuối cùng album cũng được cấp phép tại Việt Nam. Tôi cầm master đi nhờ một số hãng tên tuổi làm đại diện phát hành, nhưng cay đắng thay chẳng ai thèm để ý đến tôi dù chỉ bằng nửa con mắt. Có vị còn lạnh lùng phán: “Cậu không có tướng trở thành một ngôi sao đâu. Trông đợi viển vông làm gì, chỉ có ca khúc mới là ngôi sao thôi”.

Cầm master đi hết hãng này đến hãng khác, nơi đâu cũng chỉ ném cho tôi cái nhìn đầy lạnh lùng và nghiệt ngã. Tôi ức lắm nhưng vẫn ráng nhịn để đứa con tinh thần được cơ hội ra đời… Tôi phải nói với họ hàng trăm thứ điều mà tôi có thể làm được, miễn sao họ chịu phát hành mà thôi. Thậm chí tôi và Vũ Hà còn nghĩ ra việc tặng phiếu cắt tóc miễn phí trên mỗi CD…

Chờ mãi, cố gắng mãi trong vô vọng cho đến một chiều cuối năm tôi vô tình gặp chị Hạnh - Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng. Tôi tâm sự và chị Hạnh nhận lời sẽ giúp. Lúc ấy, dù không tin tưởng vào may mắn tình cờ đó nhưng tôi vẫn vội vàng tiến hành ngay. Thật không ngờ kết quả hơn cả ước mơ, số lượng CD bán ra vượt mức khủng khiếp. Các trung tâm khác thấy hiện tượng lạ thì liên tục điện thoại hỏi xem Đàm Vĩnh Hưng là ai và tại sao lại “rơi vào tay” Lạc Hồng.

Cơn lốc Tình ơi xin ngủ yên bắt đầu khuynh đảo thị trường băng đĩa. Khắp nơi mở nhạc của tôi, từ các xe kẹo kéo dạo, xe bus, taxi, các quán cà phê vỉa hè tới máy lạnh, thậm chí cả vũ trường cũng mở để out nhạc. Đi đến đâu tôi cũng chỉ nghe thấy Tình ơi xin ngủ yên. Ngay cả những nơi tỉnh lẻ xa xôi, các em bé đủng đỉnh trên lưng trâu cũng nghêu ngao: “Mãi rời xa, tình còn nghe xót xa, mãi rời xa…”. Tôi được mời hát, báo chí liên tục đưa tin, còn tôi thì quen dần với việc liên tục ngồi trên xe thực hiện các sô diễn tỉnh. Một tia sáng rực rỡ cho tương lai của tôi xuất hiện từ phía xa, và tôi chạy đến.

Năm đó, báo chí mệnh danh tôi là “hiện tượng Đàm Vĩnh Hưng” hay “hiện tượng Tình ơi xin ngủ yên”.

Đàm Vĩnh Hưng - những cuộc chạy đua
Cuộc chiến tranh lạnh giữa những người trong giới nghệ thuật cũng bắt đầu manh nha xuất hiện với mũi tên chĩa về phía tôi. Hầu như họ đều ác cảm với điều mà tôi đang làm được. Rất nhiều chương trình biểu diễn mà tôi bị “chơi hội đồng”. Họ tuyên bố với nhà tổ chức rằng nếu có tôi thì cả nhóm đồng loạt bỏ diễn, và dĩ nhiên vì tôi “thấp cổ bé họng” nên bị cho nghỉ xả hơi liên tục. Chỉ trong năm đó, tôi bị mất tới 60 sô lớn vì kiểu chơi xấu ấy.

Trong chuyến lưu diễn tại châu Âu, một nhóm người đi lượt trước, tôi cùng vài người nữa phải đợi đợt sau đó vài ngày. Họ lại tuyên bố nếu Đàm Vĩnh Hưng cũng đi, cả nhóm sẽ bay về Việt Nam ngay lập tức. Tôi tiếp tục bị cho ở nhà…

Vui ít, buồn nhiều nhưng tôi vẫn cố công miệt mài theo đuổi sự nghiệp yêu thích. CD vol.2 cũng đến ngày phát hành. Lần này thành công còn lớn hơn, vang dội hơn lần trước. Đó là cú knock-out mà Bình minh sẽ mang em đi thực hiện, nó đưa tôi lên thẳng đài danh vọng, vượt qua tất cả ganh ghét và đố kỵ. Tôi đến gần hơn với thứ ánh sáng diệu kỳ le lói nhìn thấy từ Tình ơi xin ngủ yên…

Bầu sô rất nhanh nhạy, họ tận dụng tôi hết công suất, sử dụng tôi đến chóng mặt, các tỉnh thành ngóc ngách đều có dấu chân của tôi. Thế nhưng… tiền lương vẫn thấp, "gà" mới đang nổi nên bầu sô tận thu được mẻ lớn. Lúc đó tôi không biết tính toán hay hét giá cho xứng đáng với bản thân, chỉ biết hát là hát.

Chiếc xe tôi thuê để chạy sô tỉnh trở nên quen thuộc giống như ngôi nhà vậy. Dần dần, tôi chính thức trở thành người công chúng. Cuộc sống của tôi rẽ sang con đường khác. Tôi bắt đầu ý thức sự nổi tiếng của mình với những người xung quanh, nhưng tôi luôn tự căn dặn mình không được thay đổi tính nết, không ngủ quên trên chiến thắng, lúc nào cũng phải như ngày đầu mới bước chân lên sân khấu: khiêm tốn và không chảnh chọe. Tôi tự nhủ: “Hưng ơi, cứ yên tâm đi, những điều không có trong máu của mày thì làm sao nó hiện hữu được”.

Lúc này đây tôi không thể kể chi tiết chuyện buồn, nỗi bực bội, chán nản và khó khăn trong nghề mà tôi đã gặp, bởi nó đụng chạm đến rất nhiều người. Chúng gần như xảy đến hằng ngày, mà tôi thuộc tuýp người tôn trọng sự thật nên nếu kể ra sẽ không vui. Thôi thà không viết còn hơn cố nói những điều bịa đặt, tô hồng.

Đừng nghĩ làm ngôi sao sẽ sung sướng lắm… Không hẳn đâu. Tôi là người chịu nhiều kiểu đối xử chẳng ra gì của người xung quanh: từ bầu sô, đồng nghiệp đến khán giả… Có những đêm đang hát, tôi bị ném đồ linh tinh rác rưởi lên sân khấu, bị nói những câu vô ý thức hay tệ hơn là gửi thư hăm doạ, chửi bới, miệt thị. Vì đã dặn mình trước rồi nên tôi không cảm thấy ngạc nhiên lắm. Có điều, nhiều lúc tôi cũng chạnh lòng vì đâu có lỗi lầm gì ngoài việc tự giúp mình trở nên nổi tiếng nhờ năng lực bản thân. Vậy mà những kẻ đó muốn chửi gì thì chửi, muốn ném cái gì về phía tôi cũng được là sao?

Có những lần không kiềm chế được, tôi nổi xung lên. Đang hát, tôi cũng dừng lại xử lý vài trường hợp láu cá, vô ý thức… Thậm chí tôi bực bội tới mức nổi đóa ngay tại sân khấu, tính dạy cho kẻ ăn nói vô văn hóa đó một bài học đích đáng cho hả giận… Nghệ sĩ cũng là con người, cũng biết giận hờn, buồn tủi và đau khổ. Thậm chí những phần đó còn nhiều hơn người bình thường gấp nhiều lần. Không lẽ ai muốn vặt lông, xé cánh hay nhục mạ cũng cứ tự do mà làm sao?

Trong tâm niệm của tôi, đi hát có 3 mục đích: vì yêu nghề, vì khán giả và vì mưu sinh. Vì thế tôi tự phải biết dung hòa và sống đúng những gì mình đam mê. Tôi ít khi đếm số lượng ca khúc mà mình biểu diễn, thường hay xin được hát thêm vì tôi rất mê hát. Có nhưng buổi vui chơi hoặc đến nơi có âm thanh, đàn trống là tôi phải leo lên sân khấu cho bằng được, mê mải hát mười mấy bài liền. Mặc dù với số lượng ca khúc và sự xuất hiện đó, tôi cũng có thể nhẩm ra một khoản tiền không nhỏ đâu. Vậy mà tôi cứ hát, hát miễn phí, hát điên dại… hát cho chính mình và cho những người chịu nghe mình… đâu cần nhất thiết phải vì cái gì.

Những người phụ nữ trong đời Đàm Vĩnh Hưng

"Lọ Lem Mỹ Tâm như một huyền thoại bước ra từ vỏ kén, thăng hoa thành loài bướm xinh đẹp. Những cảm xúc đặc biệt chỉ mình tôi biết. Những kỷ niệm hồn nhiên của hai đứa tôi cũng sẽ giữ mãi…", nam ca sĩ nói về người để lại ấn tượng trong anh.

Hưng từng đưa ra một tuyên bố khá cực đoan (trong rất nhiều tuyên bố tự tin đến phát... sốc): "Nếu ai thích Đàm Vĩnh Hưng một, Đàm Vĩnh Hưng sẽ thích lại mười. Còn ai ghét một, Đàm Vĩnh Hưng ghét lại một trăm". Anh giải thích: "Tôi luôn muốn cuộc sống của mình được thoải mái. Cuộc đời ngắn ngủi lắm. Tôi không muốn sân si làm gì nhưng phải làm như vậy để những người không ưa Đàm Vĩnh Hưng phải nhìn lại họ. Tuy nhiên, tôi tin số người ghét Đàm Vĩnh Hưng chỉ là muối bỏ bể. Hiện nay, gần một nửa dân số Việt Nam biết Đàm Vĩnh Hưng là ai và tôi tin rằng cũng từng ấy người yêu thích tiếng hát của mình".

Tự tin là "vũ khí tối thượng" của Đàm Vĩnh Hưng trên bước đường tạo dựng tên tuổi. Với chàng ca sĩ tuổi Hợi này, cái tên Đàm Vĩnh Hưng bây giờ là một thương hiệu. Để gây tiếng tăm và giữ uy tín cho thương hiệu, anh làm việc chẳng khác một nhà kinh doanh có chiến lược rõ ràng. Đàm Vĩnh Hưng ra album đều đặn, đầu tư không tiếc tiền để làm những liveshow chất lượng và đặc biệt, anh luôn có "chiêu" trong những buổi trình diễn ở các phòng trà.

"Hát ở phòng trà phải hát live và xuất hiện rất gần khán giả, vì thế ưu, nhược điểm của mình cũng dễ bị phát hiện", Hưng tiết lộ. Có đến phòng trà xem Đàm Vĩnh Hưng hát mới biết anh đam mê nghiệp cầm ca thế nào. Anh hát liên tục 20 bài (không ít trong số đó là theo yêu cầu), thanh quản gồng lên liên tục, mặt ửng đỏ nhưng không bao giờ tỏ ra đuối sức. Hôm nào hát xong anh cũng ra cửa phòng trà đợi sẵn để chào và cảm ơn khán giả. Mr. Đàm được yêu mến cũng vì: "Tôi muốn khán giả dành thời gian đến với mình được thư giãn thực sự, đáng với những gì họ bỏ ra".

Trong giới ca sĩ, Đàm Vĩnh Hưng có biệt danh "Bang chủ". Phải chăng vì anh có mối quan hệ mật thiết với nhiều bầu sô ở hải ngoại và có quyền "sinh sát" chuyện lưu diễn nước ngoài, đặc biệt ở Mỹ của một số ca sĩ khác? Hưng trả lời không chút đắn đo: "Tôi mà có quyền như vậy, ắt hẳn sẽ sinh ra hiềm khích với không ít người trong giới. Điều này tôi chẳng muốn chút nào. Ai muốn đi diễn ở đâu thì đi, việc gì phải qua tôi? Tôi còn nhiều việc phải làm chứ đâu rảnh mà sân si mấy chuyện đó".

Không có nhận xét nào: